Quyết định 330/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006-2015 và tầm nhìn đến năm 2020
Số hiệu: 330/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương Người ký: Trần Thị Kim Vân
Ngày ban hành: 26/01/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 330/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 26 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CHĂN NUÔI TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2006-2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Xét Tờ trình số 1047/TTr-KH-SNN ngày 25/12/2006 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nội dung quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006-2015 và tầm nhìn đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006-2015 và tầm nhìn đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên quy hoạch: Quy hoạch Phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006-2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

- Chủ quản dự án: Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương.

- Chủ đầu tư dự án: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương.

2. Mục tiêu quy hoạch:

a) Mục tiêu chung:

- Xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung heo, gà và bò thịt, bò sữa. Tạo ra bước đột phá về phương thức và kỹ thuật chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ. Nâng cao hiệu quả và gia tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi. Sản xuất ra sản phẩm chăn nuôi có chất lượng cao, giá thành hợp lý, có khả năng cạnh tranh trên thị trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Khai thác triệt để các lợi thế, đất đai, lao động và các giống vật nuôi phù hợp ở các vùng sinh thái để đẩy nhanh tốc độ phát triển chăn nuôi, đưa tỉ trọng chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp lên trên 32% vào năm 2010 và chiếm 35% vào năm 2015.

- Chủ động kiểm soát và khống chế được các dịch bệnh nguy hiểm, nhất là dịch cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đảm bảo an toàn dịch tể, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ những hoạt động chăn nuôi, giết mổ động vật, vận chuyển và kinh doanh thực phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm chăn nuôi, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, đồng thời bảo vệ tốt nhất đàn gia súc – gia cầm.

b) Mục tiêu cụ thể:

* Mục tiêu giai đoạn 2006-2010:

- Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng sản xuất ngành chăn nuôi bình quân: 5,5 – 6,0%/năm, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đến năm 2010 đạt khoảng 1.200 tỉ đồng, chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

- Tổng đàn heo: 340.000 con, đàn bò: 40.000 con và tổng đàn gia cầm: 1,68 triệu con; trong đó, đàn gà: 1,62 triệu con.

- Tổng khối lượng thịt hơi các loại: 71.800 tấn; trong đó, thịt heo: 62.000 tấn, thịt trâu bò: 5.500 tấn và thịt gia cầm: 4.200 tấn.

- Tổng sản lượng sữa bò tươi: 14.700 tấn.

- Tổng sản lượng trứng: 41,55 triệu quả.

* Mục tiêu giai đoạn 2010-2015:

- Phấn đấu đến 2015, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đến năm 2015 đạt khoảng 1.650 tỉ đồng; tỉ trọng ngành chăn nuôi chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp với tốc độ phát triển bình quân giai đoạn 2011 – 2015 là: 8,0 – 8,5%/năm.

- Tổng đàn heo: 456.000 con, đàn bò: 44.000 con và tổng đàn gia cầm: 2,32 triệu con; trong đó, đàn gà: 2,25 triệu con.

- Tổng khối lượng thịt hơi các loại: 95.000 tấn; trong đó, thịt heo: 84.000 tấn, thịt trâu bò: 5.100 tấn và thịt gia cầm: 5.800 tấn.

- Tổng sản lượng sữa bò tươi: 28.100 tấn.

- Tổng sản lượng trứng: 57,33 triệu quả.

* Tầm nhìn đến năm 2020:

- Tổng đàn heo: 500.000con, đàn bò: 50.000 con và tổng đàn gà: 2,6 triệu con.

- Tổng khối lượng thịt hơi các loại: 124.000 tấn; trong đó, thịt heo: 105.000 tấn, thịt trâu bò: 7.000 tấn và thịt gia cầm: 12.000 tấn.

- Tổng sản lượng sữa bò tươi: 36.000 tấn.

- Tổng sản lượng trứng: 97,60 triệu quả.

3. Nội dung quy hoạch:

a) Quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung:

- Vùng chăn nuôi bò sữa tập trung: gồm xã Long Nguyên và một phần xã Lai Hưng, Hoà Lợi, Chánh Phú Hoà (cơ sở có sẵn) của huyện Bến Cát; xã Vĩnh Tân, Tân Bình và một phần xã Phú Chánh của huyện Tân Uyên.

- Vùng chăn nuôi trâu bò thịt tập trung: gồm xã Lạc An, Tân Định, Thường Tân, Hiếu Liêm, Tân Mỹ của huyện Tân Uyên; xã Tân Lập, An Thái, An Bình, Vĩnh Hoà, Phước Sang của huyện Phú Giáo; xã Long Tân, Minh Hoà, Minh Thạnh, Định An của huyện Dầu Tiếng.

- Vùng chăn nuôi heo tập trung: gồm xã Long Nguyên, Cây Trường, Trừ Văn Thố và một phần xã Lai Hưng, Hòa Lợi, Chánh Phú Hòa (cơ sở có sẵn) của huyện Bến Cát; các xã Đất Cuốc, Bình Mỹ, Lạc An, Vĩnh Tân, Tân Định, Thường Tân, Hiếu Liêm, Tân Bình và một phần xã Phú Chánh (cơ sở có sẵn) của huyện Tân Uyên; xã Tân Lập, An Linh, Phước Hòa, Phước Sang, An Long, Tân Hiệp, Tân Long, An Bình, Vĩnh Hòa của huyện Phú Giáo; xã Long Tân, Minh Hòa, Minh Thạnh của huyện Dầu Tiếng.

- Vùng chăn nuôi gà tập trung: gồm xã Long Nguyên, Cây Trường, Trừ Văn Thố và một phần xã Lai Hưng, Chánh Phú Hòa (cơ sở có sẵn) của huyện Bến Cát; các xã Đất Cuốc, Bình Mỹ, Tân Định, Thường Tân, Hiếu Liêm, Tân Bình của huyện Tân Uyên; xã Tân Lập, An Linh, Phước Hòa, Phước Sang, An Long, Tân Hiệp, An Bình của huyện Phú Giáo; xã Long Tân, Minh Hòa, Minh Thạnh của huyện Dầu Tiếng.

b) Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung:

- Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc – gia cầm tỉnh Bình Dương đến năm 2010 sẽ có 51 cơ sở với tổng công suất giết mổ 200 trâu bò/ngày, 2.020 con heo/ngày và 27.000 con gia cầm/ngày.

- Đến năm 2015, hệ thống cơ sở giết mổ gia súc – gia cầm tỉnh Bình Dương sẽ có 50 cơ sở với tổng công suất giết mổ 650 trâu bò/ngày, 3.850 con heo/ngày và 37.400 con gia cầm/ngày.

c) Quy hoạch hệ thống cơ sở chế biến – bảo quản sản phẩm chăn nuôi

* Công nghiệp chế biến sữa:

- Công ty Friesland Foods Dutch Lady Việt Nam: tổng công suất 50.000 tấn sữa tươi/năm; trong đó: 36.000 tấn sữa đặc có đường/năm, 1.500 tấn sữa bột, bột dinh dưỡng/năm; 740.000 lít sữa chua/năm, 11.800 tấn sữa tươi tiệt trùng/năm. Ngoài hai trung tâm làm lạnh sữa thu gom sữa từ các trạm trung chuyển, đầu tư 4 trạm thu mua sữa tươi (2 điểm ở Bến Cát, 2 điểm ở Tân Uyên); đồng thời, đầu tư công nghệ tiệt trùng nhanh nhiệt độ cao để sản xuất sữa tươi tiệt trùng, đổi mới công nghệ sản xuất vỏ lon hai mảnh, công nghệ chiết lon sữa bột nhằm ổn định chất lượng sản phẩm, nâng cao thời gian bảo quản và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đầu tư thiết bị mới hiện đại trong lĩnh vực đa dạng hoá bao bì sản phẩm,…

- Công ty cổ phần F&N (ở trong Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore): Chế biến sữa tươi tiệt trùng với công suất 5.400 tấn/năm. Dự kiến năm 2010 sẽ thu mua 15.000 lít sữa bò tươi/ngày.

- Công ty cổ phần Bình Dương – AND (trong Khu công nghiệp Sóng Thần 1): chế biến sữa tươi tiệt trùng và các sản phẩm chế biến từ sữa, công suất 2.400 tấn sữa chế biến/năm.

* Công nghiệp chế biến thịt:

- Công ty SANMIGUEL (xã Lai Hưng huyện Bến Cát) giết mổ chế biến thịt heo mảnh, thịt xẻ và các sản phẩm thịt chế biến (xúc xích, thịt nguội, thịt đóng hộp,…). Công suất thiết kế thịt xẻ heo bên: 2.520 tấn/năm, thịt mảnh: 1.785 tấn/năm, thịt nguội: 600 tấn/năm; ngoài ra, công ty còn giết mổ gia công 1.162 tấn/năm. Nhà máy chế biến thực phẩm của công ty SANMIGUEL sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất xúc xích tiệt trùng công suất 8.000 tấn/năm (công nghệ của Nhật Bản), hệ thống dây chuyền sản xuất chế biến thực phẩm đóng hộp công suất 5.000 tấn/năm (công nghệ của Châu Âu) và đầu tư hệ thống kho lạnh công suất khoảng 1.500-2.000 tấn/năm.

- Công ty VIFACO (di dời đến xã Trừ Văn Thố - huyện Bến Cát): ngoài việc tổ chức sản xuất chăn nuôi và giết mổ gia súc (công suất giết mổ 100 trâu bò và 500 con heo/ngày), để tăng hiệu quả chăn nuôi và tạo việc làm cho lao động Công ty dự kiến đầu tư nhà máy chế biến thực phẩm đông lạnh với công suất khoảng 3.000 tấn/năm.

- Công ty TNHH chế biến thực phẩm Tuyền Ký (xã Đông Hoà - huyện dĩ An), Công ty TNHH chế biến thực phẩm Thanh Thuỷ (xã An Phú - huyện Thuận An) và Công ty liên doanh chế biến thực phẩm Hoà Trang (huyện Thuận An) sử dụng nguyên liệu thịt bò, thịt heo chế biến thực phẩm khô (khô bò), thực phẩm chín (paté, xúc xích, lạp xưởng,…) và thực phẩm đóng hộp.

* Tổ chức hệ thống kinh doanh buôn bán sản phẩm chăn nuôi:

- Trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2010 có 101 chợ (hiện có 62 chợ, giải toả 2 chợ, nâng cấp 37 chợ và xây mới 41 chợ); trong đó có 3 chợ đầu mối kinh doanh nông sản để tập trung kiểm soát, chủ yếu bán sỉ hàng hoá nông sản và thực phẩm tươi sống là: Chợ đầu mối nông sản ở phường Phú Hoà (thị xã Thủ Dầu Một); chợ đầu mối nông sản Lai Uyên (xã Lai Uyên - huyện Bến Cát) và chợ đầu mối nông sản Dầu Tiếng (đường vành đai thị trấn Dầu Tiếng). Tại các khu đô thị, trung tâm huyện sẽ nâng cấp mở rộng và xây dựng mới 15 siêu thị và 14 trung tâm thương mại.

- Trong giai đoạn 2010 – 2015, tại các khu đô thị, khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị và khu dân cư tập trung quanh các khu công nghiệp sẽ thành lập thêm một số cửa hàng chuyên bán thực phẩm (thịt tươi sống, thịt đông lạnh và thực phẩm chế biến) phục vụ công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và nhân dân trong khu vực.

4. Các giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Bình Dương:

- Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng tốt những tiến bộ kỹ thuật mới, tổ chức sản xuất ngành chăn nuôi với phương thức công nghiệp, quy mô trang trại vừa và lớn, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn có chất lượng tốt, đồng đều, giá thành hạ, đảm bào an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Nâng cao chất lượng đàn gia súc – gia cầm và hệ thống quản lý giống trên địa bàn tỉnh Bình Dương

- Củng cố tăng cường hoạt động hệ thống thú y.

- Về giải pháp khoa học – công nghệ trong chăn nuôi: Ứng dụng cả 4 loại công nghệ trọng điểm là: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới và công nghệ năng lượng sạch – năng lượng tái tạo. Triển khai cả 4 loại hình tổ chức: khu nông nghiệp công nghệ cao, khu sản xuất ứng dụng công nghệ cao, điểm mô hình trình diễn phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các vùng chăn nuôi tập trung.

- Công tác khuyến nông: Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ nông dân về thông tin kỹ thuật, tiếp thị, sớm tiếp cận với kỹ thuật mới, áp dụng vào sản xuất có hiệu quả. Liên kết với các Viện, Trường và các nhà khoa học, tiếp nhận các thành tựu khoa học ứng dụng vào thực tế sản xuất, phổ biến khoa học – kỹ thuật đến từng hộ và tổ chức xây dựng mô hình mẫu chăn nuôi để nông dân tham quan.

- Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành chăn nuôi (trang trại, sản xuất giống, thức ăn gia súc,…)

- Xây dựng chính sách và cơ chế quản lí mới thích hợp: Điều chỉnh một số chính sách và quy định về điều kiện chăn nuôi; chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hộ, cơ sở chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh gia cầm nằm trong khu dân cư, đô thị,… di dời và chuyển đổi ngành nghề sản xuất để chủ động phòng chống dịch và ô nhiễm môi trường; chính sách về đất đai; chính sách về đầu tư và tín dụng; chính sách liên quan đến công tác thú y và chế biến sản phẩm chăn nuôi; chính sách cho công tác nghiên cứu khoa học và khuyến nông,…

Điều 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở, ngành và các tổ chức, cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Kim Vân

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.