Quyết định 33/2016/QĐ-UBND Quy định phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
Số hiệu: | 33/2016/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Đắk Nông | Người ký: | Trần Xuân Hải |
Ngày ban hành: | 21/10/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Y tế - dược, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/2016/QĐ-UBND |
Đắk Nông, ngày 21 tháng 10 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;
Căn cứ Thông tư số 15/2012/TT-BYT , ngày 12 tháng 9 năm 2012 của Bộ Y tế quy định, về việc điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
Căn cứ Thông tư số 40/2012/TT-BCT , ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Bộ Công Thương, quy định cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT , ngày 09 tháng 4 năm 2014 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, về việc hướng dẫn việc phân công, phối hợp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;
Căn cứ Thông tư số 58/2014/TT-BCT , ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công Thương, về việc quy định về cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương;
Căn cứ Thông tư số 57/2015/TT-BCT , ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ Công Thương, về việc quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1026/TTr-SCT ngày 7 tháng 7 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 10 năm 2016.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Công Thương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2016/QĐ-UBND ngày 21 tháng 10 năm 2016 của UBND tỉnh Đắk Nông)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; buôn bán hàng rong; cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định tại Phụ lục kèm theo.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; buôn bán hàng rong; cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã (sau đây viết tắt là UBND cấp huyện).
3. Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị xã.
4. Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Thực phẩm bao gói sẵn là thực phẩm được bao gói và ghi nhãn hoàn chỉnh, sẵn sàng để bán trực tiếp cho mục đích chế biến tiếp hoặc sử dụng để ăn ngay.
2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ là cơ sở do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh và cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.
3. Buôn bán hàng rong là đối tượng kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định.
4. Điều kiện bảo quản đặc biệt đối với thực phẩm là việc sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ để duy trì các yêu cầu về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và các yếu tố bảo quản khác theo yêu cầu của nhà sản xuất nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.
5. Sự cố về an toàn thực phẩm là tình huống xảy ra do ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm hoặc các tình huống khác phát sinh từ thực phẩm gây hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.
Điều 4. Nguyên tắc phân cấp quản lý an toàn thực phẩm
1. Việc phân cấp quản lý để đảm bảo tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất, lưu thông, tiêu dùng trên địa bàn, đảm bảo sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nâng cao trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa Sở Công Thương và UBND cấp huyện đảm bảo sự thống nhất quản lý, phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Phân cấp quản lý gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên đối với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được phân cấp.
3. Đảm bảo nguyên tắc một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước. Một cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được phân cấp.
4. Đảm bảo việc quản lý xuyên suốt toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu thụ thực phẩm.
Điều 5. Nội dung phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
1. Theo quy định tại Thông tư số 57/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015 của Bộ Công Thương; Phân cấp quản lý an toàn thực phẩm cho UBND cấp huyện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; buôn bán hàng rong; cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định trên địa bàn quản lý như sau:
a) Tổ chức quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; buôn bán hàng rong; cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định (sau đây viết tắt là cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ).
b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
3. Tổ chức thực hiện ký cam kết hoặc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn quản lý.
Chương II
PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM
Điều 6. Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Đảm bảo quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn; thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn quản lý.
2. Tổ chức, điều hành Ban Chỉ đạo liên ngành cấp huyện về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
3. Triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương.
4. Phân công cán bộ phụ trách (phòng Kinh tế, Kinh tế và Hạ tầng), hướng dẫn kiểm tra, giám sát, thống kê và quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn; tổ chức bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực cho cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
5. Tổ chức giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phân tích, đánh giá và cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn.
6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.
7. Thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách chủ cơ sở và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.
8. Chỉ đạo Phòng Kinh tế hoặc phòng Kinh tế và Hạ tầng thực hiện nhiệm vụ sau:
a) Thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn.
b) Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành các văn bản triển khai và thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn; biện pháp quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; chịu sự chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Công Thương và các cơ quan chuyên môn tuyến tỉnh về công tác quản lý an toàn thực phẩm.
c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ chấp hành đúng quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm.
d) Tổ chức kiểm tra kiến thức về an toàn thực phẩm và cấp giấy xác nhận cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo quy định.
đ) Thực hiện ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn theo quy định của Luật an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất thực phẩm (không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật) và các cơ sở kinh doanh thực phẩm (không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc thuộc đối tượng được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh); cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 9, Thông tư số 57/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015 của Bộ Công Thương quy định, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đối với cơ sở sản xuất thực phẩm được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
e) Chủ trì kiểm tra định kỳ hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn quản lý; thực hiện kiểm tra đột xuất khi có sự cố về an toàn thực phẩm hoặc theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên.
f) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo đột xuất, định kỳ 6 tháng (trước ngày 25 tháng 6) và hàng năm (trước ngày 25 tháng 12) về tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn để Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 8. Trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ
1. Phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm hàng hóa do cơ sở của mình sản xuất.
2. Thực hiện ký cam kết hoặc đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; tuân thủ các điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của pháp luật.
3. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin có liên quan đến sản phẩm do cơ sở sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu không đảm bảo an toàn thực phẩm cho UBND cấp huyện và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm thực hiện
1. Trách nhiệm của Sở Công Thương:
- Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh quản lý an toàn thực phẩm theo nhiệm vụ, đối tượng đã được phân công, phân cấp quản lý theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn cụ thể các địa phương thực hiện các nội dung phân cấp theo quy định hiện hành và giám sát Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện Quy định này. Định kỳ hàng Quý và năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, tuyên truyền, phổ biến Quyết định này đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp quản lý. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, UBND cấp huyện báo cáo về Sở Công Thương để tổng hợp, nghiên cứu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Điều 10. Quy định chuyển tiếp
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trước đây đã được Sở Công Thương cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và vẫn còn hiệu lực, được phép tiếp tục thực hiện cho đến hết thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nếu tiếp tục sản xuất, kinh doanh thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiến hành làm thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận hoặc bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn theo Quy định này./.
Thông tư 57/2015/TT-BCT Quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công thương Ban hành: 31/12/2015 | Cập nhật: 04/03/2016
Thông tư 58/2014/TT-BCT quy định cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương Ban hành: 22/12/2014 | Cập nhật: 02/02/2015
Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm Ban hành: 09/04/2014 | Cập nhật: 15/04/2014
Thông tư 40/2012/TT-BCT quy định cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương Ban hành: 21/12/2012 | Cập nhật: 09/01/2013
Thông tư 15/2012/TT-BYT quy định điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm Ban hành: 12/09/2012 | Cập nhật: 19/09/2012