Quyết định 3280/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Đề án phổ cập dịch vụ điện thoại cố định và Internet cho huyện miền Tây Nghệ An đến năm 2010
Số hiệu: 3280/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Hồ Đức Phớc
Ngày ban hành: 23/08/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3280/QĐ-UBND

Vinh, ngày 23 tháng 8 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHỔ CẬP DỊCH VỤ ĐIỆN THOẠI CỐ ĐỊNH VÀ INTERNET CHO CÁC HUYỆN MIỀN TÂY NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 147/2005/QĐ-TTg ngày 15/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2010";

Căn cứ Quyết định số 74/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ Viễn thông công ích đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 41/2006/QĐ-BBCVT ngày 19 tháng 9 năm 2006 của Bộ Bưu chính Viễn thông, về việc công bố vùng được cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 17/2007/QĐ-BBCVT ngày 15 tháng 6 năm 2007 của Bộ Bưu chính Viễn thông ban hành định mức hỗ trợ duy trì và phát triển cung ứng dịch vụ viễn thông công ích;

Căn cứ Quyết định số 634/QĐ-BBCVT ngày 06 tháng 7 năm 2007 của Bộ Bưu chính Viễn thông giao kế hoạch cung ứng dịch vụ viễn thông công ích năm 2007;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông tại Tờ trình số 509/TTr-BCVT ngày 17 tháng 8 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phổ cập dịch vụ điện thoại và Internet cho các huyện miền Tây Nghệ An đến năm 2010 kèm theo Quyết định này, với nội dung chính:

1. Mục tiêu: Tập trung phát triển phổ cập dịch vụ viễn thông và Internet cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trên toàn tỉnh nhằm rút ngắn khoảng cách về sử dụng dịch vụ giữa các vùng, miền, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

2. Các chỉ tiêu đến năm 2010:

- Mở rộng mạng điện thoại cố định về xã, 100% số xã có máy điện thoại đảm bảo chất lượng;

- Mật độ điện thoại tại các huyện miền núi đạt trên 5 máy/100 người dân;

- 100% UBND xã có các máy điện thoại phục vụ liên lạc khẩn cấp: cấp cứu y tế, an ninh trật tự xã hội, cứu hoả;

- 100% số xã có máy điện thoại phục vụ công tác chỉ đạo điều hành tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống lụt bão, thiên tai;

- 70% số xã có điểm truy nhập Internet công cộng;

- 100% số xã có điểm phục vụ điện thoại công cộng;

- Bảo đảm 100% người sử dụng được truy cập miễn phí đến các dịch vụ bắt buộc: thông tin cứu hoả; cấp cứu y tế; thông tin khẩn cấp về an ninh, trật tự xã hội. Duy trì và mở rộng, đảm bảo thông tin tìm kiếm cứu nạn và phòng chống thiên tai.

Điều 2.

1. Giao các Sở, ngành: Bưu chính - Viễn thông; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Kho bạc Nhà nước tỉnh; Công an tỉnh; Giao thông - Vận tải; Xây dựng; Uỷ ban nhân dân các huyện thuộc phạm vi Đề án; các đơn vị liên quan căn cứ nội dung Đề án, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Định kỳ 6 tháng báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện, các vướng mắc trở ngại và đề ra các biện pháp khắc phục.

2. Giao Sở Bưu chính, Viễn thông thường xuyên nắm bắt thông tin, tổng hợp những phát sinh trình UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Đề án cho phù hợp với tình hình thực tế và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Bưu chính - Viễn thông; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Kho bạc Nhà nước; Chủ tịch UBND các huyện thuộc phạm vi Đề án và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Đức Phớc

 

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm qua kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 10,52%/năm. Với chính sách ưu tiên đổi mới và phát triển bưu chính, viễn thông nên mạng lưới bưu chính, viễn thông của tỉnh đã có bước phát triển tích cực, đáp ứng cơ bản nhu cầu ngày càng tăng của sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo, đời sống nhân dân còn thấp, các chỉ tiêu phát triển viễn thông còn thấp hơn mức trung bình cả nước. Là tỉnh có diện tích lớn nhất trong cả nước (16.487km2) địa hình đa dạng và phức tạp, tỉnh Nghệ An có 10/19 huyện miền núi, đặc biệt có 6 huyện miền núi cao là khó khăn lớn trong việc phổ cập dịch vụ.

Thực hiện Quyết định số 147/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 74/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2010 và phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2010. Nhằm phổ cập dịch vụ viễn thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nghệ An, rút ngắn khoảng cách về s­ử dụng dịch vụ giữa các vùng, miền, định hướng phát triển mạng viễn thông tỉnh Nghệ An đồng bộ với phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn, thuộc kế hoạch 309/KH-UBND-TH ngày 02 tháng 10 năm 2006 của UBND tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện Quyết định số 147/2005/QĐ-TTg , Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án phổ cập dịch vụ điện thoại và Internet cho các huyện miền Tây Nghệ An đến năm 2010.

Phần I.

THỰC TRẠNG BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG

I. Thực trạng

1. Hạ tầng mạng bưu chính, viễn thông

Đơn vị chủ yếu cung cấp dịch vụ điện thoại cố định trên địa bàn 10 huyện miền núi là Bưu điện Nghệ An. Ngoài ra, Công ty Viễn thông điện lực –EVN Telecom và Công ty Viễn thông Quân đội - Viettel cũng đang triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng để cung cấp dịch vụ tại 10 huyện này.

a) Hệ thống tổng đài

Miền Tây Nghệ An chỉ có 52 tổng đài (toàn tỉnh có 143), dung lượng 63.788 lines chiếm 23,46% so với dung lượng mạng toàn tỉnh, với hiệu suất sử dụng 74,82%.

Các thiết bị tổng đài vệ tinh và bộ tập trung thuê bao xa được lắp đặt chủ yếu ở trung tâm các huyện, thị xã, thị trấn, thị tứ, các vùng đông dân cư. Việc đáp ứng nhu cầu phát triển thuê bao của các xã miền núi, vùng sâu vùng xa còn hạn chế.

b) Mạng truyền dẫn

+ Truyền dẫn quang

Cáp quang STM1 155Mbps được kết nối đến trung tâm các huyện với 967km đạt 59,04%, so sánh số liệu chuyển mạch và truyền dẫn cho thấy việc phát triển mạng ở các huyện miền Tây suất đầu tư cho truyền dẫn lớn, hiệu quả thấp.

+ Truyền dẫn Viba

Truyền dẫn Viba thường được sử dụng khi triển khai mạng cáp quang khó khăn. Toàn tỉnh hiện có 88 trạm Viba của Bưu điện Nghệ An và Viettel phục vụ truyền dẫn giữa các tổng đài và các trạm BTS, vùng miền Tây Nghệ An có 43 trạm chiếm gần 49% cả tỉnh.

+ Truyền dẫn vô tuyến Vệ tinh VSAT và Điểm - Điểm, Điểm - Đa điểm.

Truyền dẫn vô tuyến Vệ tinh VSAT và Điểm - Điểm, Điểm - Đa điểm buộc phải triển khai chủ yếu ở các xã vùng núi cao khi không thể thực hiện được truyền dẫn quang và Viba do địa hình phức tạp, kinh phí rất tốn kém, hiện tại có 22 trạm vô tuyến vệ tinh VSAT và 27 trạm vô tuyến Điểm - Điểm, Điểm - Đa điểm ở 6 huyện miên Tây Nghệ An (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp).

c) Mạng ngoại vi

Các huyện vùng miền Tây có 65.762 đôi cáp (toàn tỉnh là 321.252 đôi) chiếm 20,47%, tỷ lệ ngầm hoá cáp gốc rất thấp thậm chí hoàn toàn là cáp treo đối với các huyện vùng núi cao. Việc đảm bảo an toàn mạng lưới, an ninh thông tin trong điều kiện chủ yếu là mạng cáp treo như hiện nay gặp nhiều khó khăn.

d) Mạng Internet

10 huyện vùng miền Tây Nghệ An chỉ có 7 DSLAM (23,33%) với 240 port (4,34%), có 3 huyện chưa có DSLAM là Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu.

2. Thực trạng phát triển dịch vụ

Mật độ thuê bao điện thoại ở các huyện miền núi còn quá thấp, chưa đáp ứng nhu cầu người dân. Bên cạnh đó, mạng lưới điểm phục vụ công cộng còn chưa được chú trọng. Hiện nay, có 43/224 xã thuộc các huyện miền núi chưa có điểm phục vụ điện thoại công cộng và 211/224 xã chưa có điểm phục vụ Internet công cộng (phụ lục I.1. kèm theo).

Thuê bao điện thoại cố định ở 10 huyện miền núi chỉ chiếm 27% tổng số thuê bao điện thoại cố định toàn tỉnh. Mật độ điện thoại bình quân ở 10 huyện miền núi chỉ đạt 5,75 máy/100 dân. Đặc biệt ở các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong mật độ điện thoại cố định đạt dưới 3 máy 100 dân. Các thuê bao điện thoại cố định chủ yếu tập trung ở các thị trấn.

Có 130/224 xã có mật độ thuê bao điện thoại cố định đạt dưới 5 máy/100 dân. Thuê bao Internet cá nhân hộ gia đình còn rất ít, rời rạc.

II. Đánh giá

Sự tham gia của nhiều doanh nghiệp viễn thông di động trên địa bàn đã đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng viễn thông, đặc biệt đối với các huyện miền núi và miền núi cao. Việc phát triển các dịch vụ điện thoại cố định không dây của các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động tạo cơ hội phát triển dịch vụ điện thoại ở các vùng huyện miền Tây Nghệ An. Tuy nhiên, hiện trạng hạ tầng mạng lưới cũng như phát triển dịch vụ viễn thông ở các huyện miền núi còn có các mặt hạn chế:

- Mật độ thuê bao điện thoại và sử dụng các dịch vụ Internet còn thấp hơn mức nhiều so với mức trung bình cả tỉnh; số người sử dụng dịch vụ ở nông thôn và thành thị còn có khoảng cách khá lớn;

- Đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông giữa miền xuôi và miền núi còn chênh lệch lớn. Ở vùng núi cao hạ tầng viễn thông còn rất thấp, chất lượng điện thoại sử dụng công nghệ VSAT, công nghệ Điểm - Đa điểm chưa tốt;

- Đầu tư phát triển hạ tầng mạng ít được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch dài hạn, thường chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt nên dẫn đến sự bất cập về mạng chuyển mạch và phát triển hạ tầng mạng nội hạt gây nên một số ít trường hợp cục bộ chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển điện thoại;

- Mạng chuyển mạch có bán kính phục vụ rộng, nhiều tổng đài độc lập nên có khó khăn cho việc mở rộng và nâng cấp;

- Mạng truyền dẫn trải rộng khắp, kinh phí lớn nên cả tỉnh mới có một Mạch Ring cáp quang của VNPT xây dựng từ trước năm 2003. Một số tuyến cáp quang chưa được ngầm hoá, một số tuyến khác còn sử dụng bằng phương thức Viba ảnh hưởng nhất định tới công tác bảo đảm an toàn mạng lưới, an ninh thông tin khi có thiên tai bão lụt xảy ra;

- Nhu cầu phục vụ truyền số liệu, Internet tốc độ cao ở các huyện miền núi còn hạn chế, chưa tích hợp được các dịch vụ về truyền hình với mạng viễn thông;

- Chưa quan tâm đầu tư cung cấp dịch vụ ở một số huyện vùng miền núi cao, ảnh hưởng đến quyền lợi và nhu cầu sử dụng của nhân dân, công tác điều hành chỉ đạo của các cơ quan Đảng và Nhà nước vùng cao, biên giới như các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông. Mật độ thuê bao điện thoại ở vùng này chênh lệch rất cao so với vùng đồng bằng và đô thị.

III. Nguyên nhân

- Kinh tế của tỉnh tuy có bước tăng trưởng khá nhưng vẫn là tỉnh nghèo, nền kinh tế và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp, sản xuất công nghiệp kém phát triển.

- Địa bàn của tỉnh rộng, mật độ dân cư ở miền núi thấp, địa hình hiểm trở, hạ tầng giao thông kém, mức sống của người dân rất thấp nên hạn chế đáng kể đến việc đầu tư phát triển hạ tầng ở khu vực này.

- Từ trước đến nay các chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng chưa có sự quan tâm đúng mức đến viễn thông như: chưa có quy hoạch phát triển viễn thông; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế với quy hoạch viễn thông. (Còn có quan điểm cho rằng đó là trách nhiệm của các doanh nghiệp nên ở những vùng khó khăn, sức thu hút kém, hạ tầng về viễn thông đầu tư chưa đáng kể).

Phần II.

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

I. Mục tiêu chung

Tập trung phát triển phổ cập dịch vụ viễn thông và Internet cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trên toàn tỉnh nhằm rút ngắn khoảng cách về sử dụng dịch vụ giữa các vùng, miền, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

II. Mục tiêu cụ thể

Phấn đấu đến năm 2010 đạt các chỉ tiêu phổ cập:

+ Mở rộng mạng điện thoại cố định về xã, 100% số xã có máy điện thoại có chất lượng tốt;

+ Mật độ điện thoại tại các huyện miền núi đạt trên 5 máy/10 người dân;

- 100% UBND xã có các máy điện thoại phục vụ liên lạc khẩn cấp: cấp cứu y tế, an ninh trật tự xã hội, cứu hoả;

- 100% số xã có máy điện thoại phục vụ công tác chỉ dạo điều hành tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống lụt bão, thiên tai;

- 70% số xã có điểm truy nhập Internet công cộng;

- 100% số xã có điểm phục vụ điện thoại công cộng;

- Bảo đảm 100% người sử dụng được truy cập miễn phí đến các dịch vụ bắt buộc: thông tin cứu hoả; cấp cứu y tế; thông tin khẩn cấp về an ninh, trật tự xã hội. Duy trì và mở rộng, đảm bảo thông tin tìm kiếm cứu nạn và phòng chống thiên tai.

III. Nhiệm vụ

Việc phát triển hạ tầng mạng viễn thông ưu tiên phát triển các dịch vụ phổ cập cho các vùng phía Tây Nghệ An và nông thôn. Với điều kiện về kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An cần phải tập trung thực hiện như sau:

- Phát triển mạng cáp quang, xây dựng các tuyến mới về các xã khó khăn, phục vụ phổ cập dịch vụ điện thoại và Internet.

- Lắp đặt thêm các DSLAM để cung cấp dịch vụ Internet đến các trung tâm huyện, các xã, các điểm BĐ-VHX, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet băng rộng xDSL, truyền số liệu và đáp ứng yêu cầu phổ cập dịch vụ Internet.

- Xây dựng điểm bưu điện - văn hoá xã tại các xã còn lại thuộc 10 huyện miền núi chưa có điểm bưu điện, văn hoá xã: gồm 43 xã.

- Đầu tư trang bị máy tính, đường truyền, cơ sở vật chất để kết nối Internet đến các điểm bưu điện văn hoá xã: 144 điểm và trang bị thêm máy tính để phục vụ truy cập Internet tại 13 điểm BĐ-VHX đã có kết nối Internet (đạt 70% các xã thuộc vùng viễn thông công ích có kết nối Internet công cộng).

- Đầu tư xây dựng đường truyền để cung cấp dịch vụ điện thoại công cộng cho 43 điểm BĐ-VHX mới xây dựng và một số điểm truy cập khác phục vụ cho các xã có diện tích lớn hoặc đông dân (khoảng 26 điểm ở các xã thuộc vùng viễn thông công ích).

- Hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động của các điểm điện thoại công cộng.

- Hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động của các thuê bao điện thoại và Internet trong vùng phổ cập.

- Triển khai và mở rộng mạng điện thoại cố định không dây để giảm lượng cáp ngoại vi.

IV. Nội dung phổ cập dịch vụ điện thoại cố định và Internet

1. Vùng viễn thông công ích

Các xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An được thuộc vùng viễn thông công ích được, bao gồm:

- Tất cả các xã thuộc 02 huyện, bao gồm: huyện Quế Phong và huyện Kỳ Sơn (Là 02 huyện có mật độ thuê bao điện thoại cố định dưới 2,5máy/100 dân theo số liệu đến cuối năm 2005).

- 50 xã khác nằm trong diện có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn theo chương trình 135 của Chính phủ, thuộc 8 huyện: Quỳ Châu, Tương Dương, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Con Cuông, Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ.

Toàn tỉnh có 85 xã thuộc vùng viễn thông công ích.

2. Nội dung phổ cập

a) Về điểm truy cập điện thoại và Internet công cộng.

- Tại các xã thuộc 10 huyện miền núi chưa có điểm BĐ-VHX, triển khai xây dựng các điểm BĐ-VHX, xây dựng đường truyền, trang thiết bị cung cấp dịch vụ điện thoại công cộng và các dịch vụ bưu chính, viễn thông khác, gồm: 43 điểm; xây dựng các điểm truy nhập điện thoại công cộng tại các xã có diện tích lớn, dân số đông: khoảng 26 xã (nguồn vốn: Doanh nghiệp).

- Xây dựng đường truyền, trang thiết bị kết nối Internet đến 144 điểm bưu điện văn hoá xã thuộc 10 huyện miền núi (nguồn vốn: Doanh nghiệp).

Việc xây dựng các điểm truy nhập điện thoại và Internet công cộng được thực hiện bằng nguồn vốn doanh nghiệp, trong đó đối với các điểm truy nhập tại 85 xã thuộc vùng viễn thông công ích, doanh nghiệp lập kế hoạch phát triển mạng truy nhập này, có thể đề xuất vay vốn quỹ viễn thông công ích với lãi suất ưu đãi.

- Trang bị máy tính cho 144 điểm BĐ-VHX và bổ sung máy tính cho 13 điểm BĐ-VHX đã kết nối Internet, dự kiến mỗi điểm trang bị 4-5 máy tính, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 01 máy tính, doanh nghiệp đầu tư từ 3-4 máy.

b) Về phát triển và duy trì thuê bao điện thoại cố định và Internet.

Với các thuê bao điện thoại cố định và Internet phát triển mới thuộc 85 xã vùng viễn thông công ích, được hỗ trợ kinh phí lắp đặt hoà mạng, thiết bị đầu cuối từ nguồn quỹ viễn thông công ích.

Với tất cả các thuê bao điện thoại cố định và Internet thuộc 85 xã vùng viễn thông công ích đang hoạt động chủ thuê bao được hỗ trợ kinh phí duy trì thuê bao, và doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí duy trì mạng thuê bao từ nguồn quỹ viễn thông công ích.

Tổng số thuê bao điện thoại cố định vùng viễn thông công ích giai đoạn 2007-2010 dự kiến phát triển mới là 13.274 thuê bao. Thuê bao được duy trì bao gồm tất cả các thuê bao phát triển mới và 7.412 thuê bao đã hoạt động trên mạng từ trước tháng 3/2007.

Tổng số thuê bao Internet cá nhân vùng viễn thông công ích giai đoạn 2007-2010 dự kiến phát triển mới là 63 thuê bao. Tất cả các thuê bao thuộc vùng viễn thông công ích đang hoạt động trên mạng đều được hỗ trợ duy trì.

3. Dự kiến kinh phí

Tổng kinh phí phổ cập: 156.144.758.000 đồng.

Trong đó: + Nguồn quỹ dịch vụ Viễn thông công ích: 74.196.758.000 đồng.

+ Nguồn ngân sách tỉnh: 1.570.000.000 đồng.

+ Nguồn vốn doanh nghiệp: 80.378.000.000 đồng.

Kế hoạch cụ thể cho phổ cập dịch vụ điện thoại cố định và Internet cho 10 huyện miền Tây Nghệ An được trình bày từ phụ lục II.1 đến II.11.

V. Giải pháp thực hiện

1. Giải pháp về quản lý nhà nước

- Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các dịch vụ viễn thông;

- Sở Bưu chính, Viễn thông chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp hoàn thành quy hoạch phát triển mạng bưu chính, viễn thông phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

- Làm tốt công tác điều tra cơ bản, cùng với các doanh nghiệp đề xuất danh mục các dự án đầu tư phát triển mạng viễn thông nói chung và cung cấp dịch vụ viễn thông công ích;

- Tham gia điều tiết có hiệu quả việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông, hạn chế đầu tư chồng chéo, lãng phí;

- Từ nay đến năm 2010 sử dụng nguồn quỹ dịch vụ viễn thông công ích để phát triển điện thoại cố định, Internet xuống xã, thôn;

- Tăng cường quản lý tiêu chuẩn chất lượng thiết bị và dịch vụ, giám sát chặt các những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế, nắm giữ các phương tiện thiết yếu và cung cấp các dịch vụ phổ cập, công ích;

- Tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về viễn thông và Internet từ tỉnh đến huyện, xã, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện và nâng cao năng lực các cơ quan, đơn vị quản lý chuyên trách về viễn thông cấp huyện.

2. Giải pháp về nguồn nhân lực.

Tăng cường sử dụng lao động đã qua đào tạo tham gia vào các hoạt động đại lý, bán lại dịch vụ để tăng năng suất lao động. Chú trọng đào tạo mới và đào tạo nâng cao đội ngũ nhân viên các đài viễn thông và các điểm bưu điện - văn hoá xã thông qua các cơ sở đào tạo nghề của trung ương và của tỉnh.

3. Giải pháp về cơ chế, chính sách.

- Kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển hạ tầng mạng viễn thông, đặc biệt ưu tiên các dự án đầu tư sử dụng công nghệ mới, hiện đại và các dự án đầu tư phát triển mạng viễn thông ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, các khu vực khó khăn.

- Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng, tham gia cung cấp dịch vụ trên nguyên tắc bình ổn thị trường, cạnh tranh lành mạnh; có giải pháp hợp lý để huy động vốn đầu tư cho phát triển;

- Có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất lắp ráp các thiết bị đầu cuối giá rẻ, đặc biệt là máy điện thoại cố định không dây.

- Tranh thủ sự hỗ trợ từ trung ương, từ nguồn quỹ dịch vụ viễn thông công ích để phổ cập các dịch vụ viễn thông. Xây dựng các đề án phát triển và cung cấp các dịch vụ viễn thông công ích, thực hiện các dịch vụ viễn thông công ích ở các xã đặc biệt khó khăn, tận dụng hiệu quả nguồn vốn từ quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.

- Có giải pháp hợp lý để huy động vốn đầu tư cho phát triển.

- UBND tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng phương án giảm cước hoà mạng và cước thuê bao cho khu vực nông thôn, nơi có điều kiện khó khăn. Thực hiện chính sách ưu đãi phí và cước phí cho các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.

4. Giải pháp huy động nguồn vốn.

- Nhu cầu vốn đầu tư:

Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư: 156.144.758.000 đồng.

Trong đó: + Nguồn Quỹ dịch vụ viễn thông công ích: 74.196.758.000 đồng.

+ Nguồn ngân sách tỉnh: 1.570.000.000 đồng.

+ Nguồn vốn doanh nghiệp: 80.378.000.000 đồng.

- Giải pháp huy động vốn:

+ Làm việc với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn, UBND các huyện miền Tây xây dựng các dự án, dự kiến kinh phí và kế hoạch chi tiết triển khai phổ cập dịch vụ điện thoại cố định và Internet cụ thể tại từng địa phương.

+ Làm việc với Bộ Bưu chính - Viễn thông, đề nghị hỗ trợ kinh phí phổ cập dịch vụ từ nguồn quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

5. Tổ chức thực hiện.

a) Sở Bưu chính - Viễn thông chịu trách nhiệm thực hiện tốt các ngiệm vụ sau:

- Chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp, Đài PTTH, UBND các huyện, xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức người dân về các dịch vụ Viễn thông;

- Hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp, địa phương triển khai thực hiện đề án.

- Hàng năm trên cơ sở quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch bố trí dự án Quỹ viễn thông công ích, Sở Bưu chính, Viễn thông tổng hợp xây dựng kế hoạch phát triển chung trình UBND tỉnh phê duyệt và phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện và các doanh nghiệp triển khai thực hiện;

- Công bố công khai quy hoạch, kế hoạch phát triển để các doanh nghiệp chủ động kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng, chủ trì và phối hợp với các địa phương tạo điều kiện quy hoạch địa điểm, giải phóng mặt bằng triển khai hạ tầng cung cấp dịch vụ, chủ trì và phối hợp với các tổ chức đoàn thể tham gia phổ cập dịch vụ và thực hiện các dự án đào tạo người dân sử dụng dịch vụ;

- Xây dựng và đề xuất với UBND tỉnh cơ chế ưu đãi các doanh nghiệp chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng đi trước đón đầu, đóng góp phát triển kinh tế – xã hội;

- Là đầu mối đề xuất với quỹ dịch vụ Viễn thông công ích và doanh nghiệp sử dụng quỹ dịch vụ viễn thông công ích cho phát triển và phổ cập viễn thông công ích trên địa bàn;

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả phát triển mạng viễn thông trên địa bàn, đánh giá những thuận lợi, khó khăn; đề xuất, kiến nghị với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Hội đồng nhân dân và UBND để kịp thời khắc phục những tồn tại trong quá trình thực hiện.

b) Các Sở, ngành khác.

- Sở Nội vụ phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bố trí nguồn nhân lực phục vụ phát triển bưu chính, viễn thông;

- Các Sở: Giao thông, Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường có nhiệm vụ phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông trong việc thống nhất quy hoạch để tránh việc thi công, lắp đặt mạng cáp viễn thông chồng chéo;

- Công an tỉnh phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông và chính quyền địa phương, các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn mạng lưới, an ninh thông tin.

c) Địa phương.

- Chủ tịch UBND 10 huyện miền Tây khảo sát, đánh giá, nắm bắt thực trạng và nhu cầu sử dụng dịch vụ điện thoại cố định và Internet cụ thể từng xã trên địa bàn huyện mình. Tổng hợp đề xuất nhu cầu và xây dựng kế hoạch đầu tư phổ cập dịch vụ về mạng lưới chuyển mạch, truyền dẫn, DSLAM,.... và nhu cầu phát triển thuê bao, sử dụng dịch vụ....

- Chủ động phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông trong việc đề xuất các dự án phát triển mạng viễn thông trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp viễn thông.

d) Các doanh nghiệp.

- Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An chủ động nắm bắt quy hoạch, kế hoạch, đề án để đư­a ra phương án phát triển mạng lưới viễn thông và kế hoạch phổ cập dịch vụ viễn thông cho các huyện miền núi phía Tây Nghệ An trình Sở Bưu chính, Viễn thông để làm căn cứ xây dựng kế hoạch phổ cập dịch vụ viễn thông của tỉnh;

- Chủ động phối hợp với nhau để thực hiện việc kết nối theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông để tăng hiệu quả truyền dẫn./.