Quyết định 3256/QĐ-UBND phê duyệt Phương án Phòng chống thiên tai công trình hồ chứa nước Định Bình năm 2016
Số hiệu: 3256/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Trần Châu
Ngày ban hành: 13/09/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3256/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 13 tháng 9 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI CÔNG TRÌNH HỒ CHỨA NƯỚC ĐỊNH BÌNH NĂM 2016

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng chống thiên tai số 33/2013/QH13 ngày 19/6/2013 của Quốc hội Khóa XIII;

Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 2959/TTr-SNN ngày 30/8/2016 và Báo cáo thẩm định số 2960/BC-SNN ngày 30/8/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án Phòng chống thiên tai công trình hồ chứa nước Định Bình năm 2016 do Công ty TNHH Khai thác công trình Thủy lợi Bình Định quản lý, với các nội dung chính như sau:

1. Vận hành điều tiết lũ:

- Trong vận hành điều tiết mùa lũ, Ban Chỉ huy PCLB hồ Định Bình thực hiện theo đúng quy định tại Điều 5, 6, 7 và Điều 13 của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh trong mùa mưa lũ hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1841/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2015.

- Trước khi vận hành tràn để điều tiết lũ, Công ty TNHH Khai thác công trình Thủy lợi căn cứ vào tình hình diễn biến mưa lũ và dự báo khí tượng thủy văn báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh để quyết định phương án điều tiết lũ (số cửa, độ mở, thời gian mở).

2. Vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ:

Mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ:

Sông

Trạm thủy văn

Báo động I
(m)

Báo động II
(m)

Báo động III
(m)

Kôn

Bình Nghi

15,50

16,50

17,50

Kôn

Thạnh Hòa

6,00

7,00

8,00

Mực nước cao nhất trước lũ của hồ:

Thời gian (ngày/tháng)

Từ ngày 01/9 đến ngày 30/9

Từ ngày 01/10 đến 31/10

Từ ngày 01/11 đến ngày 15/11

Từ ngày 16/11 đến ngày 15/12

Mực nước hồ (m)

68,50

75,00

80,93

85,00

Mực nước thấp nhất đón lũ của hồ:

Thời gian (ngày/tháng)

Từ ngày 01/9 đến ngày 30/9

Từ ngày 01/10 đến 31/10

Từ ngày 01/11 đến ngày 15/11

Từ ngày 16/11 đến ngày 15/12

Mực nước hồ (m)

65,00

65,00

75,00

82,00

2.1. Vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ:

Khi Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo có bão khẩn cấp, áp thấp nhiệt đới gần bờ hoặc có các hình thế thời tiết khác có khả năng gây mưa, lũ mà trong vòng 24 đến 48 giờ tới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương trên lưu vực sông Kôn, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh quyết định việc vận hành các hồ như sau:

a. Trường hợp mực nước hồ lớn hơn mực nước thấp nhất đón lũ của hồ:

- Khi mực nước tại Trạm thủy văn Bình Nghi đang trên cao trình 16,20m và dưới cao trình 16,50m, vận hành điều tiết với lưu lượng xả bằng lưu lượng đến hồ để duy trì mực nước hiện tại của hồ.

- Khi mực nước tại Trạm thủy văn Bình Nghi đang dưới cao trình 16,20m, vận hành điều tiết với lưu lượng xả lớn hơn lưu lượng đến hồ, để hạ dần mực nước hồ, nhưng không thấp hơn cao trình mực nước thấp nhất đón lũ của hồ. Trong quá trình vận hành, nếu mực nước tại Trạm thủy văn Bình Nghi vượt cao trình 16,20m và dưới cao trình 16,50m, vận hành với lưu lượng xả bằng lưu lượng đến hồ để duy trì mực nước hiện tại của hồ.

b. Trường hợp mực nước hồ nhỏ hơn mực nước thấp nhất đón lũ của hồ, chủ hồ được phép vận hành điều tiết nước, nhưng phải đảm bảo mực nước hồ không vượt mực nước thấp nhất đón lũ của hồ.

c. Trong quá trình vận hành theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, căn cứ bản tin dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, nếu các hình thế thời tiết có khả năng gây mưa, lũ không còn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương trên lưu vực sông Kôn, vận hành điều tiết đưa dần mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ của hồ.

2.2. Khi kết thúc quá trình vận hành điều tiết mực nước hồ để đón lũ theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2.1 Điều này mà các điều kiện để vận hành giảm lũ cho hạ du theo quy định tại Khoản 2.3 Điều này chưa xuất hiện thì vận hành hồ với lưu lượng xả bằng lưu lượng đến hồ để duy trì mực nước hiện tại của hồ và sẵn sàng chuyển sang chế độ vận hành giảm lũ cho hạ du khi có lệnh của Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

2.3. Vận hành giảm lũ cho hạ du:

a. Khi mực nước tại Trạm thủy văn Bình Nghi vượt cao trình 16,50m, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh quyết định vận hành hồ với lưu lượng xả nhỏ hơn lưu lượng đến hồ nhằm giảm lũ cho hạ du nhưng phải bảo đảm mực nước hồ không vượt cao trình mực nước dâng bình thường.

b. Khi mực nước hồ đạt đến mực nước dâng bình thường, vận hành điều tiết hồ với lưu lượng xả bằng lưu lượng đến hồ.

2.4. Vận hành đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ:

a. Khi mực nước tại Trạm thủy văn Bình Nghi xuống dưới mức báo động I, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh quyết định việc vận hành điều tiết với lưu lượng xả lớn hơn lưu lượng đến hồ để đưa dần mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ.

b. Trong quá trình vận hành, nếu mực nước tại Trạm thủy văn Bình Nghi đạt cao trình 16,20m, vận hành điều tiết để duy trì mực nước hiện tại của hồ.

2.5. Vận hành xả lũ đảm bảo an toàn đập:

Trước khi vận hành xả lũ đảm bảo an toàn công trình và giảm nhẹ thiệt hại vùng hạ du phải căn cứ diễn biến tình hình thủy văn, hiện trạng các công trình đầu mối và đặc điểm vùng hạ du hồ để quyết định phương án xả lũ (về số cửa, độ mở, thời gian mở). Các trường hợp mưa lũ lớn cần vận hành xả lũ được quy định như sau:

a. Khi mực nước hồ đạt đến MNDBT là 91,93m và đang lên, đồng thời dự báo ở thượng nguồn vẫn còn mưa, Công ty TNHH KTCT thủy lợi Bình Định phải vận hành các tràn xả mặt và các cửa đáy (ưu tiên vận hành các tràn xả mặt) để xả lũ giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước dâng bình thường.

b. Khi mực nước hồ đạt MNDBT 91,93m và đang lên trong điều kiện một cửa xả đáy đã mở hết và 6 cửa tràn xả mặt chưa mở hết thì Công ty tiếp tục vận hành các cửa xả mặt theo độ mở cửa nhất định để mực nước hồ không vượt cao trình 91,93m.

- Khi 6 cửa tràn xả mặt và 01 xả đáy đã mở, mực nước trong hồ cho phép đạt MNDGC 93,27m; sau khi có lệnh của Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Khi mực nước hồ đạt MNDGC 93,27m và đang lên thì tiếp tục mở thêm các cửa xả đáy để mực nước hồ không vượt MNDGC 93,27m.

- Trước khi mở tràn xả lũ, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về việc xã lũ công trình; đồng thời thông báo Đài KTCT Bình Định, chính quyền địa phương, UBND các huyện biết để phổ biến cho nhân dân vùng hạ du, chủ động triển khai các biện pháp Phòng chống, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

c. Khi mực nước hồ cao trình 93,27m và đang lên, dự báo ở thượng nguồn vẫn còn mưa to, Công ty TNHH KTCT Thủy lợi Bình Định báo cáo Sở NN&PTNT, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, UBND tỉnh Bình Định quyết định phương án vận hành tiếp các cửa xả đáy và xả lũ, giữ nước hồ không vượt quá cao trình 94,80m.

d. Khi mực nước lũ đạt cao trình 94,80m và đang lên, dự báo ở thượng nguồn vẫn còn mưa to, Công ty TNHH KTCN Thủy lợi Bình Định báo cáo Sở Nông nghiệp & PTNT, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, UBND tỉnh Bình Định quyết định phương án xã lũ khẩn cấp, đảm bảo an toàn hồ chứa (mở hết các cửa xả đáy).

e. Các trường hợp vận hành công trình khi hồ chứa có sự cố, thực hiện theo quy trình hiện hành điều tiết đã được phê duyệt, một số quy định cụ thể sau:

- Khi công trình đầu mối của hồ chứa (đập chính, tràn xã lũ, cống lấy nước), có dấu hiệu xảy ra sự cố, mất an toàn công trình, Công ty phải báo cáo ngay cho Sở NN&PTNT, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh trình UBND tỉnh Bình Định quyết định xả nước, hạ thấp mực nước hồ, đồng thời đề xuất các phương án xử lý và biện pháp thực hiện.

- Khi cửa tràn xả lũ, cống lấy nước có sự cố không vận hành được, Công ty TNHH KTCT Thủy lợi Bình Định, phải triển khai ngay các phương pháp xử lý sự cố công trình, đồng thời báo cáo ngay cho Sở NN và PTNT, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN trình UBND tỉnh quyết định biện pháp khẩn cấp xả nước, hạ nhanh mực nước hồ, đảm bảo an toàn công trình và phương án khắc phục.

Căn cứ vào tình hình mưa lũ Công ty sẽ lập kế hoạch tích nước hồ và báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT biết để chỉ đạo.

3. Quy định cấp và hình thức thông tin, báo động trong mùa mưa lũ.

3.1. Quy định cấp báo động trong điều kiện công trình làm việc bình thường như sau:

- Báo động cấp I: Khi mực nước hồ đạt cao trình ngưỡng tràn xả mặt 80,93m và các cửa tràn chưa vận hành xả lũ.

- Báo động cấp II: Khi mực nước hồ đạt cao trình 80,93m đến dưới MNDBT cao trình 91,93m đồng thời các cửa xả đáy đóng kín, các cửa tràn xả mặt đang vận hành xả lũ.

- Báo động cấp III: Khi mực nước hồ xấp xỉ đạt MNDBT cao trình 91,93m, đang mưa hoặc dự báo sẽ có mưa, đồng thời các cửa tràn xả mặt và cửa xả đáy đang vận hành xả lũ.

- Cấp báo động đặc biệt: Khi mực nước hồ vượt MNDBT cao trình 91,93m đồng thời các cửa tràn đang vận hành xả lũ.

3.2. Hình thức thông tin, báo động trong mùa mưa lũ như sau:

- Việc thông tin tình hình xả lũ của công trình và cấp báo động, Xí nghiệp Thủy lợi Định Bình sẽ báo cáo trực tiếp cho UBND các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Tuy Phước, thị xã An Nhơn biết để thông báo rộng rãi cho nhân dân vùng hạ lưu sau hồ, trong khi chờ nhận được thông báo bằng văn bản của Công ty.

- Để kịp thời thông tin cho nhân dân vùng hạ lưu biết kế hoạch và tình hình xả lũ hồ chứa, Công ty TNHH Khai thác công trình Thủy lợi Bình Định thường xuyên cung cấp thông tin để Đài Phát thanh và Đài Truyền hình Bình Định đưa tin.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác công trình Thủy lợi Bình Định thực hiện nhiệm vụ sau:

- Xây dựng và thực hiện các phương án, kế hoạch Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho công trình hồ chứa nước Định Bình trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.

- Chỉ đạo huy động và bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ kịp thời, đảm bảo an toàn công trình khi gặp sự cố và cắt giảm một phần đỉnh lũ cho hạ lưu.

- Thực hiện Quy chế trực ban, chế độ thông tin, báo cáo cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp trên theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình Thủy lợi, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Châu