Quyết định 3251/QĐ-UBND năm 2016 Quy định vận hành, duy trì mạng cảnh báo sớm ngập lụt đến cộng đồng dân cư vùng hạ du sông Kôn - Hà Thanh tỉnh Bình Định
Số hiệu: 3251/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Trần Châu
Ngày ban hành: 13/09/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3251/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 13 tháng 9 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VẬN HÀNH, DUY TRÌ MẠNG CẢNH BÁO SỚM NGẬP LỤT ĐẾN CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ VÙNG HẠ DU SÔNG KÔN - HÀ THANH TỈNH BÌNH ĐỊNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 ngày 19/6/2013 của Quốc hội Khóa XIII;

Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2962/TTr-SNN ngày 30/8/2016;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là Quy định vận hành, duy trì mạng cảnh báo sớm ngập lụt đến cộng đồng dân cư vùng hạ du sông Kôn - Hà Thanh tỉnh Bình Định.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Giám đốc Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Bình Định, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn nơi đặt bảng thông tin vết lũ và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Châu

 

QUY ĐỊNH

VẬN HÀNH, DUY TRÌ MẠNG CẢNH BÁO SỚM NGẬP LỤT ĐẾN CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ VÙNG HẠ DU SÔNG KIM - HÀ THANH
(Ban hành kèm theo quyết định số 3251/QĐ-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về thời gian quan trắc, quy trình đo độ ngập lụt, truyền tin dữ liệu, chế độ báo cáo, thù lao cho Quan trắc viên, trách nhiệm của các cơ quan, Ủy ban nhân dân các cấp có các điểm đo độ sâu ngập lụt trên địa bàn trong hoạt động đo độ sâu ngập lụt cộng đồng nhằm giúp người dân chủ động sơ tán người, tài sản hạn chế thiệt hại do lũ lụt gây ra trên địa bàn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan phòng chống thiên tai các cấp, quan trắc viên đo độ sâu ngập lụt và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của mạng Cảnh báo sớm ngập lụt cộng đồng dân cư lưu vực sông Kôn - Hà Thanh.

Điều 3. Giải thích thuật ngữ

1. Khái niệm lũ, tụt

a. Lũ: là hiện tượng mực nước sông dâng cao trong khoảng thời gian nhất định, sau đó xuống dần.

b. Lụt: là hiện tượng ngập nước của một vùng lãnh thổ do các nguyên nhân sau:

- Do lũ lớn, nước tràn qua bờ sông (đê) hoặc làm vỡ các công trình ngăn lũ vào các vùng trũng.

- Do mưa lớn tại chỗ mà không có khả năng tiêu thoát.

- Do nước biển dâng khi gió bão làm tràn ngập nước vùng ven biển.

2. Phân loại lũ: Căn cứ vào mực nước trung bình đỉnh lũ nhiều năm, lũ được phân thành các loại sau:

- Lũ nhỏ: là lũ có đỉnh lũ thấp hơn mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm.

- Lũ vừa: là lũ có đỉnh lũ tương đương mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm.

- Lũ lớn: là lũ có đỉnh lũ cao hơn mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm.

- Lũ đặc biệt lớn: là lũ có đỉnh lũ cao hiếm thấy trong thời kỳ quan trắc.

- Lũ lịch sử: là lũ có đỉnh cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc hoặc do điều tra khảo sát được.

3. Các loại lũ chính: Có 03 loại lũ chính

a. Lũ sông:

- Xảy ra trên sông khi có mực nước cao hơn và tốc độ dòng nước chảy nhanh hơn mức bình thường.

- Thường do các trận mưa lớn ở đầu nguồn gây ra.

b. Lũ quét:

- Thường xảy ra trên các sông, suối nhỏ hoặc ở miền núi.

- Thường là kết quả của những trận mưa rất lớn ở những vùng có độ dốc cao.

- Diễn ra trong một thời gian rất ngắn, dòng nước chảy với tốc độ cực lớn.

- Xuất hiện rất nhanh sau khi trời bắt đầu mưa, khó dự báo trước lũ quét sẽ xảy ra ở đâu và cuốn theo mọi thứ nơi dòng chảy đi qua.

c. Lũ ven biển (nước biển dâng):

- Xuất hiện khi sóng biển dâng cao đột ngột kết hợp với triều cường, phá vỡ đê hoặc tràn qua đê biển vào đất liền và làm nước sông không chảy thoát ra biển được gây ra ngập lụt cục bộ.

- Lũ ven biển thường xảy ra khi có áp thấp nhiệt đới hoặc bão gần bờ.

4. Cấp báo động lũ:

Cấp báo động lũ là độ cao mực nước lũ quy định cho từng vị trí quan trắc trên sông, suối. Mực nước ở mỗi cấp báo động lũ cho biết mức độ nguy hiểm của nước lũ trong sông, suối cũng như mức ngập lụt do nước lũ gây ra.Có các cấp báo động lũ là: báo động cấp 1, cấp 2, cấp 3.

5. Mùa lũ: Trên các sông trong tỉnh Bình Định, mùa lũ được quy định từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 31 tháng 12 hàng năm.

6. Quan trắc viên đo độ sâu ngập lụt cộng đồng: là cá nhân thuộc các cơ quan hoặc cá nhân trong cộng đồng dân cư được giao nhiệm vụ đo độ sâu ngập lụt trong mạng Cảnh báo sớm ngập lụt đến cộng đồng dân cư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

7. Mạng Cảnh báo sớm ngập lụt đến cộng đồng: là toàn bộ hệ thống, bao gồm mạng lưới điểm đo độ sâu ngập lụt cộng đồng và lực lượng Quan trắc viên đo độ sâu ngập lụt được bố trí trên các lưu vực sông; hệ thống thông tin truyền dữ liệu độ ngập lụt (phần mềm và thiết bị máy tính) và cán bộ vận hành, theo dõi, bảo trì hệ thống của cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp.

8. Cơ quan quản lý mạng Cảnh báo sớm ngập lụt đến cộng đồng(chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT): là đơn vị đầu mối quản lý, tổ chức, điều hành mạng lưới đo độ sâu ngập lụt cộng đồng dân cư; quản lý hệ thống thông tin truyền dữ liệu và quản lý dữ liệu độ sâu ngập lụt.

Chương II

QUY TRÌNH ĐO ĐỘ SÂU NGẬP LỤT CỘNG ĐỒNG VÀ TRUYỀN TIN DỮ LIỆU

Điều 4. Thời gian đo

1. Mùa lũ chính vụ hằng năm (từ 01/9 - 31/12 ).

- Trong thời kỳ mưa, lũ đang xảy ra trên địa bàn và có thông báo của Chi cục Thủy lợi (Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh) quan trắc viên phải đo độ sâu ngập lụt ít nhất 2 lần/ngày (theo mốc thời gian 08 giờ, 16 giờ)

- Trường hợp đặc biệt mưa to, lũ lớn (mực nước báo động cấp 3) đang xảy ra trên địa bàn thì phải đo 3 lần/ngày (theo mốc thời gian 08 giờ, 16 giờ, 22 giờ).

2. Trường hợp mưa, lũ xảy ra ngoài thời gian trên.

Chi cục Thủy lợi sẽ thông báo cho các quan trắc viên cộng đồng tiến hành đo độ sâu ngập lụt và báo cáo kịp thời để phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Điều 5. quy trình đo độ ngập lụt và chế độ truyền tin, báo cáo

1. Quy trình đo độ ngập lụt

Mỗi điểm đo độ sâu ngập lụt cộng đồng được gắn 01 bảng thông tin vết lũ đo độ ngập lụt; việc đo độ sâu ngập lụt phải đảm bảo tính trung thực và thực hiện đúng giờ đo. Thao tác đo độ sâu ngập lụt theo trình tự sau:

a. Khi mực nước ngập lụt hiện tại thấp hơn vết lũ năm 2013:

- Bước 1: Dùng thước có chia vạch đến cm đo khoảng cách từ mực nước ngập lụt hiện tại đến vạch màu xanh  MỰC NƯỚC LŨ  trên bảng thông tin vết lũ

- Bước 2: Ghi nhớ con số để nhắn tin, chú ý mực nước ngập hiện tại thấp hơn vết lũ năm 2013 dùng mã so sánh  N .

b. Khi mực nước ngập lụt hiện tại cao hơn vết lũ năm 2013:

- Bước 1: Lúc này bảng thông tin vết lũ đã bị ngập chìm trong nước, Dùng tay sờ vào vạch  MỰC NƯỚC LŨ  (có khắc chìm) trên bảng thông tin vết lũ. Dùng thước có chia vạch đến cm đo khoảng cách từ vạch MỰC NƯỚC LŨ  trên bảng thông tin vết lũ đến mực nước ngập lụt hiện tại.

- Bước 2: Ghi nhớ con số để nhắn tin, chú ý mực nước ngập hiện tại cao hơn vết lũ năm 2013 dùng mã so sánh  L .

2. Chế độ báo cáo, truyền tin dữ liệu

2.1 Báo cáo:

a. báo cáo độ ngập lụt bằng tin nhắn

Báo cáo độ ngập lụt bằng tin nhắn vào số máy quy định của hệ thống tin nhắn là bắt buộc. Cách thức nhắn tin như sau:

- Soạn tin nhắn theo cú pháp sau: LBD(dấu cách)(Thời điểm đo)(dấu cách)( so sách)(khoảng cách mực nước lũ so với vết lũ năm 2013) gửi đến số 0973777696 (đầu số thuê bao này có thể thay đổi).

- Trong đó: LBD: mã nhận dạng; Thời điểm đo: Giờ, ngày đo - Ghi đủ 4 chữ số; Mã so sánh: L (Cao hơn vết lũ năm 2013), N (Thấp hơn vết lũ năm 2013), Khoảng cách mực nước lũ so với vết lũ năm 2013: đơn vị cm, ghi đủ 3 chữ số.

Ví dụ minh họa:

Lúc 08 giờ ngày 27, khoảng cách mực nước lũ đo được lớn hơn vết lũ năm 2013 là 39cm, soạn tin nhắn như sau: LBD 0827 L039

Lúc 21 giờ ngày 03, khoảng cách mực nước lũ cần đo nhỏ hơn vết lũ năm 2013 là 58cm, soạn tin nhắn như sau: LBD 2 103 N058

b. Trường hợp không gửi được tin nhắn độ ngập lụt vào số máy quy định của hệ thống tin nhắn, thì báo cáo về Chi cục Thủy lợi bằng điện thoại: Quan trắc viên cộng đồng đo độ ngập lụt gọi số máy trực ban của Chi cục Thủy lợi (056.3646919 hoặc 056.3646855) đọc độ sâu ngập lụt quan trắc theo thời đoạn nêu trên.

Chương III

TỒ CHỨC LỰC LƯỢNG, NHIỆM VỤ VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI QUAN TRẮC VIÊN ĐO ĐỘ NGẬP LỤT CỘNG ĐỒNG

Điều 6. Tổ chức lực lượng quan trắc viên cộng đồng

1. Chi cục Thủy lợi(văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh) chủ trì phối hợp với UBND cấp xã nơi đặt điểm đo lựa chọn và thảo thuận trực tiếp đối với quan trắc viên đo độ sâu ngập lụt.

2. Đảm bảo mỗi điểm đo có một quan trắc viên. Quan trắc viên đo độ ngập lụt cộng đồng phải có đủ sức khỏe; có trách nhiệm, nhiệt tình; biết sử dụng các tính năng cơ bản của điện thoại di động phục vụ công việc.

Điều 7. Nhiệm vụ của quan trắc viên đo độ ngập lụt cộng đồng

1. Quan trắc viên đo độ ngập lụt cộng đồng chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Chi cục Thủy lợi, UBND cấp xã nơi có điểm đo và chịu sự hướng dẫn về mặt chuyên môn, kỹ thuật của Chi cục Thủy lợi.

2. Thực hiện đo độ ngập lụt và chế độ báo cáo, truyền tin dữ liệu theo quy định tại Điều 4, Điều 5 của Quyết định này. Có trách nhiệm bảo quản bảng thông tin vết lũ. Sau mỗi đợt mưa, lũ phải kiểm tra bảng thông tin vết lũ và kịp thời báo cáo về Chi cục Thủy lợi khi có hư hỏng xảy ra.

Điều 8. Trang bị và nguồn kinh phí

1. Quan trắc viên đo độ ngập lụt cộng đồng hàng năm được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ,trang bị dụng cụ đo và được nhận phí nhắn tin 50.000 đồng/mùa mưa lũ.

2. Nguồn kinh phí tập huấn, trang bị và nhắn tin cho lực lượng quan trắc viên đo độ ngập lụt cộng đồng lấy từ nguồn ngân sách tỉnh chi cho hoạt động thường xuyên hàng năm được giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT và Quỹ Phòng chống thiên tai.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP VÀ CÁC NGÀNH

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc UBND cấp huyện, xã và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc quy định này. Chịu trách nhiệm chủ trì, đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

Điều 10. Trách nhiệm của Chi cục Thủy lợi

1. Chi cục Thủy 1ợi được giao trách nhiệm quản lý mạng Cảnh báo sớm ngập lụt đến cộng đồng dân cư,có trách nhiệm tổng hợp số liệu từ quan trắc viên cộng đồng phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh và lưu trữ dữ liệu theo quy định.

2. Tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, hướng dẫn lực lượng quan trắc viên đo độ ngập lụt cộng đồng thực hiện các quy định trong Quyết định này.

3. Lập dự toán kinh phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống hằng năm, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho quan trắc viên cộng đồng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện theo quy định.

Điều 11. Trách nhiệm UBND cấp huyện nơi có bảng thông tin vết lũ

Chỉ đạo UBND cấp xã nơi có điểm đo độ ngập lụt cộng đồng thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong Quyết định này. Chủ động khai thác dữ liệu đo độ ngập lụt cộng đồng trên địa bàn để phục vụ nhiệm vụ cảnh báo mưa lũ cho nhân dân chủ động phòng, tránh.

Điều 12. Trách nhiệm của UBND cấp xã nơi đặt bảng thông tin vết lũ

1. Thường xuyên chỉ đạo, giám sát quan trắc viên đo độ ngập lụt cộng đồng thực hiện các quy định tại Quyết định này. Chủ động khai thác, sử dụng dữ liệu đo độ ngập lụt cộng đồng trên địa bàn để phục vụ nhiệm vụ cảnh báo mưa lũ, sơ tán người, tài sản hạn chế thiệt hại do lũ lụt gây ra trên địa bàn.

2. Lựa chọn, đề xuất thay đổi điểm đo, quan trắc viên đo độ sâu ngập lụt cộng đồng khi nhận thấy quan trắc viên không thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ trong thỏa thuận, vi phạm các quy định hoặc theo đề xuất của Chi cục Thủy lợi.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Điều khoản thi hành

Quy định này được thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh Bình Định; trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo về sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung./.