Quyết định 324/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020
Số hiệu: 324/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu Người ký: Phạm Hoàng Bê
Ngày ban hành: 23/05/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 324/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 23 tháng 5 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐND ngày 22 tháng 7 năm 2005 của HĐND tỉnh về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Qua xem xét hồ sơ kèm theo văn bản số 289/TTr-TMDL ngày 08 tháng 5 năm 2007 của Sở Thương mại và Du lịch, Đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 12/SKHĐT-TH ngày 10 tháng 5 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ CÁC MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA QUY HOẠCH

1. Quan điểm phát triển thương mại của tỉnh:

1.1. Phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực của các thành phần kinh tế để phát triển thương mại đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; thực hiện chiến lược tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu;

1.2. Phát huy lợi thế của tỉnh, phát triển và mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, gắn phát triển các hoạt động thương mại với phát triển sản xuất;

1.3. Tổ chức thị trường và lưu thông hàng hóa giữa các vùng trong và ngoài tỉnh, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, đời sống và xuất khẩu. Tạo lập hệ thống kinh doanh tại thị trường đô thị có khả năng tổ chức nguồn hàng và phát luồng bán buôn; sắp xếp lại mạng lưới bán lẻ, dịch vụ, bảo đảm mua bán thuận tiện, văn minh thương mại, bảo vệ môi trường sinh thái.

2. Mục tiêu:

Phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại ở cả thị trường đô thị và nông thôn; đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo hướng đa dạng hóa thị trường, đa phương hóa thương mại; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, các loại chợ, cửa hàng, cửa hiệu… tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, bán buôn, bán lẻ phục vụ sản xuất và đời sống; đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của lưu chuyển hàng hóa giai đoạn 2006 - 2010 là 17,3%; giai đoạn 2011 - 2015 là 15 - 18%; giai đoạn 2015 đến năm 2020 là 12 - 14%. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 23,6%; giai đoạn 2011 - 2020 là 12,7%/năm.

3. Chỉ tiêu chủ yếu:

 

ĐVT

Giai đoạn 2006 -2010

Giai đoạn 2011 - 2020

a) Giá trị tăng thêm đến năm cuối kỳ (giá 1994)

Tỷ đồng

899

3.636

* Tốc độ tăng trưởng bình quân

%

18,5

15

+ Giá trị tăng thêm của Thương mại

Tỷ đồng

737

2.981

* Tốc độ tăng trưởng bình quân

%

18

15

+ Giá trị tăng thêm của dịch vụ

Tỷ đồng

162

655

* Tốc độ tăng trưởng bình quân

%

21,9

15

b) Kim ngạch xuất khẩu đến năm cuối kỳ

Triệu USD

330

1.100

* Tốc độ tăng trưởng bình quân

%

23,6

12,7

c) Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ đến năm cuối kỳ

Tỷ đồng

11.000

62.000

* Tốc độ tăng trưởng bình quân

%

17,3

18,8

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI

Xây dựng cấu trúc thị trường hợp lý với các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh thương mại, phù hợp với định chế của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tự do hóa trong kinh doanh, bình đẳng trước pháp luật. Cụ thể trên các lĩnh vực như sau:

1. Đối với doanh nghiệp thương nghiệp có vốn Nhà nước tham gia:

Các doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần có vốn Nhà nước, hoạt động thương mại chủ yếu bán buôn tham gia bán lẻ, góp phần điều hòa cung cầu hàng hóa trên thị trường, góp phần bình ổn giá cả; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu làm nòng cốt trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tích cực đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý, đa dạng hóa sản phẩm, làm đầu tàu lôi kéo các thành phần kinh tế khác hoạt động xuất, nhập khẩu một cách có hiệu quả cao, góp phần tiêu thụ sản phẩm của địa phương.

2. Đối với thương mại - kinh tế tập thể:

- Phát triển thương mại của các tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, trên tất cả các lĩnh vực thương mại: Bán buôn, bán lẻ, tiêu thụ hàng nông sản thực phẩm, các loại hình dịch vụ…;

- Kinh tế tập thể nói chung, trong đó hợp tác xã nói riêng phải là hạt nhân trong hệ thống các đơn vị cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thương mại, đảm nhận thu gom và bán lẻ phục vụ trực tiếp cho người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy quá trình liên kết phát triển thị trường các vùng nông thôn. Hợp tác liên kết giữa sản xuất với tiêu dùng, liên kết giữa các hộ có quy mô nhỏ để đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

3. Phát triển mạnh thương mại tư nhân:

Thương nhân thuộc thành phần kinh tế tư bản, tư nhân tạo nên sự phong phú và đa dạng của hoạt động thương mại, cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Định hướng phát triển theo hướng:

- Khuyến khích phát triển thương mại tư nhân phát triển cả ba cấp (tụ điểm thương mại, cụm thương mại và trung tâm thương mại). Khuyến khích tư nhân thành lập doanh nghiệp thương mại, theo các loại hình kinh doanh ở tất cả các ngành được phép kinh doanh ở mọi địa bàn trong tỉnh, đặc biệt là ở các chợ đầu mối và chợ nông thôn;

- Thương mại tư nhân là lực lượng chủ yếu trên thị trường, thực hiện chức năng lưu thông hàng hóa, phát triển thị trường bán buôn và thị trường bán lẻ, tiêu thụ hàng hóa của địa phương. Phát triển thương mại tư nhân với mọi quy mô khác nhau, với các loại hình và phương thức kinh doanh theo hướng đa dạng và phong phú, minh bạch, chuyên nghiệp hóa, hiện đại và văn minh thương mại.

4. Phát triển các loại hình dịch vụ:

Khuyến khích tư nhân hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ thương mại như: Khách sạn, nhà hàng, điểm cửa hàng ăn uống, dịch vụ kinh doanh chợ, kho bãi, sửa chữa xe máy có động cơ và các loại hình dịch vụ khác; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đa dạng của người tiêu dùng. Góp phần tăng trưởng khu vực dịch vụ của tỉnh.

III. TỔ CHỨC KHÔNG GIAN LÃNH THỔ CÁC HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI

Quy hoạch phát triển thương mại trong phạm vi không gian lãnh thổ tỉnh Bạc Liêu được bố trí theo ba cấp và các loại hình thương mại sau:

1. Bố trí trong phạm vi không gian lãnh thổ theo 03 cấp:

- Cấp cơ sở: Lấy các chợ xã, trung tâm cụm xã, ấp là hạt nhân kết hợp với các cửa hàng, kiot, điểm bán hàng tạo thành tổ hợp hay tụ điểm thương mại phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong khu vực ảnh hưởng của chợ;

- Cấp trung gian: Được xây dựng tại các trung tâm huyện lỵ, thị trấn; kết hợp chợ với các cửa hàng, điểm thu mua nông, thủy sản; cơ sở mua bán vật tư, hàng tiêu dùng sẽ tạo thành cụm thương mại dịch vụ, có sức thu hút và phát luồng hàng hóa trong khu vực ảnh hưởng phù hợp với điều kiện phát triển mạng lưới giao thông và phát triển kinh tế của khu vực;

- Cấp chi phối: Được xây dựng thành các trung tâm thương mại có sức thu hút mạnh đối với hàng hóa và khách hàng trong và ngoài tỉnh, ngoài nước với sự kết hợp của nhiều loại hình thương mại, nhiều phương thức kinh doanh đa dạng, văn minh, hiện đại. Phát triển mạnh thương mại điện tử trở thành phương thức phổ biến trong giao dịch thương mại; siêu thị sẽ dần dần thay thế các chợ trong các trung tâm thương mại ở các đô thị trong tỉnh.

2. Phát triển các trung tâm thương mại:

Đến năm 2020 đầu tư hình thành tương đối hoàn chỉnh 08 trung tâm thương mại, bao gồm 01 trung tâm cấp tỉnh tại thị xã Bạc Liêu và 07 trung tâm thương mại khu vực: Thị trấn Hòa Bình, Giá Rai, Hộ Phòng, Gành Hào, Phước Long, Ngan Dừa, Châu Hưng. Trong đó:

- Trung tâm thương mại cấp tỉnh: Có các hoạt động bao gồm các văn phòng dịch vụ và đại diện của các tổ chức thương mại; là trung tâm thương mại, quảng cáo, khu hội chợ triển lãm hàng hóa; các khu vực cửa hàng bán, buôn bán lẻ, giới thiệu sản phẩm; siêu thị, khách sạn, nhà hàng, bãi đậu xe…;

- Trung tâm thương mại khu vực bao gồm các hoạt động: Chợ bách hóa công nghệ; khu vực cửa hàng chuyên doanh; thu mua tiêu thụ nông sản thực phẩm; khu vực kinh doanh dịch vụ, phục vụ, kho bãi… với tư cách là cụm thương mại trung tâm khu vực.

3. Phát triển các cụm thương mại - dịch vụ:

Phát triển các cụm thương mại dịch vụ theo hướng tương tự như trung tâm thương mại khu vực, nhưng có quy mô nhỏ hơn. Cụm thương mại dịch vụ thường gắn liền với các cụm kinh tế kỹ thuật. Kết cấu của cụm thương mại - dịch vụ gồm: Chợ bán hàng hóa công nghệ, thực phẩm tươi sống, nông sản, các cửa hàng tự chọn; dãy phố chợ; các cửa hàng thu mua sản phẩm địa phương, kho trung chuyển, các cửa hàng dịch vụ, bãi đậu xe, ghe xuồng…;

Định hướng đến năm 2020 hình thành đầy đủ các cụm thương mại - dịch vụ tại: Hiệp Thành, Nhà Mát, Trà Kha thuộc thị xã Bạc Liêu; 03 cụm thương mại - dịch vụ thuộc huyện Hòa Bình: Cụm Vĩnh Hậu, Bàu Sàng, Cái Cùng; 02 cụm thuộc huyện Vĩnh Lợi gồm: Cụm Vĩnh Hưng, Cái Dầy; 02 cụm thuộc huyện Giá Rai gồm: Cụm Phong Thạnh, Nhàn Dân; 03 cụm thuộc huyện Phước Long gồm: Cụm Phó Sinh, Chủ Chí, Vĩnh Phú Đông; 02 cụm thuộc huyện Hồng Dân gồm: Cụm Ba Đình, Ninh Quới A; 02 cụm thuộc huyện Đông Hải gồm: Cụm Kinh Tư, Cái Cùng.

4. Phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh:

Trong giai đoạn quy hoạch, chợ vẫn là loại hình thương mại phù hợp và phổ biến trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa dịch vụ. Bao gồm chợ tại các trung tâm, cụm và chợ nông thôn hình thành mạng lưới chợ, trên cơ sở có quy hoạch chi tiết cho mạng lưới chợ.

Định hướng đến năm 2020 hình thành 74 chợ, trong đó chợ loại I là 10 chợ; chợ loại II là 12 chợ; chợ loại III là 52 chợ. (Danh mục cụ thể phải được ghi trong quy hoạch phát triển chợ trên địa bàn tỉnh).

5. Định hướng phát triển các siêu thị:

Siêu thị là loại hình kinh doanh thương mại văn minh, hiện đại, kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên doanh, đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích, trang bị kỹ thuật, trình độ quản lý tổ chức kinh doanh nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Phát triển siêu thị phù hợp với xu thế phát triển đô thị và cụm dân cư. Đến năm 2010, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư các siêu thị tại thị xã Bạc Liêu, một số thị trấn trung tâm trong tỉnh. Đến năm 2020 hình thành các siêu thị ở các trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, đồng thời phát triển thêm các cửa hàng tự chọn loại vừa và nhỏ tại các cụm thương mại phù hợp với phát triển sức mua của xã hội.

IV. DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CHỦ YẾU

1. Trung tâm Thương mại tỉnh Bạc Liêu:

- Quy mô dự án: 02 ha.

- Chức năng: Kinh doanh thương mại - dịch vụ tổng hợp phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

- Địa điểm: Trung tâm thị xã Bạc Liêu.

- Dự kiến tổng vốn đầu tư: 40 tỷ đồng.

- Thời gian thực hiện: 2007 - 2010.

2. Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Bạc Liêu:

- Quy mô dự án: 30.000 m2.

- Chức năng: Tổ chức hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo, trưng bày giới thiệu sản phẩm, cung cấp thông tin thị trường.

- Địa điểm: Phường 7 - Thị xã Bạc Liêu.

- Dự kiến tổng vốn đầu tư: 30 tỷ đồng.

- Thời gian thực hiện: 2008 - 2012.

3. Trung tâm thương mại - dịch vụ các huyện:

- Quy mô dự án: 1 - 1,5 ha.

- Chức năng: Kinh doanh thương mại - dịch vụ tổng hợp phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân thị trấn, các huyện và những vùng lân cận.

- Địa điểm: Trung tâm thị trấn các huyện trong tỉnh.

- Dự kiến tổng vốn đầu tư: 25 tỷ/1 trung tâm.

- Thời gian thực hiện: 2007 - 2015.

4. Dự án đầu tư xây dựng hệ thống chợ:

a) Chợ Bạc Liêu A - thị xã Bạc Liêu:

- Quy mô dự án: 30.000 m2.

- Tính năng: Chợ trung tâm của tỉnh Bạc Liêu, kinh doanh tổng hợp các mặt hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân tỉnh Bạc Liêu và các vùng lân cận.

- Địa điểm: Phường 3 - thị xã Bạc Liêu.

- Dự kiến tổng vốn đầu tư: 60 tỷ đồng.

- Thời gian thực hiện: 2007 - 2010.

b) Chợ đầu mối nông sản (đã được Chính phủ quy định danh mục đầu tư):

- Số lượng chợ: 5 chợ.

- Quy mô dự án: 1 ha/chợ.

- Tính năng: Kinh doanh nông sản thực phẩm.

- Địa điểm: Thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình), thị trấn Phước Long (huyện Phước Long), thị trấn Hộ Phòng (huyện Giá Rai), thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải).

- Dự kiến tổng vốn đầu tư: 15tỷ đồng/chợ.

- Thời gian thực hiện: 2007 - 2010.

c) Chợ đầu mối thủy sản (đã được Chính phủ quy định danh mục đầu tư):

- Số lượng chợ: 3 chợ.

- Quy mô dự án: 2.000 - 3.000 m2.

- Tính năng: Thu mua cung ứng hàng thủy sản tại các khu vực sản xuất trọng điểm.

- Địa điểm: Gành Hào (huyện Đông Hải), Cái Cùng (huyện Vĩnh Lợi), Nhà Mát (thị xã Bạc Liêu).

- Dự kiến tổng vốn đầu tư: 15 tỷ đồng/chợ.

- Thời gian thực hiện: 2007 - 2010.

d) Các chợ còn lại:

- Số lượng chợ:

+ Chợ loại I: 9 chợ.

+ Chợ loại II: 14 chợ.

- Quy mô:

+ Chợ loại I: 1.000 m2/chợ.

+ Chợ loại II: 800 m2/chợ.

+ Chợ loại III: 500 m2/chợ.

- Địa điểm: Trên địa bàn toàn tỉnh.

- Dự kiến vốn đầu tư:

+ Chợ loại I: 20 tỷ đồng/chợ.

+ Chợ loại II: 10 tỷ đồng/chợ.

+ Chợ loại III: 1 tỷ đồng/chợ.

- Thời gian thực hiện: 2007 - 2020.

V. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Phát triển thị trường và lưu thông hàng hóa:

a) Thị trường khu vực đô thị: Là khu vực thị trường có dung lượng hàng hóa lớn, đầu mối giao lưu hàng hóa giữa các khu vực trong và ngoài tỉnh, phát luồng hàng hóa đi các nơi. Do đó cần phải nhanh chóng quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật kinh doanh thương mại theo hướng hiện đại, văn minh. Đẩy mạnh đầu tư các loại hình dịch vụ khác như: Vận tải, kho bãi, dịch vụ, thông tin liên lạc để bổ trợ cho phát triển thương mại;

b) Thị trường nông thôn: Quy hoạch phát triển hệ thống các chợ nông thôn, từng bước đồng bộ với hệ thống thương mại trên địa bàn tỉnh, phù hợp với quy mô sản xuất hàng hóa của địa phương và nhu cầu, sức mua của các tầng lớp dân cư. Khuyến khích các thành phần kinh tế hoạt động thương mại tại các chợ nông thôn, đặc biệt là kinh tế hộ, xây dựng các cửa hàng cửa hiệu trực tiếp thu mua hàng hóa địa phương cung ứng vật tư hàng tiêu dùng cho nhân dân trên địa bàn;

c) Thị trường xuất khẩu: Tăng mức độ thâm nhập các thị trường trọng điểm, từng bước tiếp cận thị trường mới có tiềm năng, hình thành cơ cấu thị trường xuất khẩu phù hợp để hạn chế ảnh hưởng xấu đối với xuất khẩu khi có biến động lớn xảy ra. Tập trung phát triển xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường và mặt hàng; đối với những mặt hàng Bạc Liêu có lợi thế so sánh cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để phát triển thị trường, chủ động sáng tạo, nắm bắt cơ hội, hạn chế rủi ro khi tham gia hội nhập kinh tế thế giới.

2. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại

Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các đoàn khảo sát thị trường tìm kiếm bạn hàng và cơ hội kinh doanh trong và ngoài tỉnh; tham gia hội chợ triển lãm; tổ chức quảng cáo, xuất bản các ấn phẩm quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp ngoài tỉnh mở các chi nhánh, văn phòng đại diện để xúc tiến thương mại tỉnh làm đầu mối kết nối và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh.

3. Giải pháp về vốn, thu hút đầu tư:

Nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2010 là 1.200 tỷ đồng, giai đoạn 2011 – 2020 là 5.000 tỷ đồng; phương châm xã hội hóa trong đầu tư, kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, liên doanh, liên kết thông qua công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đầu tư theo các phương thức đầu tư khác đã nêu tại Luật Đầu tư. Trong đó :

- Ngân sách Nhà nước chỉ đầu tư kết cấu hạ tầng các trung tâm thương mại, đầu tư kết cấu hạ tầng chợ loại I; chợ trung tâm cụm xã theo chương trình mục tiêu; hỗ trợ đầu tư các chợ thuộc địa bàn các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc chương trình quốc gia, chương trình phát triển trung tâm cụm xã;

- Huy động các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng chợ loại II và loại III; doanh nghiệp và cá nhân đầu tư xây dựng nhà chợ, các sạp hàng, quầy hàng, các công trình hạ tầng khác; được sử dụng quyền sử dụng đất, các công trình trong phạm vi chợ thuộc quyền sử dụng của mình để thế chấp vay vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ theo quy định của pháp luật.

4. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thị trường và hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh;

- Kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về thương mại, quản lý thị trường, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, nhanh gọn cho chủ đầu tư và nhà kinh doanh;

- Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, lực lượng cán bộ có đủ năng lực cho các cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại, nhất là Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, lực lượng quản lý thị trường;

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tiêu cực; ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, hoạt động kinh doanh trái phép.

5. Phát triển nguồn nhân lực:

- Thực hiện tốt công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho ngành thương mại trong chương trình phát triển nguồn nhân lực chung của tỉnh;

- Hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động cho các doanh nghiệp hoạt động thương mại trong lĩnh vực tin học thương mại điện tử, quản lý kinh doanh siêu thị;

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Nhà nước trong ngành thương mại đủ trình độ theo yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch:

1. Chủ trì tổ chức công bố công khai quy hoạch đã được phê duyệt đến các cấp, các ngành, các huyện, thị xã, các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh biết để phối hợp triển khai thực hiện;

2. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, triển khai lập quy hoạch phát triển hệ thống chợ, quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cụ thể hóa bằng các chương trình dự án kế hoạch hàng năm, thu hút các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại;

3. Định kỳ kiểm tra giám sát thực hiện quy hoạch và báo cáo kết quả về UBND tỉnh; tổng hợp, rà soát các nội dung chưa phù hợp trong quá trình thực hiện để điều chỉnh kịp thời.

Điều 3. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ liên quan chủ động phối hợp với Sở Thương mại và Du lịch cụ thể hóa quy hoạch này vào kế hoạch hàng năm và các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn để quá trình thực hiện quy hoạch thương mại đồng bộ với quy hoạch ngành lãnh thổ trên địa bàn tỉnh.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Hoàng Bê