Quyết định 32/2013/QĐ-UBND Quy định tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai tỉnh Thừa Thiên Huế
Số hiệu: 32/2013/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Phan Ngọc Thọ
Ngày ban hành: 27/08/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Bưu chính, viễn thông, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 32/2013/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 27 tháng 08 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VIỆC TỔ CHỨC VÀ ĐẢM BẢO THÔNG TIN LIÊN LẠC PHỤC VỤ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Pháp lệnh số 9-PL/CTN ngày 08 tháng 3 năm 1993 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Phòng, chống lụt, bão;

Căn cứ Pháp lệnh số 27/2000/PL-UBTVQH10 ngày 24 tháng 8 năm 2000 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão;

Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;

Căn cứ Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi, bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000;

Căn cứ Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 17/2012/TT-BTTTT ngày 05 tháng 11 năm 2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 430/TTr-STTTT ngày 18 tháng 6 năm 2013 về việc đề nghị ban hành Quyết định quy định việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.     

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ

 

QUY ĐỊNH

VIỆC TỔ CHỨC VÀ ĐẢM BẢO THÔNG TIN LIÊN LẠC PHỤC VỤ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2013/QĐ-UBND ngày 27/8/2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai của Ủy ban nhân dân (viết tắt là UBND) tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn (viết tắt là Ban Chỉ huy PCLB & TKCN) tỉnh đến Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai là việc huy động, tổ chức, sử dụng mạng bưu chính, viễn thông công cộng, mạng viễn thông chuyên dùng để đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai.

2. Mạng thông tin chuyên dùng phòng, chống thiên tai là mạng viễn thông dùng riêng do Nhà nước đầu tư, thiết lập để phục vụ việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai. Mạng thông tin chuyên dùng phòng, chống thiên tai bao gồm:

a) Hệ thống viễn thông cố định vệ tinh (VSAT băng tần C) chuyên dùng;

b) Hệ thống viễn thông di động vệ tinh (INMARSAT) chuyên dùng;

c) Hệ thống viễn thông vô tuyến điện (HF, VHF, UHF) chuyên dùng;

d) Các xe ô tô thông tin chuyên dung;

đ) Các hệ thống viễn thông khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

3. Trung tâm điều hành thông tin: Là trung tâm phục vụ thông tin liên lạc cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh và thu, nhận xử lý thông tin từ Trung ương đến tỉnh và từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố và các nơi xảy ra thiên tai (đặt tại Viễn thông Thừa Thiên Huế - 08 Hoàng Hoa Thám - thành phố Huế).

4. Ban điều hành liên mạng vô tuyến điện: Điều hành các mạng hoạt động thông suốt, thông báo và nhận báo cáo mọi diễn biến của tình hình do các nơi báo cáo về và ra các yêu cầu thực hiện tùy theo diễn biến tình hình của lụt, bão, cứu hộ, cứu nạn.

5. “'Thiết bị vô tuyên điện” bao gồm thiết bị thu - phát sóng vô tuyến điện dùng trong các nghiệp vụ vô tuyến điện.

6. “Hô hiệu liên lạc” là các quy ước nhận dạng danh tính giữa các đài vô tuyến khi gọi liên lạc với nhau.

7. “Máy vô tuyến điện HF” là thiết bị thu - phát sóng vô tuyến điện làm việc ở băng tần HF (300 KHz đến 30 MHz). (HF: High Frequency - tần số cao, cao tần).

8. “Máy vô tuyến điện VHF” là thiết bị thu - phát vô tuyến điện làm việc ở băng tần VHF (30 MHz đến 300 MHz) (VHF: Very High Frequency - tần số rất cao).

9. “Máy vô tuyến điện UHF” là thiết bị thu - phát vô tuyến điện làm việc ở băng tần UHF (300MHz đến 3000 MHz).

Điều 4. Nguyên tắc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai

1. Đảm bảo thông tin liên lạc phòng, chống thiên tai với ưu tiên cao nhất, an toàn, tin cậy, nhanh chóng.

2. Tổ chức, quản lý điều hành thông tin liên lạc phòng, chống thiên tai tập trung, thống nhất và trực tiếp.

3. Khai thác, sử dụng Mạng viễn thông chuyên dùng phòng, chống thiên tai đúng mục đích và hiệu quả.

4. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị nắm giữ phương tiện thông tin liên lạc trên địa bàn tỉnh nhằm huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện hiện có.

Chương 2.

TỔ CHỨC VÀ ĐẢM BẢO THÔNG TIN LIÊN LẠC PHỤC VỤ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

Điều 5. Tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc trong điều kiện bình thường và trước khi có thiên tai

Thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong điều kiện bình thường và trước khi có thiên tai được tổ chức như sau:

1. Thông tin liên lạc từ trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương đến trụ sở UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh và ngược lại thông tin liên lạc từ trụ sở UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh đến trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương được đảm bảo chủ yếu bằng việc sử dụng dịch vụ của mạng viễn thông di động, cố định mặt đất công cộng, mạng bưu chính công cộng.

2. Thông tin liên lạc từ trụ sở UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh đến Ban Chỉ huy PCLB & TKCN các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế được đảm bảo chủ yếu bằng việc sử dụng dịch vụ của mạng viễn thông di động, cố định mặt đất công cộng, mạng bưu chính công cộng.

3.  Thông tin liên lạc khi di chuyển ra ngoài trụ sở nêu ở Khoản 2 Điều này được đảm bảo chủ yếu bằng việc sử dụng dịch vụ của mạng viễn thông di động mặt đất công cộng.

4. Thông tin liên lạc cho các Đoàn công tác của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt, bão Trung ương, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh trong trường hợp cần thiết, được đảm bảo chủ yếu bằng việc sử dụng hệ thống thiết bị viễn thông trên xe ô tô thông tin chuyên dùng.

Điều 6. Tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc trong thiên tai

1. Tại các khu vực thiên tai không ảnh hưởng đến hoạt động mạng bưu chính, viễn thông công cộng thì việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc thực hiện theo quy định tại Điều 5 Quy định này.

2. Tại các khu vực thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động mạng bưu chính, viễn thông công cộng, việc đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai được tổ chức như sau:

a) Thông tin liên lạc từ trụ sở UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh đến trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt, bão Trung ương và các huyện, thị xã, thành phố xảy ra thiên tai được đảm bảo chủ yếu bằng việc sử dụng hệ thống viễn thông cố định vệ tinh (VSAT) chuyên dùng và hệ thống viễn thông vô tuyến điện chuyên dùng;

b) Đối với thông tin bưu chính phải tổ chức kết nối đường thư Hệ bưu chính đặc biệt để liên lạc kịp thời với Trung ương, đảm bảo việc chuyển tải nhanh nhất các loại công văn hỏa tốc, thượng khẩn, công văn mật, tối mật, tuyệt mật của các cơ quan cấp tỉnh về Trung ương và ngược lại;

c) Thông tin liên lạc khi di chuyển ra ngoài trụ sở nêu ở Điểm a Khoản 2 Điều này được đảm bảo chủ yếu bằng việc sử dụng hệ thống viễn thông di động vệ tinh (INMARSAT) chuyên dung;

d) Lãnh đạo UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh được đảm bảo bằng việc sử dụng hệ thống viễn thông trên xe ô tô thông tin chuyên dùng.

Điều 7. Tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc trong giai đoạn khắc phục hậu quả thiên tai

1. Tại các khu vực thiên tai không gây ra thiệt hại ảnh hưởng đến hoạt động mạng bưu chính, viễn thông công cộng thì việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc thực hiện theo quy định tại Điều 5 Quy định này.

2. Tại các khu vực thiên tai gây ra thiệt hại ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của mạng bưu chính, viễn thông công cộng, việc đảm bảo thông tin liên lạc trong thời gian khắc phục hậu quả được tổ chức theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Quy định này.

3. Tại các khu vực thiệt hại do hậu quả thiên tai, sau khi mạng bưu chính, viễn thông công cộng được khôi phục hoạt động trở lại bình thường thì việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc thực hiện theo quy định tại Điều 5 Quy định này.

Chương 3.

TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG MẠNG VÔ TUYẾN ĐIỆN PHỤC VỤ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

Điều 8. Tiếp nhận, xử lí thông tin

1. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, Trung tâm điều hành thông tin khi tiếp nhận các thông tin về áp thấp nhiệt đới, lũ từ Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, chuyển ngay các thông tin trên cho Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các Sở, ngành, địa phương bằng các phương tiện thông tin liên lạc như điện thoại, Fax... và qua mạng vô tuyến điện dùng riêng của tỉnh.

2. Đối với các đơn vị, cá nhân được trang bị máy vô tuyến điện, khi tiếp nhận các thông tin về áp thấp nhiệt đới, bão, lũ từ Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh chuyển đến, tùy theo chức năng và nhiệm vụ phải khẩn trương triển khai thực hiện.

3. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, Trung tâm điều hành thông tin có trách nhiệm khi thu nhận những thông tin, báo cáo từ các máy vô tuyến điện của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN của các sở, ban, ngành, địa phương chuyển đến, phải tổng hợp và báo cáo Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh để có biện pháp chỉ đạo, xử lí kịp thời.

4. Trong trường hợp khi một máy muốn lên lạc khẩn cấp với Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, Trung tâm điều hành thông tin nhưng do ảnh hưởng các yếu tố về thời tiết, môi trường truyền sóng… chất lượng liên lạc kém, thì bất kì máy vô tuyến điện trung gian nào trên mạng liên lạc được với 02 máy trên sẽ làm cầu nối và chuyển tiếp thông tin.

Điều 9. Quy định về các thiết bị vô tuyến điện

Để đảm bảo thông tin liên lạc từ Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh, Trung tâm điều hành thông tin đến Ban Chỉ huy PCLB & TKCN các sở, ngành, địa phương và liên kết với các mạng thông tin khác khi cần thiết:

1. Đài Thông tin vô tuyến điện đặt tại Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh, Trung tâm điều hành thông tin được trang bị thiết bị vô tuyến điện dải tần sóng UHF, VHF và HF.

2. Các máy vô tuyến điện khác trên mạng được trang bị máy vô tuyến điện VHF để liên lạc trên dải tần VHF với Thường trực Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh, Trung tâm điều hành thông tin.

3. Tất cả các máy vô tuyến điện phải được đăng kí cấp giấy phép sử dụng tần số, thiết bị phủ sóng vô tuyến điện và khi sử dụng phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Điều 10. Quy định về tần số, hô hiệu phục vụ phòng chống thiên tai và sử dụng các kênh tần số

1. Quy định về tần số và hô hiệu:

a) Tần số dùng để phục vụ phòng chống thiên tai do Cục Tần số Vô tuyến điện cấp sử dụng miễn phí;

b) Tần số 1 dùng để phục vụ cho phòng chống thiên tai liên lạc theo yêu cầu và tần số 2 dùng để phục vụ phòng, chống thiên tai liên lạc giữa các mạng do Cục Tần số Vô tuyến điện cấp và được Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp cho các đơn vị, cá nhân được trang bị máy vô tuyến điện phục vụ công tác phòng, chống thiên tai;

c) Hô hiệu quy ước khi liên lạc toàn liên mạng do Sở Thông tin và Truyền thông thống nhất với các đơn vị để quy định.

2. Quy định sử dụng kênh gọi:

a) Kênh gọi chỉ dùng để thiết lập cuộc gọi giữa các máy vô tuyến điện với nhau;

b) Kênh gọi chỉ được sử dụng trong khoảng thời gian tối đa 10 phút. Đài gọi xưng tên và gọi tên đài bị gọi trên kênh gọi. Ngay sau khi nhận được tín hiệu trả lời đài bị gọi, đài gọi chủ động chỉ kênh liên lạc để hai đài cùng chuyển sang làm việc ở kênh liên lạc.

3. Quy định sử dụng kênh liên lạc:

a) Kênh liên lạc chỉ được sử dụng trong khoảng thời gian tối đa 05 phút. trường hợp kéo dài thời gian liên lạc thì sau khi liên lạc 05 phút phải tạm ngưng 01 phút rồi mới tiếp tục liên lạc;

b) Trong quá trình làm việc nếu bị nhiễu do đài khác gây ra, có thể chuyển đổi sang kênh liên lạc khác để tránh nhiễu.

Điều 11. Quy định về quản lý và sử dụng thiết bị vô tuyến điện

1. Quản lý, bảo quản:

a) Thiết bị vô tuyến điện được trang bị cho cơ quan, đơn vị, cá nhân nào thì cơ quan, đơn vị, cá nhân đó chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng và bảo quản theo đúng các quy trình kỹ thuật được hướng dẫn;

b) Tất cả thiết bị vô tuyến điện phải có hồ sơ quản lý lý lịch, nguồn gốc, nhật ký sửa chữa nâng cấp;

c) Hàng năm, trước mùa mưa, bão, Sở Thông tin và Truyền thông, phối hợp cùng Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh cùng với đơn vị bảo trì, bảo dưỡng có trách nhiệm phối hợp cùng các đơn vị kiểm tra thiết bị vô tuyến điện đang sử dụng và đánh giá lại hiện trạng thiết bị. Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo, trình lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và đề xuất phương án thay thế, nâng cấp, bổ sung thêm thiết bị.

2. Sử dụng:

a) Tất cả các máy vô tuyến điện khi đưa vào hoạt động phải được đăng ký cấp giấy phép sử dụng tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện và khi sử dụng phải tuân thủ các quy định của pháp luật;

b) Thiết bị vô tuyến điện dùng để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Do đó, người sử dụng phải thực hiện đúng những yêu cầu sau:

- Người sử dụng không được tự ý cài đặt các tần số, kênh liên lạc khác; không tự tiện lắp đặt thêm các thiết bị khác vào hệ thống đang sử dụng hoặc sử dụng thiết bị vào mục đích khác.

- Khi liên lạc trên mạng phải sử dụng đúng các hô hiệu quy ước liên lạc.

- Vận hành thiết bị phải đúng quy trình kỹ thuật.

- Khi thiết bị có sự cố phải thông báo ngay cho Sở Thông tin và Truyền thông biết để kiểm tra, xử lý kịp thời. Không được tự ý can thiệp vào thiết bị. Đối với các thiết bị có dán tem bảo hành đang còn thời hạn thì không được làm rách tem.

Điều 12. Quy định về phương thức, chế độ liên lạc

1. Phương thức liên lạc:

a) Phương thức liên lạc giữa các máy trong hệ thống mạng là liên lạc đơn công. Tại một thời điểm chỉ có một máy phát và tất cả các máy còn lại thu. Trong trường hợp khẩn cấp các máy được ưu tiên có quyền xen ngang vào cuộc gọi và yêu cầu các máy đang liên lạc tạm thời ngưng, để dành kênh liên lạc phục vụ cho chỉ đạo chung.

b) Tất cả các máy trên mạng khi liên lạc phải sử dụng đúng các hô hiệu được cấp và tuân thủ việc tổ chức phân cấp liên lạc.

2. Chế độ liên lạc:

a) Trong điều kiện bình thường, các máy trạm chính thường xuyên giữ liên lạc với máy đặt tại Trung tâm Điều hành thông tin 2 phiên liên lạc vào đầu giờ (08 giờ và 14 giờ) mỗi ngày;

b) Khi có thông tin về áp thấp nhiệt đới, bão lũ, thiên tai xảy ra hoặc có chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh yêu cầu các đơn vị trực phòng, chống lụt bão, thì  tất cả các máy vô tuyến phải được mở ở chế độ trực canh 24/24 và thường xuyên có liên lạc về Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh;

c) Tất cả các máy trạm chính đều phải có sổ nhật biên để ghi lại thời gian và nội dung của từng phiên liên lạc.

Chương 4.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông

1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm đối với việc đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai và hoạt động của Mạng thông tin chuyên dùng phòng, chống thiên tai.

2. Kiện toàn Ban chỉ huy PCLB & TKCN ngành Thông tin và Truyền thông; xây dựng và tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch đảm bảo thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn hàng năm.

3. Hàng năm làm Trưởng liên mạng vô tuyến điện tổ chức diễn tập mạng vô tuyến điện theo kịch bản định sẵn giữa các cơ quan, đơn vị nắm giữ thiết bị vô tuyến điện nhằm đảm bảo thông tin thông suốt, sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn xây dựng và tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh hàng năm.

5. Chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tổ chức thông tin liên lạc của Mạng thông tin chuyên dùng phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Tham mưu giúp Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, thành phố thực hiện việc huy động, bố trí và sử dụng các trang thiết bị của Mạng thông tin chuyên dùng phòng, chống thiên tai được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giao cho các Viễn thông tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý, khai thác.  

6. Báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông khi có yêu cầu về tình hình mạng bưu chính, viễn thông và việc đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn.

7. Ban chỉ huy PCLB&TKCN ngành Thông tin và Truyền thông đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo tổ chức triển khai hoạt động của Mạng thông tin chuyên dùng phòng, chống thiên tai; trực ban, xử lý báo cáo, tổng hợp tình hình và điều hành công tác tổ chức thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

8. Tiến hành khảo sát, đánh giá việc đảm bảo thông tin liên lạc tại Ban chỉ huy PCLB&TKCN các huyện, thị xã, thành phố Huế, các vùng trũng thấp, thủy điện, hồ chứa nước lớn để tham mưu UBND tỉnh đề án kiện toàn mạng Vô tuyến điện phục vụ công tác phòng, chống lụt bão trên địa bàn tỉnh.

Điều 14. Trách nhiệm của Doanh nghiệp bưu chính, viễn thông

1. Xây dựng, tổ chức triển khai phương án và kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai cho mạng bưu chính, viễn thông của mình.

2. Tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc tại các địa bàn bị ảnh hưởng của thiên tai theo yêu cầu của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai.

3. Chủ động sự hỗ trợ từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

4. Báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình mạng bưu chính, viễn thông và việc đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai về Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông.

5. Tập trung lực lượng, trang thiết bị cần thiết tại Trung tâm điều hành thông tin nhằm đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai.

Chương 5.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Thành lập trung tâm điều hành thông tin liên quan đến công tác chỉ huy, điều hành phòng, chống lụt bão và có trách nhiệm báo cáo, đề xuất Thường trực Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh xử lý;

 b) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh và các đơn vị liên quan (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viễn thông Thừa Thiên Huế, Bưu điện tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố…) tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng cho các đơn vị, cá nhân được trang bị máy bộ đàm để nắm bắt và thực hiện tốt các nội dung tại Quy định này; thực hiện các thủ tục về đăng kí cấp giấy phép, phí và lệ phí tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật. Thanh tra, kiểm tra xử lí các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật;

c) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, Viễn thông Thừa Thiên Huế, Chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế, Đài Thông tin Duyên Hải Huế, Thường trực Ban Chỉ huy PCLB&TKCN của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hằng năm kiểm tra tình hình đảm bảo thông tin liên lạc tại các Thủy điện, đập, hồ chứa nước lớn, các vùng trũng thấp và hai tuyến biên giới, tuyến biển nhằm có phương án đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt tại các khu vực này.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh) là trung tâm tiếp nhận thông tin liên quan đến công tác chỉ huy, điều hành phòng, chống lụt bão và có trách nhiệm báo cáo, đề xuất Thường trực Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh xử lý.

3. Ban Chỉ huy PCLB & TKCN các huyện, thị xã, thành phố Huế, các sở, ban, ngành được trang bị máy vô tuyến điện, theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

4. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

5. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị, tổ chức và cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để được hướng dẫn hoặc tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung./.