Quyết định 32/2012/QĐ-UBND về Quy định tạm thời cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012-2015
Số hiệu: 32/2012/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Nguyễn Văn Cao
Ngày ban hành: 28/09/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2012/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 9 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2012-2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của liên Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Văn bản số 104/HĐND-THKT ngày 24 tháng 9 năm 2012 của Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thống nhất Quy định tạm thời cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn mới;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 991/TTr-SKHĐT ngày 20 tháng 7 năm 2012;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012-2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch HĐND và UBND các thị xã, huyện, xã, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao

 

QUY ĐỊNH

CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2012-2015
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2012 của Ủy ban Nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định cơ chế, chính sách huy động nguồn lực thực hiện công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới giai đoạn 2012-2015 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cộng đồng dân cư thực hiện các hoạt động quản lý, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới giai đoạn 2012-2015.

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. UBND tỉnh, thị xã, huyện, xã huy động và quản lý các nguồn lực thông qua việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch, danh mục công trình đầu tư hàng năm của từng xã.

2. Việc vận động nhân dân đóng góp phải đảm bảo theo nguyên tắc tự nguyện, thực hiện theo Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Chương II

CƠ CHẾ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Điều 4. Các nguồn lực huy động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới.

Nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh:

a) Nguồn vốn ngân sách trung ương:

- Nguồn vốn trực tiếp của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;

- Nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai trên địa bàn;

- Nguồn vốn chương trình, dự án hỗ trợ theo mục tiêu đang triển khai trên địa bàn;

- Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn của các tổ chức phi Chính phủ (NGO), vốn tín dụng thương mại theo quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

b) Nguồn vốn ngân sách tỉnh:

- Trích tối thiểu 20% phần ngân sách tỉnh được hưởng từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn;

- Các nguồn khác.

2. Nguồn lực của thị xã, huyện, xã:

a) Nguồn vốn ngân sách thị xã, huyện:

 - Trích tối thiểu 20% phần ngân sách thị xã, huyện được hưởng từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn;

- Các nguồn khác.

b) Nguồn lực xã huy động:

- Trích tối thiểu 80% phần để lại cho ngân sách xã từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn xã;

- Các nguồn khác.

- Bố trí quỹ đất để xây dựng công trình;

- Bố trí quỹ đất tái định cư và đất sản xuất.

3. Nguồn lực nhân dân đóng góp và các nguồn huy động hợp pháp khác.

a) Nguồn lực nhân dân đóng góp:

- Phần đất và tài sản trên đất (trừ nhà ở);

- Ngày công, vật tư, tiền;

- Người dân tự đầu tư chỉnh trang lại nhà ở, sân vườn, hàng rào, đường vào nhà, thoát nước thải...của mình theo quy hoạch.

b) Nguồn huy động hợp pháp khác: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước...

Điều 5. Cơ chế sử dụng nguồn lực vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới.

1. Thực hiện lồng ghép các nguồn lực huy động (nguồn vốn của ngân sách trung ương, tỉnh, thị xã, huyện; nguồn lực xã, nhân dân đóng góp và huy động hợp pháp khác) và phân chia tỷ lệ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới, như sau:

- Danh mục công trình và phân chia tỷ lệ huy động nguồn lực đầu tư (phụ lục kèm theo)

b) Các công trình áp dụng cơ chế đầu tư theo quyết định riêng biệt, cụ thể:

Các công trình thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu có quyết định riêng như công trình xây dựng chợ, công trình cấp nước...; các công trình có hiệp định ký kết đối với đối tác ODA; các công trình có văn bản thỏa thuận của nhà tài trợ thì thực hiện theo quy định của các quyết định, hiệp định ký kết hoặc thỏa thuận đó.

c) Tổng mức đầu tư để tính tỷ lệ huy động nguồn lực đầu tư:

Tổng mức đầu tư để áp dụng tính phân chia tỷ lệ huy động nguồn lực đầu tư là tổng mức đầu tư xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt sau khi trừ các khoản:

- Dự phòng phí;

- Giá trị phần đất và tài sản trên đất.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổ chức chỉ đạo các thị xã, huyện, xã trong tỉnh triển khai, theo dõi và phổ biến các văn bản có liên quan đến quy định này, báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ hàng tháng, quý, năm.

- Chủ trì, phối hợp với UBND các thị xã, huyện, xã rà soát, lựa chọn và đề xuất nhu cầu đầu tư hàng năm.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư; đề xuất huy động, lồng ghép các nguồn vốn và dự kiến bố trí mức vốn đầu tư cho từng danh mục công trình trình UBND tỉnh, và thông báo vốn khi có quyết định của UBND tỉnh;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh bổ sung, hoàn thiện chính sách báo cáo HĐND tỉnh xem xét quyết định.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Kho bạc nhà nước tỉnh quản lý, cấp phát nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, tỉnh cho ngân sách thị xã, huyện theo đúng kế hoạch được tỉnh phân bổ vốn đầu tư cho từng danh mục công trình. Đôn đốc giải ngân, thanh quyết toán các nội dung đầu tư; thanh tra, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn đầu tư đúng mục đích và quy định hiện hành của Nhà nước.

4. UBND các thị xã, huyện:

- Xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới của thị xã, huyện.

- Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới trên địa bàn theo quy định.

- Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các xã thực hiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới.

5. UBND các xã:

- Xây dựng đề án, kế hoạch xây dựng nông thôn mới thông qua HĐND xã.

- Huy động nguồn lực của địa phương để tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới theo quy định hiện hành.

6. HĐND cấp xã thông qua mức đóng góp tự nguyện cụ thể của nhân dân cho từng dự án.

7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thị xã, huyện, xã:

- Tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức, cá nhân thực hiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới.

- Chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương và đại diện cộng đồng dân cư thực hiện giám sát cộng đồng trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới ở xã theo quy định hiện hành.

8. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị liên quan báo cáo kịp thời bằng văn bản về Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh để được hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.