Quyết định 3143/QĐ-UBND năm 2008 ban hành Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Ninh Thuận đến năm 2010
Số hiệu: 3143/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Hoàng Thị Út Lan
Ngày ban hành: 21/05/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3143/QĐ-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 21 tháng 5 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2010

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001- 2010 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 5 năm 2006 - 2010;

Căn cứ văn bản số 7689BKH/CLPT ngày 06 tháng 01 năm 1998 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nội dung, quy trình xây dựng và tổ chức phê duyệt Quy hoạch phát triển phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành đến năm 2010;

Xét Tờ trình số 300/TT-SLĐTBXH ngày 08 tháng 5 năm 2008 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Ninh Thuận đến năm 2010;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 772/SKHĐT ngày 13 tháng 5 năm 2008.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Ninh Thuận giai đoạn đến 2010 với những nội dung chủ yếu như sau:

I. Mục tiêu: nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phấn đấu đến năm 2010 có trên 40% lao động qua đào tạo, trong đó lao động đào tạo nghề 26%, trung học chuyên nghiệp và cao đẳng trở lên 14%; thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế.

II. Nhiệm vụ chủ yếu:

1. Về đào tạo nghề:

a) Trình độ và loại hình đào tạo: đào tạo lao động kỹ thuật, thời gian đào tạo ngắn hạn dưới một năm và dài hạn từ một đến ba năm, đảm bảo tỷ lệ đào tạo giữa các trình độ và tình hình phát triển công nghệ. Đa dạng hoá loại hình đào tạo phù hợp điều kiện thực tế và nhu cầu: đào tạo theo các mô hình liên kết, đặt hàng, tín chỉ, vừa làm vừa học; đào tạo mới và đào tạo lại; đào tạo tại chỗ, đào tạo nghề nông thôn, doanh nghiệp tự đào tạo, tái đào tạo theo mục đích sử dụng lao động;

b) Quy mô, cơ cấu đào tạo: tăng quy mô đào tạo nghề hằng năm cho người lao động, đặc biệt chú ý đào tạo nghề dài hạn, giai đoạn 2008 - 2010 đào tạo 23.000 người trong đó đào tạo nghề ngắn hạn 21.000 người, đào tạo dài hạn 2.000 người. Cơ cấu ngành nghề đào tạo phải phù hợp với nhu cầu lao động trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, thương mại và dịch vụ; tập trung đào tạo các ngành nghề cho các khu, cụm công nghiệp, các ngành kinh tế mũi nhọn, ngành có sử dụng số lượng lao động lớn, các nghề phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, phát triển nông thôn và xuất khẩu lao động;

c) Mạng lưới dạy nghề: phát triển mạng lưới dạy nghề theo hướng đẩy mạnh xã hội hoá, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề để tăng năng lực và chất lượng dạy nghề góp phần bảo đảm cơ cấu nguồn nhân lực. Giai đoạn đến năm 2010, tập trung đầu tư cơ sở 2 Trường Trung cấp Nghề và Trung tâm Dạy nghề các huyện Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước để đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, xuất khẩu lao động và phổ cập nghề cho thanh niên; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở dạy nghề tư nhân trên địa bàn các huyện thành phố, tại các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp và các loại hình dạy nghề khác. Tổng vốn đầu tư xây dựng các cơ sở dạy nghề là 85 (tám mươi lăm) tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 40 (bốn mươi) tỷ đồng; ngân sách địa phương 30 (ba mươi) tỷ đồng; các thành phần kinh tế 15 (mười lăm) tỷ đồng;

d) Đội ngũ giáo viên và các hoạt động nghiên cứu: đội ngũ giáo viên là người quyết định chất lượng đào tạo, phải bảo đảm về số lượng và chất lượng; tiếp tục chuẩn hoá, đào tạo bồi dưỡng và tuyển dụng giáo viên dạy nghề đáp ứng nhu cầu đào tạo; xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi, bố trí đủ cho Trường Trung cấp Nghề và các Trung tâm Dạy nghề. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thực hành, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để phục vụ công tác giảng dạy và học tập; khuyến khích hình thành các cơ sở sản xuất, dịch vụ phù hợp với ngành nghề đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động;

e) Về quản lý: nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề; tăng cường công tác lập kế hoạch, dự kiến nhu cầu nhân lực và cơ cấu ngành nghề đào tạo. Tăng cường quản lý Nhà nước về đào tạo nghề, nhất là quản lý chất lượng đào tạo nghề đối với chương trình, giáo trình, quy chế học tập, thi cử, văn bằng, tiêu chuẩn giáo viên.

2. Về đào tạo trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học:

Tiếp tục đào tạo giáo viên, liên kết đào tạo một số ngành còn thiếu; làm tốt công tác tư vấn, tuyển sinh cao đẳng, đại học; nâng tỷ lệ thi đỗ hằng năm vào các trường cao đẳng, đại học. Phấn đấu giai đoạn 2008 - 2010 có trên 7.000 sinh viên đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp được đào tạo trong và ngoài tỉnh.

Nâng cấp mở rộng các cơ sở đào tạo hiện có, xây dựng trường Trung cấp Y tế; thành lập phân hiệu trường đại học và tiến tới thành lập trường đại học trên địa bàn tỉnh nhằm đào tạo theo hướng đa cấp, đa ngành và đa hệ để tăng cường đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nghệ cho các cấp các ngành, đáp ứng yêu cầu bức xúc về nguồn nhân lực trình độ cao của tỉnh. Tạo cơ cấu hợp lý về lao động, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động qua đào tạo phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

3. Chuyển dịch cơ cấu lao động:

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng lao động các ngành công nghiệp, dịch vụ.

- Đối với ngành nông lâm ngư nghiệp: phát triển theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, năng suất, chất lượng hiệu quả và chuyển đổi cây trồng vật nuôi, mở rộng diện tích sản xuất giống, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, phát triển mạnh thương mại dịch vụ và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn nhằm giảm cơ cấu lao động nông nghiệp từ 70,8% năm 2005 xuống còn 63,4% vào năm 2010;

- Ngành nông nghiệp - xây dựng: phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản có lợi thế cạnh tranh, ưu tiên xây dựng Khu công nghiệp Du Long và Phước Nam, xây dựng một số lĩnh vực chủ lực: công nghiệp sản xuất muối và hoá chất sau muối, tập trung khai thác và chế biến khoáng sản phục vụ sản xuất và tiêu dùng, chỉ đạo phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, công nghiệp cơ khí đóng sửa tàu thuyền, phát triển nhà máy điện gió với quy mô thích hợp cùng với việc quy hoạch các cụm công nghiệp Thành Hải, Tháp Chàm, Ninh Phước, Ninh Sơn nhằm tăng cơ cấu lao động công nghiệp - xây dựng từ 7,9% năm 2005 lên 13,4% vào năm 2010;

- Ngành thương mại - dịch vụ: phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng lớn và sức cạnh tranh cao như du lịch, bưu chính viễn thông, bảo hiểm, mở rộng các dịch vụ có công nghệ cao, dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Các ngành vận tải, khách sạn, nhà hàng, tài chính tín dụng, tư vấn chuyển mạnh sang cơ chế thị trường; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ công cộng nhằm tăng cơ cấu lao động thương mại - dịch vụ từ 21,3% năm 2005 lên 23,2% vào năm 2010.

III. Giải pháp thực hiện:

1. Huy động vốn đầu tư cho đào tạo nghề: căn cứ vào nội dung quy hoạch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng các đề án để huy động các nguồn vốn đầu tư của ngành, chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là vốn các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp cho mục tiêu phát triển đào tạo nghề.

2. Về đào tạo: các ngành nông lâm thủy sản, công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ có kế hoạch đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật phù hợp với các ngành nghề. Chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất gắn với việc chuyển dịch cơ cấu lao động. Phấn đấu đến năm 2010 các ngành có tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 40%, trong đó lao động đào tạo nghề 26%.

3. Về cơ chế, chính sách: xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các đơn vị, cá nhân thành lập các cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Xây dựng các cơ chế, chính sách về liên kết đào tạo với các cơ sở có uy tín ngoài tỉnh; chính sách thu hút nhân tài và sinh viên đang học tại các trường đại học, cao đẳng khi ra trường về làm việc tại tỉnh để phát triển nguồn nhân lực. Triển khai tốt chủ trương của Chính phủ về việc cho sinh viên nghèo vay ưu đãi để học đại học, cao đẳng và Quyết định số 5285/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2006 - 2010.

4. Công tác truyền thông: tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng về phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quyết định cho bước phát triển đột phá và bền vững của tỉnh nhà.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

Căn cứ mục tiêu và nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực đã được xác định trong quy hoạch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội công bố công khai quy hoạch đến các ngành, các địa phương và nhân dân có liên quan để triển khai thực hiện quy hoạch; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc phối hợp tham mưu thực hiện các mục tiêu quy hoạch đề ra; cụ thể hoá các nội dung quy hoạch, các cơ chế chính sách để triển khai thực hiện.

Các ngành chức năng liên quan: các Sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, … theo chức năng nhiệm vụ, chủ động phối hợp thực hiện quy hoạch. Các huyện, thành phố phối hợp với các ngành triển khai quy hoạch trên địa bàn quản lý.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Hoàng Thị Út Lan

 

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.