Quyết định 3140/QĐ- UBND năm 2007 phê duyệt Đề án “Xây dựng cơ sở vật chất trường chuẩn quốc gia cấp trung học phổ thông giai đoạn 2006 – 2010 và định hướng đến 2015” do tỉnh Hải Dương ban hành
Số hiệu: 3140/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương Người ký: Phan Nhật Bình
Ngày ban hành: 04/09/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3140/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 04 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG CƠ SỞ VẬT CHẤT TRƯỜNG CHUẨN QUỐC GIA CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2006 – 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2015”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 27/2001/QĐ – BGD & ĐT ngày 05 tháng 07 năm 2001 về việc ban hành Quy chế công nhận trường Trung học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2001 – 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 79/SGD & ĐT – KHTC ngày 12 tháng 08 năm 2007.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Xây dựng cơ sở vật chất trường chuẩn Quốc gia cấp Trung học phổ thông tỉnh Hải Dương gia đoạn 2006 – 2010 và định hướng 2015”.

1. Tên Đề án: Xây dựng cơ sở vật chất trường chuẩn quốc gia cấp Trung học phổ thông tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 – 2010 và định hướng đến 2015.

2. Mục tiêu của Đề án.

a. Mục tiêu chung

- Đến năm 2010 mỗi huyện /TP có ít nhất 1 trường Trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia (ở mức độ tối thiểu).

- Đến năm 2015 mỗi huyện/TP có ít nhất 2 trường Trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

- Định hướng xây dựng thêm các hạng mục công trình còn thiếu trong các trường Trung học phổ thông.

b. Mục tiêu cụ thể.

Trường Trung học phổ thông đạt chuẩn (ở mức độ tối thiểu) phải đạt các yêu cầu sau:

- Về diện tích khuôn viên: Mức tối thiểu đạt 10m /HS; những trường có điều kiện, mở rộng đạy tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 3978: 1984), đạt mức bình quân 25 m /HS.

- Về phòng học, phòng học bộ môn: Đảm bảo tỷ lệ lớp/phòng lí thuyết nhiều nhất là 1,5 lớp/phòng. Có ít nhất 7 phòng học bộ môn (lý, hoá, sinh, tin, công nghệ, tiếng nước ngoài, nghe nhìn)

- Về cơ sở vật chất phục vụ dạy học: Thư viện có đủ diện tích kho sách, phòng đọc cho giáo viên, học sinh, kết hợp với phòng máy vi tính để xây dựng thư viện điện tử, có phòng truyền thống, phòng làm việc của công đoàn giáo dục, phòng hoạt động của Đoàn TNCS HCM, có phòng y tế học đường và các công trình phục vụ giáo dục thể chất đảm bảo đúng qui cách.

- Về cơ sở vật chất phục vụ công tác hành chính quản trị: Có đủ phòng làm việc của Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng, văn phòng, phòng tổng hợp, phòng họp giáo viên, kho, phòng thường trực, khu để xe (giáo viên, học sinh), khu vệ sinh, nước sạch.

- Trang thiết bị dạy học: Có đủ trang thiết bị dạy học theo danh mục thiết bị dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Yêu cầu

- Đầu tư xây dựng các hạng mục công trìnhđảm bảo đạt chuẩn qui định.

- Trước mắt tập trung đầu tư đạt chuẩn cho các trường đã gần đạt các tiêu chuẩn theo qui định; xây dựng bổ sung phòng học, phòng học bộ môn đối với những trường hiện đang có cơ sở vật chất quá khó khăn.

- Kết hợp tốt việc thực hiện Đề án với việc sử dụng hiệu quả các công trình, thiết bị được đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục.

4. Nguồn vốn

- Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản tập trung của tỉnh: Đầu tư xây dựng các hạng mục công trình chính: Đền bù, giải phóng mặt bằng, san lấp, kè chắn đất (nếu có); xây dựng các khối công trình: Nhà lớp học, lớp học bộ môn, các phòng phục vụ học tập, hành chính quản trị.

- Nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục – đào tạo (các dự án tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa, đưa tin học vào nhà trường): Mua sắm thiết bị dạy học, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho các trường.

- Nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục (bao gồm cả nguồn vốn các trường huy động được từ xã hội): Mua sắm thiết bị dạy học, sửa chữa, bảo trì thường xuyên các công trình và thiết bị dạy học, xây dựng các hạng mục phụ trợ: Cổng, sân chơi, vườn hoa, đường nội bộ, công trình vệ sinh, nước sạch...

- Nguồn kinh phí có được từ việc chuyển đổi các trường bán công sang tư thục: Được đầu tư trở lại cho các trường Trung học phổ thông công lập để tăng cường cơ sở vật chất hoặc xây dựng trường chuẩn quốc gia.

5. Tổ chức thực hiện

a. Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển giáo dục – đào tạo tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 – 2010 và đến năm 2015.

Ban chỉ đạo có trách nhiệm giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án và đề xuất các hình thức ghi công, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc thực hiện Đề án.

b. Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực thực hiện Đề án, có nhiệm vụ:

- Xác định cụ thể danh mục trường, hạng mục công trình cần đầu tư;

- Xây dựng kế hoạch triển khai tổng thể cho từng giai đoạn và hàng năm;

- Chỉ đạo việc tổ chức huy động, tiếp nhận và sử dụng vốn đóng góp;

- Trên cơ sở nguồn vốn qiu định tại khoản 4, căn cứ kế hoạch thực hiện hàng năm, phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính để xác định nhu cầu và phương án phân bổ kinh phí cụ thể cho từng trường, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

c. Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh, tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn vốn.

- Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính lập kế hoạch kinh phítừng năm cho từng trường trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Đồng thời có trách nhiệm khảo sát, kiểm tra việc thực hiện.

d. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí và huy động các nguồn lực khác để thực hiện mục tiêu của Đề án.

e. Sở Xây dựng hướng dẫn việc qui hoạch xây dựng chuẩn đảm bảo các tiêu chuẩn qui định, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường, từng địa phương và có điều kiện để páht triển lâu dài.

f. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các ngành, các huyện, thành phố tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết đủ diện tích đất cho các trường theo tiêu chuẩn qui định.

g. Uỷ ban nhân dân các huyện/thành phố căn cứ kế hoạch xây dựng trường chuẩn của các trường Trung học phổ thông trên địa bàn, chỉ đạo các địa phương, phòng chuyên môn giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng trường chuẩn đặc biệt là các vấn đề liên quan đến qui hoạch xây dựng, mở rộng diện tích đất.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên – Môi trường, Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các đơn vị liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Quyết định thi hành ./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phan Nhật Bình

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.