ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ------- |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------- |
Số: 313/QĐ-UB |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 9 năm 1983 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ VIỆC THU GIỮ, BẢO QUẢN, XỬ LÝ TANG TÀI VẬT TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30- 6- 1983;
- Căn cứ Pháp lệnh ngày 21-10-1970 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa;
- Căn cứ Pháp lệnh ngày 21-10-1970 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân;
- Căn cứ Pháp lệnh ngày 30-06-1982 của Hội đồng Nhà nước về việc trừng trị các tội đầu cơ buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép;
- Căn cứ Nghị định số 217/CP ngày 8-6-1979 của Hội đồng Chính phủ về chế độ kỷ luật, chế độ bảo vệ của công và chế độ phục vụ nhân dân của cán bộ, nhân viên và cơ quan Nhà nước;
- Căn cứ Quyết định số 367/QĐ ngày 20-3-1971 của Bộ Công an ban hành chế độ công tác thu giữ, bảo quản và xử lý tang vật của vụ án mà bị can đã bị bắt, giam giữ hoặc tại ngoại để xét hỏi;
- Để đưa việc quản lý tang tài vật tại thành phố vào nề nếp, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và lợi ích nhân dân.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này bản qui định tạm thời về việc thu giữ, bảo quản và xử lý tang vật tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu luật kể từ ngày ban hành.
Điều 3. Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Thủ tướng các Sở, Ban, Ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ KT.CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC Lê Đình Nhơn |
QUY ĐỊNH
VỀ THU GIỮ BẢO QUẢN VÀ XỬ LÝ TANG VẬT TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 313/QĐ- UB ngày 07-09-1983 của UBND Thành phố)
Để nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước trong công tác thu giữ, bảo quản và xử lý tang tài vật liên quan đến các vụ phạm pháp.
Để bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản chính đáng của nhân dân.
Căn cứ vào Pháp luật hiện hành, Ủy ban nhân dân thành phố quy định việc thu giữ, bảo quản và xử lý tang tài vật tại Thành phố như sau:
Chương I
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1. Tang vật là những đồ vật, hàng hóa, giấy tờ, phương tiện có liên quan đến vụ phạm pháp bị phát hiện, có giá trị là một chứng cứ được pháp luật xác nhận, dùng để chứng minh hành vi phạm pháp.
Tài vật là những vật dụng riêng của người phạm pháp đang mang theo mình khi bị bắt, hoặc thấy ở nhà riêng khi khám xét, nhưng không liên quan gì đến hành vi của kẻ phạm tội.
Điều 2. Tang vật phải được thu giữ quản lý và xử lý đúng theo pháp luật nhà nước. Nếu là chất độc, chất nổ, chất cháy, chất có vi trùng, phải có biện pháp bảo đảm an toàn chung.
Điều 3. Chỉ tang vật trong vụ phạm pháp mới bị thu giữ. Trong khi thu giữ không được bỏ sót một tang vật nào, đồng thời không được thu giữ những thứ không phải là tang vật. Việc thu giữ tài vật trong trường hợp quy định ở điều 9 và điều 11 dưới đây, phải theo đúng thủ tục trong bản quy định này.
Điều 4 . Tang tài vật thu giữ phải được cất giữ, bảo quản như tài sản xã hội chủ nghĩa, không ai được chiếm đoạt, lấy cắp, trao đổi, mua bán, làm mất, làm hỏng hoặc sử dụng trái phép.
Điều 5. Việc khám xét người, nhà ở, đồ vật, và việc thu giữ tang vât, kể cả trường hợp quả tang phải được tiến hành theo đúng thủ tục và pháp luật hiện hành.
Điều 6. Việc xử lý tang vật phải do cơ quan có thẩm quyền quyết định tùy theo tính chất vụ phạm pháp.
Điều 7. Các ngành hữu quan phải tổ chức và phân công cán bộ chịu trách nhiệm việc bảo quản tang vật theo đúng chế độ, nguyên tắc.
Chương II
THU GIỮ VÀ GIAO NỘP TANG TÀI VẬT
1. Tang vật phải thu giữ:
Điều 8 . Tất cả các loại tang vật (hàng hóa, đồ vật, phương tiện hay giấy tờ) đều phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ, chính xác.
Điều 9. Khi khám xét nhà của người phạm pháp hoặc người liên quan đến vụ phạm pháp phải thu giữ kê biên những thứ không liên quan đến vụ phạm pháp nhưng thuộc vào loại cấm lưu hành, cấm sử dụng (như vũ khí, chất nổ, chất cháy, văn hóa phẩm phản động, đồi trụy…) và trong những vụ án xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản riêng của công dân có giá trị lớn để đảm bảo việc xử lý bồi thường hoặc xử phạt về kinh tế theo luật định.
Điều 10. Trong các vụ án hình sự, việc thu giữ những đồ vật có liên quan đến tự do tính ngưỡng của công dân như bàn thờ, lư hương, đỉnh đồng, tượng phật, tượng thánh, thánh giá, quần áo hành lễ… chỉ được tiến hành sau khi có sự đồng ý của Giám đốc công an thành phố, hoặc có lệnh của Viện Kiểm sát nhân dân hay của Tòa án nhân dân đang thụ lý vụ án đó.
2. Việc thu giữ tài vật:
Điều 11. Tài vật của người phạm pháp hoặc liên quan đến vụ phạm pháp như quần áo, đồng hồ, tiền bạc, đồ trang sức, phương tiện đi lại, vv… không bị thu giữ. Cấm lợi dụng việc bắt khám xét để tước đoạt tài sản riêng của công dân.
Trong vi eäc khám xét theo lệnh của cấp có thẩm quyền, hoặc trong các trường hợp kiểm tra hành chánh, chỉ được thu giữ những thứ có liên quan thực sự đến vụ phạm pháp. Tuyệt đối không được thu giữ tài sản khác của công dân, trừ trường hợp quy định ở điều 9.
Trong trường hợp khám xét nhà, lúc đầu chưa phân biệt thứ nào là tang vật, thứ nào là tài vật, thì sau khi thu giữ, cơ quan có trách nhiệm thu giữ tang vật phải xác định nhanh chóng và trả lại tài vật cho sở hữu chủ, chậm nhất là sau 15 ngày thu giữ.
3. Thủ tục thu giữ:
Điều 12. Chỉ những cán bộ được giao trách nhiệm bắt, khám xét trong Sắc luật số 103/SL-L005 ngày 20-05-1957 của Thủ tướng Chính phủ mới có quyền thu giữ tang vật.
Điều 13. Tang vật thu giữ hoặc thu nhập phải được ghi chép và chú thích vào biên bản và bản thống kê tang vật một cách đầy đủ, cụ thể, chi tiết.
Điều 14. Trong các vụ án hình sự, biên bản thu giữ tang vật hoặc biên bản tạm giao tang vật cho chủ nhà hoặc người đại diện hợp pháp (Vợ hoặc chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ, người đại diện cơ quan hay đoàn thể … ) bảo quản phải được lập thành 03 bản (một bản để gởi Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, một bản giao cho đương sự hoặc giao cho chủ nhà hay người đại diện hợp pháp, một bản lưu ở hồ sơ vụ án), có kèm theo đầy đủ bản thống kê tang vật.
Điều 15. Trong các vụ vi phạm phải xử lý bằng biện pháp hành chánh, biên bản thu giữ tang vật cũng phải được lập thành 03 bản (một bản lưu hồ sơ xử lý, một bản đưa cho đương sự, một bản giao cho đơn vị thu giữ) có kèm theo đầy đủ bản thống kê tang vật.
Điều 16. Trường hợp thu giữ tang vật vắng chủ, cũng phải lập biên bản ngay tại chỗ, có ít nhất một đại diện chính quyền địa phương và một láng giềng chứng kiến, trong biên bản có ghi rõ họ tên, chức vụ, địa chỉ của người chứng kiến và chữ ký xác nhận.
Điều 17. Biên bản, bản thống kê tang vật, sau khi lập xong phải đọc lại cho đương sự nghe (nếu có mặt); những người có trách nhiệm khám xét những người chứng kiến cùng nghe và cùng ký tên (ghi rõ họ tên, chức vụ, địa chỉ ). Nếu đương sự hoặc người chứng kiến từ chối không ký tên phải ghi rõ lý do từ chối vào biên bản và bảng thống kê tang vật.
Điều 18. Khi ghi vào biên bản, bản thống kê tang vật phải đượccân, đo, đếm, đong chính xác.
Biên bản phải được viết rõ ràng chính xác không tẩy xóa, không được viết đè lên dòng chữ, không viết thêm giữa dòng, nếu có, phải có sự xác nhận của đương sự và người lập biên bản; phải ghi rõ số lượng, chất lượng, tình trạng cũ hay mới, màu sắc, đặc điểm, đặc dạng của từng tang vật, khi cần thiết ghi rõ vị trí địa điểm cất giấu, thu lượm được tang vật. Nếu có điều kiện chụp ảnh thì phải chụp ảnh nếu không thì vẽ hình tang vật trên một tờ giấy có lót giấy than ở mặt trái. Tang vật thuộc loại kim khí quý như vàng, bạc, bạch kim và kim cương đá quý phải được niêm phong ngay sau khi khám xét.
Đối với tang vật là giấy tờ, cần phải cho người phạm pháp hoặc người đại diện hợp pháp ký tên ở góc phía sau.
Điều 19. Trong các vụ án hình sự, đối với những tang vật xét thấy thuộc loại bí mật quốc gia, bí mật nghiệp vụ, phải lập biên bản và bản thống kê riêng.
Điều 20. Trong vụ án hình sự, tang vật phải được niêm phong cẩn thận, đúng quy cách quy định. Phải niêm phong tang vật tại nơi khám xét bằng cách dán giấy, hoặc nếu có điều kiện thì đổ xi gán và đóng dấu nổi. Giấy niêm phong phải có chữ ký của đương sự hoặc người đại diện hợp pháp và của người có trách nhiệm khám xét.
Tang vật thuộc loại có nấp “đóng mở” ở mặt đáy như đồng hồ, máy thu thanh, điện đài, v.v… phải có đổ xi gắn và đóng dấu nổi vào nắp, đáy, bờ, thành của vỏ đựng, hoặc gói bọc lại cẩn thận rồi dán giấy niêm phong.
Tang vật thuộc loại cồng kềnh, nặng nề, không mang đi được, súc vật phải chăn nuôi, không thuộc loại xét, không cần mang đi thì tạm giao cho đương sự hoặc chủ nhà hay người đại diện hợp pháp bảo quản, khi giao phải lập biên bản, hai bên cùng xác nhận, ký tên vào biên bản và phải được ghi vào sổ kho tang vật. Trừ trường hợp súc vật phải chăn nuôi, tang vật phải được niêm phong hoặc đổ xi gắn và đóng dấu nổi.
Điều 21. Tang vật thuộc loại sau này cần phải xét nghiệm hoặc giám định đều phải bảo đảm thu giữ đúng quy cách từng loại theo chế độ xét nghiệm và giám định của cơ quan chuyên môn.
Tang vật do các giám định viên ngành khoa học kỹ thuật hoặc pháp y nào niêm phong thì phải do hội đồng giám định ngành ấy mở phá niêm phong, người không có trách nhiệm tuyệt đối không được mở.
Điều 22. Trong mọi trường hợp khi mở phá niêm phong tang vật phải có cán bộ có thẩm quyền (trưởng, phó phòng chịu trách nhiệm thụ lý vụ án hình sự; trưởng, phó Ban chỉ đạo phân phối lưu thông và quản lý thị trường quận, huyện trở lên, v.v…) và ít nhất 02 cán bộ có liên quan chứng kiến và lập biên bản chứng nhận.
Khi cần thiết, nên mời đương sự chứng kiến việc mở phá niêm phong tang vật.
Điều 23. Các trại tạm giam, trường giáo dục lao động công nông nghiệp, trại tập trung cải tạo, khi tạm giữ tài vật của người phạm pháp cũng phải lập biên bản ghi rõ loại, tình trạng cụ thể của tài vật, hai bên giao nhận cùng ký tên xác nhận và giao cho người gởi tài vật một biên nhận, khi mất biên nhận người gởi tài vật phải bảo ngay cho trại biết để giải quyết.
Sau khi lập biên bản, tài vật tạm giữ phải được niêm phong cẩn thận, có chữ ký của đương sự và người nhận giữ.
4. Việc giao nộp tang vật bị thu giữ:
Điều 24. Tang vật thu giữ phải được đưa ngay về đơn vị chủ quản (Công an quận huyện, các phòng nghiệp vụ Công an thành phố, Ban chỉ đạo phân phối lưu thông và quản lý thị trường quận huyện, v.v…) bảo quản chờ xử lý. Khi giao nhận phải kiểm soát lại, cân đo, đong, đếm cụ thể và có biên nhận, nếu có mất mát trong khâu giữ phải lập biên bản nói rõ lý do và trách nhiệm cụ thể.
Tang vật tiếp nhận của các ngành khác, nơi khác chuyển sang phải có biên bản gốc bắt giữ ban đầu kèm theo, cơ quan tiếp nhận phải lập biên bản kiểm nhận cụ thể, mỗi bên hữu quan giữ một bản. Nếu có thừa thiếu so với bản gốc trong biên bản phải nói rõ lý do và trách nhiệm cụ thể.
Điều 25. Cấp phường xã, các đơn vị và cá nhân không có trách nhiệm tuyệt đối không được tự ý giữ tang vật, không giao nộp.
Điều 26. Để chờ việc xử lý của cấp có thẩm quyền, các loại tang vật phải được đơn vị chủ quản chuyển giao cho các ngành theo qui định dưới đây:
a) Tang vật là vàng, bạc, bạch kim, kim cương, ngoại tệ, tiền ngân hàng, sau khi thu giữ phải làm thủ tục gởi ngay vào tài khoản tạm gởi ở Ngân hàng.
Cơ quan Ngân hàng phải kiểm tra chặt chẽ loại tang vật tạm giữ này, phải lập biên bản nói rõ về chất lượng và tình trạng cụ thể của tang vật Biên bản phải có chữ ký của hai bên giao nhận.
b) Tang vật là hàng hóa thuộc ngành thương nghiệp quản lý thì giao cho ngành thương nghiệp tạm giữ.
Nếu thuộc loại hàng tươi sống hay mau hư hỏng thì giao ngay cho các cửa hàng quốc doanh hay hợp tác xã tiêu thụ, mua bán để bán ngay lấy tiền giao cho đơn vị thụ lý ghi vào sổ tang vật và tạm gởi vào Ngân hàng.
c) Tang vật là nguyên liệu, vật tư cần dùng cho sản xuất, thì giao ngay cho Công ty Vật tư Tổng hợp hoặc các đơn vị trực thuộc Công ty tạm giữ, đồng thời báo cho Ủy ban kế hoạch thành phố biết.
Riêng đối với xăng dầu, sau khi thu giữ phải đưa đến các trạm xăng dầu thuộc Công ty xăng dầu tạm giữ.
d) Tang vật là thuốc lá ngoại, rượu ngoại, hàng xa xỉ v.v… thì giao cho các ngành ngoại thương, du lịch, cung ứng tàu biển để bán thu ngoại tệ và tạm gởi vào Ngân hàng.
e) Tang vật là thuốc phiện, dược phẩm hoặc dụng cụ y tế thì giao cho ngành y tế tạm giữ. Riêng thuốc phiện giao cho Công ty chuyên doanh dược liệu đặc sản bảo quản.
g) Tang vật thuộc các loại tư liệu sinh hoạt thì giao cho ngành Tài chánh tạm giữ.
h) Tang vật là những dụng cụ, máy móc, thiết bị … cần phải được bảo quản theo điều kiện kỹ thuật đặc biệt thì giao ngay cho cơ quan chuyên môn tạm giữ.
i) Đối với nhà ở trong các vụ án giao cho Sở Quản lý nhà đất tạm thời quản lý chờ quyết định xử lý, không cơ quan nào được tự ý sử dụng (kể cả tiện nghi liền với nhà).
Các bên giao nhận hàng hóa, vật tư, v.v… phải lập biên bản cụ thể, có chữ ký của hai bên, và phải gởi cho ngành tài chánh cùng cấp một bản để theo dõi việc thu nộp ngân sách sau này, đồng thời đưa vào hồ sơ gởi cho cơ quan quản lý.
Điều 27. Trong trường hợp cơ quan hay đơn vị quản lý có trách nhiệm tiếp nhận tang vật nhưng không nhận, phải có văn bản nói rõ lý do và xác nhận việc từ chối. Cơ quan thu giữ tang vật phải báo cáo ngay với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân hoặc Ủy ban Nhân dân quận huyện, thành phố để xét giải quyết.
Chương III
BẢO QUẢN TANG VẬT
Điều 28. Các cơ quan đơn vị thu giữ, tiếp nhận tang vật phải tổ chức tốt việc bảo quản tang vật. Phải có kho chứa các tang vật với các phương tiện bảo vệ chắc chắn (tủ, két sắt, khóa…) và có nội quy kho. Phải có một sổ ghi tang vật, có đóng dấu giáp lai, có chữ ký lãnh đạo cấp đó và đánh số trang theo thứ tự. Phải phân công người chịu trách nhiệm coi giữ tang vật, ngoài người đó ra, không một ai có quyền nhận giữ và bảo quản tang vật.
Điều 29. Các trại giam, trường giáo dục lao động công nông nghiệp, trại tập trung cải tạo có tạm giữ tài vật của người phạm pháp cũng phải phân công người chịu trách nhiệm tạm giữ gồm các cột : tên người gởi, loại tài vật; tình trạng cụ thể của tài vật, ngày gởi, ngày nhận lại và cột ký gởi, ký nhận. Sổ cũng phải được đóng dấu giáp lai, có chữ ký của Lãnh đạo trại và đánh số trang theo thứ tự.
Điều 30. Mọi tang vật phải được ở trong kho tang vật. Tuy nhiên, trong các vụ án hình sự, đối với những loại tang vật xếp được vào hồ sơ như giấy tờ, tranh ảnh thì có thể không gởi ở kho tang vật mà giao cho cán bộ thụ lý vụ án đó cất giữ theo hồ sơ.
Điều 31. Trong hạn 24 giờ, kể từ khi mang tang vật của vụ phạm pháp về đến đơn vị, tang vật phải đươc bàn giao cho người chịu trách nhiệm giữ kho. Trong thời gian chưa bàn giao người mang tang vật về có trách nhiệm coi giữ.
Điều 32. Người chịu trách nhiệm coi giữ kho tang vật phải đối chiếu biên bản thu giữ, bảng thống kê tang vật (văn bản gốc) để vào sổ tang vật. Không được để bất cứ nột tang vật nào được gởi vào kho mà không vào sổ tang vật. Nếu thấy có gì không đúng với biên bản gốc thì phải báo cáo xin ý kiến ngay của người phụ trách đơn vị.
Điều 33. Tang vật đã niêm phong, trước khi giao nhận, nhất thiết phải được kiểm tra lại giấy dán niêm phong và xi niêm phong.
Điều 34. Biên bản nhập tang vật phải chia thành 2 bản (người chịu trách nhiệm giữ kho tang vật giữ 1 bản, 1 bản giao người gửi để lưu hồ sơ) và phải có chữ ký của người gửi, người chịu trách nhiệm giữ kho tang vật và của người phụ trách đơn vị ký thị thực ; phải ghi rõ họ tên, chức vụ mỗi người.
Điều 35. Khi xuất tang vật cũng phải theo thủ tục như trên.
Người coi giữ kho tang vật chỉ xuất kho theo lệnh của người có thẩm quyền.
Điều 36. Trước khi nhập, xuất tang vật phải được cân, đong, đo, đếm lại, đối chiếu với biên bản gốc và được kiểm tra chi tiết về tình trạng cụ thể của từng tang vật và ghi rõ vào biên bản.
Điều 37. Việc nhập, xuất, mượn tang vật trong các vụ án hình sự phải đúng quy định của các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án và theo đúng bản quy định này.
Điều 38 . Tang vật gởi xét nghiệm hoặc giám định thì theo chế độ giao nhận tang vật của cơ quan xét nghiệm và giám định chuyên môn đã quy định.
Điều 39. Người chịu trách nhiệm coi giữ kho tang vật và cơ quan, đơn vị thu giữ tang vật phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc bảo quản mọi tang vật, không được để xảy ra mất mát, hư hỏng, hoặc chiếm đọat mua bán, trao đổi, sử dụng trái phép tang vật. Thường xuyên kiểm tra, xem xét tình trạng của tang vật để đề nghị xử lý tang vật, tránh sự hư hỏng hao mòn tự nhiên.
Điều 40 . Tang vật phải được phân loại để có kế hoạch bảo quản thích hợp. phân biệt những thứ mau hỏng để giải quyết sớm như lương thực, thực phẩm, những thứ không giữ lâu được ở kho như thuốc men, thuốc phiện, vải, rađio, tivi, máy móc tinh vi vá những xe cộ dễ bị rĩ sét v.v… với các loại khác.
Trong khi chờ đợi xử lý chính thức, cơ quan đơn vị giữ và bảo quản tang vật thường xuyên báo cáo tình hình tang vạt và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về biện pháp xử lý tạm đối với các loại tang vật kể trên để duy trì giá trị sử dụng của tang vật.
Điều 41 . Sau khi có quyết đinh xử lý tang vật của cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan đơn vị thu giữ, tiếp nhận tang vật phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định đó.
Chương IV
XỬ LÝ TANG TÀI VẬT
Điều 42. Việc xử lý tang tài vật trong các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân đang thụ lý vụ án đó.
Điều 43. Tang vật thu giữ trong các vụ vi phạm phải xử lý bằng biện pháp hành chính do Ủy ban Nhân dân quận huyện trở lên quyết định xử lý.
Ủy ban nhân dân quận huyện quyết định xử lý tang vật trong các trường hợp xử phạt cưỡng bức lao động và trong các trường hợp vi phạm quy định về quản lý thị trường thuộc thẩm quyền xử lý của Uỷ ban nhân dân quận huyện.
Ủy ban nhân dân thành phố quyết định xử lý tang vật trong các trường hợp xử lý phạt tập trung cải tạo và trong các trường hợp vi phạm quy định về quản lý thị trường thuộc thẩm quyền xử lý của Uỷ ban Nhân dân thành phố.
Điều 44. Sau khi đã có quyết định phê chuẩn cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân, đối với những vụ án đưa ra truy tố trước Tòa án, Công an, chuyển giao thẳng cho Tòa án đang thụ lý vụ án đó kèm theo hồ sơ nội vụ, tất cả những tang vật thu giữ, có đại diện Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp giám sát và chịu trách nhiệm nếu không còn đủ tang tài vật đã có ghi trong biên bản bắt giữ.
Trường hợp miễn tố, tha, trong quyết định miễn tố Viện kiểm sát cần ghi rõ biện pháp xử lý đối với tang tài vật, cụ thể là :
1. Đối với tang vật là dao găm, súng ống, dấu giả… nói chung những vật cấm lưu hành thì quyết định tịch thu.
2. Những tang vật khác mà biết rõ sở hữu chủ thì trả lại cho chủ.
3. Những tang vật chưa biết chắc chắn ai là sở hữu chủ mà sau khi thông báo một năm không có ai tới nhận thì quyết định tịch thu.
Trường hợp miễn tố chuyển sang Ủy ban nhân dân để xử lý về hành chánh thì việc xử lý tang tài vật sẽ do Ủy ban Nhân dân quyết định.
Điều 45. Đối với tang tài vật trong vụ phạm pháp mà người phạm pháp bỏ trốn hoặc đã chết, tùy theo tính chất từng vụ, việc xử lý sẽ thực hiện như sau :
1/ Trong các trường hợp vi phạm phải xử lý bằng biện pháp hành chánh, Công an, Đội kiểm soát và quản lý thị trường tùy mức độ vi phạm, báo cáo lên Uỷ ban nhân dân quận huyện hoặc thành phố để quyết định.
2/ Trong các vụ án hình sự, nếu vụ án đang do cơ quan Công an hoặc Viện Kiểm sát thụ lý thì Viện Kiểm sát ra quyết định xử lý. Nếu vụ án được đưa ra truy tố trước Tòa án nhân dân thì Tòa án nhân dân quyết định xử lý.
Điều 46. Tang vật là hàng hóa, vật tư có quyết định xử lý tịch thu, trưng thu, trưng mua hay mua lại phải được giao cho các đơn vị có trách nhiệm bán ra hoặc phân phối sử dụng theo chế độ chung.
Nghiêm cấm việc tự tiện phân phối hoặc bán trong nội bộ cơ quan thu giữ tiếp quản hoặc xử lý.
Nếu có khó khăn, trở ngại trong việc thi hành quyết định xử lý, các ngành, cá cơ quan, đơn vị phải báo cáo kịp thời cho cơ quan ra quyết định xử lý để kịp thời giải quyết.
Điều 47. Trong trường hợp hoàn trả tang vật cho đương sự, các cơ quan có trách nhiệm phải giải quyết ngay sau khi có quyết định xử lý, phải làm đúng thủ tục, giao đầy đủ, nguyên vẹn tài sản đã thu giữ. Nếu để xảy ra hư hỏng mất mát, cơ quan, đơn vị phải xác định trách nhiệm của người coi giữ tang vật và trách nhiệm bồi thường theo giá thị trường hiện hành cho người thiệt hại trong 30 ngày kể từ khi có quyết định xử lý.
Trường hợp tang vật đã được bán theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì hoàn trả bằng tiền (tiền bán tang vật đã thu vào công quỹ).
Điều 48. Đối với tài vật của người phạm pháp, sau khi tạm giữ, nếu xét thấy không cần thu giữ để bồi hoàn và xử phạt về kinh tế thì giao lại cho gia đình họ, hoặc khi người phạm pháp được tạm tha, tha, mãn thời hạn cưỡng bức lao động, tập trung cải tạo hoặc mãn án thì hoàn trả lại cho họ. Phải giao đúng thủ tục, giao đầy đủ, nguyên vẹn số tài sản tạm giữ, nếu để xảy ra hư hỏng, mất mát phải xác định trách nhiệm của người tạm giữ tài vật và bồi thường theo giá trị hiện hành cho người bị thiệt hại.
Trong trường hợp người phạm pháp trốn trại giam, trại cưỡng bức lao động, trại tập trung cải tạo mà bỏ lại tài vật, trại phải đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Nghiêm cấm việc lấy làm của riêng hoặc chia cho nội bộ.
Điều 49. Đối với vàng, bạc, bạch kim, kim cương, tiền ngân hàng, ngoại tệ tạm giữ ở Ngân hàng, khi có yêu cầu của cơ quan gởi hoặc khi có quyết định xử lý của cơ quan Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân hay Ủy ban nhân dân quận huyện, thành phố, cơ quan ngân hàng phải thực hiện đúng yêu cầu và quyết định xử lý đó.
Điều 50. Khi chuyển giao tang tài vật giữa các ngành hoặc hoàn trả lại đương sự, nếu thấy có sự hư hỏng tự nhiên, phải đưa ra các cơ quan chức năng để xác định trị giá của tang tài vật và lập biên bản cụ thể rồi mới chuyển giao.
Chương V
KỶ LUẬT
Điều 51. Các cơ quan, đơn vị và cá nhân vi phạm những điều quy định trên đây, tùy theo mức độ và tác hại của hành động vi phạm sẽ bị xử lý theo một hoặc nhiều hình thức xử phạt quy định ở điều 25 Nghị định 217-CP ngày 8-6-1979 của Hội đồng Chính phủ, về chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ bảo vệ của công và chế độ phục vụ nhân dân của cán bộ, nhân viên và cơ quan Nhà nước.
- Không được xét khen thưởng định kỳ 6 tháng, hàng năm, bị kéo dài thời hạn xét nâng bậc lương.
- Khiển trách.
- Cảnh cáo.
- Hạ bậc lương hoặc hạ chức vụ, cách chức.
- Buộc thôi việc.
- Truy tố trước pháp luật.
Điều 52. Những hành động xâm phạm đến tang vật hoặc tài vật như không có quyền thu giữ mà tự ý thu giữ, để mất mát hư hỏng, lợi dụng việc khám xét, bắt giam, thu giữ tang tài vật để lấy cắp, tráo đổi tang tài vật, đều coi là xâm phạm đến tài sản riêng của công dân, người phạm pháp sẽ bị truy tố và xét xử theo pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa. Ngoài hình thức xử phạt cò phải bồi thường thiệt hại gây ra cho Nhà nước hoặc đương sự. Mức độ và hình thức bồi thường sẽ do cơ quan có thẩm quyền xử lý quyết định.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 53. Bản quy định này không áp dụng đối với những tang vật thuộc loại do ngành kiểm lâm và hải quan thu giữ. Việc quản lý số tang vật này sẽ được thực hiện theo thủ tục, thể lệ hiện hành của ngành kiểm lâm và hải quan.
Điều 54 . Các cơ quan có trách nhiệm quản lý tang vật, tài vật cấp thành phố (Công an thành phố, Ban chỉ đạo phân phối lưu thông và quản lý thị trường thành phố…) tổ chức việc in biên bản thu giữ tang tài vật, biên nhận theo mẫu thống nhất, đưa về cho các đơn vị sử dụng, tránh sử dụng biên bản viết tay.
Điều 55. Các cơ quan có trách nhiệm tổ chức kho tang vật, phải chọn người tốt để bố trí vào việc coi giữ kho, có chế độ khen thưởng, xử phạt thích đáng.
Điều 56. Đối với những trường hợp thu giữ tang vật còn tồn đọng chưa giải quyết, xử lý thì từ nay giải quyết, xử lý theo quy định này.
Điều 57. Các cơ quan quản lý tang tài vật (Công an thành phố, Sở Thương nghiệp, Sở Tài chánh…) có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Bản quy định này và thường kỳ tổ chức phối hợp kiểm tra việc quản lý tang tài vật ở thành phố.