Quyết định 3127/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án “Điều động Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”
Số hiệu: | 3127/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Đồng Nai | Người ký: | Cao Tiến Dũng |
Ngày ban hành: | 03/10/2019 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3127/QĐ-UBND |
Đồng Nai, ngày 03 tháng 10 năm 2019 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó xác định mục tiêu là sắp xếp lại tổ chức bộ máy phù hợp, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”;
Căn cứ Thông tư số 09/2019/TT-BCA ngày 11/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về việc điều động sỹ quan, hạ sỹ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã;
Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Công văn số 2419/CAT-PX01 ngày 28/8/2019 về việc phê duyệt Đề án “Điều động Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Điều động Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐIỀU ĐỘNG CÔNG AN CHÍNH QUY ĐẢM NHIỆM CÁC CHỨC DANH CÔNG AN XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3127/QĐ-UBND ngày 03/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
- Căn cứ Pháp lệnh Công an xã năm 2008;
- Căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2018;
- Căn cứ Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó xác định mục tiêu là sắp xếp lại tổ chức bộ máy phù hợp, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”;
- Căn cứ Kế hoạch số 76-KH/ĐUCA ngày 28/3/2018 của Đảng ủy Công an Trung ương thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
- Căn cứ Thông tư số 09/2019/TT-BCA ngày 11/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về việc điều động sỹ quan, hạ sỹ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã.
- Căn cứ Công văn số 5715-CV/TU ngày 02/11/2018 của Tỉnh ủy Đồng Nai trao đổi về việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã.
II. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Đặc điểm tình hình
Tỉnh Đồng Nai là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh, tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Thuận. Với tiềm năng phát triển công nghiệp khá sớm, Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu cả nước về mở rộng hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Là cửa ngõ giao thông quan trọng với nhiều tuyến đường huyết mạch nối liền các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và với Thành phố Hồ Chí Minh và là đầu mối giao thông quan trọng phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị và khu vực. Diện tích tự nhiên 5.907 km2, đứng thứ 03 khu vực miền Nam (sau Bình Phước, Kiên Giang), có 11 đơn vị hành chính (09 huyện, 02 thành phố: Biên Hòa và Long Khánh, trong đó thành phố Biên Hòa là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước), 170 đơn vị hành chính cấp xã (122 xã, 40 phường, 08 thị trấn), với dân số hơn 3,3 triệu người (thứ 02 ở miền Nam, thứ 05 cả nước). Là địa bàn phức tạp về tôn giáo, với 06 tôn giáo lớn: Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo và Hồi giáo với tổng số tín đồ trên 02 triệu người, chiếm tỉ lệ 2/3 dân số của tỉnh, trong đó Thiên Chúa có hơn 01 triệu giáo dân, cao nhất nước. Các tôn giáo, đặc biệt là đạo Thiên Chúa có hệ thống tổ chức chặt chẽ, với nhiều cơ sở vật chất, đất đai phân bố rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, tại Đồng Nai có gần 1.500 cơ sở thờ tự của các tôn giáo với hơn 2.500 vị chức sắc, tu sĩ và trên 02 triệu tín đồ.
Thời gian qua với chiêu bài “Tự do tôn giáo”, “Dân chủ nhân quyền”, các thế lực thù địch đã kích động đồng bào các tôn giáo, dân tộc chống phá Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, tình hình tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, tình hình đình công, lãn công của công nhân lao động trong các doanh nghiệp cũng là vấn đề đáng lưu ý trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh. Cùng với hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm hình sự, tội phạm có tổ chức và tội phạm hoạt động mang tính quốc tế cũng lợi dụng sự thuận lợi về đầu mối giao thông gây mất trật tự an toàn xã hội; tệ nạn ma túy, mại dâm đang lan rộng đến các vùng nông thôn; tai nạn giao thông ở các tuyến đường xã, nhất là tuyến đường liên xã xảy ra ngày càng nhiều, có chiều hướng ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Dự báo trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn một số nhân tố có thể gây mất ổn định, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, nhằm chống phá cách mạng nước ta trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Tỉnh Đồng Nai với lợi thế nằm trong khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam, tốc độ phát triển kinh tế nhanh, quan hệ hợp tác quốc tế mở rộng, thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng lớn, dân số tăng cơ học ngày càng cao, đặt ra nhiều vấn đề an sinh xã hội cần giải quyết như: Việc làm, nhà ở, ô nhiễm môi trường, y tế, giáo dục... Bên cạnh đó các tổ chức phản động tăng cường lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc và những sai sót của cán bộ, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, điều hành để tuyên truyền, kích động gây mất ổn định tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội; tình hình tranh chấp khiếu kiện đông người, đình công, lãn công; các hoạt động tội phạm, tệ nạn xã hội còn phức tạp.
2. Công tác quản lý nhà nước về an ninh - trật tự ở địa bàn các xã
Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh - trật tự. Tuy nhiên, vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Việc chỉ đạo triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự chưa quyết liệt, sâu sát và đồng bộ; việc lồng ghép công tác quản lý nhà nước về an ninh - trật tự với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả chưa cao.
Về công tác phối hợp nhiệm vụ đảm bảo an ninh - trật tự ở địa bàn các xã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, nòng cốt là lực lượng Công an xã đã chủ động triển khai, xây dựng nhiều kế hoạch, phương án phối hợp với các ngành, các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, đặc biệt lực lượng Công an xã đã tổ chức tốt công tác phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ, bảo vệ các cơ quan, doanh nghiệp, trường học trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Công an xã (đặc biệt là những xã chưa bố trí lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã) còn bộc lộ nhiều hạn chế: Trình độ, năng lực, khả năng tham mưu của lực lượng Công an xã bán chuyên trách còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, chưa nhận thức hết tầm quan trọng của công tác đảm bảo an ninh trật tự, thường xuyên biến động về số lượng, vấn đề an ninh trật tự chưa giải quyết triệt để ngay từ cơ sở, công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc còn hạn chế, chưa khoa học, việc trao đổi thông tin và phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh - trật tự ở cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục... dẫn đến hiệu quả, chất lượng không cao. Mặt khác, địa bàn các xã nằm khá xa so với Công an huyện, nên khi xảy ra vụ việc liên quan đến tình hình an ninh trật tự, Công an huyện triển khai lực lượng đến hiện trường giải quyết không đảm bảo về mặt thời gian, gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ hiện trường, khám nghiệm hiện trường, truy bắt đối tượng gây án...
Từ thực trạng tình hình trên, việc củng cố nâng cao chất lượng công tác đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng và bố trí lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh ở địa bàn các xã trong tỉnh là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở cơ sở. Để đảm bảo tính pháp lý trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an xã chính quy và bảo đảm chế độ, chính sách theo Pháp lệnh Công an xã, thống nhất công tác quản lý Nhà nước về xây dựng lực lượng Công an xã chính quy, gắn với mọi hoạt động về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh ở địa phương đạt chất lượng hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án “Bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã”.
III. TÌNH HÌNH ĐỘI NGŨ LỰC LƯỢNG CÔNG AN XÃ BÁN CHUYÊN TRÁCH
1. Tình hình đội ngũ cán bộ Công an xã bán chuyên trách
Tính đến ngày 01/7/2019: Tỉnh Đồng Nai có 122 xã (trong đó có 85 xã loại 1, 34 xã loại 2, 03 xã loại 3) và các thị trấn. Tổng số Công an xã bán chuyên trách toàn tỉnh hiện có là: 1.739 đồng chí (Trong đó, thị trấn Long Thành thuộc huyện Long Thành có 13 đồng chí, các thị trấn còn lại gồm: Thị trấn Trảng Bom thuộc huyện Trảng Bom, thị trấn Gia Ray thuộc huyện Xuân Lộc, thị trấn Tân Phú thuộc huyện Tân Phú, thị trấn Định Quán thuộc huyện Định Quán, thị trấn Vĩnh An huyện Vĩnh Cửu, thị trấn Hiệp Phước thuộc huyện Nhơn Trạch, thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Nhơn Trạch đã bố trí 100% Công an chính quy), cụ thể như sau: Trưởng Công an xã: 84 đồng chí; Phó Trưởng Công an xã: 202 đồng chí; Công an viên: 1.453 đồng chí.
a) Về trình độ:
- Trình độ đào tạo: có 470 đồng chí có trình độ từ trung cấp trở lên (207 đồng chí tốt nghiệp đại học; 36 đồng chí tốt nghiệp cao đẳng; 250 đồng chí tốt nghiệp trung cấp); 412 đồng chí đã qua đào tạo trung cấp Trưởng Công an xã).
- Trình độ chính trị: Cao cấp: 07 đồng chí; trung cấp: 357 đồng chí; sơ cấp: 374 đồng chí.
b) Thuận lợi: Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ tích cực của các ngành, đoàn thể và của Nhân dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng Công an xã làm tốt vai trò nòng cốt trong tham mưu thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Nhìn chung lực lượng Công an xã bán chuyên trách trên địa bàn đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các Nghị quyết chuyên đề về công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã xây dựng các kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn thực hiện công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, chủ động nắm tình hình trên địa bàn, tiếp nhận và xử lý kịp thời các tin báo tố giác tội phạm, chủ động tuyên truyền cho Nhân dân các phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, thường xuyên tổ chức tuần tra nhằm kịp thời phát hiện xử lý các hành vi vi phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở.
c) Hạn chế và khó khăn
Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc củng cố lực lượng Công an xã; việc tuyển chọn lực lượng Công an xã có trình độ, chuyên môn cao còn hạn chế; công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa phong phú, đa dạng; giải quyết vấn đề phức tạp ở cơ sở còn bị động, lúng túng, chưa dứt khoát; vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương còn hạn chế chưa nhận được sự hưởng ứng tham gia phối hợp của các ngành, đoàn thể cùng cấp.
Biên chế lực lượng Công an xã thường xuyên dao động, một số đồng chí xin nghỉ việc với lý do mức phụ cấp, chế độ đãi ngộ thấp không đảm bảo cuộc sống, việc tuyển chọn người vào lực lượng Công an xã gặp khó khăn, biên chế luôn thiếu so với yêu cầu đặt ra, trình độ, năng lực còn hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy và thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an, nhất là ở những địa bàn có khu công nghiệp, tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp, địa bàn tập trung nhiều công nhân đến lưu trú, làm việc, địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao, địa bàn tập trung nhiều dân tộc, tôn giáo.
2. Thực trạng về trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang bị phương tiện của Công an xã
Tính đến ngày 01/7/2019, qua khảo sát Công an xã đã xây dựng trụ sở làm việc riêng đáp ứng yêu cầu công tác khi bố trí Công an chính quy là 45/122 xã, Công an xã chưa xây dựng trụ sở làm việc riêng là 77/122 xã. Một số Ban Công an xã nhà làm việc còn nằm trong khuôn viên của trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phòng làm việc diện tích nhỏ, nơi công tác và sinh hoạt chật hẹp, nhiều trụ sở đã xuống cấp, không đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt cũng như công tác của lực lượng Công an xã.
Về cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho các yêu cầu công tác trên địa bàn về cơ bản đã được trang cấp đáp ứng nhu cầu công tác và đảm bảo theo đúng quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BCA ngày 15/11/2013 của Bộ Công an về tiêu chuẩn, định mức trang bị cho Công an xã để phục vụ yêu cầu công tác thường xuyên và đột xuất của lực lượng Công an xã.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu phục vụ cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự tại địa bàn xã; đấu tranh, phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.
- Việc bố trí Công an chính quy tại các xã phải đảm bảo tính ổn định, lâu dài, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Công an xã bán chuyên trách (thường biến động, trình độ năng lực còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm...).
- Đối với Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã phải có trình độ nghiệp vụ, pháp luật, phải có phẩm chất đạo đức và có khả năng vận động Nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để tăng cường cho Công an xã, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.
- Việc triển khai xây dựng Công an xã chính quy phải đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và Nhân dân.
1. Danh sách các xã cần thiết bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã
Qua khảo sát nhu cầu bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã đáp ứng yêu cầu công tác đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở trong thời gian tới; Công an các huyện, thành phố Biên Hòa và Long Khánh đề xuất bố trí tại 121/123 xã, thị trấn (xã Phú Lý thuộc huyện Vĩnh Cửu đã bố trí Công an chính quy theo mô hình 1: “Trưởng Công an xã là Công an chính quy, các chức danh khác là lực lượng bán chuyên trách”, trong thời gian thực hiện Đề án, nếu sắp xếp được nhân sự sẽ bố trí Phó Trưởng Công an xã và Công an viên chính quy; xã Hố Nai 3 thuộc huyện Trảng Bom đã bố trí đủ Công an chính quy theo mô hình 2: “Trưởng Công an xã, 01 hoặc 02 Phó Trưởng Công an xã là Công an chính quy, các chức danh khác là lực lượng bán chuyên trách” nên không đề xuất bố trí), cụ thể như sau:
- Huyện Xuân Lộc: 14/14 xã.
- Huyện Tân Phú: 17/17 xã.
- Huyện Vĩnh Cửu: 10/11 xã.
- Huyện Long Thành: 14/14 xã, thị trấn (Công an huyện đề xuất bố trí Công an chính quy tại Thị trấn Long Thành theo quy định tại Thông tư số 09 của Bộ Công an).
- Huyện Nhơn Trạch: 11/11 xã.
- Huyện Định Quán: 13/13 xã.
- Huyện Cẩm Mỹ: 13/13 xã.
- Huyện Thống Nhất: 09/09 xã.
- Thành phố Long Khánh: 04/04 xã.
- Thành phố Biên Hòa: 01/01 xã.
2. Số lượng và lộ trình bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh xã; nguồn cán bộ dự kiến điều động
a) Số lượng và lộ trình bố trí:
Để thực hiện chủ trương bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã đảm bảo hiệu quả, giao Công an tỉnh Đồng Nai thực hiện việc bố trí Công an chính quy tại 57 xã, thị trấn thuộc Công an các huyện, thành phố, (giai đoạn 1). Sau đó, căn cứ thực tế tình hình an ninh trật tự tại các địa bàn, khả năng biên chế và đề xuất của Công an các địa phương để tiếp tục bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã đối với các xã còn lại trên địa bàn (giai đoạn 2).
- Giai đoạn 1: Từ khi phê duyệt Đề án đến tháng 12/2019
Dự kiến bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã là: 154 đồng chí (Trưởng Công an xã: 42; Phó Trưởng Công an xã: 52; Công an viên: 60), trong đó bố trí cụ thể như sau:
+ Bố trí theo Mô hình 1: “Trưởng Công an xã là Công an chính quy, các chức danh khác là lực lượng bán chuyên trách”: 05 xã, cụ thể: Công an huyện Thống Nhất (01 xã: Xuân Thiện); Công an huyện Vĩnh Cửu (04 xã: Tân Bình, Bình Lợi, Vĩnh Tân, Thiện Tân).
Dự kiến số lượng bố trí Công an chính quy gồm: 05 đồng chí (Trưởng Công an xã: 05).
+ Bố trí theo Mô hình 2: “Trưởng Công an xã, 01 hoặc 02 Phó Trưởng Công an xã là Công an chính quy, các chức danh khác là lực lượng bán chuyên trách”: 21 xã, cụ thể: Công an thành phố Long Khánh (04 xã: Bảo Quang, Bình Lộc; Bàu Trâm; Hàng Gòn); Công an huyện Long Thành (03 xã: Bàu Cạn, Lộc An, Tân Hiệp); Công an huyện Trảng Bom (11 xã: Hố Nai 3, Bắc Sơn, Bình Minh, Quảng Tiến, Giang Điền, Đồi 61, Đông Hòa, Hưng Thịnh, Bàu Hàm, Sông Thao, Thanh Bình); Công an huyện Thống Nhất (02 xã: Lộ 25, Hưng Lộc); Công an huyện Cẩm Mỹ (01 xã: Long Giao).
Dự kiến số lượng bố trí Công an chính quy gồm: 35 đồng chí (Trưởng Công an xã: 15; Phó Trưởng Công an xã: 20).
+ Bố trí theo Mô hình 3: “Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã và một số Công an viên là Công an chính quy, các Công an viên còn lại là lực lượng bán chuyên trách”: 25 xã, cụ thể: Công an huyện Long Thành (05 xã: An Phước, Phước Thái, Long An, Long Phước, Cẩm Đường); Công an huyện Định Quán (08 xã: Phú Tân, Phú Lợi, Phú Vinh, La Ngà, Suối Nho, Gia Canh, Túc Trưng, Phú Cường); Công an huyện Xuân Lộc (07 xã: Xuân Hưng, Xuân Định, Xuân Tâm, Xuân Hiệp, Xuân Bắc, Suối Nho, Xuân Thành); Công an huyện Cẩm Mỹ (01 xã: Xuân Đông); Công an huyện Tân Phú (04 xã: Tà Lài, Núi Tượng, Phú Lâm, Phú Thịnh).
Dự kiến số lượng bố trí Công an chính quy gồm: 93 đồng chí (Trưởng Công an xã: 16; Phó Trưởng Công an xã: 31; Công an viên: 46).
+ Bố trí theo Mô hình 4: “Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã và Công an viên là Công an chính quy”: 06 xã, thị trấn cụ thể: Công an huyện Long Thành (01 thị trấn: Thị trấn Long Thành); Công an huyện Nhơn Trạch (05 xã: Long Tân, Phú Thạnh, Phú Đông, Phước An, Long Thọ).
Dự kiến số lượng bố trí Công an chính quy gồm: 21 đồng chí (Trưởng Công an xã: 06; Phó Trưởng Công an xã: 01; Công an viên: 14).
- Giai đoạn 2: Từ tháng 01/2020 đến tháng 12/2020
Dự kiến bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã là: 194 đồng chí (Trưởng Công an xã: 53; Phó Trưởng Công an xã: 67; Công an viên: 74), trong đó bố trí cụ thể như sau:
+ Bố trí theo Mô hình 1: “Trưởng Công an xã là Công an chính quy, các chức danh khác là lực lượng bán chuyên trách”: 09 xã, cụ thể: Công an huyện Vĩnh Cửu (06 xã: Bình Hòa, Thạnh Phú, Trị An, Tân An, Mã Đà, Hiếu Liêm); Công an huyện Cẩm Mỹ (03 xã: Thừa Đức, Xuân Quế, Nhân Nghĩa).
Dự kiến số lượng bố trí Công an chính quy gồm: 09 đồng chí (Trưởng Công an xã: 09).
+ Bố trí theo Mô hình 2: “Trưởng Công an xã, 01 hoặc 02 Phó Trưởng Công an xã là Công an chính quy, các chức danh khác là lực lượng bán chuyên trách”: 22 xã, cụ thể: Công an huyện Long Thành (05 xã: Phước Bình, Bình Sơn, Tam An, Bình An, Long Đức); Công an huyện Trảng Bom (05 xã: Tây Hòa, Trung Hòa, An Viễn, Sông Trầu, Cây Gáo); Công an huyện Thống Nhất (08 xã: Lộ 25, Hưng Lộc, Gia Tân 3, Gia Tân 2, Gia Tân 1, Gia Kiệm, Quang Trung, Bàu Hàm); Công an huyện Cẩm Mỹ (04 xã: Lâm San, Xuân Mỹ, Xuân Bảo, Sông Nhạn).
Dự kiến số lượng bố trí Công an chính quy gồm: 41 đồng chí (Trưởng Công an xã: 16; Phó Trưởng Công an xã: 25).
+ Bố trí theo Mô hình 3: “Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã và một số Công an viên là Công an chính quy, các Công an viên còn lại là lực lượng bán chuyên trách”: 27 xã, cụ thể: Công an huyện Cẩm Mỹ (03 xã: Xuân Tây, Sông Ray, Bảo Bình); Công an huyện Định Quán (05 xã: Phú Hòa, Ngọc Định, Thanh Sơn, Phú Ngọc, Phú Túc); Công an huyện Xuân Lộc (07 xã: Xuân Phú, Bảo Hòa, Xuân Thọ, Suối Cát, Xuân Hòa, Xuân Trường, Lang Minh); Công an huyện Tân Phú (12 xã: Trà Cổ, Phú Điền, Phú Trung, Phú Thanh, Phú Xuân, Phú Lộc, Phú Lập, Thanh Sơn, Nam Cát Tiên, Phú An, Đắk Lua, Phú Bình).
Dự kiến số lượng bố trí Công an chính quy gồm: 99 đồng chí (Trưởng Công an xã: 27; Phó Trưởng Công an xã: 30; Công an viên: 42).
+ Bố trí theo Mô hình 4: “Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã và Công an viên là Công an chính quy”: 13 xã, cụ thể: Công an thành phố Biên Hòa (01 xã: Long Hưng); Công an huyện Nhơn Trạch (11 xã: Long Tân, Phú Thạnh, Phú Đông, Phước An, Long Thọ, Phước Thiền, Vĩnh Thanh, Phước Khánh, Phú Hữu, Đại Phước, Phú Hội); Công an huyện Tân Phú (01 xã: Phú Sơn).
Dự kiến số lượng bố trí Công an chính quy gồm: 45 đồng chí (Trưởng Công an xã: 01; Phó Trưởng Công an xã: 12; Công an viên: 32).
* Tổng cộng cả 02 giai đoạn, Công an tỉnh dự kiến bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã là: 348 đồng chí (Trưởng Công an xã: 95; Phó Trưởng Công an xã: 119; Công an viên: 134).
b) Nguồn dự kiến bố trí:
Biên chế của Công an các huyện, thành phố Biên Hòa, Long Khánh và các Phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh. Đối với các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh thì ưu tiên bố trí cán bộ thuộc Đội An ninh hoặc đã được đào tạo nghiệp vụ An ninh; các xã trọng điểm, phức tạp về các lĩnh vực kinh tế, hình sự, ma túy thì ưu tiên bố trí cán bộ thuộc các Đội nghiệp vụ Cảnh sát hoặc đã được đào tạo nghiệp vụ Cảnh sát.
c) Tiêu chuẩn: Căn cứ Điều 6 Thông tư số 09 của Bộ trưởng Bộ Công an, cụ thể như sau:
- Đối với Trưởng Công an xã:
+ Sỹ quan Công an nhân dân được điều động đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã phải đáp ứng tiêu chuẩn của chức danh Đội trưởng, Trưởng Công an phường và tương đương theo quy định tại Thông tư số 18/2016/TT-BCA ngày 01/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân.
Trường hợp do yêu cầu công tác thực tiễn, khi Ủy ban nhân dân cấp huyện không bố trí được Trưởng Công an xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và khó khăn về nguồn cán bộ để điều động thì có thể điều động sỹ quan chưa đáp ứng tiêu chuẩn “đã đảm nhiệm chức danh Phó Đội trưởng, Phó Trưởng Công an phường và tương đương”, nhưng có năng lực, kinh nghiệm công tác và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn khác, đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã.
+ Trường hợp đặc biệt, do tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn đòi hỏi cần thiết phải có Trưởng Công an xã thông thạo tiếng dân tộc, có kinh nghiệm công tác thực tiễn, am hiểu địa bàn và phong tục tập quán của nhân dân trên địa bàn xã, trong khi đội ngũ cán bộ đủ tiêu chuẩn theo quy định chưa đáp ứng được yêu cầu này thì có thể lựa chọn sỹ quan để điều động đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã khi có khả năng đáp ứng yêu cầu công tác nêu trên và có đủ các tiêu chuẩn sau: Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; tốt nghiệp Trung cấp An ninh hoặc Trung cấp Cảnh sát trở lên; có cấp bậc hàm từ Thượng úy trở lên; có khả năng tham mưu cho Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, Công an cấp huyện thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về những vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở; có năng lực tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo, phân tích, tổng hợp, nắm bắt tình hình và giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự; có khả năng làm công tác dân vận; có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; tư duy làm việc độc lập.
- Đối với Phó Trưởng Công an xã:
+ Sỹ quan Công an nhân dân được điều động đảm nhiệm chức danh Phó Trưởng Công an xã phải đáp ứng tiêu chuẩn của chức danh Phó Đội trưởng, Phó Trưởng Công an phường và tương đương theo quy định tại Thông tư số 18/2016/TT-BCA ngày 01/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân.
+ Trường hợp do yêu cầu công tác thực tiễn, khi Ủy ban nhân dân cấp huyện không bố trí được Phó Trưởng Công an xã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và khó khăn về nguồn cán bộ để điều động thì có thể điều động sỹ quan Công an nhân dân chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định đảm nhiệm chức danh Phó Trưởng Công an xã nhưng phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau: Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; tốt nghiệp Trung cấp An ninh hoặc Trung cấp Cảnh sát trở lên; có cấp bậc hàm từ Trung úy trở lên; có khả năng tham mưu cho Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, Công an cấp huyện thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về những vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở; có năng lực tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo, phân tích, tổng hợp, nắm bắt tình hình và giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự; có khả năng làm công tác dân vận; có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; tư duy làm việc độc lập.
- Đối với Công an viên
Sỹ quan, hạ sỹ quan Công an nhân dân được điều động đảm nhiệm chức danh Công an viên phải đáp ứng tiêu chuẩn tốt nghiệp Trung cấp An ninh hoặc Trung cấp Cảnh sát trở lên.
- Không điều động cán bộ chưa hết thời gian kỷ luật, đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc cán bộ có ý thức tổ chức kỷ luật kém để đảm nhiệm các chức danh Công an xã.
3. Phương án bố trí công tác đối với các đồng chí Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã, Công an viên (Bán chuyên trách)
Đối với Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã và Công an viên, giao Công an cấp huyện tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện có kế hoạch, phương án, đề án bố trí, sắp xếp công tác khác phù hợp với điều kiện của từng địa phương và có chính sách giải quyết phù hợp; không bổ nhiệm lực lượng bán chuyên trách giữ chức vụ Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã và Công an viên ở các xã đang thiếu chức danh này. Căn cứ yêu cầu công tác và tình hình thực tế tại địa phương, có thể bố trí công tác theo các phương án sau:
a) Đối với Trưởng Công an xã, nếu không bố trí được công tác khác, có nguyện vọng được tiếp tục làm trong lực lượng Công an xã và chấp thuận làm Phó Trưởng Công an xã thì căn cứ vào tình hình thực tế của từng xã để bố trí cho phù hợp nhưng phải đảm bảo tổng số Phó Trưởng Công an xã (kể cả Công an chính quy và bán chuyên trách) không vượt quá khung số lượng Phó Trưởng Công an xã được quy định tại Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã và đảm bảo theo các mô hình được quy định tại Thông tư số 09/2019/TT-BCA ngày 11/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc có nguyện vọng thì giải quyết cho nghỉ công tác.
b) Đối với Phó Trưởng Công an xã và Công an viên, nếu không bố trí được công tác khác phù hợp. Căn cứ vào tình hình thực tế ở cơ sở, Công an cấp huyện đề xuất Cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục bố trí giữ chức vụ Phó Trưởng Công an xã, Công an viên tại lực lượng Công an xã nhưng tổng số Phó Trưởng Công an xã và Công an viên (kể cả Công an chính quy và bán chuyên trách) không vượt quá khung số lượng Phó Trưởng Công an xã và Công an viên được quy định tại Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã và đảm bảo theo các mô hình được quy định tại Thông tư số 09/2019/TT-BCA ngày 11/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc có nguyện vọng thì giải quyết cho nghỉ công tác.
4. Phương án đảm bảo về trụ sở, cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện, kinh phí
Để đảm bảo thực hiện tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở khi bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trong thời gian tới, giao Công an tỉnh dự kiến nhu cầu cơ bản và đề ra các phương án về trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang bị, kinh phí phục vụ việc triển khai tổ chức Công an xã chính quy:
a) Về trụ sở làm việc: Hiện tại, tiếp tục sử dụng các trụ sở làm việc của Ban Công an xã như hiện nay, căn cứ vào tình hình thực tế về trụ sở, cơ sở vật chất tại cơ sở, Công an các huyện, thành phố báo cáo đề xuất Cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc để phục vụ nhu cầu công tác và sinh hoạt khi bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã.
Đề xuất Cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí quỹ đất xây dựng độc lập trụ sở làm việc và nơi ở của lực lượng Công an xã chính quy, dự kiến diện tích tối thiểu khoảng 2.000m2.
b) Về cơ sở vật chất, trang bị và kinh phí phục vụ: Về cơ bản phải có đầy đủ phòng làm việc, phòng ngủ, bếp ăn tập thể, sân chơi thể thao; nhà tạm giữ hành chính, nơi tạm giữ phương tiện, nhà kho, nhà để vật chứng,...
Riêng đối với nhu cầu trang bị, căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức trang bị cho Công an xã quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BCA ngày 15/10/2013 của Bộ Công an và yêu cầu thực tế ở địa phương khi triển khai bố trí Công an xã chính quy, Công an địa phương lập dự trù số trang thiết bị cần bổ sung và kinh phí để đảm bảo cho Công an xã hoạt động hiệu quả.
c) Về kinh phí hoạt động: Nguồn kinh phí hoạt động của Công an xã gồm ngân sách do Bộ Công an và ngân sách của tỉnh cấp, trong đó nhiệm vụ chi của Công an tỉnh chi từ nguồn ngân sách của Bộ Công an và của ngân sách tỉnh, cụ thể như sau:
- Nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh, bao gồm: Chi xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc hoặc nơi ở của Công an xã chính quy.
- Nhiệm vụ chi của Công an tỉnh chi từ nguồn sách của Bộ Công an:
+ Chi trả tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ cho Công an xã chính quy.
+ Bảo đảm công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cho Công an xã chính quy do Bộ Công an tổ chức.
+ Trang bị phương tiện làm việc, mua sắm vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị phục vụ công tác của Công an xã chính quy.
+ Các khoản chi khác cho lực lượng Công an xã chính quy theo quy định của pháp luật.
- Chủ động đảm bảo về biên chế, tổ chức bộ máy; phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ và các điều kiện vật chất khác ngay khi Đề án có hiệu lực thi hành.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng và các địa phương giải quyết hoặc báo cáo UBND tỉnh giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.
Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố bố trí công tác khác phù hợp với trình độ, năng lực và chức danh quy hoạch đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách.
Phối hợp với Sở kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí ngân sách địa phương đảm bảo đầu tư xây dựng trụ sở làm việc riêng cho Công an các xã theo lộ trình Đề án Công an xã đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt giai đoạn 2013 - 2020 và các quy định hiện hành.
IV. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, cập nhật hồ sơ quy hoạch và bố trí quỹ đất để xây dựng trụ sở làm việc riêng Công an xã theo lộ trình của Đề án Công an xã đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt giai đoạn 2013 - 2020.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng và Công an các huyện, thành phố lập kế hoạch đầu tư xây dựng trụ sở Công an xã, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Công an tỉnh để xây dựng lộ trình sắp xếp, bố trí lực lượng Công an xã bán chuyên trách.
Trên đây là Đề án bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Công an tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án này.
Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (đồng gửi Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Công an tỉnh) để xem xét, chỉ đạo./.