Quyết định 31/2014/QĐ-UBND về quản lý hoạt động dịch vụ môtô nước trên biển tại địa bàn thị xã Cửa Lò - tỉnh Nghệ An
Số hiệu: | 31/2014/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Nghệ An | Người ký: | Đinh Thị Lệ Thanh |
Ngày ban hành: | 23/04/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Văn hóa , thể thao, du lịch, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/2014/QĐ-UBND |
Nghệ An, ngày 23 tháng 4 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ MÔTÔ NƯỚC TRÊN BIỂN TẠI ĐỊA BÀN THỊ XÃ CỬA LÒ - TỈNH NGHỆ AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thể dục, thể thao, ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Thông tư số 17/2010/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc Quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động mô tô nước trên biển;
Xét đề nghị của UBND thị xã Cửa Lò tại Tờ trình số 102/TTr-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy định quản lý hoạt động dịch vụ môtô nước trên biển tại địa bàn thị xã Cửa Lò - tỉnh Nghệ An (kèm theo Quyết định này).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chỉ huy Trưởng BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò; Thủ trưởng các đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ MÔ TÔ NƯỚC TRÊN BIỂN TẠI ĐỊA BÀN THỊ XÃ CỬA LÒ - TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 31/2014/QĐ.UBND ngày 23 tháng 4 năm 2014 của UBND tỉnh )
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định việc Quản lý hoạt động dịch vụ môtô nước trên biển tại địa bàn thị xã Cửa Lò - tỉnh Nghệ An.
Điều 2. Đối tượng áp dụng: Áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham hoạt động dịch vụ mô tô nước trên biển tại địa bàn thị xã Cửa Lò - tỉnh Nghệ An.
Chương 2
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Điều kiện kinh doanh và hoạt động
1. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ mô tô nước được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật Thể dục, thể thao và các quy định của Pháp luật có liên quan, phải tiến hành đăng ký theo đúng quy định hiện hành.
2. Đối với phương tiện:
- Mô tô nước hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí cho khách du lịch phải là phương tiện đảm bảo đúng các chỉ số, kỹ thuật, thiết kế, hình dáng dùng cho loại hình mô tô nước, không gây ra tiếng ồn quá mức quy định làm ảnh hưởng đến khu vực nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, ăn uống.
- Không thải nước làm mát động cơ có nồng độ dầu vượt quá quy định hiện hành; Có các thiết bị ngăn ngừa việc rơi vãi xăng, dầu, dầu thải xuống biển trong quá trình tiếp nhiên liệu tại điểm quy định; Đảm bảo vệ sinh môi trường tại vùng khai thác và bến neo đậu.
- Phải được kiểm tra định kỳ về chất lượng an toàn kỹ thuật, an toàn môi trường theo quy định.
- Phải có số đăng ký in dán số hiệu ở hai bên mạn nổi của mô tô nước.
- Phương tiện phải trang bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc, túi thuốc cấp cứu chống say nắng, say sóng; mỗi mô tô nước có 03 phao cứu sinh đảm bảo cho người điều khiển và hành khách.
3. Đối với người điều khiển phương tiện
- Phải có giấy chứng nhận khám sức khỏe đủ điều kiện lái mô tô nước. Có bằng, giấy chứng nhận lớp đào tạo lái tàu, xuồng, mụ tụ nước do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Không có tiền án, tiền sự, không được uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện.
- Khi hoạt động phải mang đeo phù hiệu (có ảnh) của tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động cấp; Mặc áo phao khi điều khiển phương tiện.
- Phải kiểm tra các trang thiết bị an toàn của mô tô nước trước khi đưa phương tiện vào hoạt động.
4. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ mô tô nước phải lắp đặt hệ thống phao neo, cờ neo được định vị để phân biệt khu vực hoạt động của các phương tiện với khu vực tắm và chỉ được hoạt động kinh doanh khi đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.
Điều 4. Thời gian hoạt động
- Thời gian hoạt động: + Mùa hè từ 5h đến 19h:
+ Mùa đông từ 6h30’ đến 17h.
- Tuyệt đối không được đưa phương tiện hoạt động khi có cảnh báo của các cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách và người điều khiển phương tiện.
Điều 5. Bến bãi đón, trả khách và phao neo, cờ
1. Bến bãi đón trả khách.
- Phù hợp với Quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Vị trí cửa ra vào của mỗi bến bãi neo đậu phương tiện để đón trả khách cách nhau ít nhất 250m; Cửa ra vào của mỗi phương tiện có chiều rộng tối thiểu là 6m.
- Tại bến bãi đón trả khách phải đặt bảng khuyến cáo và nội quy hoạt động của mô tô nước.
2. Về kích thước cờ, phao neo.
- Phao neo, cờ có màu sắc tương phản với màu nước và cảnh quan môi trường để dễ quan sát, phù hợp với quy tắc báo hiệu đường thủy Việt Nam (22TCN 269 - 2000) ban hành kèm theo Quyết định số 4099/2000/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 12 năm 2000; Chất liệu phao neo không gây ô nhiễm môi trường.
- Đường kính phao neo tối thiểu là 30cm, cờ 30 x 40cm.
- Khoảng cách giữa 2 phao, cờ là 5m.
Điều 6. Vùng hoạt động và bảng khuyến cáo
1. Vùng hoạt động (khai thác):
a) Được quy hoạch thành 2 vùng khu vực như sau:
- Khu vực bãi biển phường Thu Thủy từ đường ngang số 6 đến Đảo Lan Châu.
- Khu vực bãi biến Phường Nghi Hương từ đường ngang số 8 đến đường số 14.
b) Giới hạn phạm vi hoạt động.
- Giới hạn ngoài: Xa cách bờ tối đa khoảng 650m (tính theo mức thủy triều trung bình hàng năm).
- Giới hạn trong: Xa cách bờ tối thiểu khoảng 100m.
c) Khu vực cấm: Cấm mô tô nước hoạt động ở khu vực có luồng, tuyến tàu thường xuyên đi lại, khu vực tắm biển của du khách.
2. Về bảng khuyến cáo và bảng nội quy hoạt động: Bảng khuyến cáo và bảng nội quy hoạt động phải đặt ở những vị trí thích hợp, dễ nhận biết; Nội dung phải được UBND thị xã Cửa Lò thẩm định và phê duyệt.
Điều 7. Quản lý an ninh trật tự và an toàn cứu nạn
1. Đối với chủ phương tiện.
- Phải mua bảo hiểm cho khách du lịch.
- Cơ sở thể thao phải trang bị ca nô cứu hộ, phao cứu sinh, có ít nhất 01 nhân viên y tế có trình độ trung cấp y tế trở lên thường trực và có phương án khắc phục sự cố, tai nạn xảy ra.
- Không được chở quá số người quy định được ghi trong giấy phép.
- Chỉ được phép hoạt động trong vùng quy định. Chịu sự kiểm tra của các cơ quan chức năng khi có yêu cầu và không được quay phim, chụp ảnh ở nơi có biển quy định cấm.
- Khi phát hiện có trường hợp tai nạn phải nhanh chóng đưa phương tiện tham gia cứu hộ và tham gia cứu hộ khi cơ quan chức năng yêu cầu.
- Không tranh dành, lôi kéo, gây gỗ, đánh nhau, ép giá, ép khách, vi phạm pháp luật, đưa mô tô nước vào khu vực cấm, vào khu vực tắm biển của du khách, phóng nhanh, đánh võng, lạng lách, cua ngoặt, làm mất an toàn cho du khách, rú ga xả khói xăng, dầu ra bãi tắm làm ô nhiễm môi trường.
- Chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường trong phạm vi được giao, thực hiện các biện pháp quản lý chất thải, tiếng ồn; hướng dẫn, nhắc nhở mọi người thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
- Nhiên liệu của các phương tiện phải được lưu trữ và vận chuyển một cách an toàn đến hệ thống tiếp nhận tại các khu vực được quy định. Các bến neo đậu bắt buộc phải có hệ thống tiếp nhận nhiên liệu thải từ các phương tiện khi hoạt động trên biển.
2. Đối với người quản lý điều hành phương tiện: Người quản lý, người điều khiển các phương tiện mô tô nước tuyệt đối không được để khách lái phương tiện, yêu cầu khách mặc áo phao trước khi tham gia và phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của khách.
Chương 3
HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 8. Hoạt động thanh tra, kiểm tra
1. Các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ mô tô nước phải chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước về các hoạt động thể dục, thể thao.
2. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm chủ trì quản lý nhà nước và phối hợp các đơn vị liên quan và UBND thị xã Cửa Lò tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động đối với loại hình này; Khi phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm thì căn cứ vào tính chất, mức độ để xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Xử lý vi phạm
Các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ mô tô nước ở nơi khác khi đưa các phương tiện vào hoạt động trên khu vực biển thị xã Cửa Lò nhưng không đăng ký với cơ quan chức năng hoặc có hành vi vi phạm các quy định trong lĩnh vực thể dục - thể thao sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương 4
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Quy định này; phối hợp các cơ quan liên quan hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ mô tô nước đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
- Thành lập đoàn kiểm tra để thanh tra, kiểm tra và xử lý các hoạt động đối với dịch vụ mô tô nước.
- Chủ trì trong công tác thanh tra, kiểm tra và định kỳ báo cáo tình hình về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
2. Sở Giao thông - Vận tải
- Chủ trì phối hợp UBND thị xã Cửa Lò, Biên phòng tỉnh khảo sát phân luồng hoạt động cho dịch vụ mô tô nước phù hợp với luật đường thủy nội địa Việt Nam và điều kiện thực tế của Cửa Lò.
- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh mô tô nước bố trí phao neo, cờ đảm bảo đúng quy định.
3. Sở Kế hoạch - Đầu tư
Kiểm tra, xem xét cấp giấy phép đầu tư cho các tập thể, cá nhân nếu có nhu cầu đầu tư dịch vụ mô tô nước khi đủ điều kiện theo quy định.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Phối hợp các đơn vị liên quan trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình phối hợp Sở VHTT và DL trong công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời tổ chức kiểm tra theo nhiệm vụ được phân công.
Điều 12. Trách nhiệm của UBND thị xã Cửa Lò
- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền nội dung quy định để các tổ chức, cá nhân kinh doanh, nhân dân và du khách thực hiện; Thẩm định và duyệt nội dung khuyến cáo và bảng nội quy hoạt động dịch mô tô nước trên biển tại địa bàn thị xã Cửa Lò.
- Tham mưu trình cấp thẩm quyết quyết định mức giá sử dụng dịch mô tô nước trên biển tại địa bàn thị xã Cửa Lò.
- Thành lập tổ kiểm tra, xử lý tình hình hoạt động của dịch vụ mô tô nước trên địa bàn thị xã. Phối hợp với các đơn vị liên quan để tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm theo quy định. Quản lý giá dịch vụ để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.
- Tổ chức khảo sát quy hoạch bến bãi đón trả khách, vùng hoạt động phù hợp, đảm bảo an toàn để các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ mô tô nước thực hiện.
- Định kỳ hàng tháng, quý hoặc đột xuất báo cáo tình hình hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được phân công về UBND tỉnh (qua Sở VHTT và DL) để tổng hợp và xử lý./.
Thông tư 17/2010/TT-BVHTTDL Quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động mô tô nước trên biển do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Ban hành: 31/12/2010 | Cập nhật: 14/01/2011
Quyết định 4099/2000/QĐ-BGTVT về tiêu chuẩn ngành: QUY TẮC BÁO HIỆU ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VIỆT NAM do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Ban hành: 28/12/2000 | Cập nhật: 04/06/2008