Quyết định 31/2011/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hoa Đà Lạt
Số hiệu: 31/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Huỳnh Đức Hòa
Ngày ban hành: 22/06/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Khoa học, công nghệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2011/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 22 tháng 6 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN HOA ĐÀ LẠT

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn thi hành nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 29/TTr-KHCN ngày 18/5/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này “Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hoa Đà Lạt”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt; Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN;
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- TTTU; TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu QH tỉnh Lâm Đồng;
- Đài PTTH, Báo Lâm Đồng;
- Trung tâm công báo tỉnh Lâm Đồng;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, VX1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN “HOA ĐÀ LẠT”
(Ban hành theo Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND  ngày 22 tháng 6 năm 2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích, ý nghĩa

Quy chế này nhằm tập hợp các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận cùng xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” trở thành một thương hiệu mạnh trên thị trường; bảo hộ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất, trồng, kinh doanh các loại hoa trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận.

Điều 2. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” là nhãn hiệu được đăng ký độc quyền trong nước và quốc tế.

2. Quy chế này quy định về quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận với tên gọi “Hoa Đà Lạt ” cho các loại sản phẩm hoa được trồng, sản xuất và kinh doanh trên địa thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận.

3. Quy chế này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận và các tổ chức, cá nhân trồng, sản xuất và kinh doanh các loại hoa trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” trong quy chế này là nhãn hiệu chứng nhận áp dụng cho các loại sản phẩm hoa được trồng, sản xuất và kinh doanh trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận.

2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” là Giấy chứng nhận do cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận cấp cho các tổ chức, cá nhân trồng, sản xuất và kinh doanh hoa trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận khi đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện theo quy định tại Quy chế này.

3. Tổ chức, cá nhân trồng, sản xuất và kinh doanh hoa nêu trong quy chế này là các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ gia đình, cá nhân chuyên trồng, sản xuất và kinh doanh hoa trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận.

Điều 4. Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” và giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt làm cơ quan quản lý nhãn hiệu, thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với Nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” tại Cục Sở hữu trí tuệ.

2. Quản lý, kiểm soát việc sử dụng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” theo các qui định tại Quy chế này.

3. Phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt”.

Điều 5. Điều kiện được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận

Tổ chức, cá nhân trồng, sản xuất và kinh doanh các loại Hoa trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận được cấp và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

1. Chuyên trồng, sản xuất và kinh doanh hoa trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận.

2. Tuân thủ các yêu cầu trong suốt quá trình từ khâu trồng, sản xuất đến khâu kinh doanh nhằm đảm bảo sản phẩm có đặc tính, chất lượng theo quy định.

3. Cam kết tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các nội dung trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Hoa Đà Lạt” trong quá trình sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

4. Được cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt”.

Điều 6. Biểu trưng (Logo) của nhãn hiệu chứng nhận

Biểu trưng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” được thể hiện tại phụ lục kèm theo của quy chế này .

Điều 7. Bản đồ vùng trồng, sản xuất và kinh doanh các loại hoa mang nhãn hiệu chứng nhận

Vùng địa lý (thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận) trồng, sản xuất và kinh doanh đối với mỗi loại hoa mang nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt khi đưa vào quản lý, sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt”.

Chương II

CÁC ĐẶC TÍNH CỦA SẢN PHẨM HOA MANG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN “HOA ĐÀ LẠT

Điều 8. Sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận

Sản phẩm hoa mang nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” là các loại hoa được trồng, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận và các loại hoa được trồng, sản xuất trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đưa đi tiêu thụ trong nước và quốc tế; thỏa mãn các tiêu chí về chất lượng và bản đồ vùng chứng nhận.

Điều 9. Các đặc tính chất lượng

Các đặc tính chất lượng của mỗi lọai hoa mang nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” do cấp có thẩm quyền phê duyệt khi đưa vào quản lý, sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt”.

Điều 10. Phương pháp đánh giá các đặc tính chất lượng

1. Phương pháp lấy mẫu: Mẫu sản phẩm để đánh giá chất lượng phải được lấy ngẫu nhiên của lô hàng mang nhãn hiệu do Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận thực hiện cùng với tổ chức/cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

2. Phương pháp đánh giá đặc tính chất lượng do cấp có thẩm quyền quy định cụ thể cho từng loại hoa.

Chương III

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN

Điều 11. Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận

UBND thành phố Đà Lạt là cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận, thực hiện chức năng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, quản lý và kiểm soát việc sử dụng và chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” theo đúng các quy định tại Quy chế này.

Điều 12. Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận

Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận có những chức năng, nhiệm vụ sau:

1. Kiểm tra và tổ chức đánh giá chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt”.

2. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” cho các tổ chức, cá nhân đáp ứng các tiêu chí quy định tại Quy chế này.

3. Quản lý việc sử dụng nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt”.

4. Phát triển nhãn hiệu chứng nhận.

5. Phát hiện, xử lý, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận khi đối tượng tham gia vi phạm qui chế hoặc đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm quy định về sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt”.

Chương IV

QUẢN LÝ VIỆC SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN

Điều 13. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận

1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” gửi đơn theo mẫu quy định đến Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận để được xem xét giải quyết theo quy định.

2. Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn đề nghị của các tổ chức, cá nhân, Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận tiến hành kiểm tra thực tế hoạt động trồng, sản xuất và kinh doanh của tổ chức, cá nhân yêu cầu và đánh giá chất lượng thông qua việc lấy mẫu.

3. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, Cơ quan quản lý nhãn hiệu ra quyết định cấp hoặc không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt”. Trong trường hợp từ chối, phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Điều 14. Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận

1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” có các nội dung sau :

a) Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận;

b) Điện thoại, Fax, Email, Website (nếu có);

c) Danh mục các loại sản phẩm được cấp giấy chứng nhận;

d) Mẫu nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt”;

đ) Quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận;

e) Họ tên, chữ ký của đại diện có thẩm quyền và dấu của Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận.

2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” được làm thành 01 bản chính giao cho đơn vị sử dụng. Đơn vị cấp phát mở sổ theo dõi cấp và thu hồi giấy chứng nhận.

3. Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” có thời hạn 03 năm.

4. Cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt”.

a) Đối với trường hợp hết thời hạn quy định mà trong quá trình sử dụng không vi phạm quy chế thì chỉ cần có đơn xin cấp lại và nộp các khoản lệ phí theo quy định thì cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận sẽ cấp lại.

b) Đối với trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận mà trong quá trình sử dụng có vi phạm nhưng chưa đến mức phải thu hồi thì các thủ tục đề nghị cấp lại giống như lần đầu.

c) Đối với trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận mà trong quá trình sử dụng có vi phạm đến mức phải thu hồi, thì phải sau thời gian 01 năm kể từ ngày thu hồi mới đuợc xét cấp và thủ tục đề nghị cấp lại giống như lần đầu.

d) Đối với trường hợp bị mất hoặc bị hư hỏng thì chỉ cần có đơn xin cấp lại và nộp các khỏan lệ phí theo quy định thì cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận sẽ cấp lại.

Điều 15. Sử dụng nhãn hiệu chứng nhận

1. Tổ chức, cá nhân có thể sử dụng nhãn hiệu chứng nhận trên bao bì sản phẩm, phương tiện kinh doanh, thư từ giao dịch, phương tiện quảng cáo.

2. Phải sử dụng đầy đủ và chính xác dấu hiệu của nhãn hiệu chứng nhận gồm cả tên nhãn hiệu và hình ảnh logo.

3. Chỉ sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho loại sản phẩm hoa đã được cơ quan quản lý cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” .

4. Nhãn hiệu chứng nhận được sử dụng kèm với nhãn hiệu riêng của tổ chức, cá nhân, nhưng không được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” làm nhãn hiệu chính cho sản phẩm của mình.

5. Tổ chức, cá nhân không được tự ý chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trường hợp tự cho phép sử dụng giữa các đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty, công ty mẹ với công ty con và ngược lại.

6. Mọi thông tin cần thiết liên quan đến nhãn hiệu chứng nhận phải phổ biến và cung cấp đầy đủ cho các thành viên sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

7. Nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng, hình thức sử dụng có hoặc không có nhãn hiệu chứng nhận dẫn đến làm sai lệch nhận thức hoặc gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của nhãn hiệu chứng nhận; mọi hình thức đưa thông tin sai về nhãn hiệu chứng nhận hoặc lạm dụng nhãn hiệu chứng nhận gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Điều 16. Quản lý sử dụng nhãn hiệu chứng nhận

1. Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận cung cấp và quản lý tem, nhãn hiệu cho các tổ chức, cá nhân được chứng nhận.

2. Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận có quyền ra quyết định đình chỉ việc sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân trong các trường hợp sau:

a) Không còn đáp ứng đủ các điều kiện sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Điều 5 Quy chế này ;

b) Vi phạm quy định về sử dụng nhãn hiệu chứng nhận tại Điều 15 Quy chế này.

Điều 17. Kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận

Định kỳ hoặc đột xuất Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận tổ chức lấy mẫu sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận để đánh giá chất lượng. Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận đối với mỗi tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu không quá 03 lần trong năm.

Điều 18. Chi phí cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận

1. Tổ chức, cá nhân tham gia Nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” phải trả chi phí cấp Giấy chứng nhận, chi phí duy trì thường niên cho Cơ quan quản lý nhãn hiệu theo qui định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Tổ chức, cá nhân tham gia nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” phải chịu chi phí cho việc đánh giá để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng và kiểm tra chất lượng định kỳ hay đột xuất trong quá trình sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

3. Phí cấp giấy chứng nhận và chi phí duy trì nhãn hiệu thường niên thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật của ngân sách Nhà nước về phí và lệ phí.

Chương V

QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN

Điều 19. Quyền lợi khi tham gia nhãn hiệu chứng nhận

1. Các tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” đều bình đẳng về quyền, lợi ích cũng như nghĩa vụ liên quan đến nhãn hiệu chứng nhận.

2. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận có quyền:

a) Gắn nhãn hiệu chứng nhận trên bao bì cho loại sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu do mình sản xuất, kinh doanh;

b) Có quyền khai thác, sử dụng và hưởng các lợi ích kinh tế phát sinh từ nhãn hiệu chứng nhận;

c) Được Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng hợp pháp nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt”.

3. Khi không còn nhu cầu sử dụng nhãn hiệu, tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” có trách nhiệm thông báo đến cơ quan quản lý để làm các thủ tục thu hồi giấy chứng nhận.

Điều 20. Trách nhiệm khi tham gia nhãn hiệu chứng nhận

1. Thực hiện đầy đủ các nội dung của điều 15, 17,18 của quy chế này.

2. Tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nhằm duy trì, bảo vệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt”.

3. Duy trì và bảo đảm chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt”.

Chương VI

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 21. Các hành vi vi phạm

Các hành vi được xem là vi phạm quyền sở hữu và quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận theo Quy chế này bao gồm:

1. Hành vi sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận theo quy chế này nhưng không thực hiện đầy đủ các yêu cầu theo Điều 20 của Quy chế;

2. Hành vi sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các loại sản phẩm hoa chưa được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của các tổ chức cá nhân trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận;

3. Hành vi sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của các tổ chức, cá nhân khi chưa được sự cho phép của Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt”

Điều 22. Hình thức xử lý vi phạm

Tùy theo mức độ, các hành vi vi phạm quyền sở hữu và quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sẽ bị xử lý như sau :

1. Tạm đình chỉ hoặc tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân có hành vi quy định tại điểm 1, Điều 21 Quy chế này.

2. Yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm 2, 3 Điều 21 Quy chế này.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 23. Trách nhiệm phát hiện và xử lý vi phạm

1. Các tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” đều có quyền và nghĩa vụ yêu cầu cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận xử lý hành vi xâm phạm.

2. Các tổ chức, cá nhân khi sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại quy chế này. Trường hợp vi phạm, tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy chế và các quy định pháp luật hiện hành.

3. UBND thành phố Đà Lạt có trách nhiệm theo dõi và xử lý các trường hợp sai phạm hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi, vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Cơ chế giải quyết tranh chấp về nhãn hiệu chứng nhận

1. Đối với các tranh chấp xảy ra trong nội bộ giữa các thành viên được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” thì cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận có trách nhiệm chủ trì giải quyết.

2. Đối với các tranh chấp về nhãn hiệu chứng nhận với bên ngoài (của thành viên được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận với các cá nhân, tổ chức bên ngoài) thì cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận đại diện giải quyết theo quy định của pháp luật.

3. Đối với các tranh chấp giữa cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận là với cá nhân, tổ chức sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sẽ do cơ quan chuyên môn quản lý về sở hữu trí tuệ của tỉnh Lâm Đồng giải quyết lần đầu và UBND tỉnh Lâm Đồng giải quyết lần cuối.

Điều 25. Khen thưởng

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong quá trình quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” được khen thưởng theo quy định hiện hành./.

 

PHỤ LỤC

BIỂU TRƯNG (LO GO) NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN “HOA ĐÀ LẠT”

Nhóm 31: Hoa tươi