Quyết định 31/2008/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ, cơ chế quản lý và sử dụng vốn thực hiện chính sách hỗ trợ dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật theo Quyết định 112/2007/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Quảng Bình do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành
Số hiệu: 31/2008/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình Người ký: Nguyễn Hữu Hoài
Ngày ban hành: 30/12/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 31/2008/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 30 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ, CƠ CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CÁC DỊCH VỤ CẢI THIỆN VÀ NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN, TRỢ GIÚP PHÁP LÝ ĐỂ NÂNG CAO NHẬN THỨC PHÁP LUẬT THEO QUYẾT ĐỊNH 112/2007/QĐ-TTG NGÀY 20 THÁNG 7 NĂM 2007 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II;
Căn cứ Thông tư số 06/2007/TT-UBDT ngày 20 tháng 9 năm 2007 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn mức hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật theo Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg ;
Theo đề nghị của Ban Dân tộc tại Tờ trình số 21/TTr-BDT ngày 17 tháng 11 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định mức hỗ trợ, cơ chế quản lý và sử dụng vốn thực hiện chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật theo Quyết định 112/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục - Đào tạo, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trưởng Ban Dân tộc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ủy ban Dân tộc;
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Văn phòng Điều phối CT 135 TW;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh, các đoàn thể cấp tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Báo Quảng Bình;
- Đài PT-TH Quảng Bình;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VT, CVNN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hoài

 

QUY ĐỊNH

MỨC HỖ TRỢ, CƠ CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CÁC DỊCH VỤ CẢI THIỆN VÀ NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN, TRỢ GIÚP PHÁP LÝ ĐỂ NÂNG CAO NHẬN THỨC PHÁP LUẬT THEO QUYẾT ĐỊNH 112/2007/QĐ-TTG NGÀY 20/7/2007 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
(ban hành kèm theo Quyết định số 30/2008/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục tiêu và nguyên tắc hỗ trợ

- Quy định này nhằm cụ thể hóa mức hỗ trợ, phân cấp quản lý, hướng dẫn tổ chức thực hiện Quyết định 112/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 06/2007/TT-UBDT ngày 20 tháng 9 năm 2007 của Ủy ban Dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

- Thực hiện quy định phải đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch; đầu tư đúng nội dung, đúng đối tượng.

Điều 2. Phạm vi, đối tượng thụ hưởng

1. Phạm vi: Các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã biên giới và thôn bản đặc biệt khó khăn ở xã khu vực II thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II trên địa bàn tỉnh Quảng Bình theo các quyết định của cấp có thẩm quyền.

2. Đối tượng thụ hưởng:

2.1 Hỗ trợ học sinh con hộ nghèo: Học sinh con hộ nghèo (chuẩn hộ nghèo theo quy định tại Quyết định 170/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng chính phủ) đang sinh sống trên địa bàn các xã ĐBKK; thôn bản ĐBKK ở xã khu vực II (có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, không yêu cầu phải có đăng ký thường trú hộ khẩu) thuộc phạm vi Chương trình 135 theo các quyết định của cấp có thẩm quyền, cụ thể như sau:

- Học sinh mẫu giáo trong độ tuổi từ 3 - 6 tuổi đang đi học tại các trường, lớp mẫu giáo trong và ngoài xã;

- Học sinh các lớp phổ thông: tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông do điều kiện trường, lớp học ở xa gia đình, đi lại khó khăn phải thoát ly gia đình đến ăn ở tập trung tại trường, lớp hoặc khu vực xung quanh trường, lớp phải tự lo chi phí sinh hoạt, tiền ăn thì được hưởng chính sách. Đối với những học sinh chỉ ở trường, lớp một buổi trưa (đi về trong ngày), học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú theo quy định của Nhà nước không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách này.

2.2. Hỗ trợ hộ nghèo cải thiện vệ sinh môi trường: Hộ nghèo đã có nhà ở ổn định, hiện tại chưa có nhà vệ sinh, hoặc nhà vệ sinh tạm bợ; chuồng trại chăn nuôi gia súc sát nhà ở không đảm bảo điều kiện vệ sinh, có nhu cầu làm nhà vệ sinh, di chuyển chuồng trại để cải thiện vệ sinh môi trường.

2.3. Hỗ trợ hoạt động văn hóa, thông tin và hỗ trợ trợ giúp pháp lý, nâng cao nhận thức pháp luật cho người nghèo: Các xã ĐBKK, xã biên giới và thôn, bản ĐBKK ở xã khu vực II thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II theo các quyết định của cấp có thẩm quyền.

Điều 3. Nguồn vốn thực hiện

Bao gồm vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II được bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm của địa phương, ngân sách địa phương và lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn cùng có nội dung, mục tiêu và vốn huy động của cộng đồng dân cư, các tổ chức, đơn vị ủng hộ.

Điều 4. Thời gian thực hiện

Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo cải thiện vệ sinh môi trường, hỗ trợ hoạt động văn hóa, thông tin và hỗ trợ trợ giúp pháp lý thực hiện từ năm 2008 đến hết năm 2010; hỗ trợ học sinh tính theo năm học từ tháng 9 năm 2007 đến hết năm học 2009 - 2010.

Chương II

NỘI DUNG, MỨC VÀ HÌNH THỨC HỖ TRỢ

Điều 5. Hỗ trợ học sinh con hộ nghèo

1. Nội dung và mức hỗ trợ:

- Hỗ trợ học sinh mẫu giáo về tiền ăn là 70.000 đồng/học sinh/tháng; được hưởng theo thời gian học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

- Hỗ trợ học sinh bán trú tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông về tiền ăn và dụng cụ học tập là 140.000 đồng/học sinh/tháng; thời gian được hưởng theo thực tế thời gian học, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

2. Hình thức hỗ trợ:

- Hỗ trợ học sinh mẫu giáo: Cấp tiền mặt hoặc tổ chức bữa ăn tại chỗ cho học sinh do Ban đại diện cha mẹ học sinh và Hiệu trưởng nhà trường thống nhất quyết định.

- Hỗ trợ học sinh bán trú tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông: Bằng tiền mặt hoặc hiện vật.

Việc cấp tiền mặt, mua dụng cụ học tập hay tổ chức bữa ăn tại chỗ cho học sinh trường tiểu học, trung học cơ sở do Ban đại diện cha mẹ học sinh và Hiệu trưởng nhà trường thống nhất, báo cáo Ủy ban nhân dân xã quyết định tùy theo điều kiện cụ thể và nguyện vọng của học sinh.

Hỗ trợ học sinh bán trú tại trường trung học phổ thông do Hội phụ huynh và Ban giám hiệu nhà trường thống nhất báo cáo Ủy ban nhân dân huyện quyết định.

- Trường hợp tổ chức cho học sinh ăn tại chỗ, nhà trường được phép thuê người phục vụ, định mức từ 10 đến 30 học sinh được thuê 01 người phục vụ; từ trên 30 học sinh trở lên, cứ tăng 30 học sinh thuê một người phục vụ. Mức tiền thuê người phục vụ một tháng bằng mức lương tối thiểu của một cán bộ công chức Nhà nước hiện hành. Kinh phí thuê người phục vụ lấy trong tổng vốn phân bổ thuộc Chương trình 135 giai đoạn II cho trường hàng năm (không trừ vào kinh phí hỗ trợ học sinh).

Điều 6. Hỗ trợ hộ nghèo cải thiện vệ sinh môi trường

1. Nội dung và mức hỗ trợ:

- Hỗ trợ một lần cho hộ nghèo để mua vật liệu sử dụng vào việc làm mới, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo, di chuyển chuồng trại hoặc nhà vệ sinh.

- Mức hỗ trợ là 01 triệu đồng/hộ từ nguồn kinh phí đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II; ngoài ra các địa phương có thể lồng ghép nguồn vốn khác nhưng tối đa không quá 2 triệu đồng/hộ (tương đương mức hỗ trợ người nghèo làm chuồng trại quy định tại Thông tư liên tịch số 102/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 20 tháng 8 năm 2007 của Bộ Tài chính và Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với một số dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo).

2. Hình thức hỗ trợ:

Hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật trực tiếp cho hộ gia đình, trên cơ sở ý kiến thống nhất chung của các hộ gia đình trong xã được hưởng. Nếu hỗ trợ bằng hiện vật thì giá trị hỗ trợ bao gồm cả chi phí vận chuyển đến địa điểm tập kết, người hưởng lợi tự vận chuyển về hộ gia đình.

Điều 7. Hỗ trợ hoạt động văn hóa - thông tin

1. Nội dung và mức hỗ trợ:

- Hỗ trợ một số hoạt động các xã ĐBKK và thôn, bản ĐBKK thuộc xã khu vực II thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II gồm: Tổ chức lễ hội văn hóa truyền thông ở xã; sinh hoạt văn hóa văn nghệ, vui chơi thể thao, mít tinh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nội dung chi gồm: Tiền chè nước, trang trí, băng rôn, khẩu hiệu, ma két, loa đài.

- Mức hỗ trợ hoạt động văn hoá - thông tin đối với các xã đặc biệt khó khăn là 2 triệu đồng/xã/năm; đối với thôn, bản ĐBKK thuộc xã khu vực II là 0,5 triệu đồng/thôn/năm.

2. Hình thức hỗ trợ: Bằng tiền mặt, cấp theo đơn vị xã hoặc thôn.

Điều 8. Hỗ trợ trợ giúp pháp lý, nâng cao nhận thức pháp luật cho người nghèo

1. Nội dung và mức hỗ trợ:

- Hỗ trợ để tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại xã, bao gồm các nội dung chi: Văn phòng phẩm, chè nước, thuê tăng âm, ánh sáng, thuê báo cáo viên, thù lao hội viên tham gia biểu diễn văn nghệ có nội dung tuyên truyền pháp luật, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền pháp luật. Tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; cung cấp thông tin pháp luật (tờ gấp, băng catset) miễn phí cho người nghèo.

- Mức hỗ trợ đối với các xã đặc biệt khó khăn là 2 triệu đồng/xã/năm; đối với thôn, bản ĐBKK thuộc xã khu vực II là 0,5 triệu đồng/thôn/năm.

2. Hình thức hỗ trợ: Cấp phát bằng tiền mặt cho xã, thôn bản.

Chương III

CƠ CHẾ QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Lập kế hoạch hàng năm

1. Kế hoạch thực hiện chính sách theo Quyết định 112/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ được xây dựng và giao thành mục riêng trong kế hoạch Chương trình 135 và nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm (trừ vốn ngân sách Trung ương giao riêng, giao bổ sung).

2. Quy trình lập kế hoạch

2.1. Lập kế hoạch ở cấp xã: Hàng năm, Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo các thôn, bản tổ chức họp phổ biến và bình xét công khai các đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định tại Điều 2 Quy định này; đồng thời yêu cầu Ban giám hiệu các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông lập danh sách học sinh của trường thuộc đối tượng được hỗ trợ quy định tại mục 2.1 Điều 2 Quy định này gửi Ủy ban nhân dân xã để xét duyệt.

Chậm nhất 10 ngày sau khi nhận đủ hồ sơ của thôn, bản và Ban giám hiệu các trường học, Ủy ban nhân dân xã họp để xét duyệt tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân huyện.

- Nội dung báo cáo bao gồm:

+ Danh sách các cháu mẫu giáo, học sinh phổ thông bán trú con hộ nghèo;

+ Danh sách hỗ trợ hộ nghèo cải thiện vệ sinh môi trường;

+ Bảng tổng hợp các đơn vị được hỗ trợ hoạt động văn hóa - thông tin cho cộng đồng và trợ giúp pháp lý, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân.

Các nội dung cấp xã tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân huyện chậm nhất ngày 30 tháng 6 hàng năm.

2.2. Lập kế hoạch ở cấp huyện: Khi nhận được báo cáo kế hoạch hàng năm của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân huyện giao cho cơ quan thường trực Chương trình 135 cấp huyện chủ trì tổng hợp, đối chiếu báo cáo của xã với từng nội dung theo Quy định này xây dựng kế hoạch chung toàn huyện. Kế hoạch đề xuất của huyện phải đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng chính sách, đảm bảo nguyên tắc phân bổ và không vượt quá tổng mức vốn được giao. Chậm nhất ngày 10 tháng 7 hàng năm Ủy ban nhân dân huyện gửi bảng tổng hợp về Ban Dân tộc tỉnh để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2.3. Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước: Lập kế hoạch kinh phí trợ giúp pháp lý lưu động, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật cho người nghèo ở các xã, thôn bản ĐBKK thuộc diện đầu tư chương trình gửi về Ban Dân tộc trước ngày 10 tháng 7 hàng năm để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2.4. Lập kế hoạch ở cấp tỉnh: Chậm nhất trước ngày 15 tháng 7 hàng năm, căn cứ kế hoạch đề xuất của Ủy ban nhân dân huyện và Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Bình về thực hiện chính sách hỗ trợ đời sống theo Quyết định 112/QĐ-TTg , Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, xây dựng kế hoạch chung toàn tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh, gửi các Bộ, ngành Trung ương.

Điều 10. Giao kế hoạch hàng năm

1. Căn cứ vào mức vốn hỗ trợ trong năm Trung ương đã thông báo và kế hoạch đề xuất của Ủy ban nhân dân các huyện đã được Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, Ban Dân tộc phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phân bổ cho các huyện để tổ chức thực hiện. 

2. Căn cứ mức vốn Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện giao kế hoạch cho từng cơ sở như sau:

- Hỗ trợ học sinh nghèo: Căn cứ mức vốn được giao và số học sinh thuộc diện được hưởng hỗ trợ để giao cho xã, Ủy ban nhân dân xã căn cứ số vốn và tình hình thực hiện để giao cho các trường, đảm bảo nguyên tắc ưu tiên các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhất.

- Hỗ trợ hoạt động văn hóa - thông tin và hoạt động trợ giúp pháp lý, nâng cao nhận thức pháp luật cho người nghèo căn cứ số xã, thôn, bản thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II Ủy ban nhân dân huyện giao kế hoạch cho Ủy ban nhân dân xã tổ chức thực hiện.

- Hỗ trợ hộ nghèo cải thiện môi trường, căn cứ danh sách đăng ký của xã và mức vốn tỉnh giao, Ủy ban nhân dân huyện giao kế hoạch cho Ủy ban nhân dân xã để tổ chức thực hiện ưu tiên đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhất.

3. Điều chỉnh kế hoạch

3.1. Ủy ban nhân dân các huyện lập tờ trình gửi Ban Dân tộc, căn cứ đề nghị của các huyện, Ban Dân tộc chủ trì tổng hợp, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

3.2. Riêng nội dung hỗ trợ hộ nghèo cải thiện vệ sinh môi trường, trường hợp cần thay đổi danh sách hộ thụ hưởng để đảm bảo thứ tự ưu tiên, không thay đổi tổng mức vốn đã giao, thì Ủy ban nhân dân xã quyết định, sau đó báo cáo Ủy ban nhân dân huyện để tổng hợp báo cáo BCĐ Chương trình 135 tỉnh (Ban Dân tộc tỉnh).

Điều 11. Thực hiện kế hoạch, cấp phát, thanh toán vốn

1. Sau khi có kế hoạch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao, Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban giám hiệu nhà trường triển khai thực hiện và phải công khai cho nhân dân biết.

2. Vốn cấp phát cho các nội dung chính sách như sau:

- Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình nghèo trong diện được hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa, cải tạo làm mới hoặc di chuyển chuồng trại chăn nuôi và nhà vệ sinh.

- Nhà trường cấp tiền mặt cho học sinh từng tháng vào cuối tháng theo định mức và số ngày học thực tế. Nếu nhà trường tổ chức bữa ăn cho học sinh hàng ngày, trường được tạm ứng kinh phí theo định mức để thực hiện.

- Đối với chính sách hỗ trợ hoạt động văn hóa: Cấp 1 lần cho Ủy ban nhân dân xã và thôn bản ĐBKK thuộc xã KV II (qua Ủy ban nhân dân xã) thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II để thực hiện;

- Đối với chính sách hỗ trợ pháp lý nâng cao nhận thức pháp luật: Cấp 1 lần cho Ủy ban nhân dân xã và thôn, bản ĐBKK thuộc xã KV II (qua Ủy ban nhân dân xã) thuộc Chương trình 135 giai đoạn II để tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý;

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có nội dung chưa phù hợp cần sửa đổi, bổ sung các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Ban Dân tộc tỉnh) để điều chỉnh cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành./.