Quyết định 31/2003/QĐ-UB ban hành Qui chế tạm thời về quản lý bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn do Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành
Số hiệu: 31/2003/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn Người ký: Đoàn Bá Nhiên
Ngày ban hành: 28/11/2003 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 31/2003/QĐ-UB

Lạng Sơn, ngày 28 tháng 11 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ, DANH LAM THẮNG CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Luật Di sản Văn hoá ngày 12/7/2001;
Xét đề nghị của Sở Văn hoá Thông tin tại tờ trình số: 507/TT-VH ngày 23/ 9/2003,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành Quy chế tạm thời về quản lý bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (kèm theo quyết định này).

Điều 2: Sở Văn hoá Thông tin chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
CHỦ TỊCH




Đoàn Bá Nhiên

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

QUẢN LÝ BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ DANH LAM THẮNG CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2003/QD-UB ngày 28 tháng 11 năm 2003.)

Chương I:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Trong quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

- Di tích lịch sử - văn hoá là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học.

- Danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học.

Điều 2.

Quy chế này quy định các hoạt động về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Điều 3.

Các di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh được xếp hạng quốc gia, xếp hạng cấp tỉnh, hoặc đã kiểm kê lập hồ sơ là di sản văn hoá có giá trị, sau đây gọi tắt là di tích, danh thắng.

Điều 4.

Các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể và mọi công dân đều có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và khai thác các di tích, danh thắng theo đúng Luật Di sản văn hoá nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 5.

Cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân được giao quản lý, bảo vệ, khai thác các điểm di tích lịch sử- văn hoá trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của ngành Vănhoá-Thông tin. Động viên và khuyến khích vai trò làm chủ của nhân dân trong việc quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử- văn hoá và thực hiện tốt phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm” đối với việc trung tu, tôn tạo… các di tích lịch sử- văn hoá, danh lam thắng cảnh theo quy định của Nhà nước.

Chương II:

TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ

Điều 6.

Sở Văn hoá thông tin là cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân

tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các di tích, danh thắng trên địa bàn của tỉnh theo đúng pháp luật.

b) Sở Văn hoá thông tin có trách nhiệm phối hợp với các ngành, đoàn thể... hướng dẫn chi tiết việc quản lý bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, danh thắng phù hợp với thẩm quyền và phân cấp quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 7.

Các di tích, danh thắng đã được xếp hạng quốc gia, xếp hạng cấp tỉnh, khi lập hồ sơ kiểm kê của ngành Văn hoá-Thông tin đều chịu sự quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Nhà nước. Các cấp chính quyền có trách nhiệm quản lý, bảo vệ các di tích trên địa bàn, kết hợp với quản lý theo ngành, lĩnh vực phù hợp sự phân công phân cấp hiện hành.

Điều 8.

Các di tích đã xếp hạng quốc gia hoặc xếp hạng cấp tỉnh đều được gắn bia, biển, nội quy, sơ đồ khoanh vùng bảo vệ, sơ đồ giới thiệu di tích để mọi người biết và thực hiện.

Điều 9.

Nghiêm cấm các hành vi như: sản xuất, khai thác, xây dựng các công trình trái phép tại các khu vực bảo vệ di tích. Các loại tài sản gắn với di tích như: đồ thờ tự, cổ vật (chuông, khánh, đỉnh, bình, lọ, bát, đĩa, ấm, chén, tráp, ấn, bài vị, hương án, tượng, bia, hoành phi, câu đối, sắc phong...) hoặc các đồ khách thập phương cúng tiến, khi đưa ra khỏi di tích hoặc đưa từ ngoài vào di tích phải được cấp có thẩm quyền cho phép.

Điều 10.

Thực hiện nếp sống văn hoá tại các điểm di tích, danh thắng, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Nghiêm cấm mọi hành vi tự ý bẻ cây, khắc tên, viết chữ lên tường, vách đá, vứt các đồ phế thải và hành nghề mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội tại di tích như: lên đồng, sóc thẻ, xem tướng số, bói đoán, cờ bạc, rượu chè bê tha, chửi bới, đánh nhau, hoạt động mại dâm, buôn bán và sử dụng ma tuý...

Chương III:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DI TÍCH, DANH THẮNG

Điều 11.

Các cấp chính quyền có trách nhiệm chỉ đạọ ngành, đơn vị quản lý di tích, danh thắng lập kế hoạch bảo quản thường xuyên theo phân cấp quản lý. Việc xây dựng, cơi nới, mở rộng các công trình phục vụ, các công trình phúc lợi liên quan phải lập hồ sơ đúng quy trình và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 12.

Việc trùng tu, tu bổ, tôn tạo phải có hồ sơ thực trạng và đề án thiết kế chi tiết kèm theo dự toán kinh phí thực hiện; trình tự và thẩm quyền phê duyệt thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà Nước. Phải có sự theo dõi, giám sát thường xuyên của các cơ quan có chức năng, có biên bản nghiệm thu, bàn giao cụ thể và lưu hồ sơ tại Uỷ ban nhân dân các cấp (thông qua cơ quan chuyên môn giúp việc) theo phân cấp quản lý di tích.

Điều 13.

Việc sửa chữa, tôn tạo, trùng tu, bài trí, trưng bày, thay đổi, bổ sung hiện vật... không được làm ảnh hưởng đến tính nguyên gốc của di tích, cả bên trong lẫn bên ngoài cũng như cảnh quan môi trường xung quanh.

Điều 14.

Các tµi sản có giá trị gắn với các di tích, danh thắng như: đồ thờ tự, cổ vật (chuông, khánh, đỉnh, bình, lư hương, lọ, bát, đĩa, ấm, chén, ấn, tráp, bài vị, hương án, tượng, bia, hoành phi, câu đối, sắc phong..) và những đồ khách thập phương cúng tiến phải được kiểm tra thường xuyên và kiểm kê hiện vật di tích.

Điều 15.

Các di tích đã được công nhận nhưng chưa có điều kiện phát huy cần được bảo vệ nguyên trạng. Khi có dấu hiệu xuống cấp hoặc di tích bị xâm hại, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý trực tiếp phải có phương án bảo vệ kịp thời và báo cáo cơ quan chức năng cùng phối hợp tu bổ, bảo vệ.

Điều 16.

Các tổ chức, cá nhân khi phát hiện thấy dấu hiệu di tích bị xuống cấp phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo quản và kịp thời báo cáo chính quyền, cơ quan chức năng để điều tra, nghiên cứu và xử lý. Các di tích đã được xếp hạng quốc gia hoặc xếp hạng cấp tỉnh là những di sản văn hoá có giá trị, cần được bảo vệ và phát huy. Các cấp chính quyền phải thường xuyên chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng phương án quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy các di tích, danh thắng có hiệu quả.

Điều 17.

Việc tổ chức lễ hội ở các di tích phải phù hợp với truyền thống lịch sử, đặc điểm điều kiện di tích, tình hình kinh tế xã hội và thuần phong mỹ tục của địa phương, bảo đảm lành mạnh, an toàn và tiết kiệm. Thủ tục, trình tự tổ chức tuân thủ theo Quy chế tổ chức lễ hội của Bộ Văn hoá thông tin quy định.

Điều 18.

Các di tích, danh thắng phải bảo đảm trật tự, an toàn, vệ sinh. Khách đến thăm quan hoặc hành lễ nếu nghỉ qua đêm tại di tích phải đăng ký với chính quyền sở tại. Ban quản lý di tích có trách nhiệm lập sổ theo dõi và nhắc nhở, hướng dẫn khách thực hiện tốt quy định này.

Điều 19.

Việc tổ chức các hoạt động dịch vụ tại các di tích, danh thắng như cắm trại, biểu diễn nghệ thuật, quay phim, chụp ảnh, xuất bản, bán hàng hoá, hàng lưu niệm, văn hoá phẩm ... phải đưa ra ngoài khuôn viên và phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 20.

Tiền vé thăm quan, tiền công đức, tiền thu từ các dịch vụ tại các điểm di tích, danh thắng phải có sổ sách ghi chép đầy đủ theo quy định của Nhà nước và sử dụng theo quy định hiện hành của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Có hình thức thích hợp để ghi nhớ sự đóng góp của các cơ quan, đoàn thể và cá nhân.

Chương IV:

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT, THANH TRA, KIỂM TRA.

Điều 21.

Các di tích, danh thắng đã xếp hạng quốc gia, xếp hạng cấp tỉnh, hoặc đã lập hồ sơ kiểm kê đăng ký đều đặt dưới sự quản lý, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát của Nhà nước. Các cơ quan có chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu nhiệm vụ được giao. Sau mỗi đợt thanh tra, kiểm tra phải có báo cáo chi tiết về kết quả kiểm tra và đề xuất hướng xử lý với cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý hiện hành.

Điều 22.

Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm ở các di tích, danh thắng, bộ phận quản lý trực tiếp có biện pháp ngăn chặn ban đầu, đồng thời có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo phân cấp quản lý hiện hành.

Điều 23.

Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến di tích, danh thắng thực hiện theo trình tự của Luật Khiếu nại tố cáo quy định.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.

Điều 24.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc quản lý, bảo vệ, và phát huy các giá trị của di tích, danh thắng sẽ được khen thưởng. Mọi hành vi xâm hại di tích, danh thắng sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Điều 25.

Quy chế này được phổ biến rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm chuyển tải nội dung quy chế trên phương tiện thông tin của mình. Ngành Văn hoá thông tin có trách nhiệm triển khai trực tiếp quy chế này đến các đơn vị quản lý di tích, danh thắng trong toàn tỉnh.





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.