Quyết định 3056/QĐ-UBND năm 2015 Quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố trong việc cung cấp thông tin và tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng chính quyền
Số hiệu: | 3056/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Đà Nẵng | Người ký: | Huỳnh Đức Thơ |
Ngày ban hành: | 27/05/2015 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3056/QĐ-UBND |
Đà Nẵng, ngày 27 tháng 05 năm 2015 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quy chế làm việc của UBND thành phố;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về trách nhiệm của UBND thành phố trong việc cung cấp thông tin và tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng chính quyền.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
TRÁCH NHIỆM CỦA UBND THÀNH PHỐ TRONG VIỆC CUNG CẤP THÔNG TIN VÀ TIẾP THU Ý KIẾN GÓP Ý CỦA ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THÀNH PHỐ, CÁC ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI VÀ NHÂN DÂN THAM GIA XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3056/QĐ-UBND ngày 27 tháng 5 năm 2015 của UBND thành phố Đà Nẵng)
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Quy định này quy định về trách nhiệm của UBND thành phố, thành viên UBND thành phố trong việc cung cấp thông tin và tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng chính quyền.
Điều 2. Mục đích cung cấp thông tin, tiếp thu góp ý
1. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố trong việc tham gia góp ý xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước.
2. Góp phần đổi mới phương thức quản lý của các cấp chính quyền, củng cố niềm tin và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Điều 3. Nguyên tắc cung cấp thông tin
1. Thông tin cung cấp phải phục vụ kịp thời nhu cầu khai thác thông tin của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân.
2. Thông tin cung cấp phải phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng công tác chỉ đạo, điều hành và hoạt động của UBND thành phố, thành viên UBND thành phố.
Điều 4. Nguyên tắc tiếp thu góp ý
1. Tiếp thu đầy đủ những ý kiến góp ý của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và nhân dân một cách cầu thị, chân thành, không thành kiến và gây khó khăn, áp lực đối với tổ chức, cá nhân góp ý.
2. Thông báo bằng văn bản kết quả tiếp thu cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và người góp ý, đồng thời báo cáo Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND thành phố.
3. Việc tiếp thu phải được thực hiện trong thời gian không quá 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được ý kiến góp ý.
Điều 5. Phạm vi tiếp thu góp ý
1. UBND thành phố tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và nhân dân.
2. Thành viên UBND thành phố tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân ở địa phương nơi cư trú.
3. Nội dung tiếp thu được quy định tại Điều 7 Quy định này. Đối với những nội dung góp ý thuộc về lĩnh vực khiếu nại, tố cáo và các vấn đề khác liên quan đến đảng viên được thực hiện theo quy định tại Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân và theo Quy định, Điều lệ Đảng.
CUNG CẤP THÔNG TIN, TIẾP THU GÓP Ý XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN
Điều 6. Đối tượng cung cấp thông tin, tiếp thu góp ý
1. Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Thành viên Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 7. Nội dung cung cấp thông tin, tiếp thu góp ý
1. Đối với UBND thành phố
a) Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
b) Việc thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân thành phố và các văn bản quy phạm pháp luật.
c) Việc thực hiện cải cách hành chính; phòng, chống tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác.
d) Việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về dân chủ ở cơ sở; công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
2. Đối với thành viên UBND thành phố
a) Việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện nghĩa vụ công dân.
b) Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.
Điều 8. Hình thức cung cấp thông tin và tiếp thu góp ý
1. Cung cấp thông tin bằng văn bản báo cáo; đối thoại trực tiếp; niêm yết tại trụ sở hoặc đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng tại địa chỉ www.danang.gov.vn.
2. Tiếp thu góp ý định kỳ
a) Thông qua việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, đoàn thể chính trị - xã hội thành phố góp ý bằng văn bản mỗi năm một lần đối với các nội dung quy định tại Điều 7 Quy định này.
b) Thông qua tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Chủ tịch UBND thành phố với nhân dân mỗi năm ít nhất một lần.
c) Thông qua tổ chức lấy ý kiến tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và hội nghị nhân dân mỗi năm một lần.
3. Tiếp thu góp ý thường xuyên
a) Thông qua hòm thư góp ý xây dựng chính quyền được đặt công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung thành phố.
b) Thông qua thư góp ý gửi trực tiếp đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố hoặc gửi trực tiếp đến UBND thành phố.
c) Thông qua tiếp xúc trực tiếp của thành viên UBND thành phố với nhân dân.
4. Tiếp thu góp ý đột xuất
a) Thông qua ý kiến góp ý của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố đối với dự thảo văn bản do UBND thành phố gửi đến hoặc đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
b) Khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố yêu cầu.
c) Khi UBND thành phố, thành viên UBND thành phố làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố.
Điều 9. Trách nhiệm của UBND thành phố
1. Thực hiện công khai về tổ chức, hoạt động và quy chế làm việc của đơn vị; các quy định về thủ tục hành chính; quy định trách nhiệm công vụ; quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật sẽ ban hành. Cung cấp thông tin về khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, các báo cáo kết quả thanh tra, giám sát, kiểm toán khi được yêu cầu (không thuộc diện bảo vệ bí mật). Các nội dung cần góp ý phải được chuyển trước 07 (bảy) ngày làm việc đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố hoặc đăng công khai tại trụ sở làm việc và các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Bố trí hòm thư góp ý, chuẩn bị các điều kiện vật chất và nhân sự để tiếp nhận và tham mưu các nội dung liên quan đến việc xử lý, tiếp thu góp ý. Tiếp nhận, xử lý, tiếp thu ý kiến góp ý thông qua các hình thức được quy định tại Điều 8 Quy định này. Những nội dung góp ý không thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố thì chuyển cho cơ quan, tổ chức liên quan hoặc cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý và thông báo kết quả tiếp thu cho tổ chức, cá nhân góp ý biết.
3. Đối với những góp ý bằng văn bản của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội, chậm nhất 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản góp ý, UBND thành phố thông báo kết quả xử lý, tiếp thu bằng văn bản cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố có ý kiến góp ý. Tùy từng nội dung cụ thể để công khai kết quả tiếp thu góp ý tại trụ sở làm việc và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với những nội dung góp ý cần thời gian thẩm tra, liên quan đến nhiều ngành thì có thể kéo dài hơn 15 (mười lăm) ngày nhưng không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận được góp ý.
Đối với góp ý của nhân dân, chậm nhất 15 (mười lăm) ngày làm việc (có thể kéo dài hơn nhưng không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc) kể từ ngày nhận được góp ý, các cơ quan, đơn vị thông báo kết quả tiếp thu bằng văn bản cho nhân dân được biết.
Đối với các ý kiến góp ý liên quan đến khiếu nại, tố cáo thì xử lý theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân và theo quy định hiện hành. Đối với các ý kiến góp ý liên quan đến khiếu nại đảng viên thì chuyển Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xử lý theo Quy định, Điều lệ Đảng.
4. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố tổ chức đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố, thành viên UBND thành phố với nhân dân và lấy ý kiến của nhân dân tại hội nghị nhân dân phường, xã.
5. Hằng năm, báo cáo Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố về kết quả tiếp thu góp ý để theo dõi, giám sát.
Điều 10. Trách nhiệm thành viên UBND thành phố
Thành viên UBND thành phố khi nhận được góp ý của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và nhân dân gửi đến, chậm nhất 15 (mười lăm) ngày làm việc phải báo cáo với Chủ tịch UBND thành phố việc tiếp thu góp ý và thông báo kết quả tiếp thu góp ý đến tổ chức, cá nhân đã góp ý.
Điều 11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội
1. Chủ trì tổ chức việc góp ý và tổng hợp ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân theo các nội dung quy định tại Điểm a Khoản 2; Điểm b Khoản 3 và Điểm a Khoản 4 Điều 8 Quy định này chuyển đến các cơ quan, tổ chức được góp ý.
2. Phối hợp với các cơ quan của chính quyền địa phương thực hiện nội dung tổ chức lấy ý kiến tại hội nghị nhân dân phường, xã.
3. Theo dõi và thông tin kết quả tiếp thu góp ý của UBND thành phố đến tổ chức, cá nhân góp ý.
4. Thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về giữ gìn bí mật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Điều 12. Trách nhiệm của Chánh Văn phòng UBND thành phố
Giúp Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố nắm tình hình hoạt động của UBND thành phố đối với các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương; tổng hợp tình hình hoạt động của UBND thành phố để phối hợp với Sở Nội vụ cung cấp thông tin cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố theo yêu cầu.
Điều 13. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giúp UBND thành phố tiếp nhận, tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tiếp thu và trả lời các ý kiến góp ý của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố; báo cáo Thành ủy Đà Nẵng (thông qua Ban Dân vận Thành ủy) theo đúng quy định./.