Quyết định 3043/2007/QĐ-UBND về cơ chế quản lý nguồn vốn dự trữ lưu thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
Số hiệu: | 3043/2007/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thái Nguyên | Người ký: | Phạm Xuân Đương |
Ngày ban hành: | 28/12/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài chính, Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3043/2007/QĐ-UBND |
Thái Nguyên, ngày 28 tháng 12 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ NGUỒN VỐN DỰ TRỮ LƯU THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn;
Căn cứ Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 của chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc;
Căn cứ Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 03/01/2002 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ;
Xét đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 2304/TTr-STC ngày 19/12/2007 về việc phê duyệt quy chế quản lý và sử dụng vốn dự trữ lưu thông;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về cơ chế quản lý nguồn vốn dự trữ lưu thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thương mại và Du lịch, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc tỉnh; Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công và các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2008, các văn bản trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ./.
Nơi nhận: |
TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ NGUỒN VỐN DỰ TRỮ LƯU THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3043/2007/QĐ-UBND ngày 28/12/2007 của UBND tỉnh Thái Nguyên)
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng sử dụng nguồn vốn:
Là các doanh nghiệp dịch vụ thương mại thực hiện cung ứng và lưu thông các mặt hàng chính sách miền núi, các đơn vị sự nghiệp có thu được giao thực hiện dự trữ, các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Điều 2. Nguồn vốn dự trữ lưu thông được hình thành từ nguồn vốn uỷ quyền của trung ương, cấp theo Nghị định số 72/HĐBT ngày 13/3/1990 của Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) về một số chủ trương chính sách cụ thể phát triển kinh tế xã hội miền núi và nguồn bổ sung từ ngân sách địa phương. Nguồn vốn dự trữ lưu thông được theo dõi và hạch toán riêng, chỉ được sử dụng đúng các mục đích theo quy định của Chính phủ không dùng vào cân đối ngân sách và chi tiêu các khoản khác của địa phương.
Điều 3. Mặt hàng dự trữ thường xuyên là các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống đồng bào các dân tộc vùng cao, miền núi, vùng sâu, vùng xa, phục vụ cho nhu cầu phòng chống bão lụt và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Dầu hoả, muối iốt, thuốc chữa bệnh, các loại vật tư phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y...
Điều 4. Quản lý, sử dụng bảo toàn phát triển vốn dự trữ lưu thông tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành của nhà nước, và các điều kiện quy định trong quy chế này.
Điều 5. Các doanh nghiệp thực hiện dự trữ lưu thông một mặt phải thực hiện nhiệm vụ dự trữ hiện vật và cung ứng các mặt hàng chính sách miền núi, một mặt phải tổ chức sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, duy trì và phát triển doanh nghiệp. Do đó có thể gặp các khó khăn, rủi ro bất khả kháng dẫn tới tổn thất mất vốn, đối với các trường hợp này UBND tỉnh có quyết định xử lý từng trường hợp cụ thể sau khi có sự thẩm định và ý kiến đề nghị bằng văn bản của sở quản lý chuyên ngành và các cơ quan chức năng.
Chương 2
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 6. Nguyên tắc giao kế hoạch và xác định mức dự trữ hàng năm:
1. Sở Thương mại và Du lịch chủ trì phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch dự trữ các mặt hàng dầu hoả, muối i ốt. Mức dự trữ phải đáp ứng các yêu cầu dự trữ lưu thông và phòng chống bão lụt trên địa bàn.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch dự trữ các mặt hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp bao gồm: Giống cây trồng các loại, các loại phân hoá học, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Mức dự trữ từng mặt hàng đáp ứng yêu cầu cần thiết tối thiểu để khắc phục các tổn thất do thiên tai, dịch bệnh xảy ra cục bộ ở các địa phương cũng như trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Sở Y tế chủ trì phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ tình hình thực tế (về thị trường, khả năng cung ứng), tính toán lập kế hoạch dự trữ một số loại, nhóm thuốc thiết yếu đáp ứng yêu cầu dự trữ để phòng và chữa một số dịch bệnh có thể xảy ra khi có thiên tai, bão lụt, hoặc lây lan từ địa phương khác.
4. Phương án dự trữ được lập phải căn cứ vào điều kiện địa lý, tự nhiên, sự phân bố dân cư, các vùng sản xuất nông lâm nghiệp tập trung trọng điểm để xác định tổng mức dự trữ từng mặt hàng, địa điểm dự trữ, mức dự trữ từng điểm cho phù hợp đảm bảo nguyên tắc hợp lý, tiết kiệm vốn, đáp ứng các yêu cầu đột xuất, dễ kiểm tra kiểm soát.
5. Mức dự trữ từng mặt hàng do các sở quản lý chuyên ngành trình UBND tỉnh phê duyệt, được thực hiện ổn định và xác định trong quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế xã hội hàng năm. Các trường hợp thay đổi mức dự trữ hiện vật phải có báo cáo của Giám đốc sở quản lý chuyên ngành và được UBND tỉnh phê duyệt bằng văn bản.
Điều 7. Quản lý vốn bằng hiện vật:
Lượng hàng dự trữ hiện vật được giao cho các doanh nghiệp kinh doanh, đơn vị sự nghiệp thuộc ngành quản lý.
- Một số mặt hàng dự trữ tại trung tâm tỉnh: Thuốc chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, giống cây trồng các loại.
- Các mặt hàng: Dầu hoả, muối iốt, phân bón hoá học chủ yếu được dự trữ tại các kho chính đặt tại trung tâm huyện, trị trấn, Cụm Thương mại liên xã do các doanh nghiệp quản lý.
- Các mặt hàng dự trữ cứng bằng hiện vật phải thường xuyên đủ số lượng, đảm bảo chất lượng. Một số hàng hoá dự trữ mang tính chất thời vụ như dầu hoả, muối iốt, vật tư nông nghiệp dự trữ chống bão lụt, doanh nghiệp có thể lập phương án luân chuyển hàng hoá để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn dự trữ nhưng phải đảm bảo nguyên tắc dự trữ đầy đủ bằng lượng tại các thời điểm cần thiết và phương án được giám đốc sở quản lý chuyên ngành phê duyệt.
Điều 8. Trách nhiệm của các đơn vị thực hiện dự trữ lưu thông:
- Căn cứ vào chỉ tiêu số lượng mặt hàng dự trữ được giao, các đơn vị phải lập phương án thực hiện cụ thể. Xác định rõ việc bố trí kho tàng, số lượng hàng hoá dự trữ tại từng địa điểm, phương án luân chuyển hàng hoá... Đảm bảo nguyên tắc sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu đột xuất phải cung ứng hàng hoá theo lệnh xuất hàng của UBND tỉnh.
- Lập báo cáo quyết toán chi phí dự trữ hàng năm khi kết thúc năm tài chính. Lập dự toán chi phí dự trữ cho năm kế hoạch báo cáo sở quản lý chuyên ngành và Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Tổ chức hạch toán kế toán riêng vốn dự trữ cả sổ kế toán tổng hợp và chi tiết: Chứng từ kế toán, thẻ kho, hạch toán chi tiết luân chuyển hàng hoá theo dõi sự biến động vật tư hàng hoá để có kế hoạch nhập xuất hàng hoá hợp lý, đảm bảo luôn có đủ lượng hàng theo quy định và là cơ sở pháp lý cho việc thanh quyết toán các khoản chi phí theo quy định.
Điều 9. Chi phí phục vụ dự trữ cứng hàng hoá bao gồm:
- Tiền lương và các khoản trích theo lương của thủ kho, bảo vệ.
- Chi phí luân chuyển đổi hàng.
- Khấu hao kho và thiết bị dụng cụ phục vụ trực tiếp cho quá trình dự trữ hàng hoá.
- Chi phí hao hụt trong định mức.
Các khoản chi phí này do ngân sách nhà nước cấp từ nguồn vốn thu được do thực hiện bảo toàn vốn dự trữ lưu thông, trên cơ sở định mức chi phí được ngành Tài chính phối hợp với các ngành liên quan thẩm định trình UBND tỉnh quyết định.
Điều 10. Cơ chế nhập xuất hàng hóa dự trữ bằng hiện vật:
- Khi được UBND tỉnh phê duyệt, các đơn vị được giao nhiệm vụ dự trữ có trách nhiệm tìm nguồn hàng có chất lượng, nhập hàng theo giá được Sở Tài chính thẩm định với số lượng được giao theo kế hoạch hàng năm.
Các trường hợp đột xuất xảy ra thiên tai, dịch bệnh cần sử dụng đến hàng hóa dự trữ, các địa phương lập báo cáo, các sở quản lý chuyên ngành có trách nhiệm kiểm tra tổng hợp, đề xuất phương án xử lý, trình UBND tỉnh và tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện dự trữ có trách nhiệm xuất và cung ứng hàng hóa theo phương án được UBND tỉnh phê duyệt.
Giá xuất hàng hóa dự trữ là giá thực tế tại thời điểm xuất hàng.
Các chi phí liên quan đến việc xuất hàng hóa như: Giá vốn, chi phí bốc xếp, vận chuyển, phân phối hàng hóa... được quyết toán theo cơ chế quản lý ngân sách hiện hành.
Điều 11. Ngoài số vốn dự trữ lưu thông đưa vào dự trữ cứng bằng hiện vật quy định tại Điều 3, phần vốn dự trữ lưu thông còn lại được sử dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp như một nguồn vốn lưu động do ngân sách cho vay theo nguyên tắc sau:
- Đối tượng được vay vốn như Điều 1 và là các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh các mặt hàng chính sách xã hội miền núi, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có vai trò trọng yếu trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng bảo toàn vốn.
- Các doanh nghiệp vay vốn phải có phương án sử dụng vốn có hiệu quả được các ngành chức năng thẩm định trình UBND tỉnh quyết định.
- Doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn dự trữ lưu thông phải thực hiện bảo toàn vốn. Mức bảo toàn vốn bằng lãi suất tiền vay ngân hàng về vốn lưu động cùng thời điểm.
- Số tiền bảo toàn vốn sau khi bù đắp chi phí phục vụ dự trữ hiện vật tại thời điểm quyết toán tài chính 6 tháng và 1 năm, số còn lại doanh nghiệp có trách nhiệm nộp vào ngân sách, (Tài khoản vốn dự trữ lưu thông) của tỉnh Thái Nguyên.
Điều 12. Số lượng giống cây lương thực dự trữ hàng năm nếu hết thời vụ không có thiên tai bão lụt cần thanh lý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các ngành chức năng lập biên bản xử lý. Số kinh phí chênh lệch khi thanh lý lượng hàng này được quyết toán vào nguồn vốn dự trữ lưu thông.
Chương 3
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Trách nhiệm của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ dự trữ:
Doanh nghiệp được phân công quản lý và sử dụng nguồn vốn dự trữ lưu thông có trách nhiệm: quản lý và sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đúng các quy định hiện hành của nhà nước về quản lý tài chính doanh nghiệp, cơ chế quản lý thu chi ngân sách trên địa bàn và các quy định cụ thể tại quy chế này. Chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý cấp trên và các ngành chức năng. Đơn vị thực hiện tốt các quy định được ưu tiên cho vay vốn để sản xuất kinh doanh, đơn vị vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành của tỉnh:
- Sở Thương mại và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế: Phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra đôn đốc các đơn vị thuộc ngành quản lý thực hiện đảm bảo thường xuyên có đủ mặt hàng dự trữ cứng về số lượng, chủng loại mặt hàng, tương ứng với giá trị, bảo quản tốt chất lượng hàng hoá; Có kế hoạch hướng dẫn đơn vị thuộc ngành quản lý luân chuyển hàng hoá theo định kỳ đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến lượng dự trữ được giao. Phối hợp với Sở Tài chính và các ngành chức năng trong việc thẩm định kế hoạch dự trữ và định mức chi phí dự trữ cứng hàng năm. Lập báo cáo trình UBND tỉnh phê duyệt làm căn cứ thực hiện.
- Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tổng hợp, tính toán định mức, theo dõi quản lý, hướng dẫn mở sổ sách và công tác hạch toán nguồn vốn dự trữ lưu thông. Đảm bảo cấp phát đúng nguồn, sử dụng vốn đúng mục đích, quản lý vốn đúng chế độ. Đề xuất phương án xử lý các trường hợp cụ thể về tài chính phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị. Định kỳ 6 tháng, 1 năm tổng hợp tình hình quản lý và sử dụng nguồn vốn dự trữ lưu thông báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tài chính.
Điều 15. Trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố, thị xã:
- Tổng hợp nhu cầu về các mặt hàng: Dầu hỏa, Muối iốt, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây lương thực khi có thiên tai, bão lụt xảy ra trên địa bàn báo cáo UBND tỉnh xuất hàng kịp thời phục vụ nhân dân.
- Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc phân phối hàng dự trữ đến tay nhân dân kịp thời, đúng chế độ.
Chương 4
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các doanh nghiệp, đơn vị được giao nhiệm vụ căn cứ quy định này để tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc phản ánh kịp thời về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
Nghị định 02/2002/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 20/1998/NĐ-CP về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số Ban hành: 03/01/2002 | Cập nhật: 24/11/2010
Nghị định 20/1998/NĐ-CP về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc Ban hành: 31/03/1998 | Cập nhật: 25/11/2010