Quyết định 301/2004/QĐ-UB về hành lang bảo vệ đường giao thông nông thôn (đường huyện, đường xã)
Số hiệu: 301/2004/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ Người ký: ***
Ngày ban hành: 20/10/2004 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 301/2004/QĐ-UB

TP. Cần Thơ, ngày 20 tháng 10 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH HÀNH LANG BẢO VỆ ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN (ĐƯỜNG HUYỆN, ĐƯỜNG XÃ)

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 172/1999/NĐ-CP ngày 07/12/1999 của Chính phủ V/v quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 213/2000/TT-BTVT ngày 31/05/2000 của Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 172/1999/NĐ-CP ngày 07/12/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường bộ;

Xét Tờ trình số 772/TTr.STP ngày 06/09/2004 của Giám đốc Sở Tư pháp;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Công chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay, ban hành kèm theo Quyết định này Quy định hành lang bảo vệ đường giao thông nông thôn (đường huyện, đường xã) trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/10/2004.

Giao Giám đốc Sở Giao thông Công chính triển khai và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng cơ quan, Ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND các huyện, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3,
- VP CP (HN - TP. HCM),
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VB),
- Bộ GTVT,
- TT.TU, TT.HĐND TP,
- VP. Thành ủy, các Ban Đảng,
- Các Sở, Ban, ngành, UBND huyện,
- UBMTTQ, các đoàn thể cấp TP,
- TAND, Viện KSND TP,
- Báo, Đài TP,
- Lưu TTLT, 4.
NQ\7-2004\VBPhapquy\QD Hanh lang bao ve GTNT

TM. UBND THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KT. CHỦ TỊCH UBND TP. CẦN THƠ
PHÓ CHỦ TỊCH

 

QUY ĐỊNH

VỀ HÀNH LANG BẢO VỆ ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN (ĐƯỜNG HUYỆN, ĐƯỜNG XÃ)
(Ban hành theo Quyết định số 301/2004/QĐ-UB ngày 20/10/2004 của UBND thành phố Cần Thơ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ (gọi tắt là hành lang bảo vệ đường bộ) là phạm vi hai bên, phía trên không và phía dưới mặt đất của công trình giao thông đường bộ nhằm bảo đảm sự bền vững của công trình và an toàn cho hoạt động giao thông vận tải, cũng như thuận lợi cho việc nâng cấp, cải tạo và quản lý khai thác đường bộ.

Điều 2. Mọi cá nhân, tổ chức trong phạm vi thành phố Cần Thơ đều phải chấp hành nghiêm chỉnh những quy định về hành lang bảo vệ công trình giao thông đối với đường huyện, xã tại bản Quy định này.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Đường huyện: là đường đi từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã, liên xã và ngược lại.

Tiêu chuẩn đường huyện: đường cấp V đồng bằng:

- Bề rộng mặt đường: 3,5m;

- Lề đường: 1,5m x 2= 3m;

- Taluy (mái đường): 1,5m x 2= 3m.

- Giới hạn hành lang bảo vệ tính từ chân taluy (chân mái đường) ra mỗi bên không nhỏ hơn 10m x 2= 20m. Bề rộng hành lang đường cấp IV và cấp V mỗi bên được quy định theo Nghị định 172/CP là 10m;

- Lộ giới là 29,5m.

Điều 4. Đường xã: là đường đi từ trung tâm xã đến các ấp, liên ấp và ngược lại; là loại đường cho xe 2 bánh, các loại xe thô sơ và người đi bộ.

4.1. Loại bề rộng mặt đường từ 2m đến 2,5m:

4.1.1. Bề rộng 2,5m:

- Bề rộng mặt đường: 2,5m;

- Lề đường: 0,5m x 2= 1m;

- Taluy: 0,5m x 2= 1m;

- Giới hạn hành lang bảo vệ tính từ chân taluy ra mỗi bên không nhỏ hơn 4,5m x 2 bên= 9m;

- Lộ giới là 13,5m.

4.1.2. Bề rộng 2m:

- Bề rộng mặt đường: 2m

- Lề đường: 0,5m x 2= 1m;

- Taluy: 0,5m x 2= 1m.

- Giới hạn hành lang bảo vệ tính từ chân taluy ra mỗi bên không nhỏ hơn 4m x 2 bên= 8m.

- Lộ giới là 12m.

4.2. Loại bề rộng mặt đường dưới 2m (lấy cho loại 1,5m):

- Bề rộng mặt đường: 1,5m.

- Lề đường: 0,5m x 2= 1m;

- Taluy: 0,5m x 2= 1m.

- Giới hạn hành lang bảo vệ tính từ chân taluy ra mỗi bên không nhỏ hơn 3,5m x 2 bên= 7m.

- Lộ giới là 10,5m.

(Có các mặt cắt điển hình kèm theo).

4.3. Đối với các công trình đường bộ đã nâng cấp cải tạo nhưng ở giai đoạn đầu chưa đúng với cấp đường quy hoạch thì hành lang bảo vệ vẫn phải xác định trên cơ sở cấp đường quy hoạch. Phạm vi bề rộng giải phóng mặt bằng hai bên đường đã được chủ dự án thực hiện khi nâng cấp, cải tạo đường nhằm đảm bảo an toàn cho thi công, an toàn cho quản lý khai thác, nếu nhỏ hơn bề rộng hành lang bảo vệ của cấp đường quy hoạch thì không coi đó là bề rộng hành lang bảo vệ của đường. Đối với các tuyến đường bộ đã xác định cắm mốc có bề rộng hành lang bảo vệ theo Nghị định 203/HĐBT rộng hơn bề rộng được xác định theo Nghị định 172/1999/NĐ-CP thì vẫn giữ nguyên bề rộng như đã xác định cắm mốc. Trường hợp bề rộng hành lang bảo vệ theo Nghị định 172/1999/NĐ-CP rộng hơn bề rộng hành lang bảo vệ theo Nghị định 203/HĐBT thì phải xác định, cắm mốc lại theo quy định của Nghị định 172/1999/ NĐ-CP.

Điều 5. Giới hạn hành lang bảo vệ phía trên không đối với đường là 4,5m từ tim mặt đường trở lên theo phương thẳng đứng. Đối với cầu là chiều cao của bộ phận cấu tạo cao nhất của cầu, nhưng không thấp hơn 4,8m tính từ mặt sàn cầu trở lên theo phương thẳng đứng.

Điều 6. Giới hạn hành lang bảo vệ phía dưới mặt đất của công trình giao thông đường bộ: về nguyên tắc không có giới hạn; trường hợp bắt buộc phải cho phép xây dựng công trình ngầm trong hành lang bảo vệ đường bộ thì phải được cơ quan có thẩm quyền xác định cụ thể trên cơ sở không gây mất an toàn giao thông và không ảnh hưởng đến các hoạt động quản lý, sửa chữa, nâng cấp của ngành đường bộ cũng như không làm ảnh hưởng đến các hoạt động quản lý khai thác của công trình ngầm. Khi đường bộ có nhu cầu nâng cấp, mở rộng, sửa chữa gây ảnh hưởng đến bảo vệ, khai thác công trình ngầm thì cơ quan quản lý công trình ngầm có trách nhiệm di chuyển và chịu mọi phí tổn trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

Điều 7. Quy định sử dụng và trách nhiệm bảo vệ công trình giao thông đường bộ:

7.1. Trong phạm vi hành lang bảo vệ đường bộ không được cơi nới, xây dựng mới các công trình như: công sở, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, nhà ở, đường điện... Tất cả các công trình đã xây dựng trong hành lang bảo vệ đường bộ gây nguy hại đến an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường bộ thì phải kiên quyết dỡ bỏ ngay. Trường hợp các công trình chưa ảnh hưởng nhiều, việc di chuyển gây tốn kém, lãng phí thì tạm thời chưa di chuyển nhưng chủ công trình phải có cam kết với UBND địa phương và cơ quan quản lý đường bộ nghiêm chỉnh thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông và di chuyển ngay khi có yêu cầu. Đối với các công trình đã xây dựng từ năm 1982 trở về trước nằm trong hành lang bảo vệ đường bộ theo Nghị định 203/HĐBT và xây dựng từ năm 1999 trở về trước nằm trong phần mở rộng thêm từ giới hạn hành lang bảo vệ đường bộ theo Nghị định 203/HĐBT đến giới hạn hành lang bảo vệ đường bộ theo Nghị định 172/1999/NĐ-CP thì khi phải di chuyển theo yêu cầu để nâng cấp, mở rộng đường, sẽ được xem xét giải quyết đền bù theo luật định.

7.2. Sở Giao thông Công chính có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ trực thuộc chủ trì phối hợp với cơ quan địa chính và UBND huyện, UBND xã, thị trấn đo đạc, cắm mốc lộ giới đường bộ và bàn giao các mốc lộ giới đã cắm cho UBND huyện, xã làm cơ sở để quản lý và sử dụng đất hành lang bảo vệ đường bộ phù hợp với quy định của pháp luật.

7.3. UBND huyện phải tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ công trình giao thông đường bộ và hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ trực thuộc thực hiện quản lý khai thác, sửa chữa đường bộ; thanh tra, kiểm tra hư hỏng; chống vi phạm lấn chiếm và bảo vệ đường bộ; tổ chức việc giải tỏa các vi phạm và quản lý việc sử dụng đất đai trong hành lang bảo vệ đường bộ phù hợp với pháp luật về đất đai, về xây dựng và bảo vệ công trình giao thông đường bộ trên địa bàn quận, huyện.

7.4. UBND xã phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ để chống lấn chiếm, xây dựng trái phép và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình giao thông đường bộ trên địa bàn xã.

7.5. Lực lượng cảnh sát nhân dân, lực lượng thanh tra giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình có thẩm quyền xử lý khi các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định bảo vệ công trình giao thông đường bộ.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Giao cho Chủ tịch UBND huyện công bố hành lang bảo vệ đường giao thông nông thôn.

Điều 9. Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND huyện có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy định này./.