Quyết định 30/2006/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý đầu tư xây dựng và sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành
Số hiệu: 30/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp Người ký: Trương Ngọc Hân
Ngày ban hành: 09/06/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 30/2006/QĐ-UBND

Thị xã Cao Lãnh, ngày 09 tháng 6 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà;
Căn cứ Thông tư số 01/2005/TT-BXD ngày 21 tháng 01 năm 2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều Nghị định
số 126/2004/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt
vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý đầu tư xây dựng và sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. 

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Thay thế cho Quyết định số 11/2000/QĐ-UB ngày 28 tháng 01 năm 2000 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về việc quản lý đầu tư xây dựng và sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Điều 3. Giao cho Sở Xây dựng tổ chức hướng dẫn thực hiện và theo dõi, kiểm tra các tổ chức, cá nhân thực hiện theo Quyết định này.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Ngọc Hân

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀ N TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 30/2006/QĐ-UBND ngày 09 tháng 6 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đô thị, tạo lập môi trường sống an toàn, vệ sinh, tiện nghi cho người dân đô thị. Do đó phải được quản lý chặt chẽ về mặt quy hoạch, kỹ thuật và hiệu quả kinh tế trong quá trình đầu tư xây dựng, khai thác sử dụng, duy tu và bảo dưỡng.

Điều 2. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm:

1. Hệ thống giao thông: nền đường, mặt đường, vỉa hè, bó vỉa hè, nút giao thông, cầu, đảo giao thông, dải phân cách, hệ thống báo hiệu đường bộ, bến bãi trong đô thị.

2. Hệ thống cấp nước: tuyến ống nước, các công trình kỹ thuật thuộc hệ thống cấp nước: hồ nước, đài chứa nước, mạng lưới cấp nước đô thị, trụ cấp nước cứu hỏa.

3. Hệ thống thoát nước: mạng lưới cống ngầm, hồ điều hoà chống úng ngập, hồ thu nước, giếng kiểm tra, các cửa xả, hồ, ao, hố ga, cống rãnh, sông, kênh, mương thoát nước, trạm xử lý nước thải, hệ thống thu gom nước thải.

4. Hệ thống cấp điện: đường dây, trụ điện, các trạm biến áp, mạng lưới phân phối đến từng hộ dân.

5. Hệ thống chiếu sáng công cộng: đèn trang trí tạo điểm nhấn đô thị, đèn chiếu sáng đô thị.

6. Hệ thống thông tin liên lạc: tuyến cáp ngầm, cáp treo, đường dây, trụ điện thoại, tủ và hợp cáp, thùng card phone công cộng, hộp thư công cộng, tháp thu, phát sóng viễn thông, phát thanh, truyền hình.

7. Hệ thống vệ sinh môi trường đô thị: xử lý chất thải, thu gom, vận chuyển và đổ rác, các công tác liên quan đến môi trường đô thị.

8. Hệ thống nghĩa trang và an táng: nghĩa địa, nghĩa trang, lò thiêu.

9. Hệ thống cây xanh đô thị: các loại cây thân gỗ, cây phong cảnh, hoa, cỏ được trồng theo quy hoạch, dọc theo hành lang bảo vệ đường bộ (vỉa hè, dãi phân làn, đảo giao thông), tại quảng trường, các đài tưởng niệm, khu dân cư tập trung và các công trình công cộng khác.

Điều 3. Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị phải được quản lý qua các giai đoạn:

1. Quản lý trong quá trình đầu tư xây dựng, từ khâu thiết kế, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật), cấp phép xây dựng, kiểm tra giám sát quá trình thi công, lập hồ sơ hoàn công và đăng nộp cho các cơ quan chức năng để theo dõi và quản lý.

2. Quản lý quá trình khai thác, sử dụng, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa của các cơ quan chức năng, của các tổ chức và cá nhân có nhu cầu khai thác sử dụng thường xuyên và không thường xuyên hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Điều 4. Phạm vi đô thị được xác định trong quy định này, bao gồm các khu vực đô thị theo quyết định của Uỷ ban nhân dân Tỉnh và khu vực ngoại thị đã có quy hoạch được phê duyệt hoặc đã có định hướng để phát triển đô thị.

Chương II

QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG

Điều 5. Đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị phải tuân theo quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt, thực hiện đúng trình tự quy định xây dựng cơ bản hiện hành. Quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt là cơ sở pháp lý cho việc quản lý đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

1. Khi thực hiện dự án phát triển các khu đô thị mới cần phải ngầm hoá hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị bằng hệ thống tuy nen kỹ thuật. Các dự án cải tạo đô thị cũ khuyến khích từng bước thay thế hệ thống cũ bằng hệ thống tuy nen ngầm.

2. Các đơn vị có chức năng đầu tư xây dựng và lập dự án đầu tư có trách nhiệm liên hệ với cơ quan quản lý quy hoạch để được cung cấp kịp thời các hồ sơ quy hoạch được duyệt theo từng lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật cho thiết kế kỹ thuật thiết kế kỹ thuật chuyên ngành. Các phương án thiết kế kỹ thuật phải phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt. Trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt phải có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Sở Xây dựng.

Điều 6. Việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đều phải chấp hành những quy định pháp luật, quy chế quản lý đầu tư xây dựng và các quy định hiện hành của Uỷ ban nhân dân Tỉnh. Cơ quan quản lý hồ sơ hoàn công là Sở Xây dựng, chính quyền đô thị các huyện, thị.

Điều 7. Các công trình có ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị như: đường và cảnh quan trục đường chính trong đô thị, các nút giao thông chính, cầu chính; các công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô mạng liên hoàn, ảnh hưởng đến các khu chức năng của đô thị phải được sự thỏa thuận bằng văn bản của Sở Xây dựng.

Điều 8. Khi lập dự án đầu tư, quy hoạch và thiết kế kỹ thuật các công trình hạ tầng kỹ thuật mới phải đảm bảo tính đồng bộ, gồm các lĩnh vực như Điều 2, kể cả định vị vị trí cây xanh, tuyến cáp ngầm, dây tải điện ngầm (nếu có yêu cầu). Hồ sơ thiết kế kỹ thuật phải thể hiện vị trí tuyến, điểm đấu nối, cốt xây dựng của từng công trình và hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật.

Điều 9. Khi lập dự án đầu tư, quy hoạch và thiết kế kỹ thuật các công trình hạ tầng kỹ thuật ở những khu vực đã có công trình hạ tầng kỹ thuật cũ phải lập hồ sơ khảo sát hiện trạng, đồng thời phải có thuyết minh giải pháp thi công phù hợp, các đấu nối chi tiết trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật, có tính toán chi phí di dời, sửa chữa những công trình cũ, chi phí bồi thường thiệt hại cho các đối tượng bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án (nếu có). Các bộ phận có chức năng quản lý hạ tầng kỹ thuật ở huyện, thị phải có trách nhiệm cung cấp các hồ sơ hiện trạng cần thiết (khi có yêu cầu) cho các cơ quan có nhu cầu đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và làm cơ sở cho việc lập và xét duyệt đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

Điều 10. Khi triển khai thi công, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải tuân thủ theo Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ và những quy định dưới đây:

1. Phải thông báo cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi công trình xây dựng để được công bố rộng rãi cho nhân dân biết.

2. Phải niêm yết giấy phép xây dựng, sửa chữa tại công trường theo quy định.

3. Phải có biển báo công trường thi công theo đúng quy định để đảm bảo an toàn đô thị.

4. Trả lại hiện trường như trước khi thi công sau khi hoàn thành công trình.

5. Lập bản vẽ hoàn công và đăng nộp cho các cơ quan theo quy định tại Điều 6 của Quy định này.

Chương III

KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT

Điều 11. Việc khai thác, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật được quy định gồm:

1. Vận hành công trình theo chức năng.

2. Thi công lắp đặt, đấu nối từ hệ thống cục bộ với hệ thống chính của đô thị.

3. Sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các mục đích khác như: sử dụng vỉa hè để đặt các công trình tạm (các trụ điện thoại công cộng, quầy sách báo, nhà vệ sinh công cộng ); tập kết vật liệu xây dựng.

4. Sửa chữa đột xuất và sửa chữa định kỳ.

Điều 12. Việc khai thác, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật phải được sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan có chức năng. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác sử dụng phải được sự chấp thuận của chính quyền đô thị huyện, thị sở tại và các cơ quan chuyên ngành.

Điều 13. Quá trình lắp đặt, xây dựng để khai thác sử dụng phải tuân thủ các quy định về khoảng cách bảo vệ và cách ly vệ sinh, an toàn đối với công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định hiện hành.

Chương IV

TỔ CHỨC PHỐI HỢP THỰC HIỆN

Điều 14. Phân cấp quản lý và phân công thực hiện:

1. Sở Xây dựng

a) Hướng dẫn các văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị.

b) Quản lý chung về mặt quy hoạch, tham mưu với Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành các quy định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị. Kết hợp với chính quyền đô thị các huyện thị và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành lập các đề án phát triển cho từng lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật nhằm làm cơ sở quản lý tốt hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

c) Định kỳ hàng quý kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh.

2. Sở Bưu chính Viễn thông, Sở Công nghiệp

a) Quản lý chung về mặt nhà nước của chuyên ngành đảm trách. Thường xuyên kiểm tra thực hiện khai thác sử dụng đúng theo các quy định về quản lý chuyên ngành trong các đô thị, phối hợp Sở Xây dựng lập chiến lược ngành, kế hoạch dài hạn nhằm phát triển vững chắc các lĩnh vực mà mình quản lý.

b) Phối hợp và hỗ trợ về chuyên môn cho chính quyền đô thị các huyện, thị nhằm từng bước quản lý tốt hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

3. Điện lực Tỉnh

a) Quản lý và triển khai trực tiếp các công tác thuộc hệ thống cấp điện trong các đô thị, phối hợp với chính quyền đô thị để thực hiện, định kỳ bàn bạc kế hoạch phát triển hệ thống điện phù hợp với phát triển đô thị trong giai đoạn ngắn hạn.

b) Kiểm tra việc tổ chức thi công và lập hồ sơ hoàn công, chuyển giao hồ sơ lưu trữ theo Điều 6 của Quy định này.

4. Bưu điện Tỉnh

a) Quản lý và triển khai trực tiếp các công tác thuộc hệ thống thông tin liên lạc trong các đô thị, phối hợp với chính quyền đô thị và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông để thực hiện, định kỳ bàn bạc kế hoạch phát triển hệ thống thông tin liên lạc phù hợp với phát triển đô thị trong giai đoạn ngắn hạn.

b) Kiểm tra việc tổ chức thi công và lập hồ sơ hoàn công, chuyển giao hồ sơ lưu trữ theo Điều 6.

5. Công ty cấp thoát nước và môi trường đô thị:

a) Quản lý và triển khai trực tiếp các công tác thuộc hệ thống cấp nước trong các đô thị, phối hợp Sở Xây dựng lập chiến lược ngành, kế hoạch dài hạn nhằm phát triển vững chắc các lĩnh vực mà mình quản lý, phối hợp với chính quyền đô thị thực hiện, định kỳ bàn bạc kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước phù hợp với phát triển đô thị trong giai đoạn ngắn hạn.

b) Kiểm tra việc tổ chức thi công và lập hồ sơ hoàn công, chuyển giao hồ sơ lưu trữ theo Điều 6.

6. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông

a) Quản lý và triển khai trực tiếp các công tác thuộc lĩnh vực mà mình kinh doanh. thực hiện theo đúng trình tự thủ tục đầu tư và khai thác hiện hành.

b) Kiểm tra việc tổ chức thi công và lập hồ sơ hoàn công, chuyển giao hồ sơ lưu trữ theo Điều 6.

Chính quyền đô thị các huyện, thị

a) Quản lý và triển khai trực tiếp các công tác thuộc lĩnh vực trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

+ Hệ thống giao thông trong đô thị;

+ Hệ thống thoát nước;

+ Hệ thống chiếu sáng đô thị;

+ Hệ thống vệ sinh và môi trường đô thị;

+ Hệ thống nghĩa trang và an táng;

+ Hệ thống cây xanh đô thị.

b) Lập kế hoạch phát triển đồng bộ, tập trung hạ tầng kỹ thuật theo đúng trình tự thủ tục đầu tư và khai thác hiện hành. Phê duyệt các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn mà mình quản lý (theo phân cấp phê duyệt quy hoạch). Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong quá trình thi công.

c) Bố trí cán bộ công chức (theo thẩm quyền) chuyên trách đủ trình độ năng lực để đảm bảo chức năng quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật được giao. Chủ động phối hợp với các sở, công ty, doanh nghiệp chuyên ngành để thực hiện và định kỳ bàn bạc kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với phát triển đô thị trong giai đoạn ngắn hạn.

d) Chính quyền đô thị huyện, thị làm chủ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trong đô thị do mình quản lý (trừ những công trình thuộc chức năng quản lý và nguồn vốn của các cơ quan quản lý chuyên ngành cung cấp).

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với chính quyền đô thị các huyện, thị, các tổ chức có liên quan triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định này, định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh.

Điều 16. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân phản ảnh về Sở Xây dựng để nghiên cứu, tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.