Quyết định 296/QĐ-UBND năm 2007 ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế
Số hiệu: 296/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Nguyễn Ngọc Thiện
Ngày ban hành: 05/02/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 296/QĐ-UBND

Huế, ngày 05 tháng 02 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG TƯ VẤN KHUYẾN NÔNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 2364/QĐ-UBND ngày 12/10/2006 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thành lập Hội đồng tư vấn Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Quyết định số 4394/QĐ/BNN/NN ngày 7/2/2004 của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Hướng dẫn về tổ chức và quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn Khuyến nông cấp tỉnh;

Theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng tư vấn Khuyến nông tỉnh tại Tờ trình số 04/TT- HĐTVKN ngày 15/12/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn Khuyến nông tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch Hội đồng tư vấn Khuyến nông tỉnh; Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Huế và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện

 

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG

CỦA HỘI ĐỒNG TƯ VẤN KHUYẾN NÔNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 296 /QĐ-UBND, ngày 05 /02/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Hội đồng tư vấn Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế là tổ chức tư vấn do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập. Hội đồng chịu sự chỉ đạo, quản lý, điều hành trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh. Hội đồng gồm đại diện của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh có liên quan đến công tác khuyến nông.

1. Tên giao dịch quốc tế của Hội đồng tư vấn Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế: Thua Thien Hue Agricultural Extension Advisory Council. Tên viết tắt: Thua Thien Hue AEAC.

2. Hội đồng tư vấn Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế (sau đây gọi tắt là Hội đồng) có quyền sử dụng khuôn dấu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giao dịch trong phạm vi hoạt động theo chức năng quyền hạn của Hội đồng và được mở tài khoản tại Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế.

3. Cơ quan thường trực của Hội đồng đóng tại Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tỉnh.

Điều 2. Hội đồng tư vấn Khuyến nông được thành lập nhằm thúc đẩy nhanh việc xã hội hóa công tác khuyến nông; tăng cường sự chủ động của các địa phương, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức cung cấp dịch vụ khuyến nông và của nông dân tham gia trong việc xác định nhu cầu, các ưu tiên hoạt động khuyến nông, các tiến bộ kỹ thuật thích hợp; xây dựng định hướng, chính sách và kế hoạch khuyến nông, đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án khuyến nông phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, tổ chức hệ thống thông tin thị trường và xúc tiến thương mại nông sản cho nông dân.

Chương II

CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA HỘI ĐỒNG TƯ VẤN KHUYẾN NÔNG

Điều 3. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng tư vấn Khuyến nông:

1. Hội đồng là một tổ chức tư vấn khuyến nông cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Hội đồng không trực tiếp triển khai các hoạt động khuyến nông và làm thay chức năng nhiệm vụ của tổ chức khuyến nông các cấp trong tỉnh.

2. Hội đồng làm việc tập thể theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số.

Điều 4. Chức năng của Hội đồng tư vấn Khuyến nông:

1. Là tổ chức tư vấn, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác khuyến nông.

2. Là tổ chức phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể có liên quan đến khuyến nông.

3. Tạo ra một diễn đàn cho các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ kỹ thuật và khuyến nông trao đổi ý kiến và kinh nghiệm.

Điều 5. Nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn Khuyến nông:

1. Tư vấn định hướng, chiến lược và các ưu tiên trong khuyến nông phù hợp với các định hướng chiến lược và kế hoạch phát triển của Nhà nước và của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

2. Tư vấn xây dựng các chính sách khuyến nông cụ thể của tỉnh, đặc biệt cho các đối tượng nghèo, phụ nữ và đồng bào dân tộc ít người, chính sách cho khuyến nông viên cơ sở.

3. Tư vấn các biện pháp tăng cường, củng cố hệ thống khuyến nông có hiệu quả từ tỉnh, huyện, đến xã, thôn, bản.

4. Tư vấn xác định các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, các chương trình dự án khuyến nông phù hợp cần ưu tiên chuyển giao vào sản xuất.

5. Tư vấn xác định hướng nhu cầu đào tạo khuyến nông theo hướng tăng cường các kỹ năng mới như phương pháp khuyến nông có sự tham gia của người dân, tiếp cận thị trường, các hoạt động sau thu hoạch, phân tích tài chính trong sản xuất nông lâm nghiệp, quản lý nông trại, áp dụng công nghệ thông tin trong khuyến nông, mô hình tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng.

6. Tư vấn về sự tham gia của nông dân vào các hoạt động lập kế hoạch khuyến nông, tăng cường mối liên kết giữa nghiên cứu và khuyến nông, xây dựng tổ chức hoạt động dịch vụ khuyến nông đa thành phần để các đơn vị, tổ chức, cá nhân có thể tham gia cung cấp các dịch vụ khuyến nông liên kết.

7. Tư vấn để hình thành các tổ chức của nông dân (HTX, CLB khuyến nông,…)

8. Tư vấn cho tổ chức khuyến nông về hệ thống thông tin thị trường cho nông dân.

9. Tư vấn đánh giá hoạt động và hiệu quả của hoạt động khuyến nông trong tỉnh.

Chương III

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG, THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG

Điều 6. Trách nhiệm và quyền hạn chung của các thành viên Hội đồng:

1. Nghiên cứu, đề xuất ý kiến, quan điểm trong xây dựng chính sách, cơ chế, hoạt động liên quan đến khuyến nông.

2. Yêu cầu các đơn vị, cá nhân đang thực hiện công tác khuyến nông trả lời các vấn đề cần làm rõ liên quan đến hoạt động khuyến nông.

3. Trường hợp thành viên Hội đồng không thể đến họp trong phiên họp Hội đồng, có thể gửi ý kiến hoặc kiến nghị đến Hội đồng bằng văn bản. Những ý kiến này có giá trị tương đương như khi thành viên có mặt trong Hội đồng.

4. Được bảo lưu ý kiến cá nhân trong trường hợp ý kiến riêng khác với kết luận chung của Hội đồng.

5. Được hưởng chế độ phụ cấp khi thực hiện nhiệm vụ theo cơ chế tài chính của Chương trình phát triển ngành nông nghiệp (ASDP) và chế độ tài chính hiện hành của Nhà nước sau khi ASDP kết thúc.

Điều 7. Trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng:

Ngoài trách nhiệm và quyền hạn nêu ở Điều 6, Chủ tịch Hội đồng còn có trách nhiệm và quyền hạn sau:

1. Điều khiển phiên họp Hội đồng theo quy định tại Quyết định thành lập; triệu tập cuộc họp bất thường của Hội đồng.

2. Cử thành viên Hội đồng làm thay chức danh Thư ký Hội đồng nếu Thư ký vắng mặt.

3. Tổng hợp, xử lý các ý kiến trao đổi tại phiên họp Hội đồng để kết luận đưa ra Hội đồng thông qua. Đây là cơ sở trình cấp trên các chủ trương, chính sách liên quan đến khuyến nông.

4. Chịu trách nhiệm về tổ chức và hoạt động của Hội đồng, quan hệ của Hội đồng đối với các cơ quan liên quan và hệ thống khuyến nông tỉnh.

Điều 8. Trách nhiệm của Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng:

Ngoài trách nhiệm và quyền hạn nêu ở Điều 6, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng còn có trách nhiệm và quyền hạn sau:

1. Trực tiếp phụ trách và chịu trách nhiệm đôn đốc các hoạt động của cơ quan Thường trực Hội đồng.

2. Thay mặt Chủ tịch Hội đồng điều khiển các phiên họp Hội đồng khi Chủ tịch Hội đồng vắng mặt.

Điều 9. Trách nhiệm và quyền hạn của Thư ký Hội đồng:

1. Tổng hợp các hoạt động về khuyến nông trong tỉnh, các ý kiến của các thành viên Hội đồng và mọi cơ quan, cá nhân khác để trình Hội đồng.

2. Thư ký các phiên họp của Hội đồng: Lập danh sách những người có mặt, vắng mặt tại phiên họp Hội đồng; ghi biên bản họp Hội đồng một cách trung thực và đầy đủ, sau đó soạn thảo thông báo để Chủ tịch Hội đồng ký và chuyển cho các thành viên Hội đồng.

3. Xây dựng kế hoạch, điều phối chương trình, kiểm tra giám sát theo dõi việc triển khai thực hiện, báo cáo kết quả triển khai thực hiện theo các nội dung công việc và tiến độ thực hiện.

4. Dự thảo các văn bản theo chỉ đạo và yêu cầu của Hội đồng, thông qua Thường trực Hội đồng trước khi trình ra các cuộc họp toàn thể Hội đồng, kết luận các cuộc họp của Thường trực Hội đồng và các phiên họp của Hội đồng.

Điều 10. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan Thường trực Hội đồng:

1. Tổ chức thực hiện các quyết định, hướng dẫn, kết luận của Hội đồng.

2. Tiếp nhận, nghiên cứu, xử lý và trình các văn bản liên quan đến công tác hoạt động khuyến nông.

3. Tạo mối quan hệ với cơ quan cấp trên, các cơ quan và cá nhân tham gia các hoạt động khuyến nông.

4. Giúp Hội đồng dự thảo và chuẩn bị các văn bản, tổng hợp các ý kiến tư vấn về: Định hướng, chiến lược, chính sách, kế hoạch về khuyến nông để trình ra thảo luận tại các cuộc họp Hội đồng; chuẩn bị địa điểm và các điều kiện cần thiết cho kỳ họp Hội đồng.

5. Triệu tập các phiên họp của Hội đồng theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng.

6. Dự trù kinh phí, làm thủ tục thanh quyết toán hàng năm về các khoản thu chi của Hội đồng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

7. Lưu trữ, quản lý toàn bộ các văn bản và hồ sơ quản lý tài sản liên quan đến Hội đồng.

Điều 11. Chế độ hội họp, báo cáo:

1. Hàng quý, các thành viên Hội đồng phải có báo cáo về hoạt động của mình và những kiến nghị, đề xuất gửi cho Thường trực Hội đồng để tổng hợp xây dựng báo cáo hoạt động của Hội đồng.

2. Thường trực Hội đồng báo cáo hoạt động của công tác khuyến nông bằng văn bản cho Hội đồng xem xét và thảo luận để báo cáo với các cơ quan có liên quan theo định kỳ quý, 6 tháng và cuối năm.

3. Hàng quý, 6 tháng và cuối năm, Hội đồng tổ chức họp, sơ kết, tổng kết và đề xuất kế hoạch tiếp theo. Các cuộc họp đột xuất do Chủ tịch Hội đồng triệu tập.

Điều 12. Nguồn kinh phí hoạt động của Hội đồng:

1. Kinh phí hoạt động của Hội đồng trong thời gian Chương trình phát triển ngành nông nghiệp (ASDP) đang thực hiện sẽ được cấp từ nguồn ngân sách thông qua (ASDP). Sau khi Chương trình kết thúc, để đảm bảo duy trì hoạt động của Hội đồng, Uỷ ban nhân dân tỉnh cân đối ngân sách hàng năm của tỉnh để cấp kinh phí hoạt động cho Hội đồng.

2. Ngoài kinh phí cấp từ ngân sách, Hội đồng tranh thủ các nguồn kinh phí, đoàn thể, tổ chức phi Chính phủ tham gia các hoạt động khuyến nông để bổ sung kinh phí hoạt động cho Hội đồng.

3. Hàng năm, cơ quan Thường trực Hội đồng giúp Hội đồng lập kế hoạch hoạt động và dự toán kinh phí để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh duyệt đưa vào kế hoạch xin cấp kinh phí từ Chương trình phát triển ngành nông nghiệp (ASDP) hoặc đưa vào cân đối trong ngân sách tỉnh sau khi ASDP kết thúc.

Điều 13. Chi phí cho các hoạt động hàng năm của Hội đồng bao gồm:

1. Chi phí cho những cuộc họp thường kỳ hoặc bất thường của Hội đồng, cho các hội thảo, các hội nghị sơ kết, tổng kết.

2. Phụ cấp kiêm nhiệm cho các thành viên Hội đồng tư vấn Khuyến nông.

3. Công tác phí, chi phí khi tham gia các hoạt động đánh giá các chương trình khuyến nông tại cơ sở của các thành viên Hội đồng.

4. Mua sắm trang thiết bị văn phòng, văn phòng phẩm, điện, nước, cước phí điện thoại, Internet, báo chí, sửa chữa thường xuyên thiết bị và dụng cụ văn phòng.

5. In ấn, phát hành tài liệu về khuyến nông.

6. Chi khác.

Điều 14. Kinh phí cho các hoạt động và điều hành Hội đồng được thực hiện theo chế độ quy định tại Thông tư số 15/TT-BTC ngày 6 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các dự án thuộc Danh mục dự án sử dụng nguồn vốn vay ADB của Chương trình phát triển ngành nông nghiệp.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Các thành viên Hội đồng tư vấn Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện và thành phố Huế có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Quy chế này.

Đề nghị các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội trong tỉnh phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện Quy chế này.

Điều 16. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Cơ quan, đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn khuyến nông tỉnh để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.