Quyết định 291/2004/QĐ-UB về quy chế tổ chức và hoạt động Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước thành phố Cần Thơ
Số hiệu: | 291/2004/QĐ-UB | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Cần Thơ | Người ký: | Phạm Phước Như |
Ngày ban hành: | 10/09/2004 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Bổ trợ tư pháp, Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 291/2004/QĐ-UB |
TP. Cần Thơ, ngày 10 tháng 9 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CỦA NHÀ NƯỚC THÀNH PHỐ CẦN THƠ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
- Căn cứ Quyết định số 734/TTg ngày 06 tháng 9 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách;
- Căn cứ Chỉ thị số 05/2000/CT-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý;
- Căn cứ Thông tư liên tịch số 52/TTLT/TP-TC-TCCP-LĐTBXH ngày 14/01/1998 hướng dẫn thi hành Quyết định số 734/TTg ngày 06 tháng 9 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 21/2002/TTLT/BNV-BTC- BTP ngày 26 tháng 12 năm 2002 hướng dẫn chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên;
- Căn cứ Quyết định số 358/2003/QĐ-BTP ngày 15/8/2003 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy chế cộng tác viên của tổ chức trợ giúp pháp lý;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Cần Thơ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế về tổ chức và hoạt động Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước thành phố Cần Thơ”
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 660/1998/QĐ-UB ngày 21/3/1998 của UBND tỉnh Cần Thơ về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh Cần Thơ.
Giao Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Quy chế này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước thành phố Cần Thơ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CỦA NHÀ NƯỚC THÀNH PHỐ CẦN THƠ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 291/2004/QĐ-UB ngày 10 tháng 9 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)
Chương I
NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước - thành phố Cần Thơ thuộc Sở Tư pháp thành phố Cần Thơ (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là tổ chức sự nghiệp không có thu, kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp, có tư cách pháp nhân, có con dấu và có tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước.
Trung tâm chịu sự quản lý của Sở Tư pháp về mặt Nhà nước và chịu sự chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ của Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ tư pháp.
Điều 2. Những nguyên tắc chung
- Tuân thủ các quy định về trợ giúp pháp lý và các quy định khác của pháp luật;
- Bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý đúng đối tượng, kịp thời, khách quan và công bằng;
- Chịu trách nhiệm về nội dung trợ giúp pháp lý.
- Trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng theo quy định.
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
Điều 3. Chức năng
Trung tâm trợ giúp pháp lý có chức năng trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách và tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Nhiệm vụ trợ giúp pháp lý cụ thể của Trung tâm bao gồm tư vấn, bào chữa miễn phí cho người nghèo, người vị thành niên, đối tượng chính sách trong các vụ việc liên quan đến pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, khiếu nại tố cáo, lao động...trừ các lĩnh vực có liên quan đến kinh doanh, thương mại.
2. Được mời luật sư thực hiện đại diện và bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng này trong những trường hợp có yêu cầu của đối tượng hoặc của các cơ quan, tổ chức hữu quan; trợ giúp bào chữa trong các trường hợp người nghèo, đối tượng chính sách phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do vô ý;
3. Tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng trợ giúp pháp lý;
4. Quản lý, theo dõi hoạt động trợ giúp pháp lý của cộng tác viên Trung tâm;
5. Đề xuất, kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra văn bản về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc huỷ bỏ các văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với thực tế được phát hiện trong quá trình trợ giúp pháp lý;
6. Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cộng tác viên, chuyên viên trợ giúp pháp lý;
7. Đề xuất khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích trong việc trợ giúp pháp lý;
8. Quản lý cán bộ, công chức, tài chính và cơ sở vật chất của Trung tâm theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Kinh phí hoạt động
Hàng năm, Giám đốc Sở Tư pháp và Giám đốc Sở Tài chính xem xét cụ thể trình cấp có thẩm quyền quyết định giao dự toán cho Trung tâm.
Cùng với kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp phát, Trung tâm còn sử dụng thêm nguồn kinh phí khác do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ (nếu có).
Điều 6. Chế độ báo cáo
Định kỳ hàng quý, 6 tháng và năm Trung tâm báo cáo Cục Trợ giúp pháp lý về tổ chức và hoạt động của Trung tâm. Đồng thời, báo cáo Giám đốc Sở Tư pháp về tình hình tổ chức, hoạt động và sử dụng kinh phí hoạt động của Trung tâm hàng tháng, quý, 6 tháng và năm.
Chương III
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
Điều 7. Tổ chức của Trung tâm
Trung tâm gồm có Giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán và các chuyên viên trợ giúp pháp lý.
Biên chế của Trung tâm do UBND thành phố phân bổ hàng năm trong tổng mức biên chế được giao cho thành phố Cần Thơ.
Trung tâm có thể thành lập các Chi nhánh, tổ cộng tác viên trợ giúp pháp lý ở những địa phương có địa bàn rộng, nhu cầu trợ giúp pháp lý lớn như quận, huyện thuộc thành phố Cần Thơ.
Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Giám đốc Trung tâm
1. Quyết định các biện pháp công tác để thực hiện kế hoạch hoạt động của Trung tâm đã được Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt;
2. Tổ chức, phân công, quản lý cán bộ, công chức của Trung tâm và đội ngũ cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý;
3. Đại diện cho Trung tâm trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân về những vấn đề có liên quan đến trợ giúp pháp lý;
4. Thực hiện việc báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm với Giám đốc Sở Tư pháp và Cục trợ giúp pháp lý;
5. Quản lý tài chính và cơ sở vật chất của Trung tâm theo quy định của pháp luật.
Điều 9.Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Phó Giám đốc Trung tâm
Phó giám đốc Trung tâm giúp Giám đốc Trung tâm thực hiện một số mặt công tác được Giám đốc Trung tâm phân công hoặc được uỷ quyền và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các công việc đó.
Điều 10. Nhiệm vụ quyền hạn của chuyên viên trợ giúp pháp lý
- Được bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ trợ giúp pháp lý;
- Thực hiện trợ giúp pháp lý và tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật theo sự phân công và chịu trách nhiệm cá nhân về công việc được phân công;
- Nghiên cứu, đề xuất, báo cáo lãnh đạo Trung tâm về những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện công việc cụ thể và kiến nghị, đề xuất các giải pháp về các vấn đề đó;
- Ghi chép nội dung công việc đã thực hiện, lập hồ sơ về các vụ việc, lưu trữ văn bản, hồ sơ theo quy định;
- Tuân thủ quy chế, nội quy của Trung tâm và các quy định khác của pháp luật.
Điều 11. Cộng tác viên
Trung tâm được sử dụng cộng tác viên trong hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định của Quy chế cộng tác viên ban hành kèm theo Quyết định 358/2003/QĐ-BTP ngày 15/8/2003 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp.
Điều 12. Đối tượng trợ giúp pháp lý
1. Đối tượng là người nghèo
Người nghèo bao gồm người thuộc hộ đói, nghèo được xác định theo mức thu nhập bình quân đầu người trong hộ/tháng được quy ra gạo và tiền tương ứng theo chuẩn mực do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố hàng năm;
2. Đối tượng là người vị thành niên
Người vị thành niên bao gồm người dưới 18 tuổi, không phân biệt giới tính, dân tộc, hoàn cảnh gia đình....
3. Đối tượng chính sách
3.1. Người có công với cách mạng: Người hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh mất sức lao động từ 61% trở lên; vợ (hoặc chồng), cha mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sỹ, con liệt sỹ dưới 18 tuổi; người có công giúp đỡ cách mạng.
3.2. Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, hải đảo;
3.3. Các đối tượng được miễn án phí theo quy định tại khoản 1 Điều 13, điểm a, b, khoản 1 Điều 26; điểm a, c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ về án phí, lệ phí Toà án.
4. Các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí khi yêu cầu trợ giúp phải xuất trình giấy chứng nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội nơi làm việc (đối với người nghèo); xuất trình khai sinh hoặc giấy tờ khác thay thế (đối với người vị thành niên); xuất trình giấy chứng nhận hoặc thẻ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã cấp hoặc chứng nhận (đối với người thuộc đối tượng chính sách). Trong trường hợp đặc biệt, khi đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý gặp khó khăn trong việc đi lại có thể uỷ quyền cho thân nhân yêu cầu việc trợ giúp.
4. Quyền và nghĩa vụ của đối tượng được trợ giúp pháp lý.
4.1 Quyền của đối tượng được trợ giúp pháp lý
- Được trợ giúp pháp lý trong phạm vi, phương thức, lĩnh vực trợ giúp theo quy định của pháp luật;
- Được đề nghị giữ bí mật về nội dung vụ việc (nếu thấy cần thiết);
- Được khiếu nại, tố cáo với lãnh đạo tổ chức trợ giúp pháp lý đối với hành vi gây cản trở, phiền hà hoặc các hành vi vi phạm pháp luật của người thực hiện trợ giúp;
- Được đề nghị thông báo về các vấn đề có liên quan đến việc trợ giúp.
4.2. Nghĩa vụ của đối tượng được trợ giúp pháp lý
- Xuất trình giấy xác nhận thuộc diện đối tượng trợ giúp và các văn bản, tài liệu, gấy tờ khác có liên quan (nếu có);
- Nộp đơn đề nghị trợ giúp pháp lý và bản sao các văn bản, tài liệu có liên quan đến vụ việc đề nghị trợ giúp; không được đòi lại các giấy tờ đã nộp;
- Trình bày trung thực nội dung vụ việc và cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Thông tin kết quả vụ việc được trợ giúp pháp lý về Trung tâm;
- Cử đại diện để trình bày đề nghị trợ giúp trong trường hợp có nhiều người đến đề nghị trợ giúp pháp lý và cùng một nội dung vụ việc.
Điều 13. Phạm vi trợ giúp pháp lý
1. Giải đáp pháp luật;
2. Hướng dẫn, soạn thảo, góp ý kiến cho đơn từ, văn bản liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân;
3. Hướng dẫn những thủ tục cần thiết và cung cấp địa chỉ cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc, cung cấp thông tin pháp lý;
4. Đại diện hoặc tham gia trong các hoạt động thương lượng, ký kết, hoà giải trước cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan về các vấn đề dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động và các vấn đề pháp luật khác không thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại;
5. Trực tiếp kiến nghị hoặc đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cấp trên, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý;
6. Trực tiếp hoặc mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước các cấp Toà án cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Phương thức trợ giúp pháp lý
Trung tâm thực hiện việc trợ giúp pháp lý tại trụ sở Trung tâm, Chi nhánh của Trung tâm, các tổ cộng tác viên trợ giúp pháp lý ở cơ sở, trợ giúp lưu động ngoài Trung tâm, Chi nhánh theo các phương thức sau đây:
1.Trợ giúp pháp lý trực tiếp bằng miệng, bằng văn bản, thư tín, điện thoại; tài liệu pháp luật...
2. Mời cộng tác viên tư vấn, bào chữa hoặc đại diện trước Toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật;
3. Kiến nghị bằng văn bản hoặc chuyển các yêu cầu trợ giúp pháp lý đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết vụ việc liên quan đến quyền, lợi ích của đối tượng được trợ giúp pháp lý;
4. Tổ chức toạ đàm, phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống cộng đồng tại các Câu lạc bộ pháp luật ở cơ sở;
5. Các phương thức trợ giúp pháp lý khác.
Chương IV
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Cán bộ, công chức và cộng tác viên của Trung tâm có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý được khen thưởng hoặc đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Cán bộ, công chức vi phạm quy chế này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bồi thường nếu gây thiệt hại cho đối tượng được trợ giúp.
Điều 16. Giám đốc Trung tâm, Phó Giám đốc trung tâm, các chuyên viên trợ giúp pháp lý, các cộng tác viên, các đơn vị thuộc Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quy chế này./.
Quyết định 358/2003/QĐ-BTP Quy chế cộng tác viên của tổ chức trợ giúp pháp lý Ban hành: 15/08/2003 | Cập nhật: 19/02/2013
Chỉ thị 05/2000/CT-TTg về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý Ban hành: 01/03/2000 | Cập nhật: 20/05/2006