Quyết định 290/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2014 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
Số hiệu: | 290/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Vĩnh Long | Người ký: | Trương Văn Sáu |
Ngày ban hành: | 07/03/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 290/QĐ-UBND |
Vĩnh Long, ngày 07 tháng 3 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÔNG TÁC THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT NĂM 2014 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 59/2012/NĐ-CP , ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật;
Xét Tờ trình số 135/TTr-STP, ngày 26/02/2014 của Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2014 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan tổ chức có liên quan tổ chức triển khai và thực hiện đúng nội dung kế hoạch và báo cáo kết quả về Chủ tịch UBND tỉnh đúng quy định.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp và thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CÔNG TÁC THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT NĂM 2014 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 290 /QĐ-UBND, ngày 07/3/2014 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
Thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP , ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành Kế hoạch thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2014 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Mục đích:
Tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật để có cơ sở đánh giá thực trạng và hiệu quả thi hành pháp luật, mức độ tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh; kịp thời kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện pháp luật.
2. Yêu cầu:
Công tác theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện khách quan, công khai, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo lĩnh vực và theo phạm vi địa bàn;
Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình theo dõi tình hình thi hành pháp luật;
II. NỘI DUNG:
1. Lĩnh vực theo dõi tình hình thi hành pháp luật và trách nhiệm thực hiện:
Năm 2014, tỉnh Vĩnh Long tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung hai (02) lĩnh vực trọng tâm sau:
a) Hoạt động hành nghề khám, chữa bệnh.
- Cơ quan chủ trì: Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long.
- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
b) Hoạt động dạy thêm, học thêm:
- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long.
- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Ngoài hai (02) lĩnh vực trên, các sở, ban ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành xây dựng kế hoạch để thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP , ngày 23/7/2012 về theo dõi thi hành pháp luật.
2. Nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật:
a) Xem xét đánh giá tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật:
Xem xét, đánh giá về tính kịp thời, đầy đủ; tính thống nhất, đồng bộ; tính khả thi của các văn bản.
b) Đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện thi hành pháp luật:
Tập trung đánh giá hoạt động tập huấn, phổ biến pháp luật; tổ chức bộ máy; mức độ đáp ứng về nguồn nhân lực; kinh phí, cơ sở vật chất đảm bảo cho thi hành pháp luật.
c) Đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật:
Nội dung đánh giá gồm: Tính kịp thời, đầy đủ trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền; tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền; mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Cách thức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật:
a) Thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật:
Tổ chức thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật từ báo cáo tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan chức năng; các thông tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin do tổ chức, cá nhân cung cấp.
Kiểm tra, đối chiếu các thông tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin do tổ chức, cá nhân cung cấp trước khi sử dụng để đánh giá tình hình thi hành pháp luật.
b) Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật:
Tổ chức kiểm tra tình hình thi hành pháp luật theo từng lĩnh vực để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong thi hành pháp luật và những khiếm khuyết, bất cập của hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, có thể sử dụng các kết quả kiểm tra, thanh tra thường xuyên, chuyên đề của từng đơn vị để làm cơ sở đánh giá tình hình thi hành pháp luật.
c) Điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật:
Tổ chức điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật theo từng lĩnh vực, địa bàn thông qua phiếu khảo sát, tổ chức toạ đàm, phỏng vấn trực tiếp hoặc các hình thức phù hợp khác.
d) Xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật:
Căn cứ vào kết quả thu thập thông tin, kết quả kiểm tra, điều tra khảo sát tình hình thi hành pháp luật xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật theo quy định hiện hành.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Thời gian thực hiện:
Các sở, ban ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật từ ngày 10/3/2014 đến ngày 30/8/2014.
2. Phân công trách nhiệm thực hiện:
- Sở Tư pháp phối hợp các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; hướng dẫn cách thức thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật cho các sở, ban ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố khi có yêu cầu; giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh tổng hợp báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật gửi Bộ Tư pháp trước ngày 30/9/2014.
- Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đối với lĩnh vực được nêu tại Mục 1, Phần II Kế hoạch này; chỉ đạo đôn đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật; báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đối với lĩnh vực được phân công gửi Sở Tư pháp trước ngày 10/9/2014.
- Các sở, ban ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo Kế hoạch này; tổng hợp báo cáo về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý gửi Sở Tư pháp trước ngày 10/9/2014.
IV. KINH PHÍ:
Kinh phí thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật của các sở, ban ngành tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố do ngân sách từng đơn vị bảo đảm. Việc lập dự toán và quyết toán theo quy định pháp luật hiện hành.
Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch có khó khăn vướng mắc báo cáo Sở Tư pháp tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét./.
Nghị định 59/2012/NĐ-CP theo dõi tình hình thi hành pháp luật Ban hành: 23/07/2012 | Cập nhật: 25/07/2012