Quyết định 29/2010/QĐ-UBND Ban hành Quy chế quản lý đầu tư - xây dựng, khai thác, sử dụng các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành
Số hiệu: 29/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi Người ký: Nguyễn Xuân Huế
Ngày ban hành: 01/12/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 29/2010/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 01 tháng 12 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ - XÂY DỰNG, KHAI THÁC, SỬ DỤNG CÁC CÔNG TRÌNH NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 80/2007/TTLT-BTC-BNN ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Chương trình mục tiêu Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010 và Thông tư liên tịch số 48/2008/TTLT-BTC-BNN ngày 12 tháng 6 năm 2008 của Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm Thông tư liên tịch số 80/2007/TTLT-BTC-BNN ngày 11 tháng 7 năm 2007;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 595/TTr-NN&PTNT ngày 19 tháng 4 năm 2010 về việc ban hành Quy chế quản lý đầu tư - xây dựng, khai thác, sử dụng các công trình cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ngãi và Công văn số 1550/NN&PTNT ngày 20/10/2010 về việc giải trình một số điều quy định trong dự thảo Quy chế quản lý đầu tư xây dựng, khai thác, sử dụng các công trình nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ngãi; ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Báo cáo số 43/BC-STP ngày 09/4/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý đầu tư - xây dựng, khai thác, sử dụng các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Các dự án thực hiện dở dang, các dự án chuyển tiếp được tiếp tục thực hiện theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 132/2005/QĐ-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2005 của UBND tỉnh cho đến khi hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 132/2005/QĐ-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2005 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý đầu tư - xây dựng, khai thác, sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Ngãi chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Huế

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ ĐẦU TƯ - XÂY DỰNG, KHAI THÁC, SỬ DỤNG CÁC CÔNG TRÌNH NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 29/2010/QĐ-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2010 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

Chương I

PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này được áp dụng để quản lý đầu tư - xây dựng, khai thác, sử dụng đối với các công trình cung cấp nước sạch ở nông thôn trên địa bàn tỉnh được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn đóng góp của người hưởng lợi và các nguồn vốn hợp pháp khác trong và ngoài nước.

2. Quy chế này quy định quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có hoạt động liên quan đến việc đầu tư, sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động

1. Hoạt động cung cấp nước sạch chịu sự kiểm soát, quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước sạch và người sử dụng nước sạch, trong đó có xét đến việc hỗ trợ cấp nước sạch cho người nghèo, các vùng đặc biệt khó khăn.

2. Phát triển hoạt động cấp nước sạch trên cơ sở sử dụng tối ưu các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân, đảm bảo chất lượng và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

3. Ưu tiên quỹ đất cho việc xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung dựa trên nhu cầu thực tế và yêu cầu phát triển từng giai đoạn theo quy hoạch cấp nước đã được phê duyệt.

5. Chính quyền địa phương các cấp trên cơ sở quy hoạch cấp nước sạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, quản lý, bảo vệ quỹ đất đã được xác định nhằm mục đích phục vụ cho các công trình cung cấp nước sạch.

6. Ưu tiên khai thác nguồn nước để cung cấp cho mục đích sinh hoạt của con người. Sử dụng nước sạch hợp lý, tiết kiệm, khuyến khích áp dụng công nghệ xử lý tái sử dụng cho mục đích khác sau khi con người đã sử dụng.

7. Chất lượng nước sử dụng cho sinh hoạt phải đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt và các tiêu chuẩn do Bộ Y tế ban hành.

Điều 3. Trách nhiệm của các Sở, Ngành

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, giúp Ủy ban nhân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với Chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đồng thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác xây dựng và chỉ đạo thực hiện qui hoạch, kế hoạch, kỹ thuật, chính sách về quản lý, khai thác, sử dụng, phát triển các công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và thực hiện theo thẩm quyền về cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo phân cấp quản lý; hướng dẫn thủ tục để được hưởng chính sách ưu đãi về đất đai cho các tổ chức, cá nhân, có liên quan đối với các công trình cấp nước sạch nông thôn theo quy định của pháp luật.

3. Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng kiểm tra định kỳ chất lượng nguồn nước theo qui định của Bộ Y tế.

4. Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn việc thu, quản lý, sử dụng khoản thu tiền sử dụng nước, các nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng công trình nêu ở khoản 1, 2 Điều 20; hướng dẫn cụ thể việc chi trả các khoản tiền công nêu tại khoản 1, 2, Điều 21, Quy chế này.

5. Cục Thuế chịu trách nhiệm hướng dẫn thủ tục để được hưởng chính sách ưu đãi về thuế cho các tổ chức, cá nhân có liên quan và thẩm định hồ sơ thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế đối với các công trình cấp nước sạch nông thôn theo quy định của pháp luật, trình cơ quan thẩm quyền xem xét quyết định.

6. Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện:

- Tiếp nhận các nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, quản lý nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cho các công trình, kiểm tra, giám sát và tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình, thường xuyên báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, nghiệp vụ về quản lý, vận hành các thiết bị của công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn cho các đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác, sử dụng công trình.

Điều 4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xã

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước đối với Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở địa phương, bố trí các phòng chức năng của huyện, thành phố phối hợp với Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, theo dõi Chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã và các đơn vị quản lý, khai thác công trình thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng công trình cấp nước sạch nông thôn đúng quy định.

2. Ủy ban nhân dân xã chịu trách nhiệm tiếp nhận và tổ chức quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng và bảo vệ công trình được bàn giao cho Uỷ ban nhân xã, quản lý, sử dụng; chịu sự quản lý kỹ thuật của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Điều 5. Phân loại công trình nước sạch nông thôn

1. Công trình cấp nước sạch tập trung: Là công trình cung cấp nước sạch bằng nguồn nước được xử lý tập trung, cấp nước đến người sử dụng bằng hệ thống đường ống dẫn.

2. Công trình cấp nước nhỏ, lẻ: Giếng khoan, giếng đào, bể, lu chứa nước mưa .

Điều 6. Chính sách khuyến khích đầu tư cấp nước sạch nông thôn

Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vốn, công sức để xây dựng, quản lý, khai thác và kinh doanh các công trình cấp nước sạch ở nông thôn, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng di dân kinh tế mới, vùng đồng bào dân tộc ít người và các vùng khó khăn về nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch ở khu vực nông thôn được Nhà nước hỗ trợ:

1. Ưu đãi về đất đai:

a) Các dự án, công trình cấp nước sạch nông thôn phục vụ cho cộng đồng được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất, hoặc được Nhà nước cho thuê đất và được miễn tiền sử dụng đất.

b) Đất được Nhà nước giao, cho thuê được tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị tài sản của dự án đầu tư và không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê quyền sử dụng đất; không được thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất để vay vốn; không được góp vốn bằng quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh.

c) Việc sử dụng đất được giao hoặc thuê phải đúng mục đích và quy định của pháp luật về đất đai; trường hợp sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả Nhà nước sẽ thu hồi.

2. Ưu đãi về thuế:

a) Các tổ chức, cá nhân có thu nhập từ hoạt động quản lý, khai thác các dự án, công trình cấp nước sạch nông thôn được áp dụng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 8 của Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

b) Đối với cơ sở có nhiều loại hình kinh doanh khác nhau, ngoài các hoạt động quy định tại điểm a, khoản 2, Điều này phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

3. Hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và huy động vốn:

a) Hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào như cấp điện, đường giao thông.

b) Hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và một phần chi phí đầu tư xây dựng. Mức hỗ trợ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 80/2007/TTLT-BTC-BNN ngày 11/7/2007 của Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 - 2010 và Thông tư lien tịch số 48/2008/TTLT-BTC-BNN ngày 12/6/2008 của Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm Thông tư liên tịch số 80/2007/TTLT-BTC-BNN ngày 11/7/2007.

c) Được vay vốn ưu đãi theo quy định hiện hành.

d) Được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo quy định đối với các dự án cấp nước sạch ở khu vực nông thôn sử dụng nguồn vốn vay thương mại trong ba năm đầu khai thác, sử dụng công trình.

đ) Được ưu tiên vay lại từ nguồn vốn của các tổ chức quốc tế cho Chính phủ Việt Nam vay ưu đãi.

e) Được phép huy động vốn dưới dạng góp cổ phần, góp vốn từ người lao động trong đơn vị, cộng đồng; huy động các nguồn vốn hợp pháp khác thông qua hợp tác, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, cá nhân trong và ngoài nước.

4. Được hỗ trợ bù giá nước sạch nông thôn khi giá bán nước do UBND tỉnh quy định thấp hơn giá thành được tính đúng, tính đủ theo quy định.

Điều 7. Các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động cấp nước sạch

1. Vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn công trình.

2. Vi phạm các quy định về bảo vệ khu vực an toàn giếng nước ngầm, nguồn nước mặt phục vụ cung cấp nước sạch.

3. Cản trở kiểm tra, thanh tra về hoạt động cung cấp nước sạch.

4. Những hành vi trộm cắp nước, gian lận thanh toán các dịch vụ cấp nước sạch.

5. Cung cấp những thông tin sai lệch, không trung thực làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động cung cấp nước sạch.

6. Cung cấp nước sạch không đảm bảo tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

7. Tự ý nâng giá nước sạch cao hơn giá nước đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

8. Phát tán chất độc hại, các bệnh truyền nhiễm, bệnh dễ lây lan vào nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ - XÂY DỰNG

Điều 8. Quy hoạch, kế hoạch đầu tư

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các Sở, ngành được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình và UBND các huyện, thành phố lập phương án đầu tư dài hạn (05 năm) và kế hoạch đầu tư hằng năm, danh mục dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên gửi Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất để xem xét, trình Uỷ ban nhân tỉnh phê duyệt.

Điều 9. Trình tự thủ tục đầu tư

Dự án đầu tư các công trình cấp nước sạch tập trung thực hiện theo các văn bản quy định quản lý đầu tư và xây dựng công trình hiện hành của Nhà nước.

Điều 10. Phân cấp quản lý đầu tư xây dựng công trình

1. Công trình cung cấp nước sạch nông thôn được xây dựng bằng các nguồn vốn nêu tại Điều 1, Quy chế này đều phải tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch, dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình.

2. Đối với các dự án, công trình nước sạch nông thôn, có quy mô cung cấp nước sinh hoạt cho từ 500 hộ sử dụng trở lên, giao cho Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân tài trợ chính cho công trình làm chủ đầu tư.

3. Đối với các dự án, công trình cấp nước sạch nông thôn, có quy mô cung cấp nước sinh hoạt cho dưới 500 hộ sử dụng, giao Ban quản lý Dự án đầu tư cấp huyện làm chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân tài trợ chính cho công trình làm chủ đầu tư.

4. Đối với các công trình cấp nước nhỏ, lẻ (giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa) do vốn ngân sách đầu tư hoặc hỗ trợ một phần, giao cho UBND xã nơi hưởng lợi công trình làm chủ đầu tư.

Điều 11. Thẩm quyền phê duyệt đầu tư, nâng cấp công trình và quyết toán công trình

Thẩm quyền phê duyệt đầu tư và quyết toán vốn đầu tư thực hiện theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cho từng nguồn vốn đầu tư.

Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị quản lý, khai thác công trình nước sạch nông thôn

1. Đơn vị quản lý, khai thác công trình nước sạch nông thôn có các quyền sau:

a) Được phép vào các khu vực quản lý của người sử dụng nước để kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế các thiết bị cấp nước, đường ống và đồng hồ đo nước.

b) Được bồi thường thiệt hại do người sử dụng nước gây ra theo quy định của pháp luật.

c) Các quyền khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Đơn vị quản lý, khai thác cung cấp nước sạch có các nghĩa vụ sau:

a) Tuyệt đối tuân thủ các quy định về vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình cấp nước.

b) Có trách nhiệm xử lý kịp thời những sự cố, khôi phục nhanh nhất công trình cấp nước sạch để đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt cho người sử dụng.

c) Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước và đảm bảo môi trường.

d) Bảo đảm cung cấp các dịch vụ cấp nước sạch cho người sử dụng theo hợp đồng được thoả thuận, đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng nước theo quy định.

đ) Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất khi được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động cung cấp nước sạch.

e) Bồi thường khi gây thiệt hại cho người sử dụng nước sạch của công trình theo hợp đồng đã thoả thuận và theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng nước sinh hoạt từ các công trình cấp nước tập trung

1) Người sử dụng nước sạch có các quyền sau:

a) Người sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung được cung cấp đầy đủ, kịp thời số lượng, đảm bảo chất lượng nước đã thoả thuận trong hợp đồng.

b) Yêu cầu đơn vị cung cấp nước sạch khắc phục việc cấp nước khi công trình có sự cố.

c) Được bồi thường thiệt hại do đơn vị cung cấp nước gây ra theo quy định của pháp luật.

d) Yêu cầu đơn vị cung cấp nước sạch kiểm tra chất lượng nước, tính chính xác của thiết bị đo đếm khối lượng nước tiêu thụ và tiền thanh toán phí sử dụng dịch vụ cấp nước.

đ) Khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm về hoạt động cung cấp nước sạch của các đơn vị quản lý, khai thác công trình cấp nước tập trung.

2. Người sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung có các nghĩa vụ sau:

a) Thanh toán tiền sử dụng nước sạch đầy đủ, đúng thời hạn và thực hiện nghiêm túc các thoả thuận đã được ghi trong hợp đồng.

b) Sử dụng nước tiết kiệm và kịp thời thông báo cho đơn vị quản lý những dấu hiệu gây thất thoát nước.

c) Tạo điều kiện cho đơn vị quản lý, cung cấp nước sạch kiểm tra, ghi chép chỉ số đồng hồ đo đếm nước.

d) Bồi thường những thiệt hại khi đã gây ra cho đơn vị quản lý, cấp nước theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Thoả thuận đấu nối sử dụng nước sạch

1. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng nước sạch nằm trong vùng phục vụ của đơn vị cung cấp nước được đấu nối vào mạng lưới cấp nước của đơn vị đó.

2. Người sử dụng nước sạch của công trình cấp nước tập trung đã thoả thuận đấu nối vào mạng lưới cấp nước của đơn vị cấp nước mà không sử dụng hoặc sử dụng nước ít hơn 4m3/hộ gia đình/tháng thì hộ gia đình có nghĩa vụ thanh toán và đơn vị cấp nước được phép thu tiền nước theo khối lượng nước sử dụng tối thiểu quy định là 4m3/hộ gia đình/tháng, trừ trường hợp đã có đơn đề nghị tạm ngừng cấp nước.

3. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nước của đơn vị cung cấp nước sạch trước khi đấu nối vào mạng lưới cấp nước phải được đơn vị cấp nước kiểm tra đường ống, điểm đấu nối, chủng loại, tình trạng đồng hồ sẽ được đấu nối vào mạng lưới cấp nước.

Chương III

QUẢN LÝ KHAI THÁC, DUY TU, BẢO DƯỠNG

Điều 15. Phân cấp quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng công trình

Các công trình cấp nước sạch nông thôn sau khi xây dựng xong, trường hợp chủ đầu tư giao cho đơn vị khác quản lý, khai thác, sử dụng công trình thì chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao toàn bộ hồ sơ xây dựng, quy trình khai thác, vận hành và tập huấn quy trình khai thác, vận hành, bảo dưỡng công trình cho đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng công trình. Đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng công trình phải được thành lập trước khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, để tiếp nhận quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ, sử dụng đạt hiệu quả.

Nội dung phân cấp bao gồm:

1. Các công trình cung cấp nước sạch có quy mô cung cấp nước sinh hoạt cho từ 500 hộ trở lên sử dụng giao Trung tâm nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn trực tiếp tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng. Hoạt động của các Trạm cấp nước thực hiện theo đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo 100% kinh phí hoạt động.

2. Đối với những công trình cung cấp nước sạch cho dưới 500 hộ thuộc phạm vi một xã sử dụng, giao UBND xã nơi hưởng lợi công trình quản lý hoặc giao cho Hợp tác xã dịch vụ điện, nước quản lý, khai thác, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng, theo nguyên tắc tự trang trãi thu, chi.

3. Đối với những công trình cung cấp nước sạch cho dưới 500 hộ thuộc phạm vi nhiều xã sử dụng, giao UBND xã hoặc Hợp tác xã dịch vụ điện, nước nơi đặt trạm điều hành công trình quản lý, khai thác, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng, theo nguyên tắc tự trang trãi thu, chi.

4. Các công trình cấp nước tập trung tự chảy ở miền núi giao cho UBND xã nơi hưởng lợi công trình tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng.

5. Các hệ thống cấp nước sạch nối mạng vào nguồn nước khác thì giao cho tổ chức sở hữu công trình khai thác nước trực tiếp quản lý, khai thác, bảo dưỡng công trình, cung cấp cho các đối tượng sử dụng.

6. Các công trình nhỏ, lẻ giao cho các hộ gia đình hưởng lợi trực tiếp quản lý, sử dụng.

7. Đối với các công trình cấp nước sạch nông thôn do các tổ chức, cá nhân đầu tư không sử dụng vốn ngân sách, chủ đầu tư trực tiếp quản lý, khai thác và được thu tiền sử dụng nước sạch theo Quy chế này, tự chịu trách nhiệm về quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng.

8. Đối với các công trình cấp nước sạch nông thôn do tổ chức, cá nhân đầu tư không sử dụng vốn ngân sách mà chủ đầu tư tự nguyện hoặc thoả thuận bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, khai thác, sử dụng để phục vụ chung thì việc quản lý, khai thác công trình được thực hiện theo Quy chế này.

Điều 16. Thẩm quyền quyết định thành lập tổ chức quản lý, khai thác và định biên nhân sự quản lý

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập các Trạm cấp nước sạch giao cho Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng. Uỷ ban nhân dân huyện quyết định thành lập các đơn vị quản lý, khai thác đối với những công trình giao cho Ban quản lý dự án đầu tư của huyện làm chủ đầu tư.

2. Số người quản lý, vận hành, bảo vệ công trình được qui định như sau:

a) Công trình phục vụ cho dưới 100 hộ: 01 người quản lý, vận hành, khai thác.

b) Công trình phục vụ từ 100 hộ đến 200 hộ được bố trí không quá 02 người quản lý, vận hành, khai thác.

c) Công trình phục vụ trên 200 hộ đến 500 hộ được bố trí không quá 03 người quản lý, vận hành, khai thác.

d) Công trình phục vụ trên 500 hộ được bố trí không quá 04 người quản lý, vận hành, khai thác.

đ) Đối các công trình cung cấp nước sạch tập trung tự chảy ở miền núi: không quá 2 người quản lý, vận hành, khai thác.

3. Các đơn vị quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn chịu sự quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn.

Điều 17. Quản lý tài chính đối với các tổ chức quản lý, khai thác công trình

1. Đối với công trình cấp nước sạch đã được lắp đặt đồng hồ đo nước, giá bán nước theo mét khối (m3) nước sử dụng và thực hiện theo nguyên tắc sau:

Đơn vị quản lý, khai thác công trình cấp nước lập dự toán chi phí giá thành cho một m3 nước, bao gồm các khoản chi phí:

a) Chi phí vật tư trực tiếp.

b) Chi phí nhân công trực tiếp. c) Chi phí sản xuất chung.

d) Cộng giá thành sản xuất (a + b + c). đ) Chi phí quản lý doanh nghiệp.

e) Chi phí bán hàng.

Giá thành toàn bộ (d + đ + e).

Trên cơ sở dự toán, đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng công trình trình cấp có thẩm quyền quy định tại điều 19, Quy chế này phê duyệt, để làm cơ sở thu tiền sử dụng nước.

2. Đối với các công trình cung cấp nước sạch chưa được lắp đặt đồng hồ đo đếm nước, các công trình cấp nước sạch theo bệ vòi công cộng thì thu khoán theo hộ gia đình hoặc theo thực tế người sử dụng.

Điều 18. Giá nước sạch

1. Giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý trong quá trình sản xuất và cung cấp nước sạch đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước với người sử dụng nước. Đảm bảo giá mua, bán nước theo khung giá được Nhà nước quy định.

2. Giá nước sạch được xác định phù hợp với đặc điểm nguồn nước khai thác, điều kiện sản xuất của từng vùng, từng khu vực. Giá nước được xác định không phân biệt đối tượng sử dụng là tổ chức, cá nhân trong nước hay nước ngoài.

Điều 19. Thẩm quyền phê duyệt giá nước sạch

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh uỷ quyền Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt giá tiêu thụ cho 01m3 nước sạch trên địa bàn huyện sau khi được cơ quan Tài chính huyện thẩm định phương án giá nước của đơn vị quản lý, khai thác công trình đề nghị.

2. Trong những năm đầu khai thác, sử dụng công trình chưa đạt công suất theo thiết kế, trường hợp thu không đủ chi, đơn vị quản lý, khai thác công trình được Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định hỗ trợ từ ngân sách khoản chênh lệch thực tế giữa chi lớn hơn thu, nhưng không quá ba năm kể từ khi đưa công trình vào sử dụng (từ nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn).

Điều 20. Nguồn vốn duy tu, sửa chữa lớn và nâng cấp công trình

1. Nguồn vốn duy tu, sửa chữa lớn và nâng cấp công trình:

a) Nguồn vốn ngân sách hỗ trợ.

b) Nguồn vốn huy động các nguồn lực trong nhân dân.

c) Nguồn vốn do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ.

d) Nguồn vốn thu từ dịch vụ cấp nước sạch của các công trình.

2. Các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách, huy động các nguồn lực trong nhân dân, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ được đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng công trình quản lý và sử dụng để chi cho duy tu, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn và nâng cấp công trình, bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật.

3. Đơn vị quản lý, khai thác công trình cung cấp nước sạch tập trung được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để sửa chữa công trình trong các trường hợp sau:

a) Công trình bị hư hỏng do thiên tai (bão, lụt) hoặc do nguyên nhân bất khả kháng khác.

b) Sửa chữa lớn, nâng cấp công trình tại các địa phương đặc biệt khó khăn, xã nghèo, theo tiêu chuẩn qui định hiện hành của nhà nước.

Điều 21. Chế độ trả công cho người làm công tác quản lý, vận hành, bảo vệ công trình

1. Chế độ trả công cho người làm công tác quản lý, vận hành, khai thác công trình phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị do cấp ra quyết định thành lập đơn vị quản lý, vận hành công trình quy định; mức tối thiểu theo mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định hiện hành.

2. Nguồn tài chính chi trả công cho người làm công tác quản lý, vận hành, khai thác công trình từ nguồn thu của người sử dụng nước sạch theo mức giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 22. Phạm vi và trách nhiệm bảo vệ công trình

1. Hệ thống đường ống dọc theo tuyến cắm mốc bê tông để báo hiệu nơi có tuyến đường ống đi qua và phạm vi bảo vệ mỗi bên đường ống là 0,5m đối với các tuyến ống chính (đường ống chính là đường ống từ cụm xử lý dẫn nước đến từng khu dân cư hay nhóm hộ) .

2. Cụm xử lý, giếng khai thác (đối với nước ngầm) có tường rào bảo vệ ngăn cách, đảm bảo giữ vệ sinh nguồn nước, các khu vệ sinh cách xa nơi khai thác nước tối thiểu 20m.

3. Cụm công trình đầu mối (đối với công trình khai thác nước bề mặt), phạm vi bảo vệ thực hiện theo Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.

4. Đơn vị quản lý, khai thác công trình cung cấp nước sạch nông thôn căn cứ vào qui định của pháp luật, hồ sơ thiết kế kỹ thuật và đặc điểm của từng hệ thống công trình để lập phương án bảo vệ công trình và bảo vệ nguồn nước, trình Uỷ ban nhân dân xã sở tại phê duyệt đối với công trình phục vụ cho một xã và Uỷ ban nhân dân huyện phê duyệt đối với công trình phục vụ liên xã.

5. Uỷ ban nhân dân xã, nơi có công trình cấp nước sạch tập trung có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục mọi người về ý thức trách nhiệm bảo vệ công trình; có biện pháp ngăn chặn những hành vi xâm hại công trình; bảo vệ lợi ích hợp pháp của đơn vị quản lý, khai thác công trình và người hưởng lợi. Công trình phục vụ cho địa phương nào thì đơn vị quản lý, khai thác công trình phối hợp với địa phương đó tổ chức kiểm tra và bảo vệ.

6. Các tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm tham gia bảo vệ công trình, trường hợp công trình xảy ra sự cố hoặc có hiện tượng xảy ra sự cố thì phải tham gia ứng cứu, sửa chữa, bảo vệ công trình theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật và sự huy động của địa phương.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 23. Trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình cung cấp nước sạch tập trung

Các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị quản lý, vận hành, khai thác các công trình cung cấp nước sạch thuộc phạm vi của các Sở, ngành và UBND các huyện quản lý về công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình cấp nước tập trung.

Điều 24. Hình thức các tổ chức quản lý, vận hành, khai thác công trình

1. Tuỳ theo đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, điều kiện cụ thể về quy mô công trình, công nghệ cấp nước, công nghệ xử lý nước có thể áp dụng một trong các hình thức tổ chức quản lý, vận hành khai thác công trình sau:

a) Tư nhân quản lý, vận hành, khai thác.

b) Nhóm hộ cùng hợp tác quản lý, khai thác.

c) Hợp tác xã quản lý, vận hành, khai thác.

d) Đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, vận hành, khai thác, bao gồm: Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn, Ban quản lý công trình nước sạch ...

đ) Doanh nghiệp quản lý, vận hành, khai thác, bao gồm: Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, Công ty quản lý khai thác công trình thuỷ lợi ...

2. Các tổ chức cá nhân có đủ điều kiện đều có thể tiếp nhận quản lý, vận hành, khai thác các công trình cung cấp nước sạch tập trung nông thôn theo các hình thức thoả thuận, đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 25. Khen thưởng và xử lý vi phạm

Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ các công trình cung cấp nước sạch nông thôn sẽ được biểu dương, khen thưởng. Tổ chức, cá nhân vi phạm Qui chế này hoặc có hành vi phá hoại các công trình cung cấp nước sạch nông thôn sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật.

Điều 26. Điều khoản thi hành

Mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động liên quan đến Chương trình cung cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có trách nhiệm thực hiện đúng theo Quy chế này (trừ trường hợp các tổ chức, cá nhân nước ngoài có những quy định theo Hiệp định đã ký kết khác với Quy chế này).

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp ./.