Quyết định 2879/QĐ-UBND năm 2009 điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020
Số hiệu: 2879/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Lê Minh Ánh
Ngày ban hành: 26/08/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2879/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 26 tháng 8 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Du lịch Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 97/2002/QĐ-TTg ngày 22/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội;

Căn cứ Quyết định số 148/2005/QĐ-TTg ngày 17/6/2005 của Thủ tuớng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 145/2009/NQ-HĐND ngày 22/7/2009 về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến 2015, định hướng 2020;

Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 với những nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU:

Phát triển nhanh và bền vững để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần tăng thu nhập cho xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch với củng cố quốc phòng an ninh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, cải tạo cảnh quan môi trường, nâng cao trình độ dân trí, thúc đẩy tiêu dùng và phát triển nhiều dịch vụ trở thành “đầu tàu” lôi kéo các ngành kinh tế khác phát triển, tạo việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo ở các vùng còn nhiều khó khăn.

II. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Khách du lịch:

- Năm 2015: Đón 5,9 triệu lư­ợt khách du lịch (trong đó 2,65 triệu lư­ợt khách quốc tế).

- Năm 2020: Đón 10 triệu l­ượt khách du lịch (trong đó 4,7 triệu l­ượt khách quốc tế).

2. Thu nhập xã hội từ du lịch:

- Năm 2015: Thu nhập xã hội từ du lịch 422 triệu USD.

- Năm 2020: Thu nhập xã hội từ du lịch 1.152 triệu USD.

3. Lao động và việc làm:

- Năm 2015: Sử dụng 25.720 lao động trực tiếp và 52.490 lao động gián tiếp.

- Năm 2020: Sử dụng 51.440 lao động trực tiếp và 104.970 lao động gián tiếp.

4. Cơ sở lưu trú:

- Năm 2015: Nhu cầu phòng lưu trú 14.290 phòng.

- Năm 2020: Nhu cầu phòng lưu trú 29.600 phòng.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH QUẢNG NAM

1. Định hướng tổ chức không gian: Không gian phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam bao gồm phía đông đường Quốc lộ 1A đến ven biển, đảo Cù Lao Chàm, đảo Tam Hải và vùng phía tây của tỉnh, được tổ chức thành 4 khu vực:

1.1. Khu vực phát triển du lịch các di sản văn hóa - lịch sử:

- Phạm vi tổ chức không gian: phía đông bắc tỉnh Quảng Nam, bao gồm thành phố Hội An và các huyện: Điện Bàn, Duy Xuyên.

- Trung tâm: Đô thị du lịch Hội An.

- Các khu, điểm du lịch chính:

+ Khu di sản văn hóa thế giới Hội An và vùng phụ cận: Định hướng phát triển thế mạnh du lịch văn hoá (tham quan các di tích, công trình kiến trúc, nghiên cứu di chỉ khảo cổ, tham dự các lễ hội, các chương trình nghệ thuật dân tộc), tham quan Công viên Văn hoá Du lịch Hội An, mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, du thuyền trên sông, tham quan làng nghề, du lịch hội nghị, du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Ưu tiên phát triển đảo Cù Lao Chàm thành khu nghỉ dưỡng biển cao cấp. Ven biển Điện Ngọc – Cẩm An và ven sông Cổ Cò phát triển các khu nghĩ dưỡng, khu giải trí cao cấp, khách sạn từ 3 sao trở lên.

 Hội An kết nối với các vùng phụ cận hình thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước có sức cạnh tranh quốc tế.

+ Khu di sản thế giới Mỹ Sơn và vùng phụ cận: hướng phát triển của du lịch Mỹ Sơn là khai thác thế mạnh du lịch văn hoá, tham quan di tích, du lịch nghiên cứu văn hóa Champa, văn hóa Sa Huỳnh, di tích lịch sử cách mạng. Du lịch văn hoá kết hợp với du lịch sinh thái.

1.2. Khu vực phát triển du lịch cộng đồng:

Phạm vi tổ chức không gian: các làng quê, làng nghề, làng đồng bào dân tộc thiểu số có tiềm năng phát triển du lịch. Tùy theo từng đặc điểm của mỗi vùng mà phát huy thế mạnh để khai thác du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.

1.3. Khu vực phát triển du lịch văn hóa - lịch sử kết hợp thương mại, vui chơi giải trí:

Phạm vi tổ chức không gian bao gồm phía đông các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Phú Ninh, Đại Lộc, thành phố Tam Kỳ, với các điểm du lịch chính: Vùng ven biển Nam Cửa Đại đến giáp Quảng Ngãi, đảo Tam Hải quy hoạch xây dựng các trung tâm hội thảo, hội nghị, trung tâm thương mại, các khu vui chơi giải trí và các khu nghĩ dưỡng, sân golf cao cấp kết hợp thăm quan các di tích văn hóa - lịch sử, những nơi có phong cảnh đẹp như: hồ, thác nước...

1.4. Khu vực ưu tiên phát triển du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc:

Phạm vi tổ chức không gian gồm các huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam. Định hướng phát triển các loại hình dịch vụ du lịch ở đây là: tham quan di tích lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng núi, tham quan các hang động tự nhiên, rừng nguyên sinh. Đặc biệt thu hút du khách tham quan làng văn hoá các dân tộc thiểu số, gắn du lịch đường Hồ Chí Minh với tuyến du lịch đường bộ qua cửa khẩu Đắk Tà Ốc.

2. Định hướng thị trường khách: Đẩy mạnh khai thác thị trường khách từ Châu Âu, Bắc Mỹ. Phát triển các thị trường tiềm năng như: Nga, Úc, Niu Di Lân, các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...gắn với việc chú trọng thị trường khách du lịch nội địa. Trong từng giai đoạn, xác định một số thị trường du lịch trọng điểm nhằm định hướng quảng bá, xúc tiến du lịch đạt hiệu quả.

3. Định hướng phát triển loại hình du lịch: Căn cứ tiềm năng tài nguyên du lịch và các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật trên địa bàn lãnh thổ, những loại hình du lịch chủ yếu của Quảng Nam có thể tổ chức được bao gồm:

- Du lịch văn hoá - lịch sử (du lịch gắn với việc tìm hiểu các giá trị di sản văn hoá hoặc trực tiếp tham gia vào các hoạt động văn hóa).

- Du lịch nghỉ dưỡng biển (du lịch tham quan, nghỉ dưỡng biển và tham gia các hoạt động thể thao biển, vui chơi giải trí).

- Du lịch tham quan, nghiên cứu (du lịch tham quan kết hợp với tìm hiểu thực tiễn và nghiên cứu một số vấn đề đặc trưng của địa danh du lịch).

- Du lịch sinh thái (du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hoá bản địa gắn với giáo dục môi trường, bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương).

- Du lịch thể thao, mạo hiểm (du lịch gắn với các sự kiện thể thao và các hoạt động thể thao, mạo hiểm).

- Du lịch hội nghị, hội thảo (tổ chức hội nghị, hội thảo kết hợp tham quan du lịch). Đây là loại hình mới phát triển nhưng cần được đầu tư bởi khách tham dự thường có địa vị xã hội nhất định và khả năng chi trả tương đối cao, mặt khác hội nghị hội thảo là dịp tốt để tuyên truyền cho du lịch của tỉnh.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh. Thành lập ban quản lý khu du lịch trọng điểm, triển khai hiệu quả công tác xúc tiến du lịch; đơn giản hoá thủ tục thành lập doanh nghiệp, áp dụng cơ chế "một cửa" trong việc xét duyệt các thủ tục đầu tư và kinh doanh.

Khuyến khích phát triển các hiệp hội nghề nghiệp trên địa bàn như Hiệp hội kinh doanh khách sạn, Hiệp hội kinh doanh lữ hành, Hiệp hội Du lịch... nhằm ổn định kinh doanh, ổn định thị trường, tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.

2. Tích cực huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch. Khuyến khích huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực du lịch. Thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ đối với các hoạt động kinh doanh du lịch và đối với vùng đặc biệt khó khăn.

3. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù. Tiến hành điều tra đánh giá về hiện trạng, tiềm năng tạo sản phẩm của du lịch Quảng Nam, từ đó có kế hoạch xây dựng sản phẩm mang tính đặc thù, có chất lượng cao và đáp ứng được yêu cầu thị trường. Phát huy thế mạnh du lịch văn hoá, lịch sử, tham quan 2 di sản thế giới và nghỉ dưỡng biển; phát triển một số loại hình du lịch khác như: du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng, du lịch tìm hiểu đời sống các dân tộc; du lịch hội nghị; du lịch mua sắm và vui chơi giải trí cao cấp; du lịch thể thao: lặn biển, lướt sóng, đua thuyền buồm, chơi golf...; du lịch caraval.

4. Tích cực mở rộng hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố thuộc địa bàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên (Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt) và 2 trung tâm du lịch lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Mở rộng thị trường các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á. Tận dụng tối đa lợi thế cửa khẩu quốc tế và tuyến du lịch hành lang Đông Tây để phát triển thị trường khách quốc tế đến từ Thái Lan, Myanma và thị trường khách quốc tế từ các nước khác thông qua Thái Lan nối tua (tour) sang Việt Nam.

5. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, từng bước xây dựng đội ngũ các nhà quản lý năng động, sáng tạo, đủ năng lực điều hành các hoạt động kinh doanh du lịch đạt hiệu quả, mở rộng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch với các cơ sở trong nước và quốc tế. Nâng cao nhận thức về du lịch cho nhân dân và khách du lịch.

6. Tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch hàng năm theo chuyên đề, gắn với xúc tiến quảng bá du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các cơ quan đối ngoại để xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Nam ra nước ngoài. Đẩy mạnh cung cấp thông tin, hướng dẫn cho khách du lịch.

7. Bảo vệ tài nguyên, môi trường phát triển du lịch bền vững. Bổ sung và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy về quản lý tài nguyên môi trường trên cơ sở triển khai Luật Bảo vệ môi tr­ường, Luật Du lịch và các luật liên quan.

Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp, đảm bảo môi trư­ờng cho phát triển du lịch. Phát triển các chư­ơng trình giáo dục toàn dân và giáo dục trong các trường học về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trư­ờng. Lồng ghép đào tạo và giáo dục về tài nguyên và môi trư­ờng du lịch trong ch­ương trình giảng dạy của hệ thống đào tạo các cấp về du lịch, nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên, môi trư­ờng du lịch cho khách du lịch, cộng đồng dân c­ư thông qua các phư­ơng tiện thông tin đại chúng.

8. Đầu tư ngân sách cho công tác lập quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch miền núi phía Tây Quảng Nam (dọc đường Hồ Chí Minh) Xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến miền núi tham quan. Có cơ chế khuyến khích thu hút nhà đầu tư vào một số điểm du lịch tham quan ở miền núi.

9. Đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, gắn phát triển du lịch với bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn trong các hoạt động đầu tư, xúc tiến, quảng bá và kinh doanh du lịch.

Điều 2: Quản lý và tổ chức thực hiện

1. Kiện toàn củng cố Ban chỉ đạo Phát triển du lịch của tỉnh, Ban quản lý các khu du lịch trọng điểm để tăng cường năng lực quản lý Nhà nước đối với mọi hoạt động du lịch.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch phát triển hằng năm. Trên cơ sở những định hướng về tổ chức không gian phát triển du lịch, có kế hoạch xúc tiến ngay các dự án quy hoạch chi tiết ở những cụm, điểm du lịch trọng điểm và từ đó xem xét tiến hành các dự án đầu tư cụ thể. Coi trọng công tác quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch. Nhanh chóng thiết lập mối quan hệ mật thiết với du lịch các địa phương vùng phụ cận, nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch mới có sức hấp dẫn lớn đối với du khách, tạo ra sự thúc đẩy tương hỗ để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong mối liên hệ vùng, quốc gia và quốc tế.

Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường quảng bá, tuyên truyền, triển khai các giải pháp thúc đẩy phục vụ phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, các di tích, di sản, danh thắng trên địa bàn.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư du lịch. Tham mưu các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch theo từng giai đoạn.

4. Sở Xây dựng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương trong việc kiểm tra, quản lý việc thực hiện các dự án về mặt kiến trúc, về cảnh quan theo đúng qui định.

5. Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch qui hoạch, thu hút nguồn vốn xây dựng các tuyến đường giao thông phục vụ du lịch kết hợp phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.

6. Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc đầu tư khôi phục làng nghề kết hợp khai thác phục vụ du lịch và kế hoạch cung ứng điện phục vụ phát triển du lịch, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch quy hoạch sử dụng đất, sử dụng các tài nguyên phát triển du lịch, đề ra các tiêu chí chung về môi trường, hướng dẫn, kiểm tra, quản lý công tác bảo vệ môi trường đối với từng dự án du lịch.

8. Sở Thông tin và Truyền thông có kế hoạch quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông phục vụ phát triển du lịch.

9. Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác quản lý du lịch trên địa bàn khu Kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế cửa khẩu..

10. Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các ngành có liên quan theo chức năng nhiệm vụ của ngành giúp UBND tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch gắn với công tác bảo vệ an ninh quốc phòng, biên giới, hải đảo.

11. UBND các huyện, thành phố chủ trì qui hoạch du lịch và quản lý, khai thác các tuyến điểm du lịch trên địa bàn phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh. Phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan trong công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư, tạo việc làm cho người lao động trong vùng dự án.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Sở, Ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này thay thế Quyết định số 3520/QĐ-UB ngày 26/11/1999 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Nam thời kỳ 1999-2010 và có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3
- VP Chính phủ (b/c)
- Bộ VH TT và DL
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh
- CPVP;
- Lưu VT, KTTH, KTN, TH, NC, ĐN.
Z:\VX\Thanh\2009\QDinh\QD 180809 phe duyet dieu chinh QH TThe Du lich QNam.doc

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Minh Ánh