Quyết định 2868/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt nhiệm vụ lập đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái
Số hiệu: 2868/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái Người ký: Trần Huy Tuấn
Ngày ban hành: 13/11/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 2868/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 13 tháng 11 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP ĐỒ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG HUYỆN MÙ CANG CHẢI, TỈNH YÊN BÁI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;

Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20/11/2018;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/05/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Thông tư 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù;

Căn cứ Thông tư số 20/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn xác định, quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị;

Căn cứ Thông tư số 22/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 2598/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt, đồ án quy hoạch vùng tỉnh Yên Bái đến năm 2030, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Văn bản số 3612/UBND-XD ngày 16/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc lập một số đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Yên Bái;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 2434/TTr-SXD ngày 30/9/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ lập đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, với nội dung như sau:

1. Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch

- Phạm vi nghiên cứu mở rộng: Huyện Mù Cang Chải và các địa phương lân cận, vùng tỉnh Yên Bái.

- Phạm vi lập quy hoạch: Gồm 13 xã và thị trấn Mù Cang Chải thuộc huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

- Ranh giới lập quy hoạch: Phía Bắc giáp huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai; Phía Nam giáp huyện Mường La tỉnh Sơn La; Phía Đồng giáp huyện Văn Yên và huyện Văn Chấn; Phía Tây giáp huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.

2. Tính chất, quy mô và thời hạn quy hoạch:

2.1. Tính chất:

- Là vùng đô thị, nông thôn với sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thích nghi với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

- Là vùng huyện miền núi gắn với không gian cảnh quan rừng nguyên sinh đặc thù, bảo tồn mức độ đa dạng sinh học cao.

- Là vùng có tiềm năng phát triển các lĩnh vực: dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch mạo hiểm, thủy điện, khai thác khoáng sản, nông nghiệp đặc sản, nuôi trồng thủy sản nước lạnh.

- Là vùng dân cư có đời sống vãn hóa, dân tộc đa dạng, hướng tới phát triển các cộng đồng làng gắn với nghề thủ công truyền thống có tiềm năng phát triển du lịch.

2.2. Quy mô:

a) Quy mô dân số:

- Dân số dự báo đến năm 2025: 65.700 người.

- Dân số dự báo đến năm 2030: 70.430 người.

b) Quy mô diện tích: 119.788,42 ha (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Mù Cang Chải).

2.3. Thời hạn quy hoạch:

- Giai đoạn ngắn hạn năm 2020 - 2030.

- Giai đoạn dài hạn đến năm 2050.

3. Mục tiêu đồ án:

- Cụ thể hóa nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Yên Bái đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần XIX; Nghị quyết số 35-NQ/TU ngày 18/10/2016 của Tỉnh ủy Yên Bái về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái 2016-2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 2598/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 của UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Yên Bái đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Phát triển vùng huyện Mù Cang Chải đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trở thành vùng trọng điểm của khu vực về phát triển dịch vụ du lịch, nhất là loại hình nghỉ dưỡng, sinh thái, khám phá, cộng đồng...

- Quy hoạch xây dựng và phát triển các khu vực trên địa bàn huyện phù hợp với quy hoạch tỉnh Yên Bái, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ cảnh quan môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc;

- Phát triển hệ thống đô thị - nông thôn, khu chức năng theo hướng tăng trưởng xanh với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ và hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu;

- Đề xuất các chương trình, dự án, dự kiến kinh phí và phân công các phòng ban liên quan tổ chức phối hợp tổ chức thực hiện;

- Tạo cơ hội thu hút đầu tư, khai thác lợi thế, thế mạnh của huyện để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội phù hợp với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của địa phương và cốt lõi là nâng cao chất lượng sống cho người dân.

4. Định hướng quy hoạch:

4.1. Dự báo nhu cầu sử dụng đất:

- Lựa chọn các chỉ tiêu về sử dụng đất theo từng giai đoạn cho khu vực đô thị, khu vực nông thôn, khu vực phát triển du lịch và các khu vực đặc thù trên cơ sở tính toán, xác định cụ thể theo luận cứ và tham khảo, cập nhật số liệu của các quy hoạch có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự báo nhu cầu đất xây dựng đô thị, nông thôn, công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp... theo các giai đoạn lập quy hoạch.

- Nhu cầu sử dụng đất xây dựng đô thị toàn huyện được dự báo dựa trên cơ sở hiện trạng sử dụng đất năm 2020, số liệu thống kê huyện năm 2020 và quy mô diện tích đất xây dựng đô thị của các đồ án quy hoạch xây dựng.

4.2. Định hướng phát triển không gian vùng huyện:

- Đề xuất, lựa chọn mô hình phát triển không gian vùng huyện gắn kết với các vùng lân cận, phù hợp với định hướng phát triển không gian của tỉnh. Tổ chức hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật kết nối với các vùng huyện và các đô thị lân cận;

- Xác định các khu vực cần kiểm soát quản lý phát triển; khu vực bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường và các di tích văn hóa - lịch sử có giá trị;

- Phân bố và xác định quy mô các không gian phát triển; xác định quy mô, tính chất các khu chức năng đặc thù;

- Tổ chức, định hướng hệ thống trung tâm nông thôn cấp huyện gắn với phát triển đô thị, trọng điểm du lịch, tiểu thủ công nghiệp, trung tâm dịch vụ thương mại cấp huyện và dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp đặc sản;

- Xác định, tổ chức hệ thống điểm dân cư nông thôn, xác định cụ thể các điểm dân cư nông thôn tập trung phát triển (cho phát triển dân cư mới), đáp ứng yêu cầu về nâng cao điều kiện sống của dân cư trong vùng;

- Xác định các khu vực sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp theo hướng tập trung để thuận tiện phục vụ, xây dựng hạ tâng và xử lý môi trường. Hệ thống kho tàng, trại sản xuất tập trung cấp huyện, liên xã;

- Xác định vị trí và định hướng tổ chức không gian các khu trung tâm, xác định các vùng kiến trúc cảnh quan có tầm quan trọng cần tổ chức khai thác; đề xuất tổ chức không gian các khu trung tâm và hệ thống các tuyến, điểm khai thác du lịch để có các giải pháp quy hoạch kiến trúc và quy chế quản lý, kiểm soát phát triển phù hợp;

- Xác định vị trí và định hướng tổ chức không gian phát triển Khu bảo tồn sinh cảnh huyện Mù Cang Chải để phát huy tiềm năng thế mạnh gắn kết các hoạt động du lịch, bảo tồn và tìm hiểu thiên nhiên.

4.3. Định hướng phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn

- Phát triển hệ thống đô thị, phân loại đô thị, lựa chọn hình thái, cấu trúc, mô hình phát triển, chức năng và quy mô các đô thị; Phát triển trung tâm hành chính tổng hợp (trung tâm chính); Phát triển trung tâm chuyên ngành (trung tâm phụ); Phát triển các đô thị mới.

- Phát triển hệ thống khu dân cư nông thôn phù hợp yêu cầu phát triển nông thôn mới, hạn chế tối đa việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực và tiết kiệm đất đai.

4.4. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội:

Tổ chức không gian hệ thống hạ tầng xã hội, định hướng mạng lưới về giáo dục, y tế, thương mại (cấp vùng tỉnh, cấp huyện, cấp xã), cụ thể:

- Mạng lưới y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao theo phân cấp các đô thị và các điểm dân cư nông thôn đảm bảo đúng quy chuẩn hiện hành.

- Mạng lưới du lịch (du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng), nghiên cứu và đưa ra giải pháp nhằm phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Xác định vị trí, quy mô và tổ chức không gian các điểm du lịch.

- Khu sản xuất: Quy hoạch khu sản xuất nông nghiệp chuyên môn hóa gắn liền với hình thành các vùng, tiểu vùng chuyên canh hợp lý, phù hợp với điều kiện tự nhiên kinh tế của từng tiểu vùng; các khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

- Thương mại dịch vụ: Xác định vị trí và quy mô các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối, trung tâm bán buôn và bán lẻ các sản phẩm...; Xác định mô hình chợ tại trung tâm huyện, các thị trấn và các xã.

4.5. Định hướng quy hoạch sử dụng đất

- Đề xuất quy hoạch sử dụng đất theo giai đoạn cho khu vực đô thị, nông thôn và các vùng đặc thù.

- Xác định các chỉ tiêu phát triển cơ bản về đất đai, dân số các khu vực phát triển đô thị, nông thôn và hệ thống hạ tầng xã hội, kỹ thuật trên cơ sở khai thác, bền vững, hiệu quả các tiềm năng lợi thế của khu vực;

- Lựa chọn các chỉ tiêu về sử dụng đất theo từng giai đoạn cho khu vực đô thị, khu vực nông thôn và các khu vực đặc thù trên cơ sở tính toán, xác định cụ thể theo luận cứ và tham khảo, cập nhật số liệu của các quy hoạch có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự báo nhu cầu đất xây dựng đô thị, nông thôn, công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp... theo các giai đoạn lập quy hoạch;

4.6. Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

a) Định hướng quy hoạch giao thông:

- Trên cơ sở nghiên cứu hiện trạng mạng lưới giao thông, nghiên cứu các dự án giao thông quốc gia tác động đến các đô thị trong huyện. Phân tích nhu cầu sử dụng giao thông, khả năng kết nối giao thông giữa các tuyến đường quốc gia, từ đó đưa ra mô hình phát triển mạng lưới giao thông cho toàn huyện;

- Đề xuất mô hình giao thông khu vực phù hợp với cấu trúc huyện. Tổ chức, kết nối giao thông giữa khu vực thị trấn với các điểm dân cư nông thôn trong huyện, các trung tâm chuyên ngành và các vùng lân cận;

b) Định hướng quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật:

- Đánh giá, xác định các loại đất thuộc phạm vi nghiên cứu theo điều kiện tự nhiên và phân loại thuận lợi, ít thuận lợi hay không thuận lợi cho xây dựng. Từ đó xác định cao độ xây dựng khống chế cho từng khu vực và cao độ các tuyến giao thông đối ngoại và các trục đường chính đô thị theo các tiêu chí đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ;

- Đề xuất các yêu cầu khai thác quỹ đất xây dựng trên cơ sở bảo vệ và tôn trọng cảnh quan, địa hình tự nhiên, đáp ứng được các điều kiện kỹ thuật, đảm bảo an toàn, giữ được bản sắc địa hình vùng, từ đó xác định khu vực, khối lượng cần tôn nền và hạ nền. Đề xuất các giải pháp thiết kế san nền cho khu vực phát triển đô thị, nông thôn;

- Xác định các lưu vực thoát nước mặt chính ra kênh, rạch và hệ thống cống thoát nước mặt chính. Đề xuất các giải pháp phòng tránh thiên tai, các giải pháp kỹ thuật để kiểm soát lũ, phát triển hệ thống thủy lợi đầu mối, đê, đập...

c) Định hướng quy hoạch cấp nước:

- Xác định tiêu chuẩn và nhu cầu cấp nước cho khu vực các đô thị huyện Mù Cang Chải và các xã, điểm dân cư nông thôn. Đánh giá trữ lượng và chất lượng nguồn nước mặt và nước ngầm trong địa bàn huyện Mù Cang Chải (hoặc rộng hơn là vùng tỉnh Yên Bái).

- Lựa chọn nguồn nước sử dụng cho các giai đoạn phát triển trên phạm vi huyện Mù Cang Chải; Xác định quy mô các công trình đầu mối cấp nước; Xác định vị trí công trình đầu mối, công suất khai thác...; Đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn nước, phạm vi bảo vệ nguồn nước và nhà máy xử lý.

d) Định hướng quy hoạch cấp điện, thông tin liên lạc:

- Xác định chỉ tiêu cấp điện đối với các loại phụ tải khu vực các đô thị huyện Mù Cang Chải, các khu vực phát triển mới và các điểm dân cư nông thôn:

- Duy trì, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng tại khu vực thị trấn và các xã. Kết nối Internet băng rộng tới 100% các điểm, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng dịch vụ, đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

e) Định hướng quy hoạch thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang:

- Xác định chỉ tiêu, dự báo tổng lượng nước thải, chất thải rắn và nhu cầu đất nghĩa trang cho khu vực các đô thị huyện Mù Cang Chải mở rộng trong tương lai và các điểm dân cư nông thôn.

- Thiết kế mạng lưới thoát nước thải sinh hoạt. Xác định vị trí, quy mô công suất trạm xử lý nước thải. Định hướng về công tác thoát nước thải, các yêu cầu vệ sinh đối với các loại nước thải sau khi xử lý.

- Đề xuất giải pháp tổ chức thu gom và quản lý chất thải rắn. Xem xét vị trí các điểm trung chuyển chất thải rắn hiện có và đề xuất vị trí các điểm trung chuyển chất thải rắn mới. Đề xuất vị trí, quy mô, công suất công trình đầu mối xử lý chất thải rắn theo quy hoạch cấp vùng.

- Đề xuất các giải pháp xây dựng nghĩa trang.

5. Thành phần hồ sơ:

Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch khu chức năng đặc thù.

6. Kinh phí lập quy hoạch (làm tròn): 7.810.430.000 đồng.

(Bảy tỷ, tám trăm mười triệu, bốn trăm ba mươi nghìn đồng)

Trong đó:

- Chi phí lập quy hoạch:

4.185.700.000

đồng;

- Chi phí lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng:

395.155.000

đồng;

- Chi phí thẩm định đồ án quy hoạch xây dựng:

98.074.000

đồng;

- Chi phí quản lý nghiệp vụ lập quy hoạch xây dựng:

92.008.000

đồng;

- Chi phí thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch:

28.634.000

đồng;

- Chi phí lấy ý kiến vào đồ án quy hoạch:

30.331.160

đồng;

- Chi phí công bố quy hoạch xây dựng:

45.497.000

đồng;

- Chi phí tư vấn lập hồ sơ lựa chọn nhà thầu:

11.465.000

đồng;

- Chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu:

1.000.000

đồng;

- Chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu:

1.000.000

đồng;

- Chi phí khảo sát, bay chụp biên tập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/5000:

2.921.566.000

đồng.

7. Nguồn vốn: Ngân sách nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.

8. Thời gian thực hiện: Năm 2020 - 2021

9. Tổ chức thực hiện:

- Cơ quan phê duyệt đồ án quy hoạch: Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái.

- Cơ quan thẩm định đồ án quy hoạch: Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái.

- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái.

- Thời gian lập quy hoạch: Không quá 09 tháng kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt. Quá trình lập quy hoạch cần nghiên cứu, lựa chọn nhà thầu tư vấn trên cơ sở liên danh tư vấn trong nước và nước ngoài; đồng thời thực hiện tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong nước nhằm nâng cao chất lượng đồ án.

Điều 2. Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai lập quy hoạch theo nhiệm vụ được phê duyệt theo Điều 1 của Quyết định này đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư và quy hoạch xây dựng, đảm bảo chất lượng, tiến độ triển khai thực hiện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan: Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kho bạc nhà nước Yên Bái; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mù Cang Chải và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử;
- Chánh, PVP.UBND tỉnh (TH);
- Lưu: VT, TNMT, XD.

CHỦ TỊCH




Trần Huy Tuấn