Quyết định 2850/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá ban hành
Số hiệu: 2850/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Mai Văn Ninh
Ngày ban hành: 13/08/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 2850/2010/QĐ-UBND

Thanh Hoá, ngày 13 tháng 8 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HOÁ.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đê điều số 79/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Quyết định số 4107/QĐ-UBND ngày 18/12/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 66/TTrSNN&PTNT ngày 10/6/2010 về việc đề nghị ban hành Quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các ban, ngành và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
 - Như Điều 3 (để thực hiện); 
 - Các Bộ: NN &PTNT, Tư pháp (để b/c);
 - TTr Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để b/c);
 - Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
 - Lưu: VT, TCTTHĐA 30 tỉnh (02b).

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Mai Văn Ninh

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HOÁ.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2850 /2010/QĐ-UBND ngày 13/8/2010 của UBND tỉnh Thanh Hoá)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này qui định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời gian cấp giấy phép cho các hoạt động liên quan đến đê điều trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các hoạt động liên quan đến đê điều sau phải được UBND tỉnh cấp giấy phép:

a) Cắt xẻ đê để xây dựng công trình; xây dựng cống qua đê; khoan đào trong phạm vi bảo vệ đê điều và xây dựng công trình đặc biệt (công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thông tin liên lạc, công trình ngầm phục vụ phát triển kinh tế xã hội, hệ thống giếng khai thác nước ngầm; Cửa khẩu qua đê, trạm bơm, âu thuyền; Di tích lịch sử, văn hóa, khu phố cổ, làng cổ; Cụm tuyến dân cư sống chung với lũ và trên các cù lao) trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông, lòng sông.

b) Xây dựng công trình ngầm; Khoan, đào để khai thác nước ngầm trong phạm vi một kilomet (1km) tính từ biên ngoài phạm vi bảo vệ đê điều.

c) Sử dụng đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê làm nơi neo đậu tàu, thuyền, bè, mảng.

d) Nạo vét luồng, lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều.

e) Để vật liệu, đào ao, giếng ở bãi sông.

Chương II

HỒ SƠ, TRÌNH TỰ THỰC HIỆN CẤP GIẤY PHÉP CHO CÁC HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐÊ ĐIỀU

Điều 3 . Hồ sơ xin cấp giấy phép :

a) Thành phần hồ sơ :

- Văn bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép cho các hoạt động cụ thể liên qua đến đê điều.

- Quyết định của cấp có thẩm quyền về chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư của công trình, dự án có liên quan đến đê điều.

- Quyết định của cấp có thẩm quyền về phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình (đối với dự án thực hiện 2 bước); phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật (đối với dự án thực hiện 1 bước).

- Ý kiến bằng văn bản của các cấp, các ngành liên quan về công trình, dự án gồm : Tài liệu khảo sát địa hình, địa chất (bao gồm báo cáo kết quả khảo sát, biên bản nghiệm thu kết quả khảo sát và các bản vẽ như Bình đồ hiện trạng, Cắt dọc, Cắt ngang ...); bản thuyết minh và các bản vẽ kỹ thuật.

- Tài liệu tính toán về ảnh hưởng của công trình đến thoát lũ, dòng chảy, lòng sông, bờ sông và an toàn đê điều đã được cơ quan chức năng có tư cách pháp nhân thẩm định bằng văn bản (đối với hoạt động ở bãi sông, lòng sông);

- Quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu thầu hoặc chỉ định thầu thi công công trình;

- Tiến độ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Văn bản cam kết của tổ chức, cơ quan, đơn vị xin cấp giấy phép và của nhà thầu thi công về thực hiện theo đúng giấy phép cho phép của UBND tỉnh, về chấp hành các quy định của Luật đê điều và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho công trình đê điều, không làm cản trở gây ách tắc dòng chảy trong quá trình thi công và trong mùa lụt, bão.

b) Số lượng hồ sơ

Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép phải chuẩn bị:

- Đối với các trường hợp: Cắt xẻ đê để xây dựng công trình (bao gồm cả xây dựng cống qua đê); Khoan đào trong phạm vi bảo vệ đê điều và xây dựng công trình đặc biệt (công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thông tin liên lạc, công trình ngầm phục vụ phát triển kinh tế xã hội, hệ thống giếng khai thác nước ngầm; Cửa khẩu qua đê, trạm bơm, âu thuyền; Di tích lịch sử, văn hóa, khu phố cổ, làng cổ; Cụm tuyến dân cư sống chung với lũ và trên các cù lao) trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông, lòng sông: 04 bộ Hồ sơ (01 bộ bản chính, 03 bộ bản sao).

- Đối với các trường hợp còn lại : 03 bộ hồ sơ (01 bộ bản chính, 02 bộ bản sao).

c) Chất lượng, hình thức Hồ sơ :

- Hồ sơ phải rõ ràng, sạch sẽ, không tẩy xóa. Từng loại tài liệu được đánh số thứ tự theo mục lục và sắp xếp theo đúng thứ tự mục lục.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của Hồ sơ.

Điều 4. Cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp giấy phép

Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra nội dung hồ sơ và tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép cho các hoạt động liên quan đến đê điều.

Điều 5. Trình tự cấp giấy phép

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định tại Điều 3 của Quy định này.

2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ; trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức cá nhân xin cấp giấy phép hoàn chỉnh hồ sơ.

3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thẩm định hồ sơ có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế hiện trường khi cần thiết; nếu đủ điều kiện thì trình UBND tỉnh cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện để cấp phép, cơ quan tiếp nhận trả hồ sơ cho tổ chức, cá nhân xin cấp phép và thông báo lý do không cấp phép. Thời gian giải quyết của UBND tỉnh không quá 05 ngày làm việc.

Đối với những hoạt động quy định tại các điểm a, b tại Điều 2 của Quy định này đối với đê cấp đặc biệt, đê cấp I, đê cấp II, đê cấp III phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh xin ý kiến thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Sau khi có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh ra Quyết định cấp phép hoặc không cấp phép các hoạt động liên quan đến đê điều trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá cho cơ quan, tổ chức, cá nhân xin phép.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 6. Thời gian thực hiện

Khi Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT có Văn bản qui phạm pháp luật qui định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời gian cấp giấy phép cho các hoạt động liên quan đến đê điều thì Quy định này sẽ hết hiệu lực.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét, giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện và nghiên cứu trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quy định này khi cần thiết /.