Quyết định 2845/2007/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ đổi mới phương tiện và nghề nghiệp đối với các hộ gia đình có xe công nông thuộc diện cấm lưu hành do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Số hiệu: | 2845/2007/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thừa Thiên Huế | Người ký: | Nguyễn Ngọc Thiện |
Ngày ban hành: | 20/12/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
|
Số: 2845/2007/QĐ-UBND |
Huế, ngày 20 tháng 12 năm 2007
|
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2002, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Chỉ thị số 46/2004/CT-TTg ngày 09 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
Căn cứ Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 07 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
Căn cứ ý kiến thống nhất chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình có xe công nông thuộc diện cấm lưu hành của Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh tại Công văn số 231/HĐND-TH1 ngày 19 tháng 12 năm 2007;
Theo đề nghị của Liên ngành Giao thông Vận tải - Tài chính tại Công văn số 1296 LN/GT-TC ngày 14 tháng 12 năm 2007 (có Đề án kèm theo),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Áp dụng chính sách Hỗ trợ đổi mới phương tiện và nghề nghiệp đối với các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có xe công nông thuộc diện cấm lưu hành theo Chỉ thị số 46/2004/CT-TTg ngày 09 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ và Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, như sau:
1. Các khoản hỗ trợ:
a) Hỗ trợ vốn mua xe đối với các hộ gia đình chuyển đổi phương tiện mới:
- Hỗ trợ vốn mua xe đối với các hộ gia đình chuyển đổi phương tiện mới với số tiền 6.000.000 đồng/xe, trên cơ sở các hộ gia đình đã hoàn tất các thủ tục pháp lý về việc mua xe chuyển đổi phương tiện: đăng ký sở hữu, đăng ký đăng kiểm phương tiện.
b) Hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm đối với các hộ gia đình không chuyển đổi phương tiện mới:
Hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm đối với các hộ gia đình không chuyển đổi phương tiện mới với số tiền 3.000.000 đồng/xe.
c) Hỗ trợ phí đào tạo:
- Hỗ trợ 50% học phí đào tạo cấp giấy phép lái xe hạng B2 cho các đối tượng đang học và chưa học đào tạo giấy phép lái xe (thuộc các hộ gia đình có phương tiện xe công nông đã đăng ký biển số);
- Hỗ trợ 35% học phí đào tạo cấp giấy phép lái xe hạng B2 cho các đối tượng đang học và chưa học đào tạo giấy phép lái xe (thuộc các hộ gia đình có phương tiện xe công nông chưa đăng ký biển số);
- Hỗ trợ thêm 50% học phí đào tạo nghề thông thường đối với các đối tượng không có điều kiện chuyển đổi phương tiện mới, nếu có nhu cầu đào tạo nghề thông thường tại các cơ sở đào tạo công lập trên địa bàn tỉnh.
d) Đối với các xe máy kéo nhỏ vẫn được tiếp tục hoạt động sẽ được hỗ trợ:
- Hỗ trợ 50% phí kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật theo quy định hiện hành của Nhà nước để làm cơ sở cấp biển số đăng ký lần đầu theo quy định;
- Hỗ trợ 50% học phí đào tạo cấp giấy phép lái xe hạng A4.
2. Nguồn vốn hỗ trợ: Ngân sách tỉnh.
Điều 2. Giao trách nhiệm cho Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn chi tiết việc triển khai thực hiện các chính sách trên cho Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố và các cá nhân tổ chức liên quan.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Giao thông Vận tải, Lao động Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện và thành phố Huế và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
HỖ TRỢ ĐỔI MỚI PHƯƠNG TIỆN VÀ NGHỀ NGHIỆP ĐỐI VỚI CÁC HỘ GIA ĐÌNH CÓ XE CÔNG NÔNG THUỘC DIỆN CẤM LƯU HÀNH
(Kèm theo Quyết định số 2845/2007/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2007 của Ủy ban Nhân dân tỉnh)
Trong tình hình kinh tế đất nước ngày càng phát triển, nhu cầu về vận tải ngày càng gia tăng. Ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi đường giao thông còn hạn chế, việc sử dụng các loại xe công nông để vận chuyển vật tư, nông sản, vật liệu xây dựng,… giải phóng sức lao động của con người là một tồn tại thực tế đã có từ lâu nay.
Cùng với phong trào cơ giới hóa nông nghiệp vào những năm đầu thập niên 80, xe máy kéo nhỏ (còn gọi công nông đầu dọc) được đưa vào nông thôn nhằm tăng năng lực canh tác cũng như vận chuyển vật tư nông nghiệp và nông phẩm hàng hoá, giải phóng sức lao động cho nông dân, góp phần tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế nông thôn. Những chiếc xe này chủ yếu hoạt động trên đồng ruộng và đường làng liên thôn.
Chương trình phát triển đường giao thông nông thôn theo dự án vay vốn của ngân hàng thế giới WB1,WB2 đã làm diện mạo nông thôn tỉnh ta ngày càng thay đổi. Ngoài nhu cầu về vận chuyển phục vụ nông nghiệp, nhu cầu vận tải hàng hóa nông phẩm, vật liệu xây dựng và các mục đích dân sinh khác tăng cao. Các xe vận chuyển nhỏ (công nông đầu ngang) tự chế với giá thành rẻ ra đời nhằm đáp ứng cho các nhu cầu vận tải đó.
Do kích thước nhỏ gọn, tính việt dã cao nên hoạt động của xe công nông đã có tác dụng nhất định trong việc vận chuyển hàng ở nông thôn. Tuy nhiên, do công nghệ sản xuất đã lạc hậu, chất lượng kém và công tác quản lý ở địa phương chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều xe hoạt động không có đăng ký, không được kiểm tra định kỳ chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, nhiều người điều khiển chưa có giấy phép lái xe nên hoạt động của xe công nông đã gây ra nhiều tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và gây lo lắng cho người dân khi ra đường gặp phải xe công nông.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quản lý hoạt động của xe công nông. đặc biệt, ngày 09 tháng 12 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 46/2004/CT-TTg về việc quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ, trong đó cấm xe công nông hoạt động kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2008.
Thực hiện Chỉ thị của Chính phủ, các chủ xe công nông đang dần thực hiện việc chuyển đổi phương tiện cũng như nghề nghiệp để đảm bảo ổn định cuộc sống sau khi xe công nông bị cấm lưu hành. Dù vậy, vẫn có sự ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển kinh tế, nhất là việc đảm bảo nhu cầu về vận tải hàng hoá và đời sống người lao động ở các vùng nông thôn.
Để có những giải pháp hiệu quả giải quyết các vấn kinh tế xã hội sau khi xe công nông bị cấm lưu hành theo Chỉ thị 46/2004/CT-TTg , cần có một Đề án hỗ trợ đổi mới phương tiện vận tải giao thông đường bộ ở nông thôn một cách tích cực, phù hợp với tình hình thực tế của Thừa Thiên Huế.
Đề án “Hỗ trợ đổi mới phương tiện và nghề nghiệp đối với các hộ gia đình có xe công nông thuộc diện cấm lưu hành” được xây dựng trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng tình hình hoạt động của xe công nông trên địa bàn; có tính đến khả năng phát triển vận tải nông thôn sau khi xe công nông ngừng hoạt động. Thực hiện tốt Đề án này sẽ mang lại sự ổn định về phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn nông thôn Tỉnh nhà, làm tăng hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Giao thông vận tải, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo tinh thần Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ.
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA XE CÔNG NÔNG HIỆN NAY
1. Khái niệm và phân loại xe công nông.
Xe công nông gồm 2 loại: xe máy kéo nhỏ (công nông đầu dọc) và xe vận chuyển nhỏ (công nông đầu ngang).
1.1. Xe máy kéo nhỏ: Là loại xe có phần đầu kéo, lái bằng càng hoặc vô lăng và thùng hàng kéo theo (có thể tháo rời với phần đầu kéo) hoạt động trên đường giao thông công cộng; có các công dụng như cày xới phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp; vừa làm phương tiện vận tải; vừa sử dụng làm nguồn động lực để chạy máy bơm nước, xay xát, phát điện,…
Như vậy xe máy kéo nhỏ là loại xe có công dụng đa năng.
1.2. Xe vận chuyển nhỏ: Là loại xe kết cấu tương tự như xe ô tô, được sản xuất, lắp ráp từ tổng thành của xe ô tô cũ lắp động cơ diesel 1 xy lanh hoặc xe tự chế.
2. Tình hình chung về các đối tượng có xe công nông:
2.1. Số lượng xe: Hiện nay trên địa bàn tỉnh, số lượng xe công nông hiện có như sau:
TT
|
Địa phương
|
Xe máy kéo nhỏ (xe công nông đầu dọc)
|
Xe vận chuyển nhỏ (xe công nông đầu ngang)
|
1 |
Huyện Phú Vang |
155 |
79 |
2 |
Huyện Phú Lộc |
205 |
107 |
3 |
Huyện Hương Thuỷ |
120 |
60 |
4 |
Huyện Hương Trà |
36 |
63 |
5 |
Huyện Quảng Điền |
48 |
31 |
6 |
Huyện Phong Điền |
120 |
52 |
7 |
Huyện
|
30 |
14 |
8 |
Huyện A Lưới |
24 |
4 |
9 |
Thành phố Huế |
10 |
3 |
|
Tổng cộng |
748 |
425 |
2.2. Tình hình chấp hành về giấy phép lái xe:
Theo thống kê đến ngày 01 tháng 12 năm 2007, số lượng người điều khiển xe công nông đã được cấp giấp phép lái xe và số lượng tối đa cần phải được đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe như sau:
STT
|
Nội dung
|
Đối tượng xe công nông hiện có
|
Trong đó
|
|
Đã được cấp GPLX
|
Tối đa phải đào tạo cấp GPLX
|
|||
1 |
Xe máy kéo nhỏ (GPLX hạng A4) |
748 |
94 |
654 |
2 |
Xe vận chuyển nhỏ (GPLX hạng B2) |
425 |
171 |
254 |
|
Tổng cộng |
1.173 |
265 |
908 |
2.3. Tình hình chấp hành về đăng ký phương tiện lưu hành:
Trong tổng số 748 chiếc xe máy kéo nhỏ hiện có thì 238 chiếc đã làm thủ tục đăng ký lưu hành, còn lại 510 chiếc chưa làm thủ tục đăng ký lưu hành.
2. Thực trạng hoạt động của xe công nông hiện nay ở nông thôn:
- Xe công nông và máy kéo nhỏ hiện tại là lực lượng vận tải chủ yếu trên địa bàn các thôn xã. Hiện nay hệ thống đường giao thông nông thôn trên toàn tỉnh đã đạt gần 3000 km, là cơ sở và điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình dịch vụ vận tải ở nông thôn.
- Người điều khiển phương tiện đa số là chủ hộ nên kinh tế của hộ gia đình phần lớn phụ thuộc vào lợi nhuận thu được từ hoạt động vận tải của xe công nông.
- Vì địa bàn vận tải nhỏ hẹp, chủ yếu là phục vụ nông nghiệp nên giá trị lợi nhuận do kinh doanh vận tải mang lại không cao nên kinh tế của các hộ gia đình chỉ đảm bảo ở mức sống trung bình.
- Do kích thước nhỏ gọn, tính việt dã cao nên hoạt động của xe công nông đã có tác dụng nhất định trong việc vận chuyển hàng ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, do công nghệ sản xuất lạc hậu, chất lượng kém và công tác quản lý ở địa phương chưa được quan tâm đúng mức nên còn nhiều xe hoạt động không có đăng ký, không được kiểm tra định kỳ chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, nhiều người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe nên hoạt động của xe công nông đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và gây lo lắng cho người dân khi ra đường gặp phải xe công nông.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ VIỆC CẤM LƯU HÀNH XE CÔNG NÔNG (TRỪ XE MÁY KÉO NHỎ)
1. Cơ sở pháp lý.
- Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
- Chỉ thị số 46/2004/CT-TTg ngày 9 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ;
- Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
- Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 07 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
- Công văn số 7241/BGTVT-VT ngày 09 tháng 11 năm 2007 của Bộ Giao thông Vận tải về việc thực hiên Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị 46/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
2. Đối tượng và thời hạn cấm lưu hành (trừ xe máy kéo nhỏ):
2.1. Đối tượng xe công nông cấm lưu hành, bao gồm:
- Xe vận chuyển nhỏ được lắp ráp từ các tổng thành cũ của xe ô tô và lắp động cơ 1 xi lanh (còn gọi là xe công nông đầu ngang).
- Xe máy kéo nhỏ (còn gọi là xe công nông đầu dọc) và xe 3, 4 bánh tự lắp ráp hoặc cải tạo, thay đổi khác so với thiết kế chế tạo của nhà sản xuất.
Theo số liệu thống kê tại điểm 2.1 phần 2 của Chương II nói trên, số lượng xe công nông cấm lưu hành trên địa bàn tỉnh từ 01/01/2008 gồm 725 chiếc, trong đó:
- Xe vận chuyển nhỏ (công nông đầu ngang): 425 chiếc.
- Xe máy kéo nhỏ (công nông đầu dọc) có cải tạo: 300 chiếc
2.2. Thời hạn cấm lưu hành: Kể từ ngày 01/01/2008.
Đối với xe máy kéo nhỏ: Phần đầu kéo hoàn toàn không có cải tạo, thay đổi so với thiết kế chế tạo của nhà sản xuất và phần thùng hàng kéo theo phải theo quy định của Sở Giao thông Vận tải, đồng thời đã được đăng ký cấp biển số theo quy định hiện hành vẫn được tiếp tục hoạt động tham gia giao thông trên một số tuyến đường và thời gian theo quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Thời hạn đăng ký biển số xe máy kéo nhỏ chậm nhất đến ngày 30 tháng 7 năm 2008.
GIẢI PHÁP HỖ TRỢ ĐỔI MỚI PHƯƠNG TIỆN VÀ NGHỀ NGHIỆP
I. Quan điểm, mục tiêu về quản lý xe công nông và phát triển phương tiện vận tải hàng hóa ở nông thôn:
1. Quan điểm:
- Ưu tiên phát triển năng lực vận tải, bảo đảm phục vụ nhu cầu đa dạng về vận tải hàng hóa, nông phẩm ở nông thôn; ổn định cuộc sống của người lao động, tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình.
- Thiết lập và duy trì trật tự, an toàn giao thông trong công tác quản lý phương tiện vận tải, nhằm đảm bảo an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.
2. Mục tiêu:
- Góp phần ổn định cuộc sống của các chủ xe công nông và gia đình họ;
- Phát triển phương tiện với chất lượng tốt và được kiểm soát;
- Nâng cao chất lượng vận tải hàng hoá trên địa bàn;
- Nâng cao hiệu quả quản lý phương tiện vận tải và người điều khiển phương tiện.
II. Chính sách hỗ trợ:
1. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ:
1.1. Các hộ gia đình là chủ xe công nông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc diện cấm lưu hành theo Chỉ thị 46/2004/CT-TTg ngày 09 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ và Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
1.2. Các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh hiện đang sử dụng loại xe máy kéo nhỏ (có trước ngày 01 tháng 07 năm 2007).
2. Chính sách hỗ trợ:
2.1. Hỗ trợ vốn mua xe đối với các hộ gia đình có nhu cầu chuyển đổi phương tiện mới:
Ngân sách hỗ trợ cho các hộ gia đình có nhu cầu chuyển đổi phương tiện mới thay thế xe công nông với mức 6.000.000 đồng/xe (tương đương với việc hỗ trợ 0,2% lãi suất vay ngân hàng trong 3 năm với mức 100 triệu đồng) trên cơ sở các hộ gia đình đã hoàn tất các thủ tục pháp lý về việc mua xe chuyển đổi phương tiện: đăng ký sở hữu, đăng ký đăng kiểm phương tiện.
2.2. Hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm đối với các hộ gia đình không có nhu cầu chuyển đổi phương tiện mới:
Hộ gia đình có xe công nông cấm lưu hành nhưng không có khả năng mua mới phương tiện để tiếp tục kinh doanh vận tải thì được hỗ trợ với mức 3.000.000 đồng để chuyển đổi sang làm nghề khác nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống gia đình.
Mức hỗ trợ được vận dụng theo Quyết định số 3721/2005/QĐ-UBND ngày 01 tháng 11 năm 2005 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và mục đích phát triển kinh tế.
2.3. Hỗ trợ kinh phí đào tạo:
2.3.1. Hỗ trợ 50% học phí đào tạo cấp giấy phép lái xe hạng B2 cho các đối tượng đang học và chưa học đào tạo giấy phép lái xe (thuộc các hộ gia đình có phương tiện xe công nông đã đăng ký biển số);
2.3.2. Hỗ trợ 35% học phí đào tạo cấp giấy phép lái xe hạng B2 cho các đối tượng đang học và chưa học đào tạo giấy phép lái xe (thuộc các hộ gia đình có phương tiện xe công nông chưa đăng ký biển số).
2.3.3 Ngoài ra, đối với các đối tượng không có điều kiện chuyển đổi mới phương tiện, nếu có nhu cầu đào tạo nghề thông thường sẽ được hỗ trợ thêm 50% học phí đào tạo tại các cơ sở đào tạo công lập trên địa bàn tỉnh.
2.4. Đối với xe máy kéo nhỏ vẫn được tiếp tục hoạt động:
- Hỗ trợ 50% phí kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật cho xe máy kéo nhỏ để làm cơ sở cấp biển số đăng ký theo quy định.
- Hỗ trợ 50% học phí đào tạo cấp giấy phép lái xe hạng A4.
3. Thời hạn thực hiện chính sách hỗ trợ: Từ 01 tháng 01 năm 2008 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2009.
4. Phương thức hỗ trợ:
- Việc hỗ trợ vốn mua xe chuyển đổi phương tiện và hỗ trợ vốn chuyển đổi nghề thực hiện thông qua Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Huế.
- Việc hỗ trợ kinh phí đào tạo cấp giấy phép lái xe, đào tạo chuyển đổi nghề thực hiện thông qua các cơ sở đào tạo công lập thuộc tỉnh.
- Việc hỗ trợ phí kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật cho xe máy kéo nhỏ thực hiện thông qua đơn vị kiểm tra chất lương an toàn kỹ thuật của tỉnh.
5. Dự trù kinh phí hỗ trợ:
5.1. Nguồn kinh phí: Ngân sách tỉnh
5.2. Dự toán kinh phí hỗ trợ:
5.2.1. Hỗ trợ vốn mua xe đối với các hộ gia đình có nhu cầu chuyển đổi phương tiện mới:
- Ước tính khoảng 70% hộ gia đình có nhu cầu mua xe chuyển đổi phương tiện thay thế xe công nông:
725 xe x 70 % x 6.000.000 đồng/xe = 3.045.000.000 đồng
5.2.2. Hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm đối với các hộ gia đình không có nhu cầu chuyển đổi phương tiện mới:
725 người x 30% x 3.000.000 đồng /người = 652.500.000 đồng
5.2.3. Hỗ trợ kinh phí đào tạo:
- Hỗ trợ 50% học phí đào tạo cấp giấy phép lái xe hạng B2 cho các đối tượng đang học và chưa học đào tạo giấy phép lái xe (tạm tính cho toàn bộ xe đã có đăng ký biển số):
254 người x 50% x 3.252.000 đ/khóa/người = 413.000.000 đồng
- Hỗ trợ thêm 50% học phí đào tạo nghề thông thường đối với các đối tượng (không có điều kiện chuyển đổi mới phương tiện ) có nhu cầu đào tạo nghề:
725 người x 30% x 50% x 120.000 đ/tháng x 6 T = 78.300.000 đồng
5.2.4 Hỗ trợ cho các đối tượng là chủ sở hữu xe máy kéo nhỏ:
- Hỗ trợ 50% phí kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật:
448 xe x 50% x 100.000 đồng = 22.400.000 đồng.
- Hỗ trợ 50% học phí đào tạo cấp giấy phép lái xe hạng A4:
448 người x 370.000 đồng/ khóa x 50% = 82.880.000 đồng
Tổng cộng :4.294.080.000 đồng
Ghi chú: Mức thu học phí đào tạo cấp giấy phép lái xe hạng B2, A4 và đào tạo nghề thông thường thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước.
Ủy ban Nhân dân tỉnh giao trách nhiệm ngành chức năng tổ chức thực hiện:
1. Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, các ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Huế tuyên truyền vận động các hộ gia đình, chủ xe công nông, xe máy kéo nhỏ nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 46/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ;
2. Sở Giao thông Vận tải:
- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn chi tiết việc triển khai thực hiện các chính sách trên.
- Chỉ đạo Trường Trung học Giao thông Vận tải tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm, thủ tục hồ sơ cho người dân có xe công nông học lớp đào tạo cấp giấy phép lái xe hạng B2; tổ chức các lớp học cho người lái xe máy kéo nhỏ (hạng A4) tại các cụm dân cư huyện;
- Chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới có kế hoạch tổ chức việc kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật xe máy kéo nhỏ;
- Làm việc với các Công ty, đại lý ô tô để thống nhất, hướng dẫn cho các chủ phương tiện việc bán lại xe công nông cũ cấm lưu hành và mua mới phương tiện mới.
3. Sở Tài chính:
- Đề xuất nguồn kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ cho chủ phương tiện có xe công nông cấm lưu hành.
- Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn chi tiết việc triển khai thực hiện các chính sách trên.
4. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:
Đề xuất chính sách đào tạo nghề cho người trong gia đình có xe công nông bị loại bỏ, nghiên cứu lồng ghép các chính sách hỗ trợ dạy nghề cho người lao động ở nông thôn.
5. Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Huế:
- Chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các phường, xã tổ chức họp chủ xe công nông (kể cả chủ xe máy kéo nhỏ) để phổ biến, quán triệt Chỉ thị 46/2004/CT-TTg , Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ và chính sách quy định tại Đề án này; Thống kê danh sách các chủ phương tiện là chủ xe công nông có nhu cầu chuyển đổi phương tiện, học lái xe, chuyển đổi nghề để tổng hợp gởi Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải; Giải quyết các hồ sơ, thủ tục về hành chính theo thẩm quyền đảm bảo quyền lợi cho các chủ xe công nông được hưởng các chính sách quy định của tỉnh.
- Tiến hành kiểm tra xử lý các cơ sở cơ khí trên địa bàn vẫn còn sản xuất xe công nông, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
6. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các chủ phương tiện cố tình không chấp hành Chỉ thị 46/2004/CT-TTg và Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ./.
Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông . Ban hành: 29/06/2007 | Cập nhật: 09/07/2007
Chỉ thị 46/2004/CT-TTg về quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ Ban hành: 09/12/2004 | Cập nhật: 09/12/2009