Quyết định 283/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án “Cung ứng lao động cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013 - 2015"
Số hiệu: 283/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh Người ký: Nguyễn Tử Quỳnh
Ngày ban hành: 19/03/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 283/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 19 tháng 03 năm 2013.

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “CUNG ỨNG LAO ĐỘNG CHO CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2013 - 2015”.

CHỦ TỊCH UBND TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về việc làm;

Căn cứ Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28/02/2005 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm;

Quyết định số 2406/QĐ-TTg ngày 18/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015;

Thông tư liên tịch số 95/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 07/8/2007 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về phí giới thiệu việc làm;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013 - 2015” (sau đây gọi tắt là Đề án), với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đảm bảo cung ứng lao động cả về số lượng và chất lượng theo nhu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Khai thác tối đa nguồn lao động của tỉnh. Dự kiến mỗi năm thu hút được 15.000 - 17.000 lao động

- Tăng cường thu hút lao động của các tỉnh ngoài. Dự kiến mỗi năm thu hút được 18.000 - 20.000 lao động.

- Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và điều kiện làm việc cho người lao động nhằm đảm bảo cho người lao động làm việc ổn định lâu dài trong doanh nghiệp.

II. GIẢI PHÁP

1. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Ninh xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chuyên mục về lao động, việc làm theo định kỳ hàng tháng.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, truyền thông từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn; kịp thời đăng tải các thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp; đảm bảo các thông tin được phổ biến rộng rãi đến các địa phương trên toàn tỉnh.

- Thực hiện tốt công tác dự báo cung, cầu lao động hàng năm để xây dựng kế hoạch cung ứng kịp thời nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp.

- Phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động ở địa phương; thường xuyên thông tin cho người lao động và doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm việc làm của người lao động.

- Tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp: Thường xuyên mở các lớp tập huấn cho các doanh nghiệp; cung cấp các văn bản pháp luật cho các doanh nghiệp; tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp thông qua các kỳ kiểm tra thanh tra; tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng...

- Đầu tư có hiệu quả nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập. Tiếp tục xã hội hoá công tác dạy nghề. Đầu tư phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý về số lượng và chất lượng; bổ sung, điều chỉnh chương trình, giáo trình và các nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh tiến độ quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân; có chính sách và biện pháp hiệu quả khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở, nhà trẻ cho công nhân lao động.

- Tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động ngoại tỉnh dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ công ở địa phương như nhà trẻ, trường học, bệnh viện… Khuyến khích tạo điều kiện cho lao động tham gia các sinh hoạt cộng đồng, tạo sự gắn bó giữa số lao động này với nhân dân địa phương.

- Tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự tại các doanh nghiệp, khu nhà trọ nhằm đảm bảo cho lao động yên tâm sinh sống và làm việc.

- Lựa chọn cấp phép các dự án đầu tư phù hợp với điều kiện của tỉnh: Cần phải lựa chọn các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, sử dụng lao động có trình độ chuyên môn vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận khoa học, công nghệ nâng cao trình độ kỹ năng, thu nhập cho người lao động.

- Liên hệ, liên kết với các tỉnh có nguồn lao động dồi dào như: Lạng Sơn, Bắc Cạn, Cao Bằng, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An... để cung cấp lao động cho các doanh nghiệp.

- Hỗ trợ kinh phí để tổ chức tuyển dụng lao động ở các tỉnh (thông qua các Trung tâm Giới thiệu việc làm công lập của tỉnh).

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra:

+ Tăng số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra hàng năm, đặc biệt là cấp huyện. Mặt khác, phải nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra để phát hiện những vi phạm của doanh nghiệp.

+ Khi phát hiện sai phạm phải xử lý kiên quyết; việc đôn đốc, giám sát, kiểm tra thực hiện kết luận sau thanh tra phải triệt để.

2. Trách nhiệm của các doanh nghiệp

- Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật lao động, đặc biệt là các quy định về quyền lợi của người lao động. Chú ý cải thiện điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ sức khoẻ cho người lao động.

- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong việc tuyển dụng lao động; báo cáo đầy đủ với các cơ quan quản lý nhà nước về nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để có kế hoạch cung ứng kịp thời nhu cầu lao động của các doanh nghiệp.

- Cần xem xét trả lương và các khoản phụ cấp cho người lao động xứng đáng với sức lao động mà họ đã bỏ ra, phù hợp với giá cả sinh hoạt hiện nay.

- Quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân, có chính sách hỗ trợ tiền nhà thoả đáng cho số công nhân này, nhằm tạo điều kiện cho lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động tại các doanh nghiệp.

- Tăng cường sự phối hợp với các cơ sở đào tạo, các Trung tâm Giới thiệu việc làm để đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, đáp ứng đúng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

3. Đối với người lao động

- Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật lao động.

- Thực hiện tốt nội quy, quy chế của doanh nghiệp.

- Không ngừng học tập, tu dưỡng nhằm nâng cao nhận thức, tay nghề và tiếp cận được với sự phát triển của khoa học công nghệ, đáp ứng được với yêu cầu đổi mới của các doanh nghiệp.

4. Đối với các cơ sở đào tạo, Trung tâm Giới thiệu việc làm

- Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề. Đầu tư phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý về số lượng và chất lượng; thường xuyên cập nhật bổ sung, điều chỉnh chương trình, giáo trình và các nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo, các Trung tâm Giới thiệu việc làm và các doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, đáp ứng đúng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

- Tăng cường xây dựng mối liên kết sâu rộng giữa các Trung tâm Giới thiệu việc làm với các doanh nghiệp để khai thác thông tin nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn.

- Nâng cao hiệu quả tổ chức phiên giao dịch tại Sàn giao dịch việc làm. Thường xuyên rà soát cải tiến quy trình nghiệp vụ, cách thức tổ chức theo hướng đơn giản và thuận tiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp trong việc đăng ký tìm việc làm và tuyển dụng lao động.

- Đẩy mạnh tổ chức các phiên sàn lưu động. Trong đó tập trung vào các cơ sở dạy nghề, các địa phương ở xa trung tâm.

- Phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các đoàn công tác đến các tỉnh liên kết tuyển lao động.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Năm

2013

2014

2015

I. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI

 

 

 

1. Cấp tỉnh

 

 

 

Tổ chức hội nghị triển khai Đề án đến các ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố

x

 

 

Tổ chức hội nghị triển khai đến các doanh nghiệp lớn, các cơ sở đào tạo

x

 

 

Tổ chức hội thảo giữa các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo

x

 

x

Tổ chức hội nghị sơ kết tổng kết, đánh giá

 

 

x

2. Cấp huyện

 

 

 

Tổ chức hội nghị triển khai đến các ngành của huyện, các xã phường, thị trấn, các doanh nghiệp trên địa bàn

x

 

 

Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, đánh giá

 

 

x

II. CÁC HOẠT ĐỘNG

 

 

 

1. Nâng cao chất lượng đào tạo

 

x

x

2. Nâng cao năng lực tư vấn giới thiệu việc làm.

 

 

 

Tăng cường cung ứng lao động qua Sàn giao dịch việc làm

 

x

x

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền

 

x

x

3. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng tại địa phương

 

x

x

4. Hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao dộng ngoài tỉnh

 

x

x

5. Cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao dộng

 

x

x

6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

 

x

x

7. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động.

 

x

x

IV. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN

Dự kiến kết quả của Đề án khi được tổ chức thực hiện như sau:

1. Kết quả chung

1.1. Công tác hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động

- 100% chính quyền các xã, phường, thị trấn sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động ở địa phương.

- 100% thông tin về tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp được phổ biến kịp thời đến các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

- 100% các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động qua sàn giao dịch việc làm được đáp ứng kịp thời.

- 100% các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động ở các tỉnh được tạo điều kiện hỗ trợ.

- 100% cán bộ quản lý và công nhân lao động được tuyên truyền giáo dục pháp luật.

1.2. Đời sống vật chất tinh thần cho người lao động

- Thu nhập, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt của người lao động trong các doanh nghiệp được nâng lên; điều kiện ăn ở được cải thiện.

- Người lao động được tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận với các dịch vụ công và tham gia sinh hoạt tại cộng đồng; an ninh trật tự tại các khu trọ được đảm bảo.

1.3. Ý thức chấp hành pháp luật lao động của doanh nghiệp và người lao động

Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và công tác thanh tra, kiểm tra, ý thức chấp hành pháp luật lao động của người sử dụng lao động và người lao động được nâng lên.

2. Kết quả tuyển dụng lao động

TT

Chỉ tiêu

2013

2014

2015

Tổng số

1.1

Số lao động trong tỉnh được tuyển dụng. Trong đó:

14.000

16.000

16.000

46.000

 

Thông qua địa phương

2.000

3.500

4.000

9.500

 

Thông qua sàn giao dịch việc làm

3.000

4.500

5.000

12.500

 

Thông qua các phương tiện thông tin

1.000

2.000

3.000

6.000

 

Hình thức khác

8.000

6.000

4.000

18.000

1.2

Số lao dộng ngoài tỉnh được tuyển dụng. Trong đó:

17.000

19.000

21.000

57.000

 

Thông qua hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước

5.000

15.000

18.000

38.000

 

Các hình thức khác

12.000

4.000

3.000

19.000

 

Tổng số (Người)

31.000

35.000

37.000

103.000

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 6.674.000.000 đồng (Sáu tỷ sáu trăm bảy mươi tư tỷ đồng) sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh (có phụ lục kèm theo).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp chính quyền tổ chức triển khai thực hiện Đề án; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh định kỳ 6 tháng, 1 năm.

- Thống kê nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp thống kê nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

- Phối hợp với Cục Thống kê và các đơn vị liên quan thống kê lực lượng lao động trong độ tuổi từ 18-35, phân loại trình độ, tìm hiểu nhu cầu để tác động, vận động người lao động vào làm việc trong các doanh nghiệp.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp; hướng dẫn truyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho các doanh nghiệp và người lao động.

- Chỉ đạo các cơ sở dạy nghề tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề; chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình, giáo trình, học liệu cho phù hợp với thực tiễn; phối hợp với các doanh nghiệp trong việc đào tạo theo địa chỉ và việc thực tập của học viên tại các doanh nghiệp.

- Chỉ đạo Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở tăng cường phối hợp với các Trung tâm Giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động; tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố phổ biến, tuyên truyền thông tin thị trường lao động đến các địa phương trong tỉnh.

- Xây dựng dự toán kinh phí hàng năm báo cáo Sở Tài chính trình UBND tỉnh phê duyệt; quyết toán kinh phí hàng năm theo quy định.

- Phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Lựa chọn cấp phép đầu tư cho các dự án ngoài khu công nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện đất đai và nguồn nhân lực của tỉnh.

3. Sở Tài chính

Bố trí kinh phí hàng năm cho hoạt động của Đề án; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và quyết toán kinh phí theo quy định.

4. Sở Công thương

Thực hiện lồng ghép các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình khuyến công, trong đó đặc biệt là hoạt động đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.

5. Sở Xây dựng

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai việc xây dựng nhà ở cho công nhân; thực hiện chính sách về nhà ở cho công nhân; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và quản lý vận hành nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Tư pháp

Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan giúp UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt chương trình, kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo nghị định 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ.

7. Công an tỉnh

Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự cho các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp và công nhân lao động ở các khu nhà trọ; tạo điều kiện thuận lợi cho lao động đăng ký hộ khẩu và đăng ký tạm trú.

8. Ban Quản lý các Khu công nghiệp

- Thống kê nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

- Chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Bắc Ninh phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc tư vấn giới thiệu việc làm.

- Tăng cường công tác kiểm tra hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật lao động trong các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

- Tổng hợp số lượng công nhân tại các khu công nghiệp tập trung có nhu cầu thuê nhà ở; phối hợp với Sở Xây dựng trong tổ chức quản lý vận hành nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp.

- Lựa chọn cấp phép đầu tư cho các dự án trong khu công nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện đất đai và nguồn nhân lực của tỉnh. Xây dựng quy định phù hợp, đảm bảo khi các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn phải có cơ chế chính sách ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương, đặc biệt là các gia đình bị thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp.

9. Liên đoàn lao động tỉnh

- Đẩy mạnh phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở ngoài quốc doanh, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

- Tăng cường giáo dục ý thức pháp luật cho đoàn viên công đoàn và người lao động trong các doanh nghiệp.

10. Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật lao động cho các đoàn viên, thanh niên.

- Chỉ đạo Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc tư vấn giới thiệu việc làm.

- Tăng cường tổ chức, tuyên truyền các nội dung liên quan đến nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên thông qua tổ chức ngày hội việc làm cho thanh niên và các hình thức thông tin truyền thông khác.

- Chủ động đề xuất các giải pháp hỗ trợ thanh niên, công nhân, đặc biệt là công nhân nữ trong các khu, cụm công nghiệp.

- Chỉ đạo các tổ chức đoàn thanh niên ở cơ sở tạo điều kiện, khuyến khích người lao động tạm trú ở địa phương tham gia các hoạt động của đoàn thanh niên.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường thực hiện dự án phân luồng học sinh THPT để các em có những định hướng đúng đắn, phù hợp với năng lực, tránh lãng phí nguồn nhân lực; tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp cho học sinh các trường THCS, THPT.

- Tiếp tục đầu tư và đẩy mạnh hoạt động cho 126 Điểm tư vấn nghề trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục tham mưu và đề xuất giải pháp sớm đưa Trung tâm hỗ trợ thanh niên, công nhân và lao động vào hoạt động.

11. Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh

- Phối hợp với Sở Lao động -Thương binh và Xã hội phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, lao động việc làm; thực hiện tốt chuyên mục lao động việc làm.

- Tăng cường quảng bá hình ảnh và nhu cầu lao động của các doanh nghiệp.

12. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, Trung tâm Giới thiệu việc làm đăng tải thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, lao động việc làm; đồng thời đăng tải các thông tin về địa chỉ, ngành nghề đào tạo của các cơ sở dạy nghề, về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động ở địa phương.

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi cho lao động tạm trú ở địa phương tiếp cận với các dịch vụ công như nhà trẻ, trường học; tạo điều kiện cho lao động tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng ở địa phương.

- Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đôn đốc, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội định kỳ 6 tháng, 1 năm về kết quả thực hiện Đề án tại địa phương.

13. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

- Báo cáo đầy đủ, chính xác nhu cầu, kế hoạch tuyển dụng lao động hàng năm đối với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động.

- Có cơ chế chính sách ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong việc tuyển dụng lao động.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, các Trung tâm Giới thiệu việc làm trong việc đào tạo và tuyển dụng lao động.

- Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật lao động. Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các các cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ LĐTBXH (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX, PVPVX, CVP.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tử Quỳnh