Quyết định 28/2015/QĐ-UBND Quy định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị; cán bộ, công, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ và chấp hành kỷ luật, kỷ cương
Số hiệu: 28/2015/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn Người ký: Lý Thái Hải
Ngày ban hành: 24/12/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2015/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 24 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ; CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ VÀ CHẤP HÀNH KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 04 tháng 8 năm 2007; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 23 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số: 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số: 2063/TTr-SNV ngày 10 tháng 12 năm 2015 và Báo cáo thẩm định số: 404/BCTĐ-STP ngày 30 tháng 11 năm 2015 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ và chấp hành kỷ luật, kỷ cương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lý Thái Hải

 

QUY ĐỊNH

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ; CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ VÀ CHẤP HÀNH KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 28/2015/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ và chấp hành kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức, viên chức; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ và xử lý vi phạm.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị sau:

1. Các Sở, Ban, Ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh;

2. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh;

3. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh;

4. Các tổ chức hội cấp tỉnh được giao biên chế;

5. Quỹ (tổ chức tài chính thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh) được giao biên chế;

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố;

7. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn;

8. Các đơn vị sự nghiệp công lập;

9. Các tổ chức khác có sử dụng biên chế công chức, viên chức.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức

Cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện những quy định tại mục 3 và mục 4 của Luật Cán bộ, công chức; Điều 16, 17, 18, 19 của Luật Viên chức, các Điều 37, 40 của Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định khác của pháp luật về trách nhiệm, quyền hạn và những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; đồng thời:

1. Phải chấp hành nghiêm Quy chế văn hóa công sở ban hành kèm theo Quyết định số: 1536/QĐ-UBND ngày 10/9/2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, sử dụng có hiệu quả ngày, giờ làm việc theo quy định, giải quyết công việc được giao có chất lượng và hiệu quả, không lạm dụng thời gian làm việc để giải quyết việc riêng.

2. Khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị có hành vi tiêu cực, vi phạm nội quy, quy chế, vi phạm pháp luật phải có trách nhiệm báo cáo với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình đang công tác hoặc báo cáo với người đứng đầu, cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp.

3. Thực hiện các quy định về nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; không vi phạm các chuẩn mực về đạo đức, thuần phong mỹ tục đảm bảo sự văn minh, tiến bộ của xã hội.

Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị

Ngoài trách nhiệm thực hiện những quy định của pháp luật, các cơ quan, đơn vị còn có trách nhiệm:

1. Thường xuyên quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ý thức, trách nhiệm, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức gắn với việc thực hiện Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Quy chế văn hóa công sở và các văn bản quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

2. Giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân đảm bảo có hiệu quả, đúng quy định. Thường xuyên rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính để phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về các quy định hành chính phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan, kịp thời.

3. Chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số: 158/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong từng cơ quan, đơn vị; kế hoạch tinh giản biên chế theo Nghị định số: 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Chấp hành nghiêm việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị theo Nghị định số: 04/2015/NĐ-CP ngày 9 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 5. Trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị

Ngoài trách nhiệm quy định tại Điều 3 của Quy định này và những quy định khác của pháp luật, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu còn có trách nhiệm:

1. Trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị phải tự giác đi đầu gương mẫu thực hiện, đánh giá đúng năng lực, nắm bắt tâm lý của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý để có cách thức điều hành phù hợp với từng đối tượng nhằm phát huy khả năng, kinh nghiệm, tính sáng tạo, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ; xây dựng khối đại đoàn kết; đánh giá cán bộ, công chức, viên chức phải công tâm, công bằng, minh bạch, khách quan đúng quy định, phát huy dân chủ, tạo điều kiện trong học tập và phát huy sáng kiến, giải pháp công tác của cán bộ, công chức, viên chức; tôn trọng và tạo niềm tin cho cán bộ, công chức, viên chức khi giao và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; bảo vệ danh dự của cán bộ, công chức, viên chức khi bị phản ánh, khiếu nại, tố cáo không đúng sự thật.

2. Công khai, minh bạch trong sử dụng tài sản, tài chính công; không được sử dụng tài sản công vào việc riêng.

Điều 6. Xử lý vi phạm

1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định trên tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phê bình, kiểm điểm, xem xét hạ bậc thi đua khen thưởng cuối năm hoặc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.

2. Đối với cơ quan, đơn vị: Trường hợp Đoàn kiểm tra liên ngành hoặc Thanh tra Sở Nội vụ kiểm tra đột xuất các cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính như: Không thực hiện việc đeo thẻ công chức, viên chức, không chấp hành nghiêm giờ làm việc, uống rượu, bia trong giờ làm việc… thì đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng theo phân cấp không khen thưởng tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong năm vi phạm.

3. Đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan vi phạm các quy định, quy chế cơ quan và pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc sẽ bị phê bình, kiểm điểm hoặc xử lý kỷ luật theo quy định.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Các cơ quan, đơn vị

1. Tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức ký cam kết về thực hiện các nội dung tại Quy định này.

2. Phân công Lãnh đạo bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ hoặc bố trí công chức, viên chức theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các Quy định này làm cơ sở cho việc đánh giá, xếp loại; thi đua khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức hằng năm.

3. Khen thưởng, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; đồng thời nhắc nhở, phê bình và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm túc, kiên quyết đối với các trường hợp vi phạm theo các quy định của pháp luật.

4. Các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện các quy định này và định kỳ 06 tháng, hằng năm báo cáo kết quả về Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 8. Các cơ quan, đơn vị có liên quan

1. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về trật tự an toàn xã hội ngoài việc phát hiện, xử lý vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đề nghị thông báo cho Sở Nội vụ và cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm để theo dõi làm cơ sở đánh giá, quản lý cán bộ, công chức, viên chức và bình xét thi đua hằng năm của cá nhân, tập thể; tổng hợp, thông báo việc xử lý kỷ luật trên một số phương tiện thông tin của tỉnh.

2. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Kạn, Cổng Thông tin điện tử Bắc Kạn tăng cường công tác tuyên truyền, kịp thời nêu gương các điển hình tiên tiến; đồng thời phản ánh các cơ quan, đơn vị, cá nhân không thực hiện nghiêm các quy định tại Quy định này.

Điều 9. Giao nhiệm vụ

1. Sở Nội vụ

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh việc thực hiện, đồng thời đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm tại Quy định này.

b) Tổng hợp kết quả định kỳ 06 tháng và hằng năm, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh.

c) Duy trì đường dây nóng và bố trí công chức có trách nhiệm trực thường xuyên để tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức và xử lý kịp thời về ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức khi được thông tin phản ánh.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Giao cho Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Phòng, Ban trực thuộc UBND cấp huyện thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và thực hiện, đồng thời đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm tại Quy định này.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.