Quyết định 279/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chương trình Phát triển xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
Số hiệu: | 279/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Hoàng Trung Hải |
Ngày ban hành: | 07/03/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 18/03/2012 | Số công báo: | Từ số 263 đến số 264 |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 279/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 07 tháng 03 năm 2012 |
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình Phát triển xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:
A. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
1. Mục tiêu tổng quát: Tiếp tục phát triển xuất khẩu thủy sản theo hướng bền vững, khả năng cạnh tranh cao, giữ vững vị trí trong nhóm 10 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Phát triển xuất khẩu vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển nuôi trồng, khai thác và dịch vụ thủy sản, góp phần ổn định, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống cho nông, ngư dân.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015:
a) Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản hàng năm trên 8%.
b) Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 7,5 tỷ USD.
c) Tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng đạt trên 60%; giá trị sản phẩm xuất khẩu từ nuôi trồng thủy sản chiếm khoảng 70%.
3. Định hướng đến năm 2020:
a) Tiếp tục là ngành xuất khẩu chủ lực của ngành, của đất nước, góp phần quan trọng đưa kinh tế nông thôn phát triển bền vững, với tốc độ tăng trưởng khoảng trên 7%/năm, giá trị xuất khẩu dự kiến đạt mức 10 - 10,5 tỷ USD.
b) Xây dựng được các thương hiệu thủy sản lớn, có uy tín, tạo thế cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giữ vững và phát triển trên các thị trường thế giới.
B. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Tăng sản lượng thủy sản chế biến xuất khẩu
a) Đến năm 2015 xuất khẩu 1,62 triệu tấn (trong tổng sản lượng thủy sản qua chế biến 2,43 triệu tấn) và năm 2020 xuất khẩu 1,9 triệu tấn (trong tổng sản lượng thủy sản qua chế biến 2,85 triệu tấn).
b) Phấn đấu đến năm 2015 tỉ trọng giá trị của sản phẩm giá trị gia tăng đạt trên 60% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu.
c) Sản lượng và giá trị kim ngạch của một số sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực:
TT |
Nhóm sản phẩm |
Năm 2015 |
Năm 2020 |
||
Sản lượng |
Giá trị |
Sản lượng |
Giá trị |
||
I |
Thủy sản đông lạnh |
1.430 |
6.340 |
1.670 |
8.340 |
1 |
Tôm |
270 |
2.540 |
330 |
3.300 |
2 |
Cá tra |
760 |
2.300 |
850 |
3.000 |
3 |
Cá ngừ |
80 |
320 |
90 |
450 |
|
Cá khác |
210 |
690 |
280 |
940 |
|
Mực và bạch tuộc |
110 |
490 |
120 |
650 |
II |
Thủy sản khô |
60 |
250 |
80 |
400 |
III |
Thủy sản khác |
130 |
910 |
150 |
1260 |
|
Tổng |
1.620 |
7.500 |
1.900 |
10.000 |
2. Về thị trường xuất khẩu
a) Duy trì thị trường truyền thống, đặt biệt giữ vững 3 thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực (EU - Nhật - Mỹ) với tỷ trọng trên 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước. Cụ thể về các thị trường và sản phẩm chủ lực:
- Thị trường EU: Phấn đấu đạt 21% tỉ trọng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản với các sản phẩm xuất khẩu chính là: Cá tra (35%), tôm (15%), cá ngừ (25%), mực, bạch tuộc (20%).
- Thị trường Nhật Bản: Phấn đấu đạt trên 20% tỉ trọng giá trị xuất khẩu thủy sản với các sản phẩm xuất khẩu chính là: Tôm (30%), cá ngừ (10%), mực, bạch tuộc (30%) và các hải sản khác (30%).
- Thị trường Mỹ: Phấn đấu đạt 19% tỉ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản với các sản phẩm chính là: Tôm (15%), cá tra (15%), cá ngừ (35%).
b) Phát triển mạnh xuất khẩu sang các khu vực thị trường còn nhiều tiềm năng như: Đông Âu, Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Ôxtralia,… Đây là những thị trường có mức tăng trưởng tiêu dùng ngày càng cao và ưa thích thủy sản Việt Nam như: Các nước Đông Âu cũ, Bắc Âu (Thụy Điển, Bungaria, Romania, Hungaria, Bỉ, Anh…) và các thị trường Bắc Mỹ, Nam Mỹ. Các thị trường tiềm năng khác như: Hàn Quốc, Trung Quốc (Hồng Kông), ASEAN, châu Phi, đặc biệt là thị trường Trung Đông, thị trường các nước Hồi giáo.
3. Bảo đảm đủ nguồn nguyên liệu và ổn định về chất lượng sản phẩm xuất khẩu
a) Phát triển các mô hình cơ sở chế biến xuất khẩu gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp chế biến lớn, có thương hiệu, uy tín để hình thành các tập đoàn sản xuất - chế biến - xuất khẩu lớn theo mô hình khép kín từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và xuất khẩu; đồng thời chú trọng việc xây dựng và phát triển thương hiệu thủy sản Việt Nam.
b) Tiếp tục phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, nhất là các đối tượng chủ lực, trên các vùng nuôi nước ngọt, nước lợ và biển, đồng thời phát triển khai thác các loài hải sản có giá trị cao, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu có sản lượng ổn định và được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm.
c) Phấn đấu đến 2015, 100% sản phẩm thủy sản xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thực hiện truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các yêu cầu bắt buộc của một số thị trường nhập khẩu lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản và các thị trường mới, khó tính (Nga, Hàn Quốc…).
4. Các dự án ưu tiên (Phụ lục kèm theo).
1. Giữ vững và phát triển thị trường
a) Đối với các thị trường xuất khẩu truyền thống, đặc biệt thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, cần đặc biệt chú trọng:
- Sản phẩm xuất khẩu, trước hết phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, đảm bảo giữ vững uy tín hàng thủy sản Việt Nam; đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đầy đủ, chính xác về quá trình sản xuất và chất lượng của sản phẩm đến rộng rãi người tiêu dùng tại các thị trường.
- Chú trọng đầu tư nghiên cứu, sản xuất và tăng thị phần các loại sản phẩm giá trị gia tăng khác nhau, phù hợp với sức mua, thị hiếu theo đặc thù của từng thị trường. Phát triển mạng lưới cung cấp, bán buôn đến hệ thống siêu thị thông qua liên kết với nhà nhập khẩu, nhà cung cấp đầu mối của nước sở tại.
- Tham gia và có các hoạt động tại các hội chợ thủy sản quốc tế hàng năm; chủ động đối thoại về chính sách phát triển thủy sản và thương mại thủy sản với các thị trường lớn…
- Chủ động theo dõi diễn biến trị trường, cập nhật các chính sách của thị trường để xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại thích hợp đối phó với tranh chấp thương mại, rào cản kỹ thuật, đặc biệt đối với các sản phẩm chủ lực tại các thị trường lớn.
b) Đối với các thị trường tiềm năng, nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu, sức mua và cơ cấu sản phẩm để định hướng cho sản xuất, chế biến xuất khẩu. Tiến hành công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, thông tin tuyên truyền rộng rãi về sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời tiếp cận, tạo được mối liên kết chặt chẽ với nhà nhập khẩu, nhà phân phối lớn của thị trường để thỏa thuận, ký kết các hợp đồng xuất nhập khẩu lâu dài, ổn định với các thị trường này.
2. Đổi mới hoạt động xuất khẩu và xúc tiến thương mại
a) Từng bước phát triển hình thức xuất khẩu trực tiếp cho các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại lớn, siêu thị, thay thế việc xuất khẩu qua trung gian (nhà nhập khẩu) nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Trước mắt, tại các thị trường lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản), thông qua các đại diện thương mại của Việt Nam ký kết hợp đồng với các tổ chức cung ứng thực phẩm cho các trung tâm phân phối, siêu thị của các thị trường này, từng bước xây dựng mạng lưới phân phối thủy sản Việt Nam.
b) Nghiên cứu việc hình thành một số trung tâm xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nói chung, trong đó có thủy sản, tại các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, EU nhằm quảng bá, thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm thủy sản Việt Nam đến thị trường và người tiêu dùng; đồng thời cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường, chính sách, pháp luật của nước sở tại cho các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp mở đại lý và tiến đến hình thành các văn phòng đại diện giới thiệu sản phẩm thủy sản xuất khẩu Việt Nam.
c) Xây dựng trung tâm nghiên cứu, phân tích các thông tin (về nhu cầu, cơ cấu sản phẩm, thị hiếu, tâm lý người tiêu dùng) và dự báo thị trường xuất khẩu thủy sản với đội ngũ chuyên gia có năng lực. Trên cơ sở đó, dự báo được nhu cầu, số lượng và cơ cấu sản phẩm của từng thị trường, từng giai đoạn cụ thể, định hướng cho việc tổ chức sản xuất và chế biến xuất khẩu trong nước.
d) Xây dựng và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại phù hợp với các chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu, theo hướng tăng cường sự tham gia của các hiệp hội và doanh nghiệp.
đ) Tổ chức sâu rộng và có các hình thức phù hợp hơn nữa các hoạt động quảng bá, truyền thông, tiếp thị, hướng dẫn sử dụng và sự hiểu biết đúng về thủy sản Việt Nam, nhất là đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị gia tăng của Việt Nam, đến nhà cung cấp phân phối lớn, hệ thống siêu thị và đông đảo người tiêu dùng nước ngoài.
3. Phát triển nguồn nguyên liệu ổn định và đảm bảo chất lượng
a) Đối với nguyên liệu từ nuôi trồng:
- Tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi thủy sản (cả nước ngọt, nước lợ và nuôi biển), đặc biệt đối với các vùng nuôi các sản phẩm chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, nghêu, cá ngừ đại dương và các hải đặc sản khác…), theo hướng tạo mối liên kết chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Đồng thời từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm tạo ra các vùng nuôi có sản lượng hàng hóa lớn, có chất lượng cao và ổn định. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần phát triển theo hướng chủ động sản xuất nguyên liệu, ký kết hợp đồng thu mua nguyên liệu với người nuôi để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định và kiểm soát chất lượng trong quá trình nuôi. Phát triển các mô hình sản xuất kinh tế tập thể (nhóm hộ, Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Hiệp hội nuôi trồng thủy sản…) vừa đảm bảo phát triển theo quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu có sản lượng lớn, vừa có điều kiện áp dụng các chương trình nuôi tiên tiến và bảo vệ môi trường vùng nuôi.
- Tăng cường quản lý việc thực hiện các quy định về điều kiện sản xuất, việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc trong nuôi trồng thủy sản (Viet GAP) và thực hiện truy xuất nguồn gốc… đối với các cơ sở nuôi thủy sản, cơ sở bảo quản, sơ chế nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm ngay từ khâu sản xuất giống đến nuôi thương phẩm, cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
- Tổ chức lại hệ thống nậu vựa, các đầu mối thu gom sản phẩm nguyên liệu, là cầu nối quan trọng giữa người nuôi với doanh nghiệp, phát huy vai trò tích cực và hạn chế các mặt tiêu cực của hệ thống này nhằm từng bước quản lý tốt thị trường nguyên liệu, đồng thời đảm bảo chất lượng của sản phẩm nguyên liệu sau thu hoạch.
- Trên cơ sở dự báo thị trường, các cơ quan nghiên cứu, dịch vụ và khuyến ngư phải có chương trình kế hoạch cụ thể, nhanh chóng hướng dẫn người nuôi chủ động sản xuất, từ sản xuất các loại giống đến quy trình nuôi… các đối tượng nuôi có lợi thế cạnh tranh, có hiệu quả và đảm bảo chất lượng cung cấp sản lượng lớn cho chế biến xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của thị trường theo từng thời kỳ.
b) Đối với nguyên liệu từ khai thác:
- Tăng giá trị và chất lượng các loại sản phẩm nguyên liệu từ khai thác, trên cơ sở đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học để nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác, nhất là công nghệ bảo quản tiên tiến, giảm tổn thất sau thu hoạch và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất bảo quản sản phẩm…
- Đẩy mạnh khai thác xa bờ, giảm khai thác ven bờ vừa để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời thay đổi được cơ cấu sản phẩm khai thác, từ các loài thủy sản có giá trị kinh tế thấp sang các đối tượng khác có giá trị kinh tế cao, có sản lượng lớn phục vụ chế biến xuất khẩu.
- Áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến đảm bảo các sản phẩm từ khai thác tuân thủ các quy định quốc tế về bảo vệ nguồn lợi và chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU), vượt qua các rào cản của thị trường khó tính.
c) Đối với nguyên liệu nhập khẩu:
- Kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đồng thời cân đối cơ cấu nguyên liệu nhập khẩu thích hợp để chế biến tái xuất, đáp ứng yêu cầu về cơ cấu và số lượng sản phẩm của thị trường và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lực ngành công nghiệp chế biến, tăng kim ngạch xuất khẩu và góp phần quan trọng giải quyết lao động nông thôn có việc làm của nhiều địa phương.
- Tiếp tục nhập khẩu các loại thủy sản không có ở Việt Nam hoặc không đáp ứng đủ yêu cầu về cơ cấu và số lượng thủy sản nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu theo nhu cầu của thị trường, đồng thời nâng cao hiệu suất sử dụng của các nhà máy chế biến. Dự kiến đến năm 2015, nhập khẩu khoảng 600.000 - 700.000 tấn nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu.
4. Tập trung đầu tư phát triển chế biến xuất khẩu theo chiều sâu
a) Chú trọng đầu tư nâng cấp, cải tạo các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
b) Khuyến khích đầu tư công nghệ mới, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, trong đó ưu tiên đầu tư đổi mới dây chuyền, thiết bị chế biến hiện đại, công nghệ tiên tiến, cải tiến mẫu mã, bao bì… để đổi mới sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm chế biến xuất khẩu, kể cả tận dụng phụ phẩm để chế biến các loại sản phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu.
c) Phát triển các sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị gia tăng, giảm tỷ trọng hàng sơ chế, hàng có giá trị gia tăng thấp, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và nhu cầu của từng thị trường nhập khẩu.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm
a) Áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thủy sản về quản lý an toàn thực phẩm từ sản xuất nguyên liệu đến bàn ăn; khuyến khích việc áp dụng các quy chuẩn quốc tế có liên quan.
b) Thường xuyên tổ chức triển khai kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến xuất khẩu. Xử lý nghiêm và thực hiện việc công bố các hành vi vi phạm các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, cạnh tranh không lành mạnh, phá giá thị trường…, nhất là đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh chế biến, xuất khẩu thủy sản, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam và làm thiệt hại lợi ích chung của cộng đồng.
c) Hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất kinh doanh tăng cường năng lực, áp dụng các chương trình sản xuất tiên tiến và hệ thống tự kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm ngay từ khâu bảo quản nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ.
d) Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường của các cơ sở sản xuất, chế biến; tăng mức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất của ngành thủy sản nói chung, trong chế biến thủy sản nói riêng.
6. Tăng cường công tác quản lý và đào tạo cán bộ
a) Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan về an toàn thực phẩm, bảo đảm hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế.
b) Củng cố, kiện toàn hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục thực hiện phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương để thực hiện có hiệu quả Luật An toàn thực phẩm.
c) Phát triển các mô hình dịch vụ công, xã hội hóa các hoạt động tư vấn, đào tạo, kiểm nghiệm và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy cho các tổ chức cộng đồng trong việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, kể cả các tổ chức thuộc bên thứ ba, thực hiện các hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy và kiểm soát chất lượng tại doanh nghiệp.
d) Hỗ trợ các hiệp hội, hội, tổ chức cộng đồng nâng cao năng lực chủ động đối phó, đấu tranh với những tranh chấp, rào cản thương mại trên thị trường quốc tế và chủ động đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước về cơ chế chính sách nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các thành viên và của ngành nói chung.
đ) Đa dạng hóa hình thức đào tạo cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, quản lý, cán bộ kỹ thuật và marketing của các doanh nghiệp nhằm từng bước nâng cao trình độ hiểu biết, giỏi về nghiệp vụ, am hiểu về luật pháp, chính sách thương mại của quốc tế.
7. Về cơ chế chính sách
a) Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình, trong đó:
- Ngân sách nhà nước thực hiện đầu tư và hỗ trợ đầu tư: Xây dựng hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm theo phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị sản phẩm cho các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu và các doanh nghiệp; kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia (thực hiện các chiến dịch thông tin truyền thông và quảng bá sản phẩm thủy sản Việt Nam); xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và quản lý chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu; đào tạo cán bộ nâng cao trình độ nghiệp vụ và luật pháp quốc tế phục vụ công tác thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại trong lĩnh vực thủy sản.
- Vốn của các tổ chức, cá nhân: Đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp cơ sở chế biến theo hướng công nghiệp, hiện đại, đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến xuất khẩu nhằm tăng dần tỷ trọng xuất khẩu hàng có giá trị gia tăng cao, giảm tỷ trọng hàng sơ chế, hàng có giá trị gia tăng thấp; xây dựng và quảng bá thương hiệu cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp; đầu tư bảo đảm các điều kiện cho việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc và áp dụng các chương trình nuôi tiên tiến, bảo vệ môi trường và đào tạo nhân lực của doanh nghiệp.
b) Nghiên cứu xây dựng một số cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển xuất khẩu thủy sản như: Giảm thuế nhập khẩu thủy sản nguyên liệu, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại…
c) Nghiên cứu việc xây dựng Quỹ Phát triển thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam trên cơ sở tự nguyện tham gia của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, với sự hướng dẫn, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.
d) Tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách về đầu tư, tín dụng khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến… theo các quy định hiện hành.
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đạt mục tiêu đề ra; hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chương trình; củng cố, tăng cường năng lực hoạt động cho các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan, đơn vị có chức năng nhiệm vụ liên quan; theo dõi, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện, đề xuất điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách thúc đẩy thực hiện Chương trình đạt hiệu quả cao.
b) Chủ trì, phối hợp và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các dự án cụ thể được phân công.
2. Các Bộ, ngành liên quan
a) Các Bộ, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ chương trình và các đề án, dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có trách nhiệm bố trí, cân đối vốn đầu tư để các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện; chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách về tài chính - tín dụng và đầu tư phù hợp để thực hiện Chương trình đạt mục tiêu và hiệu quả.
b) Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan ngoại giao, đại diện thương mại ở nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường lớn, cung cấp thông tin kịp thời về thị trường, chính sách, pháp luật của nước sở tại, đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các doanh nghiệp trong nước tổ chức thông tin tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm thủy sản Việt Nam; phối hợp với các cơ quan liên quan và doanh nghiệp có biện pháp đấu tranh nhằm giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
c) Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thực hiện các nhóm giải pháp khác liên quan của Chương trình.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Chỉ đạo các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện Chương trình; tổ chức lại sản xuất trên địa bàn theo hướng tiếp cận quản lý hệ thống theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu, trước mắt đối với những sản phẩm xuất khẩu chủ lực; chỉ đạo và hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tích cực tham gia các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ, chia sẻ lợi ích với cộng đồng và người sản xuất.
b) Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện các quy định pháp luật về kiểm soát chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
c) Chỉ đạo các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp lập và tổ chức thực hiện các dự án của Chương trình được phân công.
4. Các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp
a) Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức vận động, tuyên truyền, giáo dục các thành viên và cộng đồng làm nghề thủy sản xây dựng mối liên kết và giám sát chặt chẽ để thực hiện quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và cho xuất khẩu, nhất là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, giữ vững uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế; chủ động hợp tác với các cơ quan quản lý và hiệp hội ngành hàng nước ngoài để mở rộng thị trường, trong đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng và uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam.
b) Đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan về cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển thủy sản gắn với tổ chức lại sản xuất, bảo đảm sản xuất có hiệu quả và phát triển bền vững.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN HỖ TRỢ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC (2012 - 2015)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 07 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ)
TT |
Nội dung |
Đơn vị chủ trì |
Đơn vị phối hợp |
Dự kiến thời gian thực hiện |
Dự kiến kinh phí (tỷ đồng) |
|
Tổng số |
|
|
|
56 |
1 |
Dự án xây dựng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu thủy sản |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Bộ: Công Thương, Ngoại giao; Hiệp hội chế biến và XK TS; các địa phương và các doanh nghiệp chế biến XK |
2012-2013 |
01 |
2 |
Dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, nghiên cứu phân tích và dự báo thị trường xuất khẩu thủy sản |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Bộ: Công Thương, Ngoại giao; Hiệp hội chế biến và XK TS, |
2012-2015 |
10 |
3 |
Dự án xây dựng và thực hiện chương trình quảng bá, thông tin truyền thông cho sản phẩm thủy sản chủ lực và sản phẩm mới |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Bộ: Công Thương, Ngoại giao; Hiệp hội chế biến và XK thủy sản, các địa phương, doanh nghiệp chế biến XK |
Hàng năm |
10 |
4 |
Dự án nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới và sản phẩm giá trị gia tăng |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản, các doanh nghiệp CBXK |
Hàng năm |
10 |
5 |
Dự án hỗ trợ đào tạo cán bộ nâng cao trình độ nghiệp vụ và luật pháp quốc tế phục vụ công tác thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại trong lĩnh vực thủy sản |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Bộ: Công Thương, Ngoại giao, Tư pháp |
Hàng năm |
20 |
6 |
Dự án hỗ trợ áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất nguyên liệu và chế biến thủy sản (Viet GAP, HACCP…) |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các địa phương, doanh nghiệp CBTS |
Hàng năm |
05 |