Quyết định 2788/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020
Số hiệu: | 2788/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Vĩnh Long | Người ký: | Trương Văn Sáu |
Ngày ban hành: | 30/12/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2788/QĐ-UBND |
Vĩnh Long, ngày 30 tháng 12 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH VĨNH LONG ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP , ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội; và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP , ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP , ngày 07/9/2006 của Chính phủ;
Căn cứ Chỉ thị số 28/2007/CT-BNN , ngày 18/4/2007của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đẩy mạnh thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và phòng, chống ô nhiễm làng nghề;
Xét Tờ trình số 182/TTr-SNN PTNT, ngày 13/12/2010 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, gồm các nội dung như sau:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN:
1. Phát triển ngành nghề nông thôn phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quan hệ chặt chẽ với các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá; gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm và vùng nguyên liệu để khai thác tốt tiềm năng tại chỗ theo hướng tập trung, chuyên sâu, phát triển các mặt hàng có lợi thế so sánh và có tính cạnh tranh cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Kết hợp giữa sản xuất thủ công với công nghệ tiên tiến, nguyên liệu tự nhiên với nhân tạo nhằm tăng năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
2. Phát triển ngành nghề nông thôn, phải hướng tới xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm gốm, nấm rơm muối, hột vịt muối, khoai lang, ca cao, các sản phẩm đan kết, tết bện, se lõi, dệt chiếu,…được sản xuất từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương như: Sét, cát sông, lác, khoai lang, ca cao, lục bình,… và các sản phẩm phụ từ nông nghiệp.
3. Phải gắn kết chặt chẽ ngành nghề nông thôn (NNNT) với phát triển du lịch, trên quan điểm hỗ trợ lẫn nhau hình thành tour - tuyến du lịch làng nghề. Đồng thời, thông qua hoạt động du lịch góp phần "thổi hồn", làm tăng giá trị vật thể và phi vật thể của sản phẩm làng nghề, góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá giàu truyền thống dân tộc mang đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ nói chung và người dân Vĩnh Long nói riêng.
4. Chú trọng đào tạo nghề cho nông dân, khai thác và phát huy nội lực, đặc biệt là nguồn lực ngay trong nông dân - nông thôn, đồng thời mở rộng liên kết, tranh thủ các nguồn lực về: Vốn, công nghệ, thị trường bên ngoài,… để tạo ra các sản phẩm hàng hoá có sức cạnh tranh cao.
5. Phát triển ngành nghề nông thôn gắn liền với quan điểm bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống, từng bước khôi phục, phát triển các nghề và làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc đặc thù của từng địa phương thuộc tỉnh Vĩnh Long. Chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá đáp ứng xu thế mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
6. Ưu tiên phát triển mạnh, tạo bước đột phá đối với một số ngành nghề được xác định là thế mạnh của tỉnh Vĩnh Long gồm: Gạch, ngói, gốm đất nung, se lõi lác, dệt chiếu, nấm rơm và hàng thủ công mỹ nghệ.
7. Tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên, thể hiện bản sắc văn hoá của từng địa phương, tập trung chuyển đổi công nghệ, tiến hành di dời hoặc ngưng hoạt động các cơ sở ngành nghề gây ô nhiễm môi trường.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN:
1. Mục tiêu chung:
Phát triển ngành nghề nông thôn nhằm sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, nâng cao giá trị nguồn nguyên liệu tại chỗ, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Khôi phục và phát triển các nghề truyền thống, xây dựng các làng nghề, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đa dạng hoá sản phẩm ngành nghề, góp phần tích cực vào phát triển du lịch và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản lượng (GTSL) ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long trong giai đoạn 2010 - 2020 tăng bình quân khoảng 5,0 - 6,0%/năm, trong đó:
- Thời kỳ 2009 - 2010 tăng bình quân khoảng 5,0 - 6,0%/năm.
- Thời kỳ 2011 - 2015 tăng bình quân khoảng 5,0 - 5,5%/năm.
- Thời kỳ 2016 - 2020 tăng bình quân khoảng 5,0 - 6,0%/năm.
b) Giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn năm 2015 gấp 1,3 - 1,5 lần và năm 2020 gấp 1,5 - 2,0 lần so với GTSL năm 2009.
c) Tỷ trọng lao động tham gia ngành nghề nông thôn chiếm 9,0 - 10,0% tổng dân số nông thôn, chiếm 12,0 - 14,0% tổng dân số nông nghiệp.
d) Tạo việc làm ổn định cho khoảng 65.000 lao động nông thôn (trong đó khoảng 40.000 lao động nữ và 32.000 lao động gia đình), tạo việc làm mới cho khoảng 15.000 - 17.000 ngàn lao động. Nâng tỷ trọng lao động ngành nghề nông thôn chiếm khoảng 7,5 - 8,0% trong tổng lao động xã hội; chiếm khoảng 50,0 - 60,0% lao động không tham gia hoạt động kinh tế toàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho người dân nông thôn.
e) Phấn đấu thu nhập bình quân trên lao động ngành nghề đạt 1,5 - 1,7 triệu đồng/tháng vào năm 2015 và đạt 1,8 - 2,0 triệu đồng/tháng vào năm 2020.
f) Nâng tỷ trọng giá trị sản xuất NNNT trong tổng giá trị sản xuất ở khu vực nông thôn, đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
g) Sử dụng hợp lý, hiệu quả góp phần nâng cao giá trị các nguồn nguyên liệu và phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
h) Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, xây dựng các làng nghề mới, làm hạt nhân cho phát triển ngành nghề. Vực dậy những cơ sở sản xuất "cầm chừng" mở thêm các ngành nghề mới mà Vĩnh Long có thế mạnh về nguyên liệu và triển vọng thị trường.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN:
1. Quy hoạch phát triển nhóm ngành nghề gạch, gốm, đồ gỗ - mộc gia dụng, đan lác, dệt may, cơ khí: Bao gồm các nhóm ngành nghề như: Sản xuất gạch, ngói; sản xuất gốm đất nung (gốm các loại); dệt chiếu; se lõi lác; chằm nón lá; chằm lá lợp nhà; đan đát; đan lục bình; se xơ tơ dừa; se nhang; sản xuất đồ gỗ, mộc gia dụng; may mặc; và cơ khí nhỏ.
2. Quy hoạch phát triển nhóm ngành nghề chế biến, bảo quản nông sản: Bao gồm: Xay xát gạo; sản xuất bột; sản xuất bánh tráng giấy; sản xuất bánh tráng nem; sản xuất cốm dẹp; sản xuất các loại bánh khác từ bột; bánh bún, hủ tiếu; chưng cất rượu (nấu rượu; sản xuất đậu hũ ky; sản xuất tương, chao; sản xuất dưa cải; sấy và đóng giỏ nhãn; chế biến thịt và các sản phẩm từ chăn nuôi; sản xuất nước mắm; cưa xẻ gỗ; sơ chế ca cao; trồng và sơ chế nấm rơm; một số ngành nghề khác.
3. Nhóm ngành xây dựng, vận tải và các dịch vụ khác: Đây là nhóm nghề chủ yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân địa phương, nhu cầu luôn tăng theo mức sống, khi thu nhập ở nông thôn được nâng lên thì nhu cầu về xây dựng nhà cửa, công trình phụ,… sẽ tăng theo.
4. Xử lý chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn: Nhóm ngành nghề này gồm 2 nghề có liên quan trực tiếp đến ngành nghề và làng nghề nông thôn (xay bột gòn và sản xuất than tổ ong).
5. Gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện về vốn, đất đai, kiến thức và kinh nghiệm đầu tư vào nghề gây trồng - kinh doanh sinh vật cảnh. Tập trung phát triển ở các khu vực ven đô, khu vực du lịch sinh thái miệt vườn, đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển làng mai vàng Phước Định thuộc xã Bình Hoà Phước huyện Long Hồ, nhân rộng mô hình sang các vùng có điều kiện thuận lợi tại các xã thuộc cù lao An Bình, các xã còn lại thuộc huyện Long Hồ.
6. Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ: Phát triển với tốc độ bình quân khoảng 4,05%/năm và giá trị sản lượng đạt 7,2 tỷ đồng vào năm 2020, với các giải pháp như: Khuyến khích phát triển các nghề đã có trên địa bàn tỉnh; chủ động liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để tìm kiếm thị trường, có chính sách hỗ trợ các cơ sở tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ tổ chức trong và ngoài tỉnh; phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho những lao động có tay nghề cao, có chính sách thu hút và mời gọi các nghệ nhân từ nơi khác đến Vĩnh Long sản xuất và kinh doanh; chú trọng các chính sách ưu đãi trong đào tạo lao động.
7. Đào tạo nghề, truyền nghề, tư vấn sản xuất, kinh doanh:
Tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Khuyến công tổ chức. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề tại các trung tâm dạy nghề ở các huyện, thành phố. Hỗ trợ kinh phí cho các chủ cơ sở làm nghề tổ chức các lớp đào tạo nghề tại chỗ. Xây dựng mạng lưới thông tin đồng bộ từ Trung tâm Khuyến công của tỉnh đến các cơ sở sản xuất ngành nghề và với bên ngoài. Ngoài ra, các hoạt động liên quan đến truyền nghề và tư vấn sản xuất kinh doanh cũng cần duy trì thường xuyên, liên tục và coi như một định hướng quan trọng trong các hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề, tư vấn sản xuất, kinh doanh.
IV. BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ:
1. Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống:
- Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống gồm các nghề sau: Sản xuất gạch, gốm; đan đát; dệt chiếu; chằm nón lá; chằm lá lợp nhà; làm nhang; làm đậu hũ ky; làm cốm dẹp; làm cải chua; làm tương, chao; nấu rượu; làm bánh tráng nem.
- Phát triển làng nghề và làng nghề mới, gồm các nghề sau: 4 làng nghề đan đĩa và thảm lục bình; 1 làng nghề se tơ xơ dừa; 17 làng nghề se lõi lác; 1 làng nghề kết cườm; 1 làng nghề ghề sấy và đóng giỏ nhãn; 1 làng nghề dịch vụ mua bán khoai lang; 9 làng nghề trồng và sơ chế nấm rơm; 1 làng nghề sơ chế hạt ca cao.
2. Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống:
- 4 làng nghề sản xuất gạch - gốm, thuộc huyện Long Hồ và Mang Thít.
- 1 làng nghề gốm, thuộc huyện Long Hồ.
- 1 làng nghề chằm nón lá, thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ.
- 1 làng nghề chằm lá lợp nhà, xã Long Phước, huyện Long Hồ.
- 1 làng nghề đan đát, xã Phú Đức, huyện Long Hồ.
- 2 làng nghề dệt chiếu, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm.
- 1 làng nghề làm dưa cải chua, xã Tân Lược, huyện Bình Tân.
- 1 làng nghề làm đậu hũ ky, xã Mỹ Hoà, huyện Bình Minh.
- 1 làng nghề làm bánh tráng nem, xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn.
- 1 làng nghề làm tương chao, thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh.
- 1 làng nghề sản xuất nhang, thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh.
- 1 làng nghề quết cốm dẹp, xã Đông Bình, huyện Bình Minh.
- 2 làng nghề nấu rượu, xã Thạnh Đức, Phú Quới, huyện Long Hồ.
3. Phát triển nghề gắn với du lịch:
- Xây dựng khu trưng bày sản phẩm, bán sản phẩm lưu niệm nghề gạch, gốm, gắn kết phục vụ du khách trong các tour du lịch văn hoá làng nghề, du lịch mua sắm.
- Nghiên cứu phát triển làng nghề mai vàng Phước Định, gắn với phát triển du lịch sinh thái vùng cây ăn trái trên đất cù lao thuộc thành phố Vĩnh Long và huyện Long Hồ.
- Khôi phục phát triển các nghề đan đát, chằm nón lá, chằm lá lợp nhà tại huyện Long Hồ, gắn du lịch văn hoá về nguồn, thăm khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, thăm khu di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang.
- Khôi phục phát triển các nghề làm đậu hũ ky, cốm dẹp, làm nhang tại huyện Bình Minh, gắn du lịch sinh thái và tái hiện nền văn minh lúa nước cù lao Mỹ Hoà.
- Khôi phục phát triển các nghề làm bánh tráng nem tại cù lao Mây xã Lục Sỹ Thành huyện Trà Ôn, gắn du lịch sinh thái miệt vườn và khu chợ nổi Trà Ôn.
- Khôi phục phát triển các nghề dệt chiếu tại xã Thanh Bình huyện Vũng Liêm, gắn du lịch sinh thái miệt vườn cù lao Dài, thăm khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tham quan khu lăng mộ thân phụ mẫu danh tướng Thoại Ngọc Hầu.
4. Phát triển ngành nghề mới:
- Phát triển nghề trồng và sơ chế nấm rơm ở các huyện có vùng lúa tập trung như Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn.
- Phát triển nghề sơ chế và lên men hạt ca cao ở huyện Vũng Liêm.
- Nghiên cứu phát triển dịch vụ (hợp tác xã) mua bán, kết hợp kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến khoai lang tại huyện Bình Tân.
V. ĐỀ XUẤT CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ:
1. Xây dựng khu trưng bày giới thiệu sản phẩm nghề gạch, gốm xã Mỹ An - huyện Mang Thít (năm 2011 - 2012).
2. Hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng cho làng mai vàng Phước Định xã Bình Hoà Phước - huyện Long Hồ (năm 2012 - 2013).
3. Đề án bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu lác huyện Vũng Liêm (năm 2011 - 2012).
4. Hỗ trợ nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu bánh tráng nem xã Tân Thạnh - huyện Trà Ôn (năm 2012 - 2013).
5. Hỗ trợ phát triển nghề sản xuất và sơ chế nấm rơm xã Hiếu Thành - huyện Vũng Liêm (năm 2011 - 2012).
6. Hỗ trợ phát triển nghề sản xuất và sơ chế nấm rơm xã Phú Thịnh - huyện Tam Bình (năm 2011 - 2012).
7. Hỗ trợ phát triển nghề sản xuất và sơ chế nấm rơm xã Hoà Bình - huyện Trà Ôn (năm 2011 - 2012).
VI. VỐN ĐẦU TƯ:
Tổng nhu cầu đầu tư đến năm 2020 khoảng 860 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là 60,0 tỷ đồng, vốn vay và vốn tự có là 800 tỷ đồng. Phân ra theo từng giai đoạn: Giai đoạn 2011 - 2015 là 545 tỷ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 là 315 tỷ đồng. Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương là 28,213 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 31,787 tỷ đồng), nguồn vốn này tuy không lớn nhưng có vai trò vô cùng quan trọng để tạo tiền đề cho phát triển các cơ sở ngành nghề, làng nghề và các nhóm nghề đang có nhu cầu cấp thiết về nguyên liệu, mở mang thị trường và đổi mới công nghệ.
Điều 2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với thủ trưởng các sở, ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện quy hoạch tại Điều 1 Quyết định này. Báo cáo kết quả thực hiện gởi về Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thủ trưởng các sở, ngành tỉnh có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Ban hành: 11/01/2008 | Cập nhật: 17/01/2008
Chỉ thị 28/2007/CT-BNN về đẩy mạnh thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và phòng chống ô nhiễm môi trường làng nghề Ban hành: 18/04/2007 | Cập nhật: 02/05/2007
Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Ban hành: 07/09/2006 | Cập nhật: 16/09/2006