Quyết định 2780/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu xử lý chất thải rắn tại huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ
Số hiệu: 2780/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ Người ký: Võ Thành Thống
Ngày ban hành: 01/09/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2780/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 01 tháng 9 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH PHÂN KHU XÂY DỰNG TỶ LỆ 1/2000 KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN TẠI HUYỆN THỚI LAI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chất thải rắn và phế liệu;

Căn cứ Thông tư số 13/2007/TT-BXD ngày 31 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số Điều của Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Thông tư số 01/2013/TT-BXD ngày 08 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn xác định, quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị;

Căn cứ Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 2503/TTr-SXD ngày 26 tháng 8 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu xử lý chất thải rắn tại huyện Thới Lai, với nội dung cụ thể như sau:

1. Tên nhiệm vụ quy hoạch:

Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu xử lý chất thải rắn tại huyện Thới Lai.

2. Phạm vi, ranh giới và quy mô lập quy hoạch:

a) Vị trí: Xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ. Khu đất có tứ cận tiếp giáp như sau:

- Phía Đông Bắc: Tiếp giáp kênh Mới;

- Phía Đông Nam: Tiếp giáp kênh số 2;

- Phía Tây Nam: Tiếp giáp kênh Lò Rèn;

- Phía Tây Bắc: Tiếp giáp đất nông nghiệp.

b) Quy mô khu đất lập quy hoạch: Khoảng 60,2ha.

3. Mục tiêu lập quy hoạch:

- Cụ thể hóa quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Xây dựng Khu xử lý chất thải rắn hiện đại, hướng đến mục tiêu chất thải rắn được xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, hiện đại và phù hợp với đặc tính chất thải rắn trên địa bàn thành phố Cần Thơ; hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất, đảm bảo các quy định bảo vệ môi trường.

- Làm cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng và lập quy hoạch chi tiết xây dựng của dự án; kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư có ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến, ưu tiên tái chế, tái tạo năng lượng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường.

4. Vai trò, chức năng và phạm vi xử lý:

- Vai trò, chức năng: Là khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng, bùn thải từ bể tự hoại và bùn thải từ hệ thống thoát nước; xử lý chất thải rắn y tế nguy hại; xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại; hỗ trợ chôn lấp sau xử lý cho các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố.

- Phạm vi xử lý: Quận Cái Răng, huyện Thới Lai, huyện Phong Điền và các khu vực lân cận; đồng thời, hỗ trợ cho các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố được phân bố theo đồ án quy hoạch chất thải rắn thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

5. Quy mô công suất xử lý:

- Đến năm 2020 công suất xử lý khoảng 750 tấn/ngày; năm 2030 khoảng 1.000 tấn/ngày.

- Công nghệ xử lý: Sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, dễ vận hành và kinh tế; Ưu đãi đối với các công nghệ tái chế, tái tạo năng lượng và các công nghệ khác đảm bảo xử lý được với từng loại chất thải, đảm bảo an toàn môi trường, tiết kiệm quỹ đất.

- Tỷ lệ chất thải rắn được xử lý bằng công nghệ chôn lấp < = 10% tổng lượng chất thải rắn được thu gom.

6. Định hướng, phân khu chức năng quy hoạch:

- Diện tích khu đất quy hoạch: Khoảng 60.2ha, trong đó:

+ Khu điều hành: Văn phòng làm việc, phòng hóa nghiệm, khu vệ sinh,...

+ Khu xử lý được phân khu xử lý theo từng loại chất thải rắn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, trong đó từng khu phải đảm bảo các yêu cầu như: Xưởng cơ điện, trạm cân, tiếp nhận, phân loại, xử lý sinh học, tái chế, kho đốt, bãi chôn lấp,...

+ Hạ tầng kỹ thuật: Đường, sân, bãi đỗ xe, cấp năng lượng, cấp nước, thu gom và xử lý nước thải, chiếu sáng, cây xanh, mặt nước,...

7. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật:

- Cao độ tính toán san lấp: + 2,5m (hệ cao độ Quốc gia Hòn Dấu).

- Cốt xây dựng công trình được lựa chọn phù hợp tính chất của hình thức xử lý chất thải rắn, giải pháp công nghệ và biện pháp xử lý môi trường.

- Tiêu chuẩn cấp điện: 50 - 120 KW/ha (được thiết kế theo yêu cầu của từng loại công nghệ được áp dụng trong khu xử lý).

- Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt: 180 lít/người/ngày-đêm.

- Tiêu chuẩn cấp nước cho khu xử lý: ≥ 20m3/ha/ngày-đêm của tối thiểu 60% diện tích Khu xử lý chất thải rắn tại huyện Thới Lai.

- Tiêu chuẩn thu gom nước thải khu xử lý chất thải rắn phải đạt ≥ 100% tiêu chuẩn cấp nước cho khu lập quy hoạch; nước thải trong khu xử lý phải được phân loại trước khi thu gom và có giải pháp xử lý riêng, không cho phép thấm tự nhiên và đảm bảo các quy định hiện hành về môi trường trước khi đưa ra các nguồn xả.

- Thu gom, xử lý rác: Tỷ lệ thu gom và xử lý đảm bảo 100%; tổ chức thu gom, xử lý rác theo từng phân khu đã được thiết kế.

- Đảm bảo khoảng cách giữa các khối công trình chính trong khu xử lý chất thải rắn: Xác định theo QCVN 07-9:2016/BXD.

Ngoài ra, đồ án quy hoạch tuân thủ các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được quy định tại Quy chuẩn, Tiêu chuẩn hiện hành áp dụng đối với đô thị loại I, đặc thù của ngành, nhằm đáp ứng phục vụ lượng người dự kiến làm việc.

Trường hợp ứng dụng giải pháp phù hợp đưa đến tiết kiệm 50% quỹ đất so với nhiệm vụ tương ứng của các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long được xem xét ưu đãi về đầu tư tại những dự án khác thành phố kêu gọi đầu tư.

8. Nội dung yêu cầu lập đồ án quy hoạch:

a) Phân tích và đánh giá hiện trạng khu vực nghiên cứu lập quy hoạch:

- Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên (địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn,...); rà soát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất tại khu vực lập quy hoạch;

- Đánh giá, tổng hợp hiện trạng phân bố dân cư: Số hộ, số người có liên quan đến khu vực lập quy hoạch;

- Đánh giá tổng hợp lượng chất thải hiện tại và thời gian hoạt động xử lý, có tính đến sự gia tăng dân số và khối lượng chất thải rắn tương ứng;

- Đánh giá, phân tích hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Mạng lưới và các công trình giao thông, nền xây dựng, hệ thống thoát nước, hệ thống cấp nước sạch, hệ thống cấp điện và chiếu sáng, thông tin liên lạc, các điểm thu gom, xử lý chất thải rắn,....

- Phân tích, đánh giá các dự án, các quy hoạch đã và đang triển khai có liên quan đến khu vực lập quy hoạch.

b) Xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của đồ án:

- Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp nước, cấp điện, chiếu sáng,… ) cho toàn khu vực quy hoạch;

- Xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đối với từng lô đất thuộc khu vực quy hoạch: Diện tích, quy mô công trình, quy định về hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng. Nếu trong cùng một lô đất có nhiều khu chức năng thì cần xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cho từng khu chức năng.

c) Quy hoạch sử dụng đất:

- Tính toán, phân bổ quỹ đất từng khu chức năng đảm bảo yếu tố linh hoạt, phù hợp hiện trạng và các Quy chuẩn kỹ thuật, Tiêu chuẩn hiện hành.

- Đề xuất giải pháp phân bố quỹ đất theo chức năng và cơ cấu tổ chức không gian: Trung tâm quản lý điều hành và dịch vụ, các khu vực xử lý, khu vực hạ tầng kỹ thuật, cây xanh,...;

- Đối với đất công viên, cây xanh: Quy định tỷ lệ đối với các loại đất (cây xanh, thảm cỏ, mặt nước; xây dựng công trình; sân lát, lối đi bộ...); xác định dải cây cách ly an toàn trong khu xử lý chất thải rắn theo quy định.

- Xác định các yêu cầu về diện tích đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật (giao thông, chiếu sáng, cấp điện,…), vệ sinh môi trường, quản lý xây dựng đối với từng lô đất; vị trí, quy mô các công trình ngầm (nếu có).

- Quy định cụ thể về khoảng cách an toàn về môi trường của khu xử lý chất thải rắn nhằm đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.

- Quy định cơ chế khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm.

d) Tổ chức không gian quy hoạch, kiến trúc:

Xác định nguyên tắc, yêu cầu tổ chức không gian của từng phân khu trong khu vực lập quy hoạch, trục đường chính.

đ) Định hướng hạ tầng kỹ thuật:

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được bố trí đến mạng lưới đường khu vực, bao gồm các nội dung sau:

- Xác định cốt xây dựng đối với từng lô đất;

- Xác định được khung hạ tầng giao thông (gồm trục đường chính, trục đường phụ), tổ chức mạng lưới và xác định các tuyến giao thông đảm bảo việc vận chuyển rác an toàn môi trường theo quy định; xác định mặt cắt, chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng; xác định và cụ thể hóa quy hoạch chung về vị trí, quy mô các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan;

- Xác định nhu cầu dùng nước cho toàn khu và đề xuất nguồn cấp nước; vị trí, quy mô công trình nhà máy, trạm bơm nước; mạng lưới đường ống cấp nước và các thông số kỹ thuật cụ thể;

- Xác định nhu cầu sử dụng và nguồn cung cấp năng lượng (điện, khí đốt); vị trí, quy mô các trạm điện phân phối; mạng lưới đường dây trung thế và hệ thống chiếu sáng;

- Xác định nhu cầu và công trình hạ tầng viễn thông thụ động;

- Xác định tổng lượng nước thải và rác thải; mạng lưới thoát nước; vị trí, quy mô các công trình xử lý nước thải, chất thải.

e) Đánh giá môi trường chiến lược:

- Xác định các vấn đề môi trường chính tại khu vực lập quy hoạch;

- Đánh giá diễn biến môi trường trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng đặc thù;

- Đề xuất các biện pháp phòng ngừa và thứ tự ưu tiên thực hiện; đề xuất các khu vực cách ly, bảo vệ môi trường cho các khu vực chức năng.

9. Yêu cầu về thành phần và hồ sơ sản phẩm:

Thành phần hồ sơ và nội dung đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu xử lý chất thải rắn tại huyện Thới Lai theo quy định tại Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù.

10. Tổ chức thực hiện:

- Chủ đầu tư lập quy hoạch: Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ.

- Cơ quan phê duyệt: Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.

- Cơ quan thẩm định: Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ.

- Nguồn vốn: Ngân sách Nhà nước.

- Tư vấn lập quy hoạch: Viện Quy hoạch xây dựng, Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ.

- Thời gian thực hiện: Năm 2016.

Điều 2. Giao Chủ đầu tư tổ chức lập đồ án quy hoạch trình phê duyệt theo đúng trình tự, thủ tục quy định.

Quá trình thực hiện, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập quy hoạch phải phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan để thực hiện đồ án quy hoạch đồng bộ, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và khả thi.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thới Lai, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Võ Thành Thống