Quyết định 2775/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành y tế tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020
Số hiệu: | 2775/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Đồng Nai | Người ký: | Võ Văn Một |
Ngày ban hành: | 25/08/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Y tế - dược, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2775/QĐ-UBND |
Biên Hòa, ngày 25 tháng 8 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH Y TẾ TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 33/2003/QĐ-TTg ngày 04/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2001 - 2010 (điều chỉnh);
Căn cứ Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 4312/2004/QĐ.CT.UBT ngày 20/9/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt Đề cương rà soát quy hoạch tổng thể phát triển ngành y tế tỉnh Đồng Nai đến năm 2010;
Xét đề nghị của Sở Y tế tại Văn bản số 841/SYT-KHTH ngày 07/5/2008 về việc xin phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành y tế tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 232/TTr-SKHĐT ngày 19/5/2008 về việc đề nghị phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành y tế tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành y tế tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
I. Phương hướng, mục tiêu phát triển y tế đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020:
1. Phương hướng phát triển:
Xây dựng hệ thống y tế tỉnh Đồng Nai từng bước hiện đại, hoàn chỉnh hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển; đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống; đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra trong chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đến năm 2010 và những năm tiếp theo.
2. Mục tiêu phát triển y tế:
a) Mục tiêu tổng quát:
Giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng nòi giống, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và thói quen giữ gìn sức khỏe của nhân dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
b) Các chỉ tiêu cơ bản:
Nâng tuổi thọ trung bình của dân số tăng lên 76 tuổi vào năm 2010, 77 tuổi vào năm 2015 và 78 tuổi vào năm 2020.
Giảm tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi xuống 17‰ vào năm 2010, 12‰ vào năm 2015 và 5‰ vào năm 2020.
Giảm tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi xuống 23‰ vào năm 2010, 18‰ vào năm 2015 và 10‰ vào năm 2020.
Giảm suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới 15% vào năm 2010, 12% vào năm 2015 và 10% vào năm 2020.
Phấn đấu đạt tỷ lệ giường bệnh/vạn dân là 22,88 giường vào năm 2010 và trên 32 giường/vạn dân vào năm 2020.
Phấn đấu đạt tỷ lệ 7 bác sĩ và 1 dược sĩ đại học/vạn dân vào năm 2010; 7,5 bác sĩ và 1,5 dược sĩ đại học vào năm 2015; 8 bác sĩ và 2 dược sĩ đại học vào năm 2020.
c) Mục tiêu cụ thể đến năm 2010:
- Phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS:
+ Phòng chống sốt rét:
Khống chế không để dịch xảy ra, đẩy lùi bệnh sốt rét ở những vùng có sốt rét lưu hành nặng. Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu 3 giảm:
Giảm số mắc sốt rét chung bình quân mỗi năm 10% so với năm trước.
Giảm số sốt rét ác tính tối đa có thể được.
Phấn đấu không để tử vong do sốt rét.
Giảm 50% xã có ký sinh trùng sốt rét nội địa.
Phấn đấu có thêm nhiều huyện đạt tiêu chuẩn phòng chống sốt rét Quốc gia.
+ Phòng chống các rối loạn do thiếu hụt iode:
Bảo đảm trên 95% hộ gia đình dùng muối iode đủ tiêu chuẩn về hàm lượng.
Giảm tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 - 12 tuổi đến năm 2010 còn dưới 3%.
Lượng iode niệu trẻ em từ 8 - 12 tuổi là 12 mcg/dl.
+ Tiêm chủng mở rộng (TCMR):
Tiêm chủng đầy đủ 6 loại vắccin cho trẻ dưới 1 tuổi đạt tỷ lệ trên 98%.
Tiêm đủ liều vắccin phòng uốn ván cho phụ nữ có thai đạt tỷ lệ trên 95%.
Bảo đảm 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm phòng viêm gan siêu vi B.
Bảo đảm cung ứng đủ các loại vắccin cần thiết khác theo yêu cầu phòng bệnh của nhân dân như: Phòng dại, Viêm não Nhật Bản B, Viêm não - màng não do não mô cầu, phòng uốn ván.
+ Phòng chống phong:
Hạ thấp tỷ lệ bệnh phong lưu hành còn dưới 0,2/10.000.
Loại trừ bệnh phong ở cấp huyện theo tiêu chuẩn WHO.
Loại trừ bệnh phong ở các huyện và toàn tỉnh theo 3 tiêu chuẩn của Việt Nam.
100% số bệnh nhân phong được quản lý chăm sóc điều trị.
Trên 50% bệnh nhân phong bị tàn phế được chăm sóc tàn tật và điều trị phục hồi chức năng.
+ Phòng chống Lao:
Tiếp tục phấn đấu giảm nguy cơ nhiễm lao hàng năm là 0,09%. Phấn đấu đến 2010 tỷ lệ nhiễm lao trong nhân dân còn dưới 1%.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác khám điều tra phát hiện lao trong nhân dân.
Tăng hiệu quả điều trị khỏi số bệnh nhân AFB + lên đến trên 95% vào năm 2010.
+ Phòng chống HIV/AIDS:
Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư. Giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường phát hiện, điều trị sớm hạn chế đến mức tối đa sự lây lan ra cộng đồng.
Khống chế lây nhiễm HIV/AIDS từ nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng, triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp giảm tác hại.
Bảo đảm trên 80% người nhiễn HIV được quản lý và tham vấn tại địa phương.
100% các bà mẹ mang thai nếu phát hiện bị nhiễm HIV đều được tư vấn, điều trị và quản lý chăm sóc thích hợp.
Xóa bỏ mặc cảm của người bệnh và sự xa lánh, kỳ thị của gia đình và cộng đồng đối với người nhiễm HIV.
+ Phòng chống suy dinh dưỡng:
Giảm suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới 15% vào năm 2010;
Giảm tỷ lệ trẻ mới đẻ có cân nặng dưới 2.500 gram xuống còn 1,5%.
Giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng bình quân mỗi năm từ 1% - 1,5% mỗi năm.
Nâng tăng trọng cơ thể phụ nữ mang thai ít nhất 10 kg trong suốt thai kỳ.
+ Phòng chống sốt xuất huyết:
Giảm bình quân 10% - 20% số người mắc bệnh hàng năm.
Giảm tối đa số tử vong do sốt xuất huyết.
100% số bệnh nhân nghi sốt xuất huyết được chẩn đoán bằng xét nghiệm huyết thanh, 5 - 10% được phân lập virus.
+ Bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm:
Phấn đấu từ 80 - 85% cơ sở sản xuất thực phẩm có giấy phép kinh doanh được kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế.
80% dân số được truyền thông tiếp nhận thông tin về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phấn đấu có ít nhất 20% số xã, phường đạt tiêu chuẩn an toàn thức ăn đường phố.
Quản lý 100% cơ sở thực phẩm cả cơ sở thức ăn đường phố theo phân cấp quản lý.
+ Chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng:
Phấn đấu bình quân mỗi năm phát triển thêm từ 5 đến 10 xã, phường tham gia Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng.
Giảm tỷ lệ bệnh tâm thần tái phát phải nhập viện, phục hồi chức năng giúp bệnh nhân sống ổn định hòa nhập với gia đình và cộng đồng. Bảo đảm quản lý tốt bệnh nhân tâm thần phân liệt và 95% được điều trị ổn định tại cộng đồng.
- Khám chữa bệnh:
+ Y học hiện đại:
Củng cố, sắp xếp lại mạng lưới khám chữa bệnh một cách hợp lý theo địa bàn cụm dân cư.
Tăng cường đưa bác sĩ về công tác tuyến y tế cơ sở, phấn đấu đến cuối năm 2010 có 100% xã, phường có bác sĩ công tác lâu dài.
Có 7 bác sĩ và 1 dược sĩ đại học/vạn dân. Đảm bảo tỷ lệ bác sĩ/điều dưỡng là 1/3,5 để thực hiện chăm sóc toàn diện cho người bệnh.
Có 1 dược sĩ đại học/vạn dân vào năm 2010.
Phấn đấu bảo đảm luôn đạt công suất giường bệnh hàng năm trên 80%, đồng thời mỗi cơ sở điều trị phấn đấu tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo, đối tượng ưu đãi xã hội ở những khu vực khó khăn mỗi năm ít nhất 4 lần.
Bảo đảm cơ cấu hợp lý về số lượng lương y, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng ở các cơ sở y tế để phục vụ tốt bệnh nhân.
Tiếp tục đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế theo chuẩn Quốc gia.
Đầu tư trang thiết bị hiện đại, phát triển thêm nhiều dịch vụ kỹ thuật cao như: Máy chụp cộng hưởng từ (MRI), Siêu âm màu 3D, 4D, Laser trị liệu, Oxy cao áp, phẫu thuật nội soi xương khớp, các trị liệu đồng vị phóng xạ, tim mạch học can thiệp.
Thực hiện đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh: Bệnh viện công, bệnh viện liên doanh, bệnh viện dân lập, bệnh viện tư nhân.
+ Y dược học cổ truyền:
Hoàn thiện hệ thống tổ chức và quản lý y dược học cổ truyền.
Phát triển các vườn thuốc nam ở các cơ sở y tế: Bệnh viện YHCT, Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, Trường Cao đẳng y tế, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế đều phải xây dựng vườn thuốc Nam mẫu theo quy định. Thành lập thêm các tổ chẩn trị tại các trạm y tế.
Chỉ tiêu khám chữa bệnh hàng năm bằng YHCT tuyến tỉnh đạt 20%, tuyến huyện đạt 20% và tuyến phường, xã 40% trên tổng số bệnh nhân được khám và điều trị.
Chỉ tiêu sử dụng thuốc YHCT ở tuyến tỉnh là 20%, tuyến huyện là 25% và tuyến phường, xã 40%.
+ Sản xuất và kinh doanh dược phẩm:
Về sản xuất: Phát triển công nghiệp dược, thực hiện sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Đẩy mạnh sản xuất thuốc chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành thấp đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Tăng cường nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thuốc, hạn chế tối đa việc nhập khẩu thành phẩm nhất là các loại thuốc trong nước sản xuất được.
Về kinh doanh: Bảo đảm cung ứng đủ thuốc có hiệu lực, an toàn, giá cả hợp lý đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng và chữa bệnh cho nhân dân, chú ý phát triển mạng lưới phân phối ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.
Quy hoạch mạng lưới bán lẻ, nâng cấp trình độ chuyên môn người bán thuốc.
Bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng, giá cả phù hợp. Thực hiện sự công bằng trong cung ứng thuốc cho người bệnh. Ưu tiên thuốc thiết yếu, chú trọng thuốc cổ truyền. Thực hiện có hiệu quả chính sách Quốc gia về thuốc trên địa bàn tỉnh.
II. Quy hoạch phát triển mạng lưới y tế đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020:
- Trung tâm Y tế Dự Phòng.
- Trung tâm Phòng chống Sốt rét.
- Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản quy mô 10 giường. (Trung tâm BVSKBM-TE&KHHGĐ cũ).
- Trung tâm Răng - Hàm - Mặt.
- Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm và Thực phẩm.
- Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe lao động và Môi trường quy mô 50 giường.
- Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe.
- Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS.
- Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai.
- Trung tâm Giám định Y khoa.
- Trung tâm Pháp Y.
- Bệnh viện Da liễu, quy mô 100 giường. (Gồm cả 50 giường điều trị AIDS).
- Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, quy mô 150 giường.
- Bệnh viện Y học Cổ truyền, quy mô 100 giường.
- Bệnh viện Nhi Đồng, quy mô 500 giường - Hạng I.
- Bệnh viện Đa khoa khu vực Thống Nhất, quy mô 550 giường - Hạng I.
- Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, quy mô 450 giường - Hạng II.
- Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành, quy mô 450 giường - Hạng II.
- Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán, quy mô 250 giường - Hạng II.
(Tổng cộng 3.780 giường bệnh).
2. Tuyến huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa:
Gồm 11 Trung tâm Y tế Dự phòng huyện, TX. Long Khánh và TP. Biên Hòa và 8 Bệnh viện Đa khoa huyện gồm: Nhơn Trạch, Dầu Giây, Trảng Bom, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Tân Phú và TP. Biên Hòa. (quy mô mỗi bệnh viện là 100 giường bệnh, riêng Xuân Lộc và Tân Phú có quy mô 150 giường).
(Tổng cộng 900 giường bệnh).
3. Phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV):
Mạng lưới Phòng khám đa khoa khu vực gồm có: PKĐKKV Bửu Hòa (TP. Biên Hòa); Long Phước, Tam Phước, Bình Sơn (H. Long Thành); Quang Trung và xã Lộ 25 (H. Thống Nhất); Cây Gáo (H. Trảng Bom); Xuân Hưng (H. Xuân Lộc); Phú Túc, Thanh Sơn (H. Định Quán); Nam Cát Tiên, Phú Lập (H. Tân Phú); Thạnh Phú, Phú Lý (H. Vĩnh Cửu); Xuân Tây, Sông Ray (H. Cầm Mỹ). (quy mô mỗi phòng khám đa khoa khu vực là 10 giường bệnh, riêng Quang Trung có quy mô 20 giường và Thạnh Phú có quy mô 50 giường).
(Tổng cộng 210 giường bệnh).
Dự kiến phát triển thêm mỗi huyện, thị xã, thành phố từ 1 đến 2 phòng khám ĐKKV liên xã, nâng tổng số PK.ĐKKV đến năm 2010 là 21 phòng khám và tổng số giường bệnh của phòng khám đa khoa khu vực là 300 giường, dự kiến đến năm 2020 là 40 phòng khám với quy mô 380 giường.
4. Phát triển mạng lưới và giường bệnh tư nhân:
Dự kiến phát triển phòng khám đa khoa ngoài công lập cho các cụm dân cư liên xã, phường từ 1 đến 2 phòng khám tại mỗi huyện; tại TP. Biên Hòa và TX. Long Khánh mỗi địa phương từ 3 đến 4 phòng khám.
Phát triển các bệnh viện tư nhân do doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư trên địa bàn TP. Biên Hòa, TX. Long Khánh và các huyện.
Tổng số giường bệnh chung trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 là 6.180 giường, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 22,88.
Định hướng quy hoạch đến năm 2020, tổng số giường bệnh của tỉnh (không tính tuyến xã, phường, thị trấn) là: 13.360 (bao gồm công lập và ngoài công lập), tỷ lệ giường bệnh trên/vạn dân đạt 44,5.
III. Các giải pháp tổ chức thực hiện:
1. Về nguồn nhân lực:
Phát triển nguồn nhân lực y tế cân đối và hợp lý, đảm bảo đạt được các chỉ tiêu cơ bản. Huy động các tổ chức, cá nhân đầu tư bệnh viện trên địa bàn có trách nhiệm góp phần cùng hệ thống y tế Nhà nước trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực và có chế độ thu hút, tiếp nhận bác sĩ, dược sĩ, cán bộ y tế từ các địa phương khác.
Tiếp tục đào tạo chuyên sâu trên đại học với các loại hình: Tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ - dược sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II.
Dự kiến đến năm 2010 toàn ngành cần có gần 1.000 bác sĩ, trong đó: Tuyến tỉnh cần 500 - 600; tuyến huyện cần 300 - 350; tuyến xã, phường cần 100 - 150.
Thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chính quy tập trung kết hợp với tại chức, cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ nhằm phát huy tốt loại hình liên kết đào tạo với sự hỗ trợ của các Trường Đại học trong thời gian qua như: Trung tâm đào tạo TP. Hồ Chí Minh, Đại học Y Huế, Đại học Y Cần Thơ, Học viện Quân Y 2 (Bộ Quốc phòng).
Ngoài ra, cần phải động viên, khuyến khích và tiếp nhận bác sĩ, dược sĩ từ các địa phương khác đến, đồng thời phát huy tính tích cực của các thầy thuốc đã nghỉ hưu đang tham gia hoạt động trong hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng với hệ thống y tế Nhà nước chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Tiếp tục mở rộng và nâng cấp Trường Cao đẳng Y tế, tăng chỉ tiêu đào tạo hàng năm hệ cao đẳng, trung học và liên thông các loại hình đào tạo.
2. Về đất đai:
UBND các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên bố trí quỹ đất cho xây dựng và phát triển các cơ sở y tế kể cả công lập và ngoài công lập.
Diện tích đất để xây dựng cần được bảo đảm:
Bệnh viện tuyến tỉnh: 60 - 100m2/giường bệnh.
Bệnh viện tuyến huyện: 100 - 120m2/giường bệnh.
Trung tâm Y tế Dự phòng tuyến huyện: 3.000m2 - 5.000m2/Trung tâm.
Phòng khám Đa khoa khu vực liên xã: 3.000m2 - 5.000m2/Phòng khám.
Trạm y tế:
> 500m2 đối với khu vực nông thôn.
> 150m2 đối với khu vực thành thị.
Trong đó có ít nhất 25% diện tích đất dành cho cây xanh.
Diện tích sàn bình quân/giường bệnh:
Bệnh viện tuyến tỉnh: 65 - 80m2/giường bệnh.
Bệnh viện tuyến huyện: 75 - 90m2/giường bệnh.
3. Tổng nhu cầu vốn: 15.486,5 tỷ đồng bao gồm vốn NSNN đầu tư, vốn huy động của doanh nghiệp trong và ngoài nước. (đính kèm Phụ lục I và II).
Vốn Ngân sách Nhà nước: 6.941,5 tỷ đồng.
Vốn huy động của doanh nghiệp trong và ngoài nước: 8.545 tỷ đồng.
Trong đó:
a) Giai đoạn 2006 - 2010: 5.042,5 tỷ đồng.
Vốn ngân sách Nhà nước: 3.162,5 tỷ đồng.
Vốn huy động của doanh nghiệp trong và ngoài nước: 1.880 tỷ đồng.
Trong đó:
Sự nghiệp y tế: 906,6 tỷ đồng.
- Hoạt động sự nghiệp: 796,6 tỷ đồng.
- Khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi: 110 tỷ đồng.
Đầu tư phát triển: 4.135,9 tỷ đồng.
b) Giai đoạn 2011 - 2020: 10.444 tỷ đồng.
Vốn ngân sách Nhà nước: 3.779 tỷ đồng.
Vốn huy động của doanh nghiệp trong và ngoài nước: 6.665 tỷ đồng.
Trong đó:
Sự nghiệp y tế: 2.042 tỷ đồng.
- Hoạt động sự nghiệp: 1.800 tỷ đồng.
- Khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi: 242 tỷ đồng.
Đầu tư phát triển: 8.402 tỷ đồng.
Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch
Sở Y tế tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng, các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa để triển khai thực hiện quy hoạch.
Các Sở, ngành chức năng liên quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa về các lĩnh vực chuyên môn do ngành mình phụ trách để thực hiện quy hoạch này.
UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa xây dựng chương trình phát triển mạng lưới y tế trên địa bàn phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Quyết định 30/2008/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 Ban hành: 22/02/2008 | Cập nhật: 27/02/2008
Quyết định 153/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 Ban hành: 30/06/2006 | Cập nhật: 15/07/2006
Quyết định 33/2003/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2001-2010 (điều chỉnh) Ban hành: 04/03/2003 | Cập nhật: 04/10/2011