Quyết định 2753/QĐ-UBND năm 2011 về Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011-2015
Số hiệu: 2753/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang Người ký: Sèn Chỉn Ly
Ngày ban hành: 13/12/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2753 /QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 13 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1241/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015;

Xét đề nghị của Sở Lao động – Thương binh và xã hội tại Tờ trình số 88/TTr-SLĐTBXH ngày 02 tháng 12 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Lao động-TBXH (B/c);
- Thường trực Tỉnh uỷ (B/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (B/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Uỷ ban MTTQ VN tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ;
- Vụ Bình đẳng giới - Bộ LĐTBXH;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VHXH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Sèn Chỉn Ly

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Kèm theo Quyết định số 2753 /QĐ-UBND ngày 13 /12/2011 của UBND tỉnh Hà Giang)

I. Đặc điểm chung của tỉnh

Hà Giang là một tỉnh miền núi, biên giới phía bắc, với diện tích tự nhiên 7.914,89 km2, trong đó: diện tích đất sản xuất nông nghiệp 153.076,4 ha, đất lâm nghiệp có rừng 524.367,8 ha. Có trên 274 km đường biên giới giáp với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Đơn vị hành chính có 10 huyện và một thành phố, có 195 xã phường và thị trấn, 1.986 thôn, bản và tổ dân phố. Toàn Tỉnh có 22 dân tộc (Dân tộc Mông chiếm 31,84%, dân tộc Tày chiếm 23,3%, dân tộc Dao chiếm 15%, dân tộc Kinh chiếm 13,4%...). Tính đến 31/12/2010, tổng số hộ toàn tỉnh là 151.816 hộ, dân số là 743.441 người, trong đó nữ 372.269 người, mật độ dân số 93 người/km2. Hộ nghèo theo tiêu chuẩn hiện hành 63.453 hộ chiếm 41,80%, trong đó phụ nữ là chủ hộ 3.991 người, hộ nghèo là dân tộc thiểu số 63.053 hộ, chiếm 41,5%.

Đồi núi ở Hà Giang chiếm hơn ¾ diện tích, chủ yếu là núi đá vôi, núi cao, vực sâu và độ dốc lớn trải dài từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông.Với dạng địa hình dốc và bị chia cắt nhiều nên hệ thống sông, suối của Hà Giang đều có nhiều ghềnh, thác và thường gây lũ trong mùa mưa, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp, trong những năm qua nhân dân Hà Giang đã phát huy nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của Nhà nước và các thành phần kinh tế khác, giành nhiều thắng lợi khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trên 13,78%. Sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 367 kg (năm 2005), đạt 444,8 kg (năm 2010). Nét khởi sắc ấy là tiền đề quan trọng để nhân dân các dân tộc Hà Giang vững bước trên con đường xây dựng cuộc sống ấm no, thịnh vượng.

II. Mục tiêu thực hiện

1. Mục tiêu tổng quát

Nhằm triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011-2015, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới; cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

2. Các mục tiêu cụ thể

Mục tiêu 1: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.

- Chỉ tiêu 1: Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2011 – 2015 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 từ 30% trở lên.

- Chỉ tiêu 2: Phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

- Chỉ tiêu 3: Phấn đấu đến năm 2015 đạt 70% ban của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Mục tiêu 2: Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.

- Chỉ tiêu 1: Hằng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới (nam và nữ).

- Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015.

- Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 25% vào năm 2015.

- Chỉ tiêu 4: Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 80% vào năm 2015.

Mục tiêu 3: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

- Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt 90% vào năm 2015.

- Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 40% và tỷ lệ nữ tiến sỹ đạt 20% vào năm 2015.

Mục tiêu 4: Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

- Chỉ tiêu 1: Tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 113 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2015.

- Chỉ tiêu 2: Giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản xuống 58,3/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2015.

- Chỉ tiêu 3: Tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lên 40% vào năm 2015 so với năm 2010.

- Chỉ tiêu 4: Giảm tỷ lệ phá thai xuống 27/100 trẻ đẻ sống vào năm 2015.

Mục tiêu 5: Bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa và thông tin.

- Chỉ tiêu 1: Đến năm 2015 giảm 60% sản phẩm văn hóa, thông tin mang định kiến giới. Tăng thời lượng phát sóng các chương trình, chuyên mục và số lượng các sản phẩm tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới.

- Chỉ tiêu 2: Đến năm 2015 có 90% đài phát thanh và đài truyền hình địa phương có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.

Mục tiêu 6: Bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

- Chỉ tiêu 1: Rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống 2 lần vào năm 2015.

- Chỉ tiêu 2: Đến năm 2015 đạt 40% số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình. Đến năm 2015 đạt 70% số người gây bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Chỉ tiêu 3: Đến năm 2015 có 100% số nạn nhân bị buôn bán trở về thông qua trao trả, được giải cứu, số nạn nhân bị buôn bán tự trở về được phát hiện được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.

Mục tiêu 7: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ.

- Chỉ tiêu 1: Đến năm 2015 có 80% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.

- Chỉ tiêu 2: Đến năm 2015 có 100% thành viên các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới được tập huấn kiến thức về giới, phân tích và lồng ghép giới.

- Chỉ tiêu 3: Đến năm 2015 các huyện, thành phố bố trí đủ cán bộ làm công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ; hình thành đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ.

- Chỉ tiêu 4: Đến vào năm 2015 có 100% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ ở các cấp, các ngành được tập huấn nghiệp vụ ít nhất một lần.

III. Các giải pháp chủ yếu

1. Giải pháp chung

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhà nước về bình đẳng giới. Hoàn thiện hệ thống chính sách về bình đẳng giới. Thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới. Thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của các sở, ngành; trong xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới.

- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2015 nhằm hỗ trợ các sở, ban, ngành, cơ sở giải quyết những vấn đề trọng tâm của công tác bình đẳng giới.

- Phát triển các hệ thống dịch vụ có chất lượng nhằm hỗ trợ nữ và nam bình đẳng về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng cường xã hội hóa và phối hợp liên ngành trong việc tổ chức các hoạt động về bình đẳng giới.

- Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho công tác bình đẳng giới; chi ngân sách nhà nước cho công tác bình đẳng giới theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; ưu tiên nguồn lực cho những ngành, vùng, khu vực có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ cao về bất bình đẳng giới, vùng nông thôn, vùng nghèo, vùng miền núi còn nhiều tập tục lạc hậu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Tăng cường công tác nghiên cứu về bình đẳng giới trên các lĩnh vực. Xây dựng cơ sở dữ liệu về bình đẳng giới phục vụ công tác nghiên cứu và hoạch định chính sách về bình đẳng giới.

2. Các giải pháp cụ thể

2.1. Nhóm các giải pháp để thực hiện mục tiêu 1:

- Thực hiện công tác quy hoạch dài hạn cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ với các chỉ tiêu cụ thể và giải pháp thực hiện.

- Tăng cường công tác tuyên truyền về bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về công tác cán bộ nữ, góp phần xóa bỏ các định kiến, các quan niệm không phù hợp về vai trò của nam và nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Đa dạng hóa các hình ảnh của nữ giới với các vai trò và nghề nghiệp khác nhau.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, trước hết là quy định về độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm.

- Hỗ trợ việc nâng cao năng lực cho nữ lãnh đạo trẻ thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án nâng cao năng lực.

2.2. Nhóm các giải pháp để thực hiện mục tiêu 2:

- Giảm chi phí tiếp cận việc làm và thời gian tìm việc của người lao động thông qua việc xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động, tư vấn về việc làm và về cơ hội đầu tư. Xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động và đào tạo nghề có tách biệt theo giới tính. Có các biện pháp cụ thể để khuyến khích đầu tư vào việc cung cấp thông tin về thị trường lao động, thị trường đầu tư, thị trường tài chính v.v… với giá rẻ, bảo đảm tính trung thực và cập nhật.

- Tiếp tục hoàn thiện chính sách và mở rộng đối tượng tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội, nhất là đối với nhóm lao động mới; thực hiện các biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của nữ giới và nam giới tham gia bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp, chú ý nhóm dễ bị tổn thương (như lao động di cư, lao động nghèo ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số).

- Bảo đảm các điều kiện để phụ nữ được tiếp cận đầy đủ và bình đẳng giới các nguồn lực kinh tế (như đất canh tác, các nguồn vốn tín dụng, thông tin thị trường, thông tin về luật pháp, chính sách), bình đẳng về cơ hội tham gia sản xuất kinh doanh.

- Các chính sách, chương trình đào tạo nghề cần tập trung vào khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số; thu hút nhiều lao động nữ; nâng cao tay nghề, kỹ năng, cách quản lý, kinh doanh phát triển tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng cũng như phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống dân cư ở nông thôn. Có chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là cơ sở thu hút nhiều lao động nữ.

- Bảo đảm các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm sử dụng ngân sách nhà nước thu hút nhiều học viên nữ. Xác định và bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu về nữ trong việc bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo cho người dân ở khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, hỗ trợ họ áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp và chế biến.

- Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các chính sách đối với lao động nữ nhằm bảo đảm tính hiệu quả, công bằng trong chính sách đào tạo nghề, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động và chế độ nghỉ hưu.

2.3. Nhóm các giải pháp để thực hiện mục tiêu 3:

- Đưa nội dung về giới vào các chương trình bồi dưỡng về quản lý nhà nước, đào tạo về cao cấp lý luận chính trị nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt.

- Có những chính sách đặc thù cho một số nhóm đối tượng: chính sách, chương trình học bổng hỗ trợ trẻ em gái và phụ nữ tham gia học tập nâng cao trình độ, đặc biệt có chính sách khuyến khích đối với trẻ em gái, phụ nữ nông thôn và vùng dân tộc thiểu số; chính sách đặc thù cho giáo dục mầm non ở vùng sâu, vùng xa và vùng có điều kiện khó khăn; chính sách thu hút giáo viên tiểu học và mầm non là nam giới.

- Thực hiện lồng ghép giới trong các chính sách, chương trình, kế hoạch của ngành giáo dục; xây dựng cơ sở dữ liệu có tách biệt theo giới tính, dân tộc ở các cấp học, bậc học.

2.4. Nhóm các giải pháp để thực hiện mục tiêu 4:

- Tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho phụ nữ và nam giới. Đặc biệt, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản linh hoạt, dễ tiếp cận và miễn phí đối với phụ nữ và nam giới vùng dân tộc thiểu số.

- Mở rộng mạng lưới tư vấn về sức khỏe sinh sản cho nam giới.

- Tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho phụ nữ và nam giới. Tăng cường sự tham gia của nam giới vào việc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Mở rộng các hoạt động truyền thông đối với người chưa thành niên về sức khỏe tình dục, tránh thai an toàn.

- Thực hiện lồng ghép giới trong các chính sách, chương trình, kế hoạch của ngành y tế.

2.5. Nhóm các giải pháp để thực hiện mục tiêu 5:

- Nâng cao nhận thức về giới cho người sản xuất các sản phẩm văn hóa, thông tin. Xóa bỏ các thông điệp và hình ảnh mang định kiến giới trong các sản phẩm văn hóa, thông tin.

- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về giới trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng và từng khu vực.

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra các hoạt động và sản phẩm văn hóa, thông tin từ góc độ giới.

2.6. Nhóm các giải pháp để thực hiện mục tiêu 6:

- Đẩy mạnh việc xây dựng gia đình văn hóa, trong đó nhấn mạnh tiêu chí bình đẳng giới trong gia đình.

- Chú trọng xây dựng mô hình câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, bình đẳng, không có bạo lực, huy động sự tham gia tích cực của nam giới vào các hoạt động này.

- Xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình tư vấn, hỗ trợ phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và buôn bán người; nhân rộng các mô hình thành công.

2.7. Nhóm các giải pháp để thực hiện mục tiêu 7:

- Bố trí đủ cán bộ làm công tác bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ ở các cấp; hình thành đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ, đặc biệt ở thôn, xóm, bản, làng, cụm dân cư.

- Bồi dưỡng kỹ năng phân tích, đánh giá và lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia hoạch định chính sách và xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức các đợt tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới cho thành viên các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới.

IV. Các dự án thực hiện kế hoạch

1. Dự án truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

a) Mục tiêu: Nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức, viên chức, nhân dân và người lao động về giới và ý nghĩa, tầm quan trọng, chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo đảm bình đẳng giới (bao gồm cả hoạt động truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới). Từ đó đề cao trách nhiệm, sự ủng hộ và thực hiện của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người dân về bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

b) Nhiệm vụ chủ yếu:

- Khảo sát trên phạm vi toàn tỉnh nhằm tìm hiểu nhận thức của các nhóm đối tượng trong xã hội về giới, bình đẳng giới và hiểu biết về các chính sách, pháp luật bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước.

- Thực hiện các chiến dịch truyền thông về giới, bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng và phổ biến các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho từng nhóm đối tượng.

- Xây dựng tài liệu, in ấn tài liệu và phát hành bằng tiếng dân tộc; lắp đặt panô truyền thông tại một số điểm trên địa bàn tỉnh.

- Phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới.

c) Đơn vị thực hiện: Sở Lao động – thương binh và xã hội chủ trì phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao và du lịch, Sở Thông tin và truyền thông, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, UBND các huyện, thành phố.

2. Dự án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới

a) Mục tiêu: Nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới cho nhóm đối tượng có ảnh hưởng chính tới quá trình xây dựng và thực hiện công tác bình đẳng giới từ tỉnh, huyện, xã nhằm bảo đảm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật, kế hoạch hành động về bình đẳng giới.

b) Nhiệm vụ chủ yếu:

- Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới các cấp.

+ Xây dựng chương trình, nội dung, tài liệu tập huấn, đào tạo cán bộ về bình đẳng giới.

+ Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới.

- Lồng ghép giới trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.

+ Tổ chức rà soát, đánh giá việc bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

+ Xây dựng quy chế phối hợp thẩm định việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật.

+ Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý về bình đẳng giới.

c) Đơn vị thực hiện:

- Sở Lao động – thương binh và xã hội chủ trì phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao và du lịch, Sở Thông tin và truyền thông, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, UBND các huyện, thành phố.

- Sở Lao động – Thương binh và xã hội phối hợp với Sở Tư pháp, Cục thống kê, UBND các huyện, thành phố.

3. Dự án hỗ trợ, xây dựng, phát triển dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới

a) Mục tiêu: Đảm bảo phụ nữ và nam giới được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về pháp lý; được hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ, dạy nghề và việc làm.

b) Nhiệm vụ chủ yếu:

- Đánh giá thực trạng nhu cầu tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới trên phạm vi toàn tỉnh; đánh giá khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cho các nạn nhân của bạo lực giới, nạn nhân của buôn bán người.

- Hỗ trợ trợ giúp pháp lý, chăm sóc sức khoẻ, dạy nghề và việc làm cho nạn nhân bị bạo lực giới, nạn nhân của buôn bán người...

- Hỗ trợ các đối tượng có nhu cầu nhưng gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ về bình đẳng giới.

- Thực hiện thí điểm mô hình tư vấn, hỗ trợ phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và buôn bán người; nhân rộng các mô hình có hiệu quả.

- Xây dựng thí điểm mô hình câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, bình đẳng và không có bạo lực, thu hút sự tham gia tích cực của nam giới vào các hoạt động này.

- Tuyên truyền và nhân rộng các mô hình hiệu quả.

c) Đơn vị thực hiện: Sở Lao động – thương binh và xã hội chủ trì phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Sở Y tế, Sở Văn hoá thể thao và du lịch, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, UBND các huyện, thành phố.

V. Sản phẩm đầu ra, đối tượng thụ hưởng

1. Sản phẩm đầu ra

- Nhận thức về bình đẳng giới trong cán bộ, công chức, viên chức và người dân được nâng cao, định kiến giới từng bước được xoá bỏ.

- Khoảng cách giới từng bước được thu hẹp. Các chỉ tiêu vì sự tiến bộ phụ nữ được cải thiện rõ rệt.

- Xây dựng được cơ chế phối hợp thẩm định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Các văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2011-2015 đảm bảo thực hiện đúng quy trình lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.

- Đội ngũ cán bộ về bình đẳng giới được phát triển và nâng cao năng lực.

2. Đối tượng thụ hưởng

- Các cơ quan nhà nước;

- Các tổ chức kinh tế;

- Các tổ chức xã hội;

- Mọi công dân (nam và nữ).

VI. Giải pháp thực hiện dự án

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với các dự án.

2. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh.

3. Đa dạng hoá việc huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cho việc thực hiện dự án.

4. Bố trí đủ kinh phí cho các dự án để đạt được kết quả đề ra.

5. Tổ chức theo dõi, giám sát định kỳ hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ.

VII. Phân công nhiệm vụ

1. Sở Lao động - Thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các ngành liên quan, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu liên quan do các Sở, ngành khác chủ trì thực hiện; xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hằng năm về bình đẳng giới phù hợp với kế hoạch này và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020; rà soát để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hệ thống quy phạm pháp luật, chính sách cho phù hợp với nguyên tắc bình đẳng giới; hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch và định kỳ báo cáo UBND tỉnh; tổ chức sơ kết vào cuối năm 2015.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan vận động các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các chương trình, dự án về bình đẳng giới; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm; hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới vào việc xây dựng và đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ khả năng ngân sách nhà nước hàng năm, bố trí ngân sách để thực hiện các chương trình, dự án về bình đẳng giới sau khi được phê duyệt; hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng kinh phí thực hiện các chương trình, dự án về bình đẳng giới đã được phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác liên quan.

4. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan thực hiện đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới trong phạm vi điều chỉnh của văn bản.

5. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các cơ quan liên quan xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định về quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, tỷ lệ nữ để bổ nhiệm các chức danh trong các cơ quan nhà nước; rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định về tuổi bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng nữ cán bộ, công chức, viên chức; hướng dẫn các Sở, ngành, huyện, thành phố lập kế hoạch hàng năm về biên chế công chức làm công tác bình đẳng giới; giao biên chế công chức làm công tác bình đẳng giới sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; thực hiện việc lồng ghép kiến thức về giới và bình đẳng giới trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

6. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành liên quan, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai chương trình, kế hoạch Dân số - Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 – 2015 sau khi được phê duyệt; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cảnh báo và chủ động kiểm soát, giải quyết các nguyên nhân sâu xa làm mất cân bằng giới tính ở trẻ sơ sinh.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức triển khai kế hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2015 sau khi được phê duyệt; thực hiện các nội dung giáo dục về giới, giới tính, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới cho học sinh, sinh viên; bồi dưỡng cho giáo viên, giảng viên về giới, giới tính, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới; lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.

8. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động về thông tin, báo chí, xuất bản (bao gồm xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm), thông tin trên Internet về bình đẳng giới và liên quan đến bình đẳng giới; xử lý nghiêm những hành vi xuất bản các ấn phẩm, sản phẩm thông tin có định kiến giới.

9. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành liên quan, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai kế hoạch phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 sau khi được phê duyệt; xây dựng và triển khai các hoạt động can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình; lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới vào các thiết chế văn hóa hướng tới mục tiêu gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

10. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống tội phạm buôn bán người.

11. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, chỉ đạo thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học về bình đẳng giới.

12. Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát huy các phong tục, tập quán và truyền thống tốt đẹp của dân tộc phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ.

13. Báo Hà Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng khác tăng thời lượng phát sóng, số lượng bài viết và nâng cao chất lượng tuyên truyền về bình đẳng giới trong các chương trình, chuyên trang, chuyên mục.

14. Các Sở, ban, ngành đoàn thể tham gia thực hiện kế hoạch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ đã được giao; xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hành động hằng năm và định kỳ 5 năm để triển khai thực hiện; đẩy mạnh phối hợp liên ngành, đặc biệt trong việc lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ trong công tác kế hoạch hóa và hoạch định chính sách; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch tại cơ quan mình.

15. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hành động 5 năm và hằng năm về bình đẳng giới phù hợp với Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong cùng thời kỳ; phát huy tính sáng tạo, chủ động, tích cực trong việc huy động nguồn lực để thực hiện; lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả kế hoạch này với các chương trình, kế hoạch khác có liên quan trên địa bàn; bố trí đủ cán bộ, công chức làm công tác bình đẳng giới ở các cấp; đẩy mạnh phối hợp liên ngành, đặc biệt trong việc lồng ghép các vấn đề về bình đẳng giới trong công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tại địa phương; thực hiện chế độ báo cáo hàng năm việc thực hiện kế hoạch trên địa bàn theo quy định hiện hành.

16. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các tổ chức thành viên, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia tổ chức triển khai Chương trình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong tổ chức mình; tham gia xây dựng cơ chế chính sách, tham gia quản lý nhà nước về bình đẳng giới; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; nghiên cứu, bố trí hội viên Hội Phụ nữ làm cộng tác viên, tuyên truyền viên về bình đẳng giới ở cơ sở.

VIII. Kinh phí thực hiện

1. Sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước cấp, phân bổ hàng năm để thực hiện kế hoạch kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011-2015.

2. Hàng năm Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí dành cho công tác triển khai chỉ đạo thực hiện, hỗ trợ, giám sát, điều tra, sơ kết - tổng kết việc thực hiện kế hoạch.

3. Các cơ quan, đơn vị, địa phương hàng năm có dự toán kinh phí trong ngân sách chi thường xuyên cho việc triển khai thực hiện kế hoạch hành động.

4. Vận động các nguồn kinh phí trong và ngoài nước nhằm thực hiện mục tiêu của kế hoạch hành động.

IX. Tổ chức thực hiện

1. Các sở, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm định kỳ kiểm tra việc thực hiện kế hoạch hành động của đơn vị mình, địa phương mình. Thực hiện báo cáo hàng năm và định kỳ về tình hình thực hiện bình đẳng giới cho Uỷ ban nhân dân tỉnh qua Sở Lao động – thương binh và xã hội để theo dõi, chỉ đạo. Báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 20/5 và báo cáo năm trước ngày 30/11 hàng năm.

3. Sở Lao động – Thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan hàng năm tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu của kế hoạch hành động.

4. Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch này. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu thấy cần thiết phải bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch cho phù hợp với yêu cầu thực tế, các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có văn bản gửi Sở Lao động – Thương binh và xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét./.