Quyết định 27/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng mía nguyên liệu tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016-2025
Số hiệu: 27/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi Người ký: Trần Ngọc Căng
Ngày ban hành: 06/01/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 06 tháng 01 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÙNG MÍA NGUYÊN LIỆU TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2016 - 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 3347/TTr-SNNPTNT ngày 23/12/2016 về việc đề nghị phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển vùng mía nguyên liệu tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 - 2025,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng mía nguyên liệu tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 - 2025, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu quy hoạch

Quy hoạch phát triển vùng mía nguyên liệu tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016 - 2025 nhằm hình thành vùng sản xuất mía tập trung, chuyên canh trên cơ sở đầu tư cơ giới hóa, ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây mía với sản lượng đạt từ 269.000 đến 300.000 tấn/năm, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu cho Nhà máy Đường Phổ Phong hoạt động ổn định. Quy hoạch được thực hiện sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng mía, đảm bảo có lãi ít nhất 20% so với chi phí sản xuất, giúp cây mía đủ sức cạnh tranh với các loại cây trồng khác.

2. Phạm vi, quy mô quy hoạch

Tổng diện tích quy hoạch vùng mía nguyên liệu tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 4.400 ha, được bố trí tại 8 huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Hà và Ba Tơ.

3. Nội dung quy hoạch

a) Quy hoạch vùng mía nguyên liệu

Tổng diện tích quy hoạch vùng mía nguyên liệu tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 4.400 ha, được bố trí trên địa bàn 54 xã thuộc 8 huyện, gồm: Bình Sơn 474 ha (8 xã), Sơn Tịnh 155 ha (3 xã), Tư Nghĩa 318 ha (5 xã), Nghĩa Hành 380 ha (6 xã), Mộ Đức 464 ha (7 xã), Đức Phổ 799 ha (6 xã), Sơn Hà 904 ha (10 xã) và Ba Tơ 906 ha (9 xã).

Vùng quy hoạch trồng mía tập trung có quy mô diện tích từ 5 ha trở lên, có địa hình tương đối bằng phẳng, chất lượng đất tương đối tốt, có khả năng dồn điền đổi thửa để hình thành cánh đồng lớn, thuận lợi cho đầu tư cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng tương đối hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

b) Quy hoạch vùng mía nguyên liệu theo điều kiện tưới

Tổng diện tích quy hoạch là 4.400 ha, trong đó:

- Diện tích quy hoạch mía có điều kiện tưới: 1.869 ha chiếm 42,5% diện tích quy hoạch.

- Diện tích quy hoạch mía không có điều kiện tưới: 2.531 ha, chiếm 57,5% diện tích quy hoạch.

c) Quy hoạch diện tích, năng suất, sản lượng mía

- Năm 2017: Tổng diện tích đất quy hoạch mía nguyên liệu là 4.300 ha, trong đó diện tích mía đứng hàng năm là 3.655 ha và diện tích mía luân canh là 645 ha. Dự kiến năng suất mía bình quân toàn tỉnh đạt 60,0 tấn/ha, sản lượng mía đạt 219.292 tấn.

- Đến năm 2020: Tổng diện tích đất quy hoạch mía nguyên liệu là 4.300 ha, trong đó diện tích mía đứng hàng năm là 3.655 ha và diện tích mía luân canh là 645 ha. Dự kiến năng suất mía bình quân toàn tỉnh đạt 70,0 tấn/ha, sản lượng mía đạt 255.774 tấn.

- Đến năm 2025: Tổng diện tích đất quy hoạch mía nguyên liệu là 4.400 ha, trong đó diện tích mía đứng hàng năm là 3.740 ha và diện tích mía luân canh là 660 ha. Dự kiến năng suất mía bình quân toàn tỉnh đạt 72,0 tấn/ha, sản lượng mía đạt 269.260 tấn.

- Về chữ đường: Năm 2017 đạt 10,0%, đến năm 2020 đạt 10,2% và đến năm 2025 đạt 10,4%.

4. Quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng vùng mía nguyên liệu.

a) Hệ thống giao thông

- Đường giao thông nội đồng: Xây dựng mới: 29,0 km và nâng cấp 73,4 km;

- Xây dựng 13 cống và 20m tràn thoát nước.

b) Hệ thống thủy lợi

- Kênh tưới nội đồng: Nâng cấp, sửa chữa: 5,8 km và mở mới: 2,5 km;

- Nạo vét kênh tiêu 2 tuyến với chiều dài 0,5 km;

- Xây dựng mới 04 trạm bơm và 02 đập dâng.

c) Điện sản xuất

Xây dựng mới 1 trạm biến áp; 0,5 km đường dây điện 0,4 kV và 2,0 km đường dây điện 22 kV.

d) Dồn điền đổi thửa

Tổng diện tích cần dồn điền đổi thửa là 1.939 ha, trong đó: Bình Sơn 294 ha, Sơn Tịnh 28 ha, Tư Nghĩa 175 ha, Nghĩa Hành 247 ha, Mộ Đức 353 ha, Đức Phổ 256 ha, Ba Tơ 100 ha, Sơn Hà 487 ha.

đ) Nâng cấp Trung tâm giống mía

Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, nhà kho và chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật nội đồng vùng sản xuất mía giống của Trung tâm giống mía thuộc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi.

5. Các dự án ưu tiên đầu tư

- Dự án ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất mía giai đoạn 2017 - 2025.

- Dự án đầu tư sản xuất giống mía chất lượng cao giai đoạn 2017 - 2025.

- Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng mía nguyên liệu giai đoạn 2017 - 2025.

6. Khái toán vốn đầu tư

a) Tổng vốn đầu tư: 73.414 triệu đồng, trong đó:

- Đầu tư phát triển sản xuất: 5.849 triệu đồng;

- Đầu tư cơ sở hạ tầng: 67.565 triệu đồng.

b) Nguồn vốn đầu tư:

- Vốn ngân sách: 44.724 triệu đồng, chiếm 60,9% tổng vốn đầu tư.

- Vốn doanh nghiệp: 22.772 triệu đồng, chiếm 31,0% tổng vốn đầu tư.

- Vốn dân đóng góp: 5.918 triệu đồng, chiếm 8,1 % tổng vốn đầu tư.

c) Phân kỳ vốn đầu tư

- Giai đoạn 2017 - 2020: 26.842 triệu đồng.

- Giai đoạn 2021 - 2025: 46.572 triệu đồng.

7. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

a) Giải pháp tổ chức sản xuất

- Đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn, tích tụ đất đai để hình thành vùng sản xuất tập trung, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, áp dụng cơ giới hóa và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thuận lợi cho việc tổ chức thu mua, tiêu thụ.

- Không để mía lưu gốc quá 2 năm, nâng cao chất lượng cơ giới hóa trong khâu làm đất, tăng cường sử dụng các nguồn phân hữu cơ để bón bổ sung cho đất, sử dụng cơ cấu giống và btrí thời vụ trng thích hợp, tận dụng các nguồn nước tưới cho cây mía.

- Sử dụng giống mía có nguồn gốc, lý lịch rõ ràng, sạch sâu bệnh, chỉ lưu gốc đối với những ruộng mía có năng suất cao, ít bị sâu bệnh.

- ng dụng, chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất mía đến người dân, xây dựng các mô hình có tính mới, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hiện đại để qua đó hướng dẫn, tập huấn cho bà con nông dân.

- Tăng cường liên kết 4 nhà trong sản xuất mía gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông để nâng cao hiệu quả sản xuất.

b) Giải pháp về khoa học công nghệ

- Về công tác giống: nghiên cứu, khảo nghiệm các giống mía mới có ưu thế vượt trội về năng suất, chất lượng để đưa vào sản xuất thay thế các giống mía cũ. Thường xuyên phối hợp với các trung tâm nghiên cứu phát triển mía đường và các nhà máy đường trong khu vực để du nhập các giống mía mới đã qua khảo nghiệm đưa vào sản xuất đại trà.

- Về chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật - khoa học công nghệ: đào tạo chuyển giao kỹ thuật canh tác mía cho nông dân; nghiên cứu các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp trên cây mía, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm để cây mía đủ sức cạnh tranh với các loại cây trồng khác. Đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất để giải phóng sức lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch.

c) Giải pháp thu mua, chế biến mía nguyên liệu

- Đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết sản xuất và thu mua mía nguyên liệu bằng hợp đồng hợp tác đầu tư theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và tuân thủ theo đúng Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

- Nhà máy đường cần xây dựng phương thức thu mua mía phù hợp, đảm bảo được tính linh hoạt, minh bạch để tạo được niềm tin và sự đồng thuận của người trồng mía.

- Về cách đo chữ đường: Tuân thủ đầy đủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu QCVN01-98:2012/BNNPTNT.

- Áp dụng giá thu mua mía nguyên liệu theo thị trường. Nhà máy Đường Phổ Phong cần thực hiện mua mía theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với giá mua 01 tấn mía 10 CCS tại ruộng tương đương giá trị 65-70 kg đường tính theo giá bán trước thuế tại kho nhà máy.

d) Giải pháp về cơ chế chính sách

d1) Chính sách đất đai

- Tiếp tục rà soát và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tạo điều kiện cho người dân an tâm sản xuất; khuyến khích người dân tích tụ đất đai để trồng mía theo hình thức tập trung, quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê đất trồng mía với quy mô lớn để hình thành vùng sản xuất chuyên canh, năng suất cao.

d2) Chính sách phát triển sản xuất

- Đối với Trung ương: thành lập cơ quan quản lý chính sách về mía đường, kiểm soát khối lượng xuất và nhập khẩu đường, quy định giá đường ở thị trường trong nước và có cơ chế thu mua tạm trữ khi giá đường giảm thấp; hỗ trợ kinh phí để các viện nghiên cứu mía đường du nhập, tuyển chọn những giống mía tốt có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất đại trà.

- Đối với UBND tỉnh:

+ Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức và quản lý chặt chẽ quy hoạch vùng mía nguyên liệu; ưu tiên lồng ghép, bố trí vốn đầy đủ cho các dự án ưu tiên đầu tư của quy hoạch.

+ Ban hành các chính sách để phát triển vùng nguyên liệu như chính sách hỗ trợ khi chuyển cây trồng khác sang trồng mía, chính sách tín dụng ưu đãi cho người trồng mía, chính sách thu mua, tạm trữ đường khi giá đường xuống thấp,... để khuyến khích người dân trồng mía.

+ Tiếp tục hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể trong tỉnh như các HTX chuyên canh mía, HTX dịch vụ nông nghiệp, các nhóm, tổ hợp tác, ... để các tổ chức này có đủ năng lực thực hiện các dịch vụ nông nghiệp và làm cầu nối giữa nông dân với nhà máy đường trong ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ mía nguyên liệu.

- Đối với Nhà máy đường:

+ Tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các chính sách đầu tư hỗ trợ sản xuất, thu mua mía nguyên liệu hiện nay; đồng thời có chính sách riêng đối với những vùng sản xuất quy mô lớn như hỗ trợ giống mía mới, thực hiện cơ giới hóa, hỗ trợ xây dựng đường giao thông, thủy lợi vùng mía, chính sách bao tiêu sản phẩm đối với diện tích hợp tác đầu tư để khuyến khích nông dân mở rộng diện tích.

+ Cần quan tâm hơn nữa đến việc chia sẻ lợi ích với người trồng mía và có chính sách hỗ trợ người trồng mía khi mất mùa do thiên tai hoặc khi giá mía xuống thấp. Có quy định cụ thể về tỷ lệ ăn chia giữa nhà máy và người trồng mía nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài của các bên.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì:

- Tổ chức công bố quy hoạch theo đúng quy định.

- Tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển vùng mía nguyên liệu; bố trí lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện tốt các dự án ưu tiên đầu tư đã được phê duyệt.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Sở phối hợp Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, Nhà máy Đường Phổ Phong đẩy mạnh công tác khuyến nông và hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất mía cho nông dân.

- Phối hợp với các Sở, Ngành liên quan và UBND các huyện tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, định kỳ tổng hợp tình hình thực hiện báo cáo UBND tỉnh.

2. Các Sở, ngành liên quan: Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh ban hành, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách, bố trí vốn đầu tư và giải quyết các vướng mắc để thực hiện quy hoạch có hiệu quả.

3. UBND các huyện trong vùng quy hoạch

- Chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã trong vùng quy hoạch phối hợp với Nhà máy Đường Phổ Phong triển khai thực hiện tốt các nội dung quy hoạch đã được phê duyệt.

- Phối hp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành liên quan tổ chức quản lý và triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi; Chủ tịch UBND các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Đức Phổ, Mộ Đức, Sơn Hà, Ba Tơ; Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TT T
nh ủy; TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- VPUB:, PCVP(NL), TH, CB-TH;
- Lưu: VT, NN-TNndt9.

CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Căng