Quyết định 27/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt đề án tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, có đời sống khó khăn do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành
Số hiệu: 27/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông Người ký: Y Thịnh
Ngày ban hành: 08/01/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Dân tộc, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 27/QĐ-UBND

Gia Nghĩa, ngày 08 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TIẾP TỤC THỰC HIỆN MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẤT SẢN XUẤT, NƯỚC SINH HOẠT CHO HỘ DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO, CÓ ĐỜI SỐNG KHÓ KHĂN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ, về tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt đến năm 2010 cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn;
Căn cứ Công văn số 880/UBDT-CSDT, ngày 05/11/2009 của Ủy ban Dân tộc, về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1592/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
Theo đề nghị của Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Đăk Nông tại Tờ trình số 595/TTr-BDT, ngày 17 tháng 12 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, có đời sống khó khăn theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg , ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đăk Nông (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng ban Ban Dân tộc; Giám đốc các Sở: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Lao động Thương binh và Xã hội; Ngân hàng Chính sách xã hội; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Gia Nghĩa căn cứ Quyết định này thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Y Thịnh

 

ĐỀ ÁN

TIẾP TỤC THỰC HIỆN MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẤT SẢN XUẤT, NƯỚC SINH HOẠT CHO HỘ DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO, CÓ ĐỜI SỐNG KHÓ KHĂN NĂM 2010
(Kèm theo Quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông)

Phần I

THỰC TRẠNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Đăk Nông là tỉnh vùng cao có diện tích tự nhiên 651.438 ha, nằm tiếp giáp các tỉnh Đăk Lăk, Lâm Đồng, Bình Phước và tỉnh Mondulkiri của Vương quốc Campuchia với chiều dài đường biên giới quốc gia là 130 km trải dài trên 7 xã của 4 huyện, địa hình phức tạp và bị chia cắt. Địa giới hành chính toàn tỉnh hiện có 07 huyện, 01 thị xã; 71 xã, phường, thị trấn với tổng dân số khoảng 460.000 người, bao gồm 29 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 33% so với tổng dân số; là tỉnh nghèo, tiềm năng chưa được khai thác, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng còn thiếu, nền kinh tế chậm phát triển và mang nặng tính thuần nông, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào các dân

tộc thiểu số cao, số lượng hộ cận nghèo lớn, hộ thoát nghèo chưa bền vững, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nhất là vùng dân tộc thiểu số, GDP đầu người thuộc vào loại thấp so với bình quân chung của cả nước, hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi còn yếu.

II. ĐẶC ĐIỂM DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH ĐĂK NÔNG

1. Đặc điểm hình thành

- Dân tộc thiểu số (gọi tắt là DTTS) tại chỗ của tỉnh Đăk Nông gồm ba dân tộc: Ê Đê, M’Nông, Mạ, với thời gian sinh sống lâu đời trên địa bàn tỉnh.

- DTTS khác trên địa bàn tỉnh chủ yếu là dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc đến sinh sống, lập nghiệp, với 25 thành phần các dân tộc khác nhau. Các dân tộc này thường có tập quán di cư theo từng nhóm với một số lượng lớn cùng dân tộc, cùng bản làng và có quan hệ cùng với họ hàng, dòng tộc; phổ biến nhất là dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao… các nhóm dân tộc này thường chọn những vùng sâu, vùng xa để sống thành từng cụm mua rẫy, đốt rừng để lấy đất canh tác.

2. Thành phần Dân tộc và tỷ lệ hộ nghèo

Trên địa bàn tỉnh Đăk Nông có 29 dân tộc cùng sinh sống, với số tổng số hộ là: 110.096 hộ; 481.028 khẩu. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số với: 78.544 hộ - 325.122 khẩu, còn lại là DTTS. Trong đó, DTTS tại chỗ với 10.061 hộ - 53.193 khẩu và DTTS khác với 21.491 hộ - 102.713 khẩu.

Số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh là 14.620 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ: 13,3%. Trong đó:+ Dân tộc kinh: 5.431 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 37,15% trên tổng số hộ nghèo và chiếm 6,91% so với số hộ của dân tộc Kinh.

+ Dân tộc thiểu số tại chỗ: 4.155 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 28,42% trên tổng số hộ nghèo và chiếm 41,30% so với số hộ dân tộc thiểu số tại chỗ.

+ Dân tộc thiểu số khác: 5.034 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 34,43% trên tổng số hộ nghèo. 23,42% so với số hộ DTTS khác. (thời điểm tháng 12/2008)

Nhìn chung trong đời sống DTTS tỉnh Đăk Nông còn rất nhiều những khó khăn về các mặt kinh tế - xã hội như: Trình độ dân trí thấp, tập quán sinh hoạt, sản xuất còn lạc hậu, chủ yếu vẫn mang tính truyền thống và phục vụ những nhu cầu cấp thiết, đời sống dân cư còn hết sức khó khăn.

Nguyên nhân dẫn đến nghèo đói đối với hộ DTTS thường tập trung vào các yếu tố như: thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, trình độ sản xuất còn lạc hậu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế hoặc do tác động của môi trường, thiên tai, bệnh tật…

III. MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC ĐÃ VÀ ĐANG TRIỂN KHAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, việc hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho người nghèo, đời sống khó khăn đã được quan tâm, triển khai thực hiện, góp phần ổn định cuộc sống cho nhân dân, đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số, hộ gia đình thuộc diện chính sách nghèo. Song song với đó, còn hỗ trợ lồng ghép từ các chương trình, dự án khác.

1. Chương trình giải quyết đất ở, đất sản xuất theo Quyết định 132/2002/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ

Số hộ đã hỗ trợ đất ở là: 1.778 hộ; diện tích cấp: 63,85 ha.

Số hộ đã hỗ trợ đất sản xuất là: 2.120 hộ; diện tích: 1.283,4 ha.

2. Chương trình giải quyết nhà ở theo Quyết định 154/2002/QĐ-TTg , của Thủ tướng Chính phủ Số căn nhà được xây dựng là: 140 căn.

3. Chương trình giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg , của Thủ tướng Chính phủ

- Đất ở: đã hỗ trợ được: 518 hộ; diện tích: 14,8 ha; kinh phí: 122,4 triệu đồng.

- Nhà ở: Nhà làm mới xây dựng được 2.531 căn. Nhà sửa chữa: 2.728 căn; kinh phí thực hiện: 37.381 triệu đồng- Đất sản xuất: đã cấp được 409 hộ; diện tích: 157,4 ha; kinh phí: 421,6 triệu đồng.

- Nước sinh hoạt: Nước sinh hoạt phân tán đã hỗ trợ để hộ gia đình tự đào giếng, xây bể được: 1.483 hộ; kinh phí: 655 triệu đồng, xây dựng được: 133 công trình nước sinh hoạt tập trung; kinh phí: 64.800 triệu đồng.

Quyết định 134/QĐ-TTg, ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách đúng đắn, đã trực tiếp hỗ trợ cho các hộ DTTS nghèo, đời sống khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt. Chương trình này đã được nhân dân đồng tình ủng hộ, hưởng ứng tham gia, nhất là hộ DTTS. Tuy nhiên, ở một số xã trên địa bàn còn xảy ra một số tồn tại như: cấp đất sản xuất còn manh mún, đất ở xa khu dân cư, đất xấu người dân còn bỏ hoang hoặc cho hộ khác thuê, mướn…; nhà ở do một số nguyên nhân dẫn đến công trình sử dụng kém hiệu quả như bị dột, bung tường, nền, diện tích sử dụng nhỏ; Công trình nước tập trung đầu tư nguồn kinh phí lớn bị hỏng hoặc không sử dụng được do giá điện cao, người vận hành, sử dụng còn yếu kém… Từ những thuận lợi và khó khăn trên, qua quá trình tổng kết Chương trình 134 trên địa bàn toàn tỉnh các cấp, các ngành đã rút ra những bài học kinh nghiệm để khắc phục những tồn tại và triển khai tốt các chính sách trong thời gian đến.

4. Chương trình trợ giá, trợ cước vận chuyển

Từ năm 2006 - 2009 trên địa bàn toàn tỉnh đã hỗ trợ cho các mặt hàng như: Lúa, ngô, bông vải, muối I ốt… với tổng kinh phí thực hiện là: 27.635 triệu đồng.

5. Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg

Đến thời điểm 30/10/2009 tổng số nhà đã hỗ trợ xây dựng được: 631 căn (Năm 2008 xây dựng: 151 căn; Năm 2009 xây dựng: 480 căn). Kinh phí thực hiện: ngân sách Trung ương: 3.220 triệu đồng; ngân sách tỉnh: 1.910 triệu đồng, vốn vay Ngân hang Chính sách xã hội: 2.791 triệu đồng;

6. Một số Chương trình khác

Trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang triển khai một số các Chương trình khác như: Chương trình 135, Chương trình định canh, định cư (Theo Quyết định số 33/2007/QĐ- TTg), Chính sách hỗ trợ theo Quyết định 168/QĐ-TTg ,… Những chương trình này đã và đang góp phần vào sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng dân tộc thiểu số tạo điều kiện phát triển về mọi mặt trong đời sống nhân dân, đặc biệt là giảm nghèo.

Phần II

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

A. CƠ SỞ VÀ NHU CẦU XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ

1. Sự cần thiết

Đảng và Nhà nước ta xác định: Xây dựng Chủ nghĩa xã hội nhằm mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh". Đăk Nông là tỉnh ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và khu vực nông thôn vẫn còn một bộ phận dân cư đang sinh sống trong cảnh không đất sản xuất hoặc có nhưng diện tích đất còn ít, nguồn nước sinh hoạt còn gặp rất nhiều khó khăn; sự phân hóa giàu nghèo đã và đang diễn ra đòi hỏi xã hội cần quan tâm hỗ trợ.

2. Cơ sở pháp lý

- Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ, về tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt đến năm 2010 cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

- Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg , ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ, “Về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn”.

- Công văn số 880/UBDT-CSDT, ngày 05/11/2009 của Ủy ban Dân tộc, về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1592/QĐ-TTg .

- Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Quan điểm và mục tiêu của đề án

- Trong năm 2010 giải quyết xong việc hỗ trợ đất sản xuất và giếng nước phân tán, tập trung cho tất cả các hộ DTTS nghèo, có đời sống khó khăn không có hoặc thiếu đấtsản xuất, thiếu nước sinh hoạt.

- Thực hiện huy động các nguồn lực hỗ trợ, để đảm bảo kinh phí thực hiện hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ nghèo, đời sống khó khăn; bao gồm: ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội, nguồn hỗ trợ từ cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài tỉnh.

2. Đối tượng:

Đối tượng được hỗ trợ của Đề án này phải có đủ ba điều kiện sau:

- Là hộ nghèo (theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2008), đang cư trú tại địa phương, có trong danh sách hộ nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.

- Hộ chưa có hoặc đã có đất sản xuất nhưng chưa đủ mức quy định tối thiểu tại Quyết định số 1592/QĐ-TTg. Những hộ DTTS nghèo có khó khăn về nước sinh hoạt, những vùng có khó khăn về nguồn nước chưa đầu tư thuộc Đề án 134.

- Hộ không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ tại Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ, về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

III. PHẠM VI, NGUYÊN TẮC, MỨC HỖ TRỢ

1. Phạm vi và quy mô của Đề án

Chính sách hỗ trợ đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào các DTTS nghèo, sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp đang cư trú trên phạm vi toàn tỉnh.

1.1. Giải quyết hỗ trợ đất sản xuất

a) Số hộ giải quyết trực tiếp bằng cấp đất sản xuất: 2.330 hộ; diện tích: 1.640 ha.

Trong đó: Số hộ không có đất sản xuất là: 1.580 hộ; diện tích: 1.351 ha. Số hộ thiếu đất sản xuất là: 597 hộ; diện tích cấp: 214 ha.

b) Số hộ nhận giao khoán rừng: 198 hộ; diện tích: 3.960 ha.

c) Số hộ nhận trồng rừng: 186 hộ; diện tích: 930 ha.

d) Số hộ mua nông cụ sản xuất: 179 hộ.

e) Số lao động có nhu cầu học nghề: 312 người.

f) Số lao động đã học nghề xong có nhu cầu mua sắm nông cụ sản xuất: 13 người.

g) Số người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động: 89 người.

1.2. Nước sinh hoạt

a) Số hộ cần hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán: 2.243 hộ.

b) Công trình nước sinh hoạt tập trung thuộc Đề án 134 phê duyệt cần xây dựng mới: 28 công trình.

c) Số công trình nước sinh hoạt tập trung bị hư hỏng hoặc đang thực hiện dở dang tiếp tục đầu tư là: 27 công trình.

(Chi tiết của các huyện, thị xã có bảng biểu kèm theo).

2. Nguyên tắc hỗ trợ

- Hỗ trợ trực tiếp đến hộ gia đình theo đối tượng đã quy định.

- Việc hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ nghèo đảm bảo công khai, công bằng và minh bạch đến từng hộ gia đình trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước.

3. Chính sách thực hiện

3.1. Hỗ trợ đất sản xuất

3.1.1. Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất

- Định mức đất sản xuất cho mỗi hộ căn cứ theo mức bình quân chung, nhưng tối thiểu là: 0,25 ha đất ruộng lúa nước 1 vụ hoặc 0,15 ha đất ruộng lúa nước 2 vụ hoặc 0,5 ha đất nương, rẫy hoặc 0,5 ha đất nuôi, trồng thủy sản.

- Quỹ đất để giải quyết:

+ Đất công Nhà nước thu hồi theo quy hoạch. Đất điều chỉnh từ giao khoán trong các nông, lâm trường.

+ Đất điều chỉnh từ các hộ gia đình tặng, cho hoặc tự nguyện chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

+ Đất thu hồi từ các nông, lâm trường hiện đang quản lý nhưng sử dụng kém hiệu quả; đất cho thuê, mướn hoặc cho mượn.

- Mức hỗ trợ kinh phí:

Ngân sách Trung ương hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ, hộ gia đình vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội không quá 10 triệu đồng/hộ với lãi suất bằng 0% trong thời gian 5 năm.

3.1.2. Những hộ không có, thiếu đất sản xuất nhưng không còn quỹ đất thì được chuyển sang các nội dung hỗ trợ sau

a) Giao khoán bảo vệ và trồng rừng:

- Định mức diện tích giao khoán bảo vệ rừng cho mỗi hộ gia đình tối đa không quá 30 ha/hộ và diện tích giao đất trồng rừng không quá 5 ha/hộ.

- Mức hỗ trợ kinh phí: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền công bảo vệ rừng là 200.000 đồng/ha/năm. Đối với hộ nhận đất trồng rừng được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha.

(Quy trình giao khoán bảo vệ rừng và định mức giao khoán diện tích rừng thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

b) Chuyển đổi ngành nghề:

* Những hộ có lao động nhưng không có nhu cầu học nghề mà có nhu cầu mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ hoặc làm các ngành nghề khác, thì mức hỗ trợ kinh phí như sau:

- Ngân sách Trung ương: 3 triệu đồng/hộ.

- Vay vốn tín dụng tối đa 10 triệu đồng/hộ lãi suất bằng 0% trong thời gian 3 năm.

* Những lao động có nhu cầu học nghề để chuyển đổi ngành nghề, thì mức hỗ trợ kinh phí tối đa 3 triệu đồng/lao động (Ngân sách Trung ương hỗ trợ).

c) Đi xuất khẩu lao động:

Những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí học nghề bình quân 3 triệu đồng/lao động. Trước khi đi xuất khẩu còn được vay vốn tín dụng tối đa 30 triệu đồng/người; mức vay, thời gian vay cụ thể căn cứ vào nhu cầu và khả năng thực tế của từng đối tượng.

3.2. Nước sinh hoạt

3.2.1. Nước sinh hoạt phân tán

Đối với hộ dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn về nước sinh hoạt được Nhà nước (Ngân sách Trung ương) hỗ trợ: 1 triệu đồng/hộ. Phương án thực hiện để hộ gia đình tự đào giếng hoặc xây bể chứa.

3.2.2. Nước sinh hoạt tập trung

Tiếp tục xây dựng những công trình nước thuộc Đề án 134 đã được phê duyệt. Trên cơ sở xác định những thôn/bon/buôn thực sự có khó khăn về nguồn nước mà không làm được giếng nước phân tán. Trước khi xây dựng phải có phương án cụ thể của từng công trình như: Biên bản họp xét của thôn, Lập phương án người quản lý vận hành, hướng dẫn cách thức quản lý, sử dụng công trình bền vững thực hiện theo phương châm: Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và hướng dẫn. Kinh phí đầu tư tối đa không quá 1.000 triệu đồng/công trình.

B. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Đăk Nông.

Ban Dân Tộc là cơ quan Thường trực giúp việc cho UBND tỉnh và phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, triển khai và kiểm tra việc thực hiện chương trình trên địa bàn toàn tỉnh.

UBND các huyện, thị xã là Chủ đầu tư, trực tiếp thực hiện các chính sách hỗ trợ đất sản xuất và nước sinh hoạt trên địa bàn mình quản lý.

I. ĐỐI VỚI CÁC SỞ, BAN, NGÀNH

1. Ban Dân tộc tỉnh

Là cơ quan Thường trực giúp UBND tỉnh giải quyết đất sản xuất và nước sinh hoạt của tỉnh, có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện đề án này. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh xử lý những khó khăn, vướng mắc, những đề xuất kiến nghị của cơ sở; tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo cho các Bộ, ngành và Chính phủ theo quy định. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thống nhất phân bổ nguồn vốn thực hiện cho từng huyện theo đúng quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Căn cứ vào Đề án giải quyết đất sản xuất và nước sinh hoạt đã được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, Ban Dân tộc tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn này kịp thời cho các huyện, thị xã triển khai thực hiện.

3. Sở Tài chính

Hướng dẫn các địa phương công tác lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ đúng mục đích và có hiệu quả.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Kiểm tra, xác minh những diện tích của các nông, lâm trường quản lý mà UBND các huyện, thị xã muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao cho hộ dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất. Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh hướng xử lý những tồn tại, vướng mắc khi triển khai cấp đất sản xuất tại các địa phương.

Căn cứ vào Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg , ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ, về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015; Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg , ngày 23/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ, về việc thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên. Thực hiện các văn bản có liên quan để hướng dẫn, quản lý, kiểm tra về quy trình giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng và quy định định mức cụ thể cho các huyện, thị xã thực hiện.

Theo dõi, kiểm tra, quản lý những công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

Có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh về giải pháp cấp đất sản xuất và nước sinh hoạt. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các huyện đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân trên địa bàn; đặc biệt là việc cấp giấy CN QSDĐ cho các hộ là hộ DTTS sau khi được nhà nước giao đất.

6. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn các huyện, thị xã về đào tạo nghề, xuất khẩu lao động và xây dựng thành phương án hàng năm báo cáo UBND tỉnh.

7. Ngân hàng Chính sách xã hội

Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện, quản lý và cho vay tín dụng đối với các hộ được hỗ trợ theo đề án.

8. Sở Thông tin - Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Đăk Nông

Phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương chính sách, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo. Phổ biến sâu rộng chủ trương, quan điểm, phương thức và giải pháp tổ chức hỗ trợ để các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị tổ chức quán triệt và thực hiện thống nhất, hiệu quả.

9. Các Sở, Ban, ngành khác

Xây dựng và hướng dẫn thực hiện kế hoạch hỗ trợ hộ DTTS nghèo về đất sản xuất và nước sinh hoạt trong phạm vi quản lý của mình.

10. Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tham gia thực hiện kế hoạch hỗ trợ hộ DTTS nghèo có đất sản xuất, nước sinh hoạt trong phạm vi hoạt động của mình. Đồng thời, tham gia giám sát việc thực hiện kế hoạch hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt của các ngành và các cấp.

II. ĐỐI VỚI HUYỆN, THỊ XÃ

Căn cứ vào đề án được UBND tỉnh phê duyệt, Chủ tịch UBND huyện có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện đề án giải quyết đất sản xuất và nước sinh hoạt của huyện mình; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc triển khai đề án, đảm bảo đúng tiến độ, thông báo cho Chính quyền các xã, trị trấn và toàn dân biết về Đề án này.

Vận động người dân trong Bon/buôn có tinh thần trách nhiệm tương thân, tương ái giúp đỡ hộ nghèo có đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Các cơ quan, đoàn thể, phương tiện thông tin đại chúng có trách nhiệm tuyên truyền sâu, rộng cho nhân dân hiểu biết về các chính sách quy định tại Quyết định số 1592/QĐ-TTg .

Báo cáo tiến độ thực hiện hàng quý, 6 tháng tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm. Báo cáo gửi về Ban Dân tộc tỉnh để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh.

III. NGUỒN VỐN HỖ TRỢ NĂM 2010

Tổng số: 98.023.000.000 đồng.

Bằng chữ: Chín mươi tám tỷ, không trăm hai mươi ba triệu đồng chẵn.

Trong đó:

- Nguồn vốn NS Nhà nước hỗ trợ:           70.133.000.000 đồng.

- Nguồn vốn vay từ quỹ tín dụng: 27.890.000.000 đồng.

1. Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất

- Nguồn vốn NS Nhà nước:                     23.300.000.000 đồng.

- Nguồn vốn vay tín dụng:                        23.300.000.000 đồng.

2. Giao khoán bảo vệ rừng

- Nguồn vốn NS Nhà nước:                     792.000.000 đồng.

3. Trồng rừng

- Nguồn vốn NS Nhà nước:                     3.720.000.000 đồng.

4. Những hộ có lao động nhưng không có nhu cầu học nghề mà có nhu cầu mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ hoặc làm các ngành nghề khác

- Nguồn vốn NS Nhà nước:                     537.000.000 đồng.

- Nguồn vốn vay tín dụng:                        1.790.000.000 đồng.

5. Những lao động có nhu cầu học nghề để chuyển đổi ngành nghề

- Nguồn vốn NS Nhà nước:                     936.000.000 đồng.

6. Số lao động đã học nghề xong có nhu cầu mua sắm nông cụ phát triển sản xuất

- Nguồn vốn NS Nhà nước hỗ trợ:           39.000.000 đồng.

- Nguồn vốn vay tín dụng:                        130.000.000 đồng.

7. Đi xuất khẩu lao động

- Nguồn vốn NS Nhà nước:                     267.000.000 đồng.

- Vốn vay tín dụng:                                 2.670.000.000 đồng.

8. Nước sinh hoạt phân tán

- Nguồn vốn NS Nhà nước:                     2.243.000.000 đồng.

9. Nước sinh hoạt tập trung

- Nguồn vốn NS Nhà nước:                     28.000.000.000 đồng.

10. Công trình dở dang

- Nguồn vốn NS Nhà nước:                     9.599.000.000 đồng.

11. Kinh phí quản lý của cấp tỉnh, các huyện, thị xã

- Nguồn vốn ngân sách Nhà nước:          700.000.000 đồng.

Phần III

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận

Đề án hỗ trợ hộ DTTS nghèo không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt tỉnh Đắk Nông năm 2010 trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khẳng định có vị trí hết sức quan trọng, cần được xem là một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy đảng, Chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức đoàn thể và sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Đề án được thiết kế với một hệ thống giải pháp, cơ chế, chính sách đồng bộ nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, tạo cơ hội thuận lợi để người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước nâng cao và cải thiện đời sống.

Nội dung của Đề án đã thể hiện được định hướng chung là toàn diện, công bằng và bền vững. Đồng thời cũng thể hiện tính khả thi cao và quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và toàn dân về mục tiêu xóa hộ nghèo trên toàn tỉnh.

2. Kiến nghị

Để thực hiện Đề án hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số nghèo đảm bảo thuận lợi và hiệu quả, đề nghị Chính phủ quan tâm một số nội dung sau:

- Hỗ trợ cho tỉnh Đăk Nông 100% nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện Đề án này (Do tỉnh Đăk Nông là một tỉnh mới được thành lập vì vậy còn gặp rất nhiều khó khăn, nguồn kinh phí của địa phương đảm bảo tối thiểu 20% là chưa thực hiện được. Vì vậy đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét bổ sung cho tỉnh Đăk Nông phần đối ứng 20%).

- Phân bổ vốn kế hoạch kịp thời để tỉnh Đăk Nông thực hiện kịp tiến độ trong năm 2010.