Quyết định 27/2009/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý người lao động nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành
Số hiệu: 27/2009/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Nguyễn Thị Thanh Bình
Ngày ban hành: 11/08/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 27/2009/QĐ-UBND

Quy Nhơn, ngày 11 tháng 8 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI TRONG CÁC DOANH NGHIỆP, TỔ CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ quy định việc tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
Căn cứ Thông tư số 08/2008/TT-BLĐTBXH ngày 10/6/2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ quy định việc tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
Theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 108/TTr-SLĐTBXH-LĐTLBHXH ngày 17/7/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý người lao động nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thanh Bình

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP QUẢN LÝ NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TRONG CÁC DOANH NGHIỆP, TỔ CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2009/QĐ-UBND ngày 11/8/2009 của UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Ðiều 1. Mục đích ban hành Quy chế

Quy chế phối hợp hoạt động trong công tác quản lý về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Bình Định (sau đây gọi tắt là Quy chế) được xây dựng và thống nhất ban hành nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Ðiều 2. Ðối tượng, phạm vi áp dụng

Quy chế này quy định về trách nhiệm và các nội dung phối hợp để thực hiện các hoạt động có liên quan đến công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Bình Định giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan.

Ðiều 3. Nguyên tắc áp dụng

1. Các hoạt động phối hợp được thực hiện theo nguyên tắc tuân thủ các văn bản hướng dẫn, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên và cùng chia sẻ trách nhiệm giữa các bên liên quan.

2. Các quy định trong Quy chế này không thay thế cho các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị liên quan đã được quy định tại các văn bản pháp luật.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 4. Phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh

1. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch, nội dung thông tin, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và các biện pháp, hình thức tổ chức thực hiện.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Công an tỉnh chủ động và tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh cho các doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động là người nước ngoài khi làm các thủ tục đăng ký kinh doanh, làm lý lịch tư pháp, cấp thị thực, thẻ tạm trú.

Điều 5. Phối hợp trong công tác quản lý người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan trực tiếp tiếp nhận và lưu trữ hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép lao động; thực hiện cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép lao động cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (ngoại trừ các doanh nghiệp thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo ủy quyền quy định tại Thông tư số 13/2009/TT-BLĐTBXH ngày 06/5/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghiệp); có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh cho các bên về số lao động nước ngoài thuộc diện phải cấp giấy phép lao động, không thuộc diện cấp giấy phép lao động và số lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên cung cấp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép hoạt động trên địa bàn tỉnh và danh sách người nước ngoài là chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên; thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần.

3. Sở Tư pháp thường xuyên cung cấp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội danh sách luật sư là người nước ngoài đã được Bộ Tư pháp cấp giấy phép hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh và danh sách người nước ngoài đang làm thủ tục để được cấp lý lịch tư pháp; văn bản liên quan đến quản lý và sử dụng lao động là người nước ngoài.

4. Công an tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức làm các thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động. Trong khi chờ hoàn tất thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động, Công an tỉnh có thể xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú với thời hạn không quá 03 tháng. Sau khi giải quyết, Công an tỉnh thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội biết.

a. Trường hợp nếu sau 6 tháng làm việc tại Việt Nam, người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động thì Công an tỉnh, phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đề nghị Bộ Công an ra quyết định trục xuất khỏi Việt Nam theo quy định của pháp luật.

b. Thường xuyên cung cấp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  danh sách phu nhân, phu quân của người nước ngoài làm việc tại các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, tiểu khu vực đóng trên địa bàn tỉnh và danh sách người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện chào bán dịch vụ, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc dưới 3 tháng hoặc để xử lý các trường hợp khẩn cấp.

5. Trong tổ chức thực hiện, nếu phát hiện các vấn đề mới hoặc các vấn đề mà các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định hay quy định chưa rõ, không thể tổ chức thực hiện được thì vấn đề thuộc lĩnh vực bên nào, bên đó có trách nhiệm đề xuất xin ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi thực hiện.

Điều 6. Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng và quản lý lao động là người nước ngoài.

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng và quản lý lao động là người nước ngoài. Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm được thông báo cho tất cả các bên để theo dõi và phối hợp thực hiện.

2. Ngoài kế hoạch thanh tra hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ xem xét và quyết định tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất những vấn đề do Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Công an tỉnh phát hiện và đề nghị.

3. Theo yêu cầu và tính chất vụ việc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có thể đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Công an tỉnh phối hợp  tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng và quản lý lao động là người nước ngoài. Các bên có trách nhiệm cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra.

4. Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra được gửi cho tất cả các bên để theo dõi, tổng hợp và xử lý (trừ những vấn đề không được công bố theo quy định của pháp luật về thanh tra).

Ðiều 7. Phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết đơn, thư về tuyển dụng và quản lý lao động là người nước ngoài

1. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, đơn thư về tuyển dụng và quản lý lao động là người nước ngoài được thực hiện theo nguyên tắc: đơn gửi đến cơ quan nào, cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền; văn bản giải quyết, trả lời của mỗi bên được đồng gửi cho các bên được biết.

2. Trường hợp cần tham khảo ý kiến của các bên,  trước khi trả lời, cần gửi dự thảo văn bản trả lời để góp ý trực tiếp.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

a. Hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với ngành Tư pháp, Công an cùng cấp tổ chức triển khai thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước và quy chế này về tuyển dụng và quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn.

b. Phát hành biểu mẫu thống kê để phục vụ yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ và báo cáo thống kê theo quy định tại các văn bản pháp luật về tuyển dụng và quản lý lao động là người nước ngoài. Trường hợp phát hành biểu mẫu mới, ngoài phạm vi quy định thì cần có ý kiến thống nhất của các bên trong quy chế này. Các biểu mẫu thống kê  theo các văn bản quy định của pháp luật và các biểu mẫu do các bên đã thống nhất thì các bên có trách nhiệm thực hiện và tổ chức in ấn để sử dụng.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Có trách nhiệm báo cáo thường xuyên và định kỳ về tình hình cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Chứng nhận đầu tư) cho các doanh nghiệp, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh bao gồm những nội dung sau: tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở; họ, tên, ngày  tháng  năm sinh, quốc tịch người đại diện pháp lý của doanh nghiệp và các thành viên tham gia góp vốn của doanh nghiệp.

3. Sở Tư pháp:

a. Phối hợp với Công an tỉnh để giải quyết việc cấp lý lịch tư pháp cho người lao động nước ngoài nhanh chóng, thuận lợi, đúng pháp luật.

b. Chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt Quy chế này.

c. Thường xuyên và định kỳ báo cáo đầy đủ số người nước ngoài đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đã cấp lý lịch tư pháp gồm những thông tin sau: họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu, tình hình chấp hành pháp luật của người nước ngoài.

4. Công an tỉnh:

a. Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố nắm chắc tình hình người nước ngoài hiện cư trú trên địa bàn và phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt Quy chế này.

b. Xem xét giải quyết thuận lợi theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài đối với những người nước ngoài đã có giấy phép lao động.

c. Thường xuyên và định kỳ báo cáo đầy đủ số người nước ngoài đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức gồm những thông tin sau: họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu, nơi làm việc, địa chỉ nơi làm việc, địa chỉ tạm trú, thời hạn thị thực, tạm trú.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a. Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Tư pháp triển khai thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước và quy chế này về tuyển dụng và quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn.

b. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tuyển dụng và  quản lý lao động là người nước ngoài trên địa bàn, đồng thời hướng dẫn và kiểm tra hoạt động của các hội và tổ chức phi chính phủ, các tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân  hoạt động trên địa bàn có sử dụng lao động là người nước ngoài.

c. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình tuyển dụng và quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

6. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định

Thực hiện tiếp nhận và lưu trữ hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép lao động cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định theo sự ủy quyền của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Thường xuyên và định kỳ cung cấp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội danh sách người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định.

7. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh và các cơ quan có liên quan:

a. Thường xuyên và định kỳ cung cấp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội danh sách người nước ngoài làm việc trong đại diện các tổ chức phi chính phủ được phép hoạt động trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị gồm những thông tin sau: họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu, nơi làm việc, hình thức làm việc, địa chỉ nơi làm việc, địa chỉ tạm trú, thời hạn thị thực, tạm trú.

b. Hướng dẫn đại diện các tổ chức phi chính phủ được phép hoạt động trên địa bàn tỉnh làm các thủ tục để cấp giấy phép lao động đối với những đối tượng là người lao động nước ngoài làm việc tại đại diện các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải cấp giấy phép lao động trước khi vào làm việc tại Việt Nam.

8. Định kỳ 3 tháng, 6 tháng một lần và báo cáo năm, mỗi bên có trách nhiệm báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo  Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

9. Ðịnh kỳ 6 tháng và 1 năm, Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Công an tỉnh họp một lần để đánh giá các hoạt động đã phối hợp thực hiện và chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Trường hợp cần thiết, mỗi bên có thể yêu cầu họp bất thường.

10. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Quy chế sẽ được sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu cho phù hợp với tình hình trong từng giai đoạn./.