Quyết định 2687/QĐ-TCHQ năm 2009 về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Tổng cục Hải quan
Số hiệu: | 2687/QĐ-TCHQ | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tổng cục Hải quan | Người ký: | Nguyễn Dương Thái |
Ngày ban hành: | 22/12/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Cán bộ, công chức, viên chức, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2687/QĐ-TCHQ |
Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH TIÊU CHUẨN CÁC CHỨC DANH LÃNH ĐẠO THUỘC THẨM QUYỀN BỔ NHIỆM CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/6/2001; Luật số 42/2005/QH11 ngày 14/6/2005 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/6/2001;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 96/2002/NĐ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Tổng cục Hải quan”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; thay thế các quy định về tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Tổng cục Hải quan đã ban hành trước đây.
Điều 3. Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các Vụ, Cục, đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
TIÊU CHUẨN
CÁC CHỨC DANH LÃNH ĐẠO THUỘC THẨM QUYỀN BỔ NHIỆM CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN
(Kèm theo Quyết định số 2687/QĐ-TCHQ ngày 22 tháng 12 năm 2009)
A. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
I. Phạm vi, mục đích và đối tượng áp dụng của tiêu chuẩn:
1. Các chức danh lãnh đạo được quy định trong văn bản này bao gồm lãnh đạo từ cấp Đội hoặc Tổ (dưới đây gọi chung là Đội) thuộc Phòng, Chi cục và tương đương (dưới đây gọi chung là Phòng) đến cấp Phó Vụ trưởng, Phó Cục trưởng và tương đương (dưới đây gọi chung là Phó Vụ trưởng) thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Tổng cục Hải quan.
2. Tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo tại Quyết định này được sử dụng:
- Làm cơ sở để thực hiện việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, miễn nhiệm và đánh giá cán bộ lãnh đạo thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Tổng cục Hải quan.
- Làm tiêu chí để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thuộc diện quy hoạch, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo các cấp trong ngành Hải quan (dưới đây gọi tắt là Ngành) cho các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.
3. Các tiêu chuẩn của cấp phó các chức danh lãnh đạo từ cấp Phòng trở xuống tương tự như cấp trưởng. Các cấp phó có trách nhiệm giúp việc cấp trưởng cùng cấp theo nhiệm vụ được cấp trưởng cùng cấp phân công hoặc ủy quyền.
II. Các tiêu chuẩn chung:
1. Phẩm chất:
1.1. Trung thành với Tổ quốc, với Đảng, tận tụy phục vụ nhân dân, tích cực tham gia sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước hết là việc hiện đại hóa Ngành.
1.2. Có bản lĩnh chính trị vững vàng; gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, Chính sách và pháp luật của Nhà nước, các nội quy quy chế của cơ quan và nơi cư trú.
1.3. Có tư tưởng đổi mới, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm cá nhân; không có các biểu hiện tiêu cực, sách nhiễu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí; phục tùng sự phân công của tổ chức và sự chỉ đạo của cấp trên.
1.4. Có lý lịch rõ ràng, đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, có tinh thần đoàn kết nội bộ, xây dựng tập thể vững mạnh.
1.5. Chấp hành nguyên tắc tập trung, dân chủ và quy chế dân chủ ở cơ quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
2. Hiểu biết:
2.1. Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chiến lược phát triển chung của Ngành và vận dụng vào thực tiễn của lĩnh vực công tác được phân công;
2.2. Nắm được các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước về Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực được giao phụ trách;
2.3. Hiểu biết sâu, rộng về nghiệp vụ quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực Hải quan và các kiến thức khác có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ được giao phụ trách;
2.4. Hiểu biết về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và thế giới; hiểu biết sâu về tình hình địa bàn trong phạm vi quản lý của đơn vị.
3. Năng lực:
3.1. Có năng lực tham mưu quản lý, điều hành, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chức trách nhiệm vụ trong lĩnh vực được giao;
3.2. Có khả năng xây dựng, đoàn kết nội bộ và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
3.3. Có khả năng nghiên cứu, phân tích, dự báo và đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả các công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao.
3.4. Có khả năng tiếp cận, tổ chức triển khai các ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại trong công tác quản lý và chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng được chiến lược cải cách, hiện đại hóa chung của Ngành.
4. Trình độ:
4.1. Tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ:
- Chức danh Phó vụ trưởng: Đạt trình độ ngạch Kiểm tra chính Hải quan và tương đương.
- Chức danh lãnh đạo từ cấp Phòng trở xuống: Đạt trình độ ngạch Kiểm tra viên Hải quan.
- Có kỹ năng, kinh nghiệm phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được phân công phụ trách.
4.2. Tiêu chuẩn chuyên môn đào tạo:
- Đối với cán bộ, công chức được đề bạt, bổ nhiệm hoặc đưa vào diện quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp Vụ, Cục phải có bằng tốt nghiệp đại học phù hợp với lĩnh vực công tác được giao. Riêng cán bộ, công chức dưới 45 tuổi khi bổ nhiệm lần đầu hoặc bổ nhiệm lại, phải tốt nghiệp đại học chính quy hoặc đã có bằng thạc sỹ trở lên phù hợp với lĩnh vực công tác được giao.
- Đối với cán bộ, công chức được đề bạt, bổ nhiệm hoặc đưa vào diện quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp Phòng trở xuống tốt nghiệp đại học chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực công tác được giao.
- Nếu trường hợp tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác chưa phù hợp với các chuyên môn, nghiệp vụ ngành Hải quan hoặc lĩnh vực công tác được giao thì phải qua các khóa đào tạo Hải quan dài hạn.
4.3. Lý luận chính trị: đối với lãnh đạo cấp Phòng trở lên phải có trình độ lý luận chính trị trung cấp.
4.4. Quản lý hành chính nhà nước:
- Ngạch chuyên viên chính đối với chức danh Phó Vụ trưởng.
- Ngạch chuyên viên đối với các chức danh lãnh đạo từ cấp Phòng trở xuống.
4.5. Ngoại ngữ: Biết một ngoại ngữ thông dụng ở trình độ B trở lên hoặc sử dụng được tiếng nước láng giềng có chung đường biên giới trong giao tiếp và công việc đối với các trường hợp công tác tại biên giới đất liền.
4.6. Tin học: Sử dụng thành thạo máy tính và các trang thiết bị văn phòng phục vụ cho công tác và yêu cầu của hiện đại hóa Ngành.
5. Các điều kiện khác:
5.1. Là cán bộ, công chức làm việc trong ngành Hải quan từ 3 năm trở lên (kể cả thời gian là công chức dự bị); đối với các trường hợp chuyển từ ngành khác có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc của đơn vị tiếp nhận và đã có thời gian giữ chức vụ lãnh đạo tương đương thì không áp dụng quy định tại điểm này.
5.2. Tuổi bổ nhiệm lần đầu theo quy định của pháp luật hiện hành.
5.3. Đối với cán bộ được bổ nhiệm lần đầu, phải thuộc diện đã được quy hoạch chức danh lãnh đạo tương ứng với chức danh dự kiến bổ nhiệm.
5.4. Có sức khỏe bảo đảm công tác.
B. QUY ĐỊNH RIÊNG ĐỐI VỚI TỪNG CẤP
I. Phó Vụ trưởng thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan:
Phó Vụ trưởng là công chức lãnh đạo giúp việc Vụ trưởng, chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện phân công việc của Vụ được Vụ trưởng phân công phụ trách hoặc thay mặt Vụ trưởng điều hành, giải quyết các công việc của Vụ khi được Vụ trưởng ủy quyền. Phó Vụ trưởng có các nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ của Vụ theo sự phân công hoặc ủy quyền và báo cáo kết quả công việc với Vụ trưởng;
2. Trực tiếp giải quyết các vấn đề cụ thể phát sinh hàng ngày trong phạm vi nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Vụ trưởng trong lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ được phân công phụ trách hoặc ủy quyền;
3. Tổ chức rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các chế độ, chính sách thuộc lĩnh vực công việc được phân công phụ trách;
4. Chỉ đạo tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ theo lĩnh vực công việc được phân công;
5. Chủ động nghiên cứu, đề xuất với Vụ trưởng những vấn đề phát sinh, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết trong lĩnh vực công tác được phân công phụ trách;
6. Cùng tập thể lãnh đạo Vụ quản lý cán bộ, công chức, viên chức và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị kỹ thuật của Vụ theo đúng quy định của Nhà nước.
7. Thực hiện các nhiệm vụ ngắn hạn và đột xuất khác được Vụ trưởng giao.
II. Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là Cục):
Phó Cục trưởng là công chức lãnh đạo giúp việc Cục trưởng, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện phần công việc của Cục được Cục trưởng phân công phụ trách hoặc thay mặt Cục trưởng điều hành, giải quyết công việc của Cục khi được Cục trưởng ủy quyền. Phó Cục trưởng có các nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ theo sự phân công hoặc ủy quyền;
2. Trực tiếp giải quyết các vấn đề cụ thể phát sinh hàng ngày trong phạm vi nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Cục trưởng trong lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ được phân công phụ trách hoặc ủy quyền;
3. Chỉ đạo tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chức năng thuộc và trực thuộc Cục thực hiện nhiệm vụ theo lĩnh vực công việc được phân công;
4. Chủ động nghiên cứu, đề xuất với Cục trưởng những vấn đề phát sinh, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết trong lĩnh vực công việc được phân công phụ trách;
5. Đối với những vấn đề thuộc về chủ trương hoặc có tính nguyên tắc mà chưa có văn bản quy định hoặc những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề có tác động lớn đến tình hình hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, tình hình của Ngành và đơn vị thì phải xin ý kiến của Cục trưởng trước khi quyết định;
6. Cùng tập thể lãnh đạo Cục quản lý cán bộ, công chức, viên chức và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị kỹ thuật và kinh phí hoạt động của Cục theo đúng quy định của Nhà nước;
7. Thực hiện các nhiệm vụ ngắn hạn và đột xuất khác được Cục trưởng giao.
III. Trưởng phòng:
Trưởng phòng là công chức lãnh đạo đứng đầu đơn vị cấp Phòng giúp việc cho Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thuộc một lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ được giao theo quy định của pháp luật. Trưởng phòng có các nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức và hướng dẫn thực hiện công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ của Phòng;
2. Trực tiếp giải quyết các vấn đề cụ thể phát sinh hàng ngày trong phạm vi nhiệm vụ thuộc thẩm quyền;
3. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc các công việc đã triển khai đối với các đơn vị có liên quan;
4. Chủ động nghiên cứu, đề xuất những vấn đề phát sinh, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết trong lĩnh vực công việc được giao;
5. Quản lý cán bộ, công chức, viên chức và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị kỹ thuật của Phòng theo đúng quy định của Nhà nước;
6. Thực hiện các nhiệm vụ ngắn hạn và đột xuất khác được Cục trưởng, Vụ trưởng giao.
IV. Chi cục trưởng và tương đương:
Chi cục trưởng và các chức danh tương đương (dưới đây gọi tắt là Chi cục trưởng) là công chức lãnh đạo đứng đầu Chi cục Hải quan, Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Đội kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố; Đội Kiểm soát Hải quan, Hải đội kiểm soát Hải quan, Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định. Chi cục trưởng và chức danh tương đương có các nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật;
2. Hướng dẫn, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ thuộc thẩm quyền và quy định của pháp luật;
3. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Ngành để thực hiện nhiệm vụ được giao;
4. Quản lý cán bộ, công chức và cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị kỹ thuật theo quy định;
5. Thực hiện các nhiệm vụ ngắn hạn và đột xuất khác được Cục trưởng giao.
V. Đội trưởng thuộc Chi cục:
Đội trưởng thuộc Chi cục là công chức lãnh đạo đứng đầu Đội, Tổ thuộc Chi cục Hải quan, Đội kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương (gọi chung là Chi cục), chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và trước pháp luật trong việc điều hành Đội thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định. Đội trưởng có các nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật;
2. Phản ánh và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình thủ tục để giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ;
3. Quản lý cán bộ, công chức trong Đội và cơ sở vật chất, phương tiện được trang bị theo quy định;
4. Thực hiện các nhiệm vụ ngắn hạn và đột xuất khác được Chi cục trưởng giao.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Áp dụng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Tổng cục Hải quan:
1.1. Kể từ ngày Tiêu chuẩn này có hiệu lực thi hành, việc bổ nhiệm lần đầu các chức danh lãnh đạo thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Tổng cục Hải quan phải tuân thủ các tiêu chuẩn quy định tại văn bản này.
1.2. Đối với lãnh đạo thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Tổng cục Hải quan đã được bổ nhiệm nhưng chưa đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại điểm 4 mục II phần A, trong thời gian 36 tháng, kể từ ngày Tiêu chuẩn này có hiệu lực thi hành, phải bổ sung đủ các trình độ, chứng chỉ theo quy định (trừ trường hợp chỉ còn một nhiệm kỳ công tác trở xuống là đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ).
1.3. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc không thực hiện bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Tổng cục Hải quan được thực hiện trên cơ sở quy định của văn bản này và các quy định khác có liên quan của pháp luật hiện hành.
2. Trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan:
2.1. Phổ biến, quán triệt nội dung các quy định tại văn bản này cho toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị.
2.2. Thực hiện rà soát, lập danh sách lãnh đạo các cấp trong phạm vi quản lý của đơn vị chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quy định tại điểm 4 mục II phần A để báo cáo Tổng cục (qua Vụ Tổ chức cán bộ). Thời hạn cụ thể như sau:
- Báo cáo lần đầu: Chậm nhất là sau 30 ngày, kể từ ngày Tiêu chuẩn này có hiệu lực thi hành.
- Báo cáo định kỳ: Định kỳ hàng năm, trước ngày 15/01 của năm kế tiếp.
2.3. Bố trí công việc và tạo điều kiện để cán bộ lãnh đạo các cấp thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị được tham gia các khóa đào tạo để hoàn thiện tiêu chuẩn, trình độ theo quy định của văn bản này.
3. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ:
3.1. Hướng dẫn các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục việc áp dụng các quy định tại văn bản này trong công tác cán bộ. Tham mưu giúp lãnh đạo Tổng cục xử lý các trường hợp phát sinh ngoài phạm vi các quy định tại văn bản này.
3.2. Thông báo kế hoạch tổ chức các khóa đào tạo thuộc thẩm quyền tổ chức đào tạo của Tổng cục cho Thủ trưởng các đơn vị trong Ngành để chủ động bố trí cán bộ lãnh đạo tham gia.
3.3. Tổ chức theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc chấp hành và tham mưu xử lý vi phạm các quy định tại văn bản này của các đơn vị trong Ngành.
4. Cán bộ lãnh đạo các cấp thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Tổng cục Hải quan có trách nhiệm tham gia các khóa đào tạo để hoàn thiện các điều kiện về tiêu chuẩn, trình độ theo quy định tại văn bản này.
Nghị định 178/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ Ban hành: 03/12/2007 | Cập nhật: 05/12/2007
Nghị định 96/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan Ban hành: 19/11/2002 | Cập nhật: 10/12/2009