Quyết định 267/QĐ-TTg năm 2015 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước công dân
Số hiệu: | 267/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 02/03/2015 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 16/03/2015 | Số công báo: | Từ số 357 đến số 358 |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 267/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 02 tháng 03 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Căn cước công dân ngày 20 tháng 11 năm 2014;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước công dân.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
THỦ TƯỚNG |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thi hành Luật Căn cước công dân, bảo đảm kịp thời, thống nhất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
b) Tổ chức tốt việc phổ biến Luật Căn cước công dân đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
c) Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về công dân phục vụ cho việc quản lý dân cư, hoạch định chính sách kinh tế - xã hội và giao dịch của công dân; kiện toàn tổ chức, biên chế bảo đảm triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác thi hành pháp luật về căn cước công dân trong phạm vi cả nước.
2. Yêu cầu
a) Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Căn cước công dân.
b) Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ triển khai thi hành có hiệu quả Luật Căn cước công dân.
II. NỘI DUNG
1. Phổ biến pháp luật về căn cước công dân
a) Tổ chức phổ biến Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành với nội dung và các hình thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, nhất là người trực tiếp làm công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
b) Biên soạn tài liệu phục vụ công tác phổ biến Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành.
c) Phân công thực hiện
- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp biên soạn tài liệu phổ biến pháp luật về căn cước công dân cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân với nội dung rõ ràng, dễ hiểu, bảo đảm cho việc thực hiện Luật được thống nhất.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương dành thời lượng phù hợp phổ biến Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức phổ biến Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng dẫn, chỉ đạo các báo, tạp chí, đơn vị làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ, ngành, địa phương mình xây dựng kế hoạch mở các đợt cao điểm và thường xuyên để phổ biến sâu rộng pháp luật về căn cước công dân.
d) Thời gian thực hiện: Năm 2015 và các năm tiếp theo.
2. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân
a) Biên soạn tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân với nội dung phù hợp với đối tượng được tập huấn.
b) Tổ chức triển khai, tập huấn, tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo cơ quan, tổ chức và người trực tiếp làm công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
c) Phân công thực hiện
- Bộ Công an biên soạn tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tổ chức tập huấn, tập huấn chuyên sâu pháp luật về căn cước công dân, bồi dưỡng nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức phục vụ nhân dân, yêu cầu cải cách hành chính, chống quan liêu, gây phiền hà trong công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, những người làm công tác quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
- Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho cán bộ lãnh đạo và người trực tiếp làm công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của địa phương mình.
d) Thời gian thực hiện: Năm 2015 và các năm tiếp theo.
3. Rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thi hành Luật Căn cước công dân
a) Bộ Công an
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân, trình Chính phủ trong tháng 10 năm 2015.
- Ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân vào quý IV năm 2015.
- Ban hành Thông tư quy định cụ thể về quy cách, ngôn ngữ, hình dáng, kích thước, chất liệu của thẻ Căn cước công dân và biểu mẫu được sử dụng trong quản lý căn cước công dân vào quý IV năm 2015.
- Ban hành Thông tư quy định về trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân vào quý IV năm 2015.
- Ban hành Thông tư quy định về quản lý tàng thư căn cước công dân vào quý IV năm 2015.
b) Bộ Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch quy định cụ thể đối tượng, mức thu và việc quản lý, sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào quý IV năm 2015.
- Ban hành Thông tư quy định cụ thể về mức thu, các trường hợp được miễn, giảm lệ phí và chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng lệ phí khi đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân vào quý IV năm 2015.
c) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình tiến hành kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác liên quan đến công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để sửa đổi, bãi bỏ hoặc kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ những nội dung trái với quy định của Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4. Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho hoạt động quản lý căn cước công dân
a) Bộ Công an
- Kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt làm công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; chấn chỉnh tác phong làm việc, tiếp dân, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ có thái độ, lời nói, cử chỉ thiếu nghiêm túc hoặc sách nhiễu, gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; cải tiến phương pháp làm việc, bảo đảm đơn giản, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục; giải quyết kịp thời kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thành việc xây dựng Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quý I năm 2015.
- Tổng kết việc thực hiện Dự án sản xuất, cấp và quản lý Chứng minh nhân dân theo công nghệ mới vào quý III năm 2015; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án sản xuất, cấp và quản lý thẻ Căn cước công dân vào quý IV năm 2015.
b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an bố trí kinh phí thường xuyên cho hoạt động của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; kinh phí bảo đảm cho việc cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Bộ Công an bố trí nguồn vốn từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý thẻ Căn cước công dân.
d) Bộ Tư pháp chỉ đạo các cơ quan đăng ký hộ tịch cung cấp, cập nhật thông tin về hộ tịch của công dân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
đ) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan ở địa phương cung cấp thông tin, tài liệu cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; bố trí kinh phí cho hoạt động quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân theo phân công, phân cấp ở địa phương mình; giải quyết kịp thời kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân thuộc quyền quản lý có thái độ, lời nói, cử chỉ thiếu nghiêm túc hoặc sách nhiễu, gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.
5. Kinh phí triển khai thi hành Luật Căn cước công dân
Kinh phí triển khai thi hành Luật Căn cước công dân do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước và các nguồn khác (nếu có) theo quy định của pháp luật. Riêng năm 2015, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước được giao đầu năm để triển khai thực hiện. Trường hợp cần bổ sung kinh phí để bảo đảm cho hoạt động triển khai thi hành Kế hoạch này, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Công an và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Kế hoạch này.
2. Bộ Tài chính, cơ quan tài chính địa phương có trách nhiệm tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán ngân sách, bảo đảm nguồn kinh phí để triển khai Kế hoạch này trên cơ sở dự toán kinh phí của các Bộ, ngành, địa phương.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Luật Căn cước công dân trong Bộ, ngành, địa phương mình./.