Quyết định 265/2007/QĐ-UBND quy định về quản lý, tổ chức thực hiện việc dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành
Số hiệu: | 265/2007/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Ninh Thuận | Người ký: | Hoàng Thị Út Lan |
Ngày ban hành: | 17/10/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giáo dục, đào tạo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 265/2007/QĐ-UBND |
Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 17 tháng 10 năm 2007 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, TỔ CHỨC THỰC HIỆN VIỆC DẠY THÊM HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2007;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐCP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định về dạy thêm học thêm;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận tại Tờ trình số 121/TTr-SGD&ĐT ngày 08/10/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện và định kỳ 6 tháng, năm báo cáo tình hình dạy thêm, học thêm về Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký.
Các quy định đã ban hành trước đây về dạy thêm học thêm trái với quy định này đều bãi bỏ.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUẢN LÝ, TỔ CHỨC THỰC HIỆN VIỆC DẠY THÊM HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 265/2007/QĐ-UBND ngày 17/10/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
1. Dạy thêm học thêm được đề cập trong Quy định này là hoạt động dạy - học ngoài giờ chính khoá thuộc kế hoạch giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, với nội dung dạy học trong phạm vi chương trình giáo dục phổ thông. Văn bản này quy định về quản lý, tổ chức thực hiện việc dạy thêm học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường; trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện và thủ tục mở lớp dạy thêm học thêm.
2. Văn bản này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm học thêm.
Điều 2. Nguyên tắc tổ chức, thực hiện dạy thêm học thêm.
1. Hoạt động dạy thêm phải được các cấp quản lý giáo dục chỉ đạo, quản lý và phối hợp cùng với chính quyền các cấp, phối hợp với các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội quản lý và giám sát chặt chẽ. Thủ trưởng cơ sở giáo dục có cán bộ giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường có trách nhiệm liên hệ và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc thường xuyên thanh kiểm tra, uốn nắn, chấn chỉnh các sai phạm (nếu có).
2. Cán bộ, giáo viên dạy thêm trong nhà trường (do trường mở lớp) phải được các tổ chuyên môn bàn bạc phân công, đề xuất, Hiệu trưởng quyết định. Dạy thêm ngoài nhà trường (không do nhà trường tổ chức) phải được sự cho phép của Hiệu trưởng hoặc người đứng đầu các cơ sở giáo dục hoặc Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
3. Người học muốn học thêm phải có đơn tự nguyện xin học của gia đình gửi nhà trường hoặc thầy cô giáo đã được phép mở lớp dạy thêm.
4. Nội dung và phương pháp dạy thêm học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách cho học sinh; phải phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông và đặc điểm tâm sinh lý người học; không dạy thêm, học thêm quá số tiết, số buổi quy định; không gây nên tình trạng học quá nhiều và vượt quá sức tiếp thu của nguời học.
5. Hoạt động dạy thêm có thu tiền chỉ được thực hiện sau khi đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và đuợc cơ quan này cho phép. Không thu, chi tiền học phí sai quy định chung.
6. Không được ép buộc học sinh học thêm để thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào.
Điều 3. Các trường hợp không được tổ chức và thực hiện việc dạy thêm học thêm.
1. Không tổ chức dạy thêm cho học sinh trong nhà trường đối với các trường hợp sau:
a) Các trường dạy học 2 (hai) buổi trong một ngày hoặc học sinh ở các lớp học 2 (hai) buổi trong ngày. Riêng việc ôn thi tốt nghiệp, ôn thi chuyển cấp, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi chỉ được bố trí học tại trường;
b) Không dạy thêm học thêm cho học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: nhận quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao; luyện tập kỹ năng đọc, viết cho học sinh, đã được cơ quan cấp có thẩm quyền cho phép;
c) Các trường học và cơ sở giáo dục công lập trong tỉnh không được tổ chức luyện thi tuyển sinh đầu cấp vào trường mình;
d) Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng không tổ chức dạy thêm học thêm theo Chương trình giáo dục phổ thông cho người học không phải là học sinh, học viên của cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng đó.
2. Không tổ chức dạy thêm cho học sinh ngoài nhà trường đối với các trường hợp sau:
a) Cán bộ giáo viên các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng sư phạm và các cơ sở dạy bổ túc văn hoá không được dạy thêm cho học sinh, sinh viên, học viên mà mình đang giảng dạy trực tiếp trên lớp chính khoá trong năm học;
b) Cán bộ chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, giảng viên trường Cao đẳng sư phạm được phân công ra đề thi tuyển sinh, đề thi tốt nghiệp, đề kiểm tra học kỳ, không được dạy thêm dưới bất cứ hình thức nào cho người học sẽ dự thi trong năm mở kỳ thi.
Điều 4. Người dạy thêm không được thực hiện một trong những hành vi sau:
1. Không được tự ý cắt xén chương trình, kiến thức để dành lại cho việc dạy thêm; không dạy trước bài sắp giảng trên lớp; không hướng dẫn hoặc gợi ý đề kiểm tra, đề thi ở lớp dạy thêm.
2. Không được dùng bất cứ hình thức gì (trực tiếp hay gián tiếp) để ép buộc học sinh học thêm. Không được có thái độ hoặc biểu hiện trù úm, phân biệt đối xử giữa học sinh học thêm với những học sinh không học thêm.
DẠY THÊM HỌC THÊM TRONG NHÀ TRƯỜNG
Điều 5. Dạy thêm học thêm trong nhà trường là dạy thêm học thêm do nhà trường phổ thông, cơ sở giáo dục khác dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông hay Chương trình giáo dục bổ túc trung học phổ thông thực hiện. Dạy thêm học thêm trong nhà trường bao gồm: phụ đạo học sinh học lực yếu kém; bồi dưỡng học sinh giỏi; dạy thêm cho học sinh có nguyện vọng củng cố, bổ sung kiến thức; ôn thi tuyển sinh trung học phổ thông cho học sinh lớp 9; ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển học sinh đại học, cao đẳng cho học sinh lớp 12. Khi mở lớp dạy thêm phải có đủ giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo, có đủ cơ sở vật chất và lớp học bảo đảm yêu cầu tại quy định về vệ sinh trường học ban hành kèm theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18 tháng 4 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
1. Việc phụ đạo học sinh kém và bồi dưỡng học sinh giỏi là trách nhiệm của giáo viên bộ môn và của nhà trường.
2. Đối với các lớp ôn thi tốt nghiệp, Hiệu trưởng có trách nhiệm tổ chức và quản lý, mức thu, chi tiền học phí theo đúng của cấp có thẩm quyền.
3. Thời gian tổ chức các lớp ôn tập:
a) Tiểu học (lớp 5, trừ học sinh học 2 (hai) buổi một ngày): 1 (một) tháng trước khi kết thúc năm học, mỗi tuần không quá 2 (hai) buổi, mỗi buổi không quá 4 (bốn) tiết;
b) Trung học cơ sở (lớp 9) và trung học phổ thông (lớp 12), trừ học sinh học 2 (hai) buổi một ngày: 2 (hai) tháng trước kỳ thi, mỗi tuần không quá 3 (ba) buổi, mỗi buổi không quá 4 (bốn) tiết;
c) Thi tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng sư phạm: 2 (hai) tháng trước kỳ thi, mỗi tuần không quá 3 (ba) buổi, mỗi buổi không quá 4 (bốn) tiết.
4. Địa điểm mở lớp là tại các phòng học của nhà trường hoặc thuê, mượn tại các cơ sở giáo dục khác.
DẠY THÊM HỌC THÊM NGOÀI NHÀ TRƯỜNG
Điều 7. Dạy thêm học thêm ngoài nhà trường là dạy thêm học thêm do các tổ chức khác ngoài các tổ chức nói tại Điều 5 Quy định này hoặc cá nhân thực hiện. Dạy thêm học thêm ngoài nhà trường bao gồm: bồi dưỡng kiến thức, ôn luyện thi. Tổ chức, cá nhân đăng ký mở lớp dạy thêm phải có đủ giáo viên đạt trình độ chuẩn về đào tạo, có đủ cơ sở vật chất và lớp học, đảm bảo các điều kiện về bàn ghế, bảng, đồ dùng dạy học, ánh sáng, vệ sinh, an toàn giao thông, an ninh trật tự, ... bảo đảm yêu cầu tại Quy định về vệ sinh trường học ban hành kèm theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18 tháng 4 năm 2000 của Bộ Y tế.
1. Đối tượng được phép mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường:
a) Những cán bộ, giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục và đào tạo phải được các cấp quản lý giáo dục xếp loại tay nghề từ khá trở lên, có phẩm chất tư cách tốt, đã hết thời gian tập sự và không trong thời gian chịu các hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên;
b) Những người có trình độ chuyên môn phù hợp với chương trình dạy thêm và phải tốt nghiệp các trường Sư phạm hoặc có chứng chỉ đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; đồng thời phải có sức khoẻ và không mắc các bệnh truyền nhiễm.
2. Thủ tục mở lớp các lớp, nhóm dạy thêm ngoài nhà trường:
a) Mọi tổ chức hoặc cá nhân chỉ được thực hiện việc dạy thêm khi đã đăng ký và được phép của cơ quan có thẩm quyền. Người mở lớp dạy thêm có từ 5 (năm) người học trở lên phải làm hồ sơ xin phép Hiệu trưởng (Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo).
Đối với người ngoài ngành hay giáo viên đã về hưu xin phép cơ quan quản lý giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thành phố). Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép đối với các lớp dạy thêm theo chương trình cấp trung học phổ thông; các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố cho phép đối với các lớp dạy thêm theo chương trình cấp trung học cơ sở, cấp tiểu học trên địa bàn huyện thành phố;
b) Hồ sơ xin dạy thêm học thêm gồm (3 loại): đơn mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường của người dạy; danh sách người học thêm ngoài nhà trường; đơn học thêm của người học có ý kiến của gia đình (theo mẫu đính kèm). Mỗi lần mở lớp đều phải làm lại thủ tục mở lớp;
c) Căn cứ vào Quy định tại Quyết định này, sau khi kiểm tra các điều kiện, Hiệu trưởng (Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) sẽ cho phép giáo viên (cán bộ, chuyên viên) của đơn vị mình mở lớp, nhóm dạy thêm. Hồ sơ dạy thêm được lưu trữ cẩn thận tại đơn vị và thường xuyên cập nhật để phục vụ công tác quản lý, thanh kiểm tra. Hiệu trưởng các trường lập danh sách cán bộ giáo viên có đơn xin đăng ký dạy thêm báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo (các trường trực thuộc Sở) hay Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố (các trường tiểu học, trung học cơ sở) vào đầu mỗi học kỳ, đầu mỗi năm học.
3. Thời lượng dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường:
a) Mỗi cán bộ, giáo viên đang công tác dạy thêm không quá 20 (hai mươi) tiết/tuần (7 (bảy) ngày) trong năm học; không quá 40 (bốn mươi) tiết/tuần trong dịp nghỉ hè;
b) Thời khoá biểu của mỗi lớp không vượt quá 3 (ba) buổi/tuần, mỗi buổi không quá 3 (ba) tiết đối với tiểu học, không quá 2 (hai) tiết đối với trung học cơ sở, trung học phổ thông và phải được niêm yết công khai tại điểm dạy;
c) Người học (mỗi tuần) theo chương trình:
- Tiểu học không vượt quá 3 (ba) buổi, mỗi buổi không quá 3 (ba) tiết (120 (một trăn hai mươi) phút).
- Trung học cơ sở không vượt quá 4 (bốn) buổi, mỗi buổi không quá 2 (hai) tiết (90 (chín mươi) phút).
- Trung học phổ thông không vượt quá 6 (sáu) buổi, mỗi buổi không quá 2 (hai) tiết (90 (chín mươi) phút).
4. Sĩ số lớp, nhóm học thêm ngoài nhà trường: từ 5 (năm) người học đến không quá 30 (ba mươi) người học/lớp.
5. Địa điểm và cơ sở vật chất lớp, nhóm dạy thêm ngoài nhà trường: lớp dạy thêm có thể thuê mượn các cơ sở giáo dục hoặc đặt tại nhà ở của người dạy nhưng phải có phòng học riêng biệt.
6. Tiền học thêm ngoài nhà trường: theo nguyên tắc thoả thuận giữa người dạy và cha mẹ học sinh (được ghi trong đơn xin học).
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN DẠY THÊM HỌC THÊM
Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp.
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố chịu trách nhiệm quản lý đối với hoạt động dạy thêm học thêm trên địa bàn huyện, thành phố. Căn cứ Quy định này và các quy định khác có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố ban hành văn bản quy định hướng dẫn về dạy thêm học thêm phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn huyện, thành phố nhưng không trái với quy định của cấp trên.
2. Ủy ban nhân dân các xã phường, thị trấn chịu trách nhiệm quản lý đối với hoạt động dạy thêm học thêm trên địa bàn theo quy định tại văn bản này và văn bản của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (nếu có); tổ chức kiểm tra hoạt động dạy thêm học thêm trên địa bàn để xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý sai phạm.
Điều 10. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo, trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo.
1. Sở Giáo dục và Đào tạo xét duyệt hồ sơ đăng ký và cho phép dạy thêm học thêm ngoài nhà trường theo chương trình trung học phổ thông;
2. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố xét duyệt hồ sơ đăng ký và cho phép dạy thêm học thêm ngoài nhà trường theo chương trình cấp trung học cơ sở, cấp tiểu học của các tổ chức và cá nhân theo quy định.
3. Thực hiện quy định về dạy thêm học thêm; tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo hiệu lực của quy định về dạy thêm học thêm; phát hiện nhân tố tích cực; phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
3. Thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan và điện thoại dùng cho việc tiếp nhận ý kiến phản ánh về dạy thêm học thêm để quản lý.
4. Định kỳ 6 tháng, 1 năm (trước ngày 25/6 và 25/12 hằng năm) tổng hợp và báo cáo tình hình dạy thêm học thêm, trình Ủy ban nhân dân cùng cấp và cơ quan quản lý giáo dục cấp trên.
Điều 11. Trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường và người đứng đầu cơ sở giáo dục khác.
Hiệu trưởng nhà trường và người đứng đầu cơ sở giáo dục khác nói tại Điều 5 của Quy định này chịu trách nhiệm:
1. Tổ chức và quản lý dạy thêm học thêm trong nhà trường; bảo đảm quyền lợi của người học; thường xuyên kiểm tra hoạt động dạy thêm học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường của mọi giáo viên, cán bộ, nhân viên do trường mình quản lý. Thực hiện đúng tiến độ quy định của phân phối chương trình; không cắt xén chương trình, nội dung dạy học đã được quy định để dành cho dạy thêm học thêm.
2. Xét duyệt hồ sơ đăng ký và cho phép (ghi rõ trong đơn) người dạy được mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường cho cán bộ, giáo viên thuộc đơn vị mình quản lý.
3. Kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm các quy định về dạy thêm học thêm.
4. Định kỳ 6 tháng, 1 năm (trước ngày 20/6 và ngày 20/12 hằng năm) tổng hợp và báo cáo tình hình dạy thêm học thêm của đơn vị, giáo viên thuộc quyền quản lý trình cơ quan quản lý giáo dục và Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm ngoài nhà trường.
1. Thực hiện các quy định tại văn bản này và các quy định khác về hoạt động giáo dục. Mọi tổ chức hoặc cá nhân chỉ được tổ chức mở lớp dạy thêm khi đã đăng ký và được phép bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
2. Trước khi thực hiện dạy thêm, các tổ chức khác ngoài các tổ chức nói tại Điều 5 Quy định này và người tổ chức dạy thêm phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền kế hoạch dạy thêm, nội dung dạy thêm, danh sách người học, người dạy.
3. Quản lý người học và tôn trọng quyền lợi của người học. Nếu tạm ngừng hoặc chấm dứt dạy thêm phải báo cáo với cơ quan quản lý và thông báo công khai cho người học biết trước ít nhất là 30 (ba mươi) ngày tính đến ngày tạm ngừng hoặc chấm dứt dạy thêm, hoàn trả các khoản tiền đã thu của người học tương ứng với phần dạy thêm không thực hiện.
4. Định kỳ 6 tháng, 1 năm (trước ngày 20/6 và ngày 20/12 hằng năm) tổng hợp và báo cáo tình hình dạy thêm học thêm gửi cơ quan quản lý giáo dục và Ủy ban nhân dân cùng cấp.
THANH TRA, KIỂM TRA, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Hoạt động dạy thêm học thêm trong nhà trường và dạy thêm học thêm ngoài nhà trường chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục và của chính quyền các cấp.
Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy định về dạy thêm học thêm và được các cơ quan quản lý giáo dục đánh giá có nhiều đóng góp nâng cao chất lượng giáo dục thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
1. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
2. Cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm học thêm thì bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
3. Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm, có hành vi lừa đảo hoặc tổ chức dạy thêm học thêm trái quy định dẫn tới vi phạm các quy định về trật tự an toàn xã hội thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật liên quan hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Quyết định 03/2007/QĐ-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Ban hành: 31/01/2007 | Cập nhật: 07/03/2007
Nghị định 49/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục Ban hành: 11/04/2005 | Cập nhật: 06/12/2012
Nghị định 35/2005/NĐ-CP về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức Ban hành: 17/03/2005 | Cập nhật: 07/12/2012
Quyết định 1221/2000/QĐ-BYT ban hành Quy định về vệ sinh trường học của Bộ trưởng Bộ Y tế Ban hành: 18/04/2000 | Cập nhật: 31/03/2007