Quyết định 2622/QĐ-BCT năm 2018 về điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại
Số hiệu: 2622/QĐ-BCT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Công thương Người ký: Trần Tuấn Anh
Ngày ban hành: 26/07/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2622/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 26 tháng 07 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

ĐIỀU TRA ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG LẨN TRÁNH BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Luật Quản lý Ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại;

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Thông tư số 06/2018/TT-BCT ngày 20 tháng 4 năm 2018 quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép có mã HS: 7213.91.90, 7213.99.90, 7217.10.10, 7217.10.29, 7229.90.99, 9839.10.00, 9839.20.00 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau với nội dung chi tiết nêu trong Thông báo gửi kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Trình tự thủ tục điều tra thực hiện theo pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Chánh Văn phòng Bộ và Thủ trưởng các đơn vị, các bên liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Website Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Ngoại giao;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Tổng cục Hải quan;
- Các Thứ trưởng;
- Các Vụ: ĐB, PC, KHCN;
- Cục Công nghiệp;
- Cục XNK;
- Website Bộ Công Thương;
- Văn phòng BCĐLN HNQT về Kinh tế;
- Lưu: VT, PVTM (04).

BỘ TRƯỞNG




Trần Tuấn Anh

 

THÔNG BÁO

V/V TIẾN HÀNH ĐIỀU TRA ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG LẨN TRÁNH BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI
(Kèm theo Quyết định số 2622/QĐ-BCT ngày 26 tháng 7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017 ("Luật Quản lý ngoại thương"), Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại (“Nghị định 10/2018/NĐ-CP”) và Thông tư 06/2018/TT-BCT ngày 20 tháng 4 năm 2018 quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương thông báo nội dung chi tiết về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép có mã HS: 7213.91.90, 7213.99.90, 7217.10.10, 7217.10.29, 7229.90.99, 9839.10.00 9839.20.00 nhập khẩu vào Việt Nam (mã số vụ việc AC01.SG04) như sau:

1. Thông tin cơ bản

Ngày 07 tháng 3 năm 2016. Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 862/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Ngày 18 tháng 7 năm 2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 2968/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Ngày 08 tháng 5 năm 2018, Cục Phòng vệ thương mại (sau đây gọi là Cục PVTM hoặc Cơ quan điều tra) nhận được Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương và Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (sau đây gọi là Bên yêu cầu).

Ngày 22 tháng 5 năm 2018, Cục PVTM đã có công văn số 446/PVTM-P2 về việc đề nghị Bên yêu cầu mã hóa một số số liệu trong Hồ sơ yêu cầu.

Ngày 30 tháng 5 năm 2018, Cục PVTM nhận được các thông tin theo yêu cầu tại công văn số 446/PVTM-P2 của Bên yêu cầu.

Ngày 13 tháng 6 năm 2018, Cục PVTM đã có công văn số 518/PVTM-P2 về việc xác nhận hồ sơ của Bên yêu cầu nộp là đầy đủ và hợp lệ theo quy định của pháp luật Việt Nam về các biện pháp phòng vệ thương mại.

2. Bên yêu cầu

1. Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương

Địa chỉ: Xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, Việt Nam

Số điện thoại: +84-3203-534578

Fax: +84-3203-534577

2. Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên

Địa chỉ: Tổ 21, Phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Số điện thoại: +84-280-3832236

Fax: +84-280-3832056

3. Hàng hóa thuộc đối tượng điều tra

Các sản phẩm thép có mã HS: 7213.91.90, 7213.99.90, 7217.10.10, 7217.10.29, 7229.90.99, 9839.10.00 và 9839.20.00 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau.

4. Đánh giá của Bộ Công Thương

Sau khi xem xét báo cáo thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Cơ quan điều tra, Bộ Công Thương sơ bộ đánh giá như sau:

- Có dấu hiệu cho thấy các sản phẩm thép thuộc các mã HS 7213.91.90, 7213.99.90, 7217.10.10; 7217.10.29; 7229.90.99, 9839.10.00 và 9839.20.00 có lượng nhập khẩu gia tăng đáng kể từ khi Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ.

- Các sản phẩm thép được khai vào các mã HS 7213.91.90, 7213.99.90, 7217.10.10, 7217.10.29, 7229.90.99, 9839.10.00 và 9839.20.00 có sự khác biệt không đáng kể so với hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp tự vệ.

- Có dấu hiệu cho thấy có sự giảm hiệu quả của biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực;

- Có dấu hiệu về hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

5. Bên liên quan

Bên liên quan có quyền:

• Tiếp cận các thông tin lưu hành công khai của vụ việc;

• Nhận được thông báo liên quan đến vụ việc;

• Góp ý vào dự thảo kết luận điều tra của vụ việc;

Cá nhân và tổ chức muốn đăng ký làm bên liên quan cần gửi đơn đăng ký đến Cục PVTM theo quy định tại Điều 74 của Luật Quản lý ngoại thươngĐiều 5 của Thông tư 06/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại. Đơn đăng ký phải được gửi tới Cục PVTM - Bộ Công Thương bằng email hoặc văn bản theo địa chỉ tại Mục 9 của Thông báo này.

Cơ quan điều tra khuyến nghị tất cả các tổ chức, cá nhân đang xuất nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng ký làm bên liên quan để đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

6. Thủ tục tiếp theo

- Bản câu hỏi điều tra sẽ được gửi đến các bên liên quan sau ngày ra quyết định điều tra. Bản trả lời câu hỏi và các ý kiến liên quan đến vụ việc phải được gửi dưới dạng văn bản bằng tiếng Việt trong thời hạn do Cục PVTM quy định. Tất cả các bên liên quan có quyền nêu quan điểm của mình về vụ việc này trong suốt quá trình điều tra. Bộ Công Thương có trách nhiệm xem xét các thông tin, chứng cứ, quan điểm của các bên liên quan trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.

- Căn cứ Điều 83 của Nghị định 10/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nếu xác định có hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Vì vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra cần lưu ý về khả năng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại có thể được áp dụng.

7. Bảo mật thông tin

Trong các tài liệu mà các bên liên quan gửi cho Cục PVTM, để được bảo mật những thông tin thuộc bí mật kinh doanh, các bên liên quan phải tóm tắt thông tin cung cấp dưới dạng bản lưu hành công khai. Nếu bên liên quan cho rằng không thể tóm tắt được, cần giải trình lý do không thể tóm tắt được.

Công khai thông tin: thông tin chi tiết về quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa thuộc đối tượng điều tra có thể truy cập tại trang thông tin điện tử của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương: www.pvtm.gov.vn và của Bộ Công Thương: www.moit.gov.vn.

8. Thời hạn điều tra

Căn cứ Điều 82 của Nghị định 10/2018/NĐ-CP, thời hạn điều tra không quá 06 tháng, kể từ ngày có quyết định điều tra. Trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể gia hạn thời hạn điều tra nhưng không quá 06 tháng.

9. Thông tin liên hệ

Phòng Điều tra Thiệt hại và Tự vệ

Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương

Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam

Điện thoại: (+84 24) 7303.7898 (máy lẻ: 126) (Chị Mai Quỳnh)

Email: giangphg@moit.gov.vn; quynhpm@moit.gov.vn

 

Điều 74. Bên liên quan trong vụ việc điều tra

1. Bên liên quan trong vụ việc điều tra bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân ở nước ngoài sản xuất, xuất khẩu hàng hóa vào lãnh thổ Việt Nam bị điều tra;

b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa bị điều tra;

c) Hiệp hội nước ngoài có đa số thành viên là các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra;

d) Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu hàng hóa bị điều tra;

đ) Tổ chức, cá nhân có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;

e) Tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất hàng hóa tương tự;

g) Hiệp hội trong nước có đa số thành viên là các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa tương tự;

h) Tổ chức, cá nhân khác có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ việc điều tra hoặc có thể giúp ích cho quá trình điều tra hoặc tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Tổ chức, cá nhân phải đăng ký và được Cơ quan điều tra chấp thuận để trở thành bên liên quan trong vụ việc điều tra.

3. Bên liên quan trong vụ việc điều tra được tiếp cận thông tin, tài liệu mà bên liên quan khác đã cung cấp cho Cơ quan điều tra, trừ thông tin, tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 75 của Luật này.

Xem nội dung VB
Điều 5. Đăng ký bên liên quan trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

1. Sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định tiến hành điều tra hoặc rà soát vụ việc phòng vệ thương mại, các tổ chức, cá nhân theo quy định tại Khoản 1, Điều 74 của Luật Quản lý ngoại thương có quyền đăng ký tham gia vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với tư cách là bên liên quan.

2. Cơ quan điều tra xem xét quy định thời hạn đăng ký bên liên quan trong từng vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhưng không ít hơn 20 ngày làm việc kể từ ngày có hiệu lực của Quyết định tiến hành điều tra hoặc rà soát vụ việc phòng vệ thương mại.

3. Các tổ chức, cá nhân đăng ký theo mẫu Đơn đăng ký bên liên quan ban hành kèm theo Thông tư này tại Phụ lục 01, gửi tới Cơ quan điều tra trong thời hạn đăng ký quy định tại Quyết định tiến hành điều tra hoặc rà soát vụ việc phòng vệ thương mại.

4. Sau khi nhận được Đơn đăng ký bên liên quan, Cơ quan điều tra có trách nhiệm xác nhận chấp thuận hoặc không chấp thuận tổ chức, cá nhân là bên liên quan của vụ việc trong thời hạn 07 ngày làm việc. Trong trường hợp không chấp thuận tổ chức, cá nhân là bên liên quan, Cơ quan điều tra nêu rõ lý do.

5. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân không đăng ký tham gia bên liên quan trong thời hạn nêu tại Khoản 2 Điều này, Cơ quan điều tra có quyền không chấp thuận các tổ chức, cá nhân đó là bên liên quan của vụ việc, trừ trường hợp các tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a, điểm đ Khoản 1 Điều 74 của Luật Quản lý ngoại thương và Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu hàng hóa bị điều tra trong vụ việc chống trợ cấp tại điểm d Khoản 1 Điều 74 của Luật Quản lý ngoại thương.

6. Các tổ chức, cá nhân được chấp thuận là bên liên quan có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Xem nội dung VB
Điều 83. Áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra gửi kết luận cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

2. Trong trường hợp quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực sẽ được mở rộng áp dụng đối với từng nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa được mô tả tại Điều 73 của Nghị định này và xác định có hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

3. Thời hạn áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chấm dứt khi thời hạn áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu hết hiệu lực.

Xem nội dung VB
Điều 82. Thời hạn điều tra

1. Thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại không quá 06 tháng kể từ ngày có quyết định điều tra.

2. Trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể quyết định gia hạn điều tra nhưng không quá 06 tháng.

Xem nội dung VB