Quyết định 2609/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt thiết kế đô thị khu vực cảnh quan quanh hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Số hiệu: 2609/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Đoàn Văn Việt
Ngày ban hành: 25/11/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2609/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 25 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT THIẾT KẾ ĐÔ THỊ KHU VỰC CẢNH QUAN QUANH HỒ XUÂN HƯƠNG, THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/06/2009;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/05/2015 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Văn bản số 1941/BVHTTDL-KHTC ngày 26/5/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thỏa thuận quy hoạch chi tiết khu công viên xuân hương và thiết kế đô thị hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng;;

Xét Tờ trình số 6510/TTr-UBND ngày 05/10/2016 của UBND thành phố Đà Lạt và Văn bản số 216/SXD-QHKT ngày 28/10/2016 của Sở Xây dựng về việc đề nghị phê duyệt thiết kế đô thị khu vực cảnh quan quanh hồ Xuân Hương thành phố Đà Lạt;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt thiết kế đô thị khu vực cảnh quan quanh hồ Xuân Hương thành phố Đà Lạt với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên đồ án quy hoạch: thiết kế đô thị khu vực cảnh quan quanh hồ Xuân Hương thành phố Đà Lạt.

2. Phạm vi quy hoạch:

a) Giới cận:

- Bắc giáp: Sân Golf, Vườn hoa thành phố;

- Nam giáp: công viên Xuân Hương, Quảng trường Lâm Viên và công viên Yersin;

- Đông giáp: khách sạn Du lịch Công đoàn, Nhà Văn hóa lao động Công đoàn và công viên Trần Quốc Toản;

- Tây giáp: Khu công viên Ánh Sáng.

b) Quy mô diện tích: 25,037ha.

3. Nội dung quy hoạch:

3.1. Mục tiêu đồ án quy hoạch:

- Thiết kế đô thị nhằm xác định điểm nhấn theo các hướng nhìn, tầm nhìn khác nhau từ các phía hướng về hồ Xuân Hương.

- Quy định khoảng lùi công trình theo từng đoạn phố, cốt nền thiết kế và chiều cao đỉnh kiến trúc cho từng khu vực chức năng có tác động đến cảnh quan quanh hồ.

- Bố trí các công trình phục vụ tiện ích công cộng, các kiến trúc hỗ trợ mang tính chất tạo cảnh quan.

- Xác định bố cục không gian, màu sắc, vật liệu, hình thức, kiểu dáng, chi tiết kiến trúc và các vật thể kiến trúc khác.

3.2. Nội dung thiết kế đô thị:

a) Định hướng tổ chức không gian: căn cứ vào các công trình văn hóa, dịch vụ và cảnh quan lân cận, chia không gian quanh hồ Xuân Hương thành 4 khu vực cảnh quan, gồm:

- Khu vực cảnh quan 1: mang tính chất động (từ nút giao thông đường Đinh Tiên Hoàng - Trần Quốc Toản, qua cầu ông Đạo đến hết Quảng trường Lâm Viên);

- Khu vực cảnh quan 2: mang tính chất tĩnh (từ công viên Yersin đến khách sạn Du lịch Công Đoàn);

- Khu vực cảnh quan 3: mang tính chất động (từ Nhà văn hóa lao động Công đoàn đến hết Vườn hoa thành phố);

- Khu vực cảnh quan 4: mang tính chất tĩnh (từ Vườn hoa thành phố đến nút giao thông đường Đinh Tiên Hoàng - Trần Quốc Toản).

b) Các hướng nhìn và góc nhìn đẹp cần được bảo vệ:

- Hướng nhìn từ Quảng trường Lâm Viên và Dinh II qua hồ Xuân Hương đến sân golf, núi Lang Biang, Vườn hoa thành phố và Dinh thự số 1 Lý Tự Trọng: các công trình xây dựng mới được quản lý nghiêm ngặt về khối tích và kiến trúc công trình, không cản trở tầm nhìn về phía hồ Xuân Hương. Hạn chế xây dựng công trình che chắn hướng nhìn từ Quảng trường Lâm Viên, khách sạn Palace và Dinh II về phía Dinh thự số 1 Lý Tự Trọng.

- Hướng nhìn về tháp chuông trường Cao Đẳng sư phạm: khống chế chiều cao công trình xây dựng trong khu vực từ khách sạn Du lịch Công Đoàn đến công viên Trần Quốc Toản tối đa 3 tầng.

- Hướng nhìn từ nhà hàng Thanh Thủy và cầu ông Đạo đến tháp chuông nhà thờ Chánh Tòa: trên trục đường Lê Đại Hành hạn chế xây dựng các công trình cao hơn công trình hiện trạng.

c) Giao thông:

- Từ hệ thống giao thông hiện trạng quanh hồ Xuân Hương, cải tạo, mở rộng và phân luồng giao thông, tạo nên các tuyến đường đi bộ, đi xe đạp, đi xe ô tô, mô tô.

- Lộ giới các đoạn đường:

+ Đoạn từ vòng xoay trước Thủy Tạ đến vòng xoay khách sạn Du lịch Công Đoàn (mặt cắt 1-1): lộ giới 20m (đường đi bộ 3m + đường đi xe đạp, ô tô và mô tô 12m + đường đi bộ 2,5m + taluy cỏ trồng cây xanh 2,5m).

+ Đoạn từ vòng xoay khách sạn Du lịch Công Đoàn đến hết Nhà văn hóa lao động Công đoàn (mặt cắt 2-2): lộ giới 20m (đường đi bộ 2,5m + đường đi xe đạp 3,0m + đường ô tô và mô tô 4,0m + đường đi bộ 2,6m + taluy cỏ trồng cây xanh).

+ Đoạn từ Nhà văn hóa lao động Công đoàn đến vòng xoay Sương Nguyệt Ánh (mặt cắt 7b-7b): lộ giới 20m (đường đi bộ 3,0m + đường đi xe đạp 3,0m + đường ô tô và mô tô 7,0m đến 7,5m + đường đi bộ 2,5m + taluy cỏ trồng cây xanh).

+ Đoạn từ vòng xoay Nguyên Tử Lực đến nút giao thông Trần Nhân Tông - Trần Quốc Toản (mặt cắt 6-6): lộ giới 20m (taluy cỏ trồng cây xanh và mương thoát nước 4,0m + đường ô tô và mô tô 10,5m + đường đi xe đạp 3,0m + đường đi bộ 2,5m).

+ Đoạn từ nút giao Trần Nhân Tông đến nút giao thông Đinh Tiên Hoàng (mặt cắt 3-3, 4-4, 5-5): lộ giới 20m (đường đi bộ từ 1,4m đến 1,5m + đường ô tô và mô tô 4,0m + đường đi xe đạp 3,0m + đường đi bộ từ 2,4m đến 2,5m + taluy cỏ trồng cây xanh).

- Bãi đậu xe:

+ Nâng cấp cải tạo 7 bãi đậu xe hiện trạng (02 bãi trước quảng trường Lâm Viên và công viên Yersin, 01 bãi trước ngã 3 Đinh Tiên Hoàng - Trần Quốc Toản, 01 bãi trước lối vào chính công viên Xuân Hương, 02 bãi tại khu B công viên Trần Quốc Toản, 01 bãi tại đầu cầu vào đảo Bích Câu).

+ Bố trí bổ sung 3 bãi đậu xe mới (tại vườn Tao Đàn, Chùa Quan Thế Âm, khu A công viên Trần Quốc Toản).

- Cầu Ông Đạo: trang trí 2 bên cầu đơn giản, vừa phải, không gắn vật trang trí lớn vào cầu, nhằm tránh tranh chấp không gian với công trình Thủy Tạ và Thanh Thủy.

- Cầu sắt: đèn chiếu sáng trên cầu sẽ trang trí đồng bộ với cầu Ông Đạo.

- Vật liệu hoàn thiện mặt đường:

+ Vỉa hè và lối đi bộ: sử dụng đá granite xám trắng, xám đen làm màu sắc chủ đạo, điểm xuyến thêm đá granite hồng đậm tại các điểm nhấn; vỉa hè bố trí dải đá granite xám đen, xẻ rãnh ở chính giữa, đồng thời bố trí ram dốc để tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật, người khiếm thị, … khi tham gia giao thông.

+ Đường xe đạp và đường xe ô tô, mô tô: mặt đường bê tông nhựa.

d) Chiếu sáng:

- Chiếu sáng đường giao thông:

+ Di dời hệ thống đèn hiện hữu quanh bờ hồ sang vỉa hè đối diện, tạo sự thông thoáng cho vùng bờ hồ.

+ Sử dụng đèn 2 nhánh chiếu ánh sáng vàng, chiều cao đèn 9,0m.

- Chiếu sáng mỹ thuật công trình điểm nhấn (tháp chuông trường Cao Đẳng Sư Phạm và Thủy Tạ): sử dụng ánh sáng trắng chiếu sáng chi tiết kiến trúc, bề mặt công trình.

- Chiếu sáng tiểu công viên:

+ Các vị trí có cây thông giao tán, cụm thông lớn, cây tùng (gần Thủy Tạ): sử dụng hệ thống đèn hắt ánh sáng lên tán cây, chiếu ánh sáng ngược lên một số cây có dáng đẹp để tăng thêm vẻ đẹp điểm nhấn và cảnh quan ban đêm quanh hồ Xuân Hương.

+ Bồn hoa, thảm cỏ, lối đi dạo: sử dụng đèn có đế trụ đúc cổ điển, cao 3m - 4m, cần và bóng có hoa văn trang trí.

+ Chiếu sáng các lối đi bộ các tiểu công viên: sử dụng các trụ đèn thấp 0,8 - 1,2m.

+ Lối đi bộ: sử dụng các trụ đèn thấp 0,8m-1,2m.

- Chiếu sáng mặt nước ven hồ:

+ Khu vực cảnh quan 1 (từ nút giao thông đường Đinh Tiên Hoàng - Trần Quốc Toản, qua cầu ông Đạo đến hết Quảng trường Lâm Viên): bố trí đèn dọc bờ hồ với khoảng cách 6m/1 đèn.

+ Khu vực cảnh quan 2 (từ công viên Yersin đến Nhà văn hóa lao động Công đoàn): bố trí đèn dọc bờ hồ với khoảng cách 12m/1 đèn.

+ Khu vực cảnh quan 3 (từ Nhà văn hóa lao động Công đoàn đến hết Vườn hoa thành phố): bố trí đèn dọc bờ hồ với khoảng cách 8m/1 đèn.

+ Khu vực cảnh quan 4 (từ Vườn hoa thành phố đến nút giao thông đường Đinh Tiên Hoàng - Trần Quốc Toản): bố trí đèn dọc bờ hồ với khoảng cách 12m/1 đèn.

đ) Cây xanh:

- Khu vực bờ hồ Xuân Hương:

+ Tái tạo các triền cỏ rộng, các vạt thông, cụm thông và một vài cây thông đơn độc vùng bờ hồ Xuân Hương. Trồng thêm các loài hoa dại (như xục xạc, cúc mốc, cotis giống Thủy tiên, Lan báo vũ, Bồ công anh …) trên các triền cỏ ven bờ hồ.

+ Đối với cây Mai Anh Đào: giữ lại các cây cổ thụ, cây lớn thân to dáng đẹp, không trồng thêm ở vị trí mới quanh bờ hồ. Tập trung trồng mới tại khu vực B, C công viên Trần Quốc Toản, đảo Thủy Tạ và Bích Câu nhằm tạo thành những mảng rừng hoặc đảo Mai Anh Đào.

+ Đối với cây tùng búp: di dời các cây tùng búp có chiều cao dưới 4m. Các cây tùng búp có chiều cao từ 4m trở lên, cắt xén cành dưới gốc đến chiều cao 1,8m nhằm trả lại sự thông thoáng và hướng ngắm cảnh cho khu vực quanh bờ hồ.

+ Đối với cây Samu dầu dọc đường Trần Quốc Toản (đường Nguyễn Thái Học cũ): trồng thay thế các cây già cỗi bằng cây mới.

+ Trồng cây Liễu trắng thay thế cây Tràm bông đỏ.

+ Di dời và không trồng mới các cây không đại diện cho cây xứ lạnh như Long não, Cơm nước, Si …

- Tiểu công viên quanh hồ: trồng hoa Cẩm tú cầu, Hồng, Ngọc thảo, Cocolico, bụt … thành từng mảng, uốn lượn tự nhiên theo đường cong của tuyến đường dạo ven hồ, tránh trồng hoa theo các ô vuông hay chữ nhật.

- Vườn Bích Câu: đào bớt dãy tùng búp phía mặt tiền đường và di dời các loại cây xứ nóng không phù hợp cảnh quan đặc trưng khu vực (như Cau vàng, Cau trắng, Trúc, Sứ đại, …); bỏ bớt và di dời các cây bụi phía rìa đảo vào bên trong nhằm tạo không gian đảo thông thoáng hơn; trồng thêm cây Mai Anh Đào trên đảo nhất là khu vực vành đai sát bờ đảo.

- Công viên Trần Quốc Toản: bên trong công viên trồng các loại cây thông, Phượng tím, Mai Anh Đào; riêng khu vực dọc đường Trần Quốc Toản chỉ trồng thông.

- Quảng trường Lâm Viên: trồng cỏ nhung, Lài nhật, các loại cây trung mộc và tiểu mộc phù hợp cảnh quan trên bề mặt sân quảng trường, vườn nổi trên mái khu Big C. Khu tiếp giáp đường Hồ Tùng Mậu trồng Thông ba lá và Phượng tím. Khu vực mũi tàu trồng dây leo Hồng dại tại lẵng hoa inox và tùng búp dọc theo trục cảnh quan chính từ lẵng hoa đến khối nụ hoa. Giữ nguyên các cây Dương tùng cổ thụ làm điểm nhấn cảnh quan. Giữa các khu vực công trình thương mại dịch vụ và quảng trường trồng các dải cây xanh ngăn cách với bề rộng từ 10m đến 20m.

- Khu vực Thủy Tạ: dỡ bỏ các cây bụi thấp, hình dáng xấu, nhỏ nhằm giải phóng tầm nhìn từ các hướng về phía Thủy Tạ. Trồng thêm một số cây thông, Tùng, Mai Anh Đào bên hông đảo.

e) Thiết kế chỉnh trang và bổ sung các công trình kiến trúc

- Khu vực nhà hàng Thủy Tạ (thuộc khu vực 1 di tích): Dỡ bỏ cổng, hàng rào sắt ở chân cầu dẫn vào đảo Thủy Tạ; phục hồi cửa gỗ kính (không làm cửa khung nhôm); sơn màu trắng. Dỡ bỏ bồn hoa, các cây bụi xung quanh che chắn chân nhà sàn và tầm nhìn về công trình. Di dời tượng cô gái ra khỏi hướng nhìn về mặt trước công trình. Không sử dụng dù bạt lớn cố định che quanh sân. Gia cố lại bờ kè quanh đảo, đặt lỗ tiêu nước chống sạt lở. Lát đá chừa ron trồng cỏ thay thế nền bê tông.

- Khu vực nhà hàng Thanh Thủy (thuộc khu vực 1 di tích): Dỡ bỏ phòng ăn có vách kính (phòng pensee), nhà bếp, chòi bảo vệ gần cổng; kết hợp trồng hoa cỏ tại các vị trí công trình tháo dỡ. Không che chắn dù bạt cố định sân ngoài sát mặt hồ. Thiết kế hàng rào bằng sắt với hoa văn phù hợp hoặc bằng gỗ trồng hoa hồng leo, không làm tường rào bằng các lam bê tông cốt thép.

- Khu vực vườn Bích Câu (thuộc khu vực 1 di tích): chỉnh trang kiến trúc theo hướng dỡ bỏ nhà vệ sinh, kho, nhà pha chế, các dàn sắt lợp tôn và các công trình có khoảng cách từ công trình đến mép nước lúc cao nhất ≤ 15m, không sử dụng dù bạt che sân; tôn tạo cảnh quan khu vườn Bích Câu thành vườn sinh vật cảnh, cây Bonsai.

- Khu vực vườn Tao Đàn (thuộc khu vực 1 di tích): Dỡ bỏ chòi nghỉ chân cũ, xây dựng chòi nghỉ chân mới phù hợp với cảnh quan khu vực và cách mép nước lúc cao nhất tối thiểu 15m và chỉ giới đường Trần Quốc Toản tối thiểu 6,0m.

- Công viên Trần Quốc Toản (thuộc khu vực 2 di tích): ngoài các chòi nghỉ tại khu B và C; xây dựng mới công trình văn hóa nghệ thuật (dạng bán hầm, đỉnh mái không được nhô cao hơn cao độ quốc gia +1504m (theo hệ tọa độ VN 2000) tại khu A và 01 nhà vệ sinh dạng bán hầm (ký hiệu VS4) tại khu B.

- Các khu vực còn lại (trừ 5 khu vực trên):

+ Nhà vệ sinh công cộng: ngoài 3 nhà vệ sinh dạng bán hầm theo hiện trạng tại ngã 3 Đinh Tiên Hoàng - Trần Quốc Toản (ký hiệu VS1), gần khu vực cổng Vườn hoa thành phố (ký hiệu VS2), công viên mở Xuân Hương (ký hiệu VS3) và nhà vệ sinh tại khu B công viên Trần Quốc Toản (ký hiệu VS4); xây dựng thêm 01 nhà vệ sinh mới vách giả thân cây (ký hiệu VS5) gần vườn Tao Đàn (hướng từ vườn Tao Đàn về đường Đinh Tiên Hoàng, thuộc khu vực 2 di tích).

+ Chòi nghỉ: Xây dựng thêm 01 chòi nghỉ gần vườn Tao Đàn (hướng từ vườn Tao Đàn về đường Đinh Tiên Hoàng, thuộc khu vực 2 di tích), với khoảng lùi so với đường Trần Quốc Toản ≥ 6,0m.

+ Cầu cảnh: nâng cấp cải tạo 5 cầu cảnh hiện trạng.

+ Trạm xe buýt: không xây dựng các trạm xe buýt mới, chỉnh trang 02 trạm xe buýt hiện hữu (trước lối vào khách sạn Hương Trà và khu vực công viên trước Thủy Tạ) có khung kết cấu nhỏ gọn, kiểu dáng kiến trúc phù hợp với khung cảnh Đà Lạt; có bảng chỉ dẫn về bản đồ du lịch thành phố và một số tuyến xe buýt chủ yếu...

g) Hàng rào các công trình quanh hồ Xuân Hương: sử dụng hàng rào cây xanh và hàng rào sắt kết hợp trồng cây xanh; với các loại cây chủ yếu như dâm bụt, ngũ sắc, tùng búp, lài 2 màu, Loa kèn, tigôn, hoa hồng leo. Gồm các loại rào sau:

- Đoạn rào 1 (rào đồi Cù khu vực nhiều nắng): trồng các bụi hoa Loa kèn (màu vàng, hồng) và Lài (2 màu) cao 1,7m xen kẻ với đoạn rào hoa Dâm bụt (màu đỏ, vàng, hồng) dài 6,0m, cao 1,5m.

Đoạn rào 2 (rào đồi Cù khu vực ít nắng): trồng các bụi hoa Ngũ sắc và Lài (2 màu) cao 1,7m xen kẻ với đoạn rào Chuỗi Ngọc dài 6,0m, cao 1,5m.

- Đoạn rào 3 (rào Vườn hoa thành phố): sử dụng hàng rào sắt kết hợp các loại hoa dây leo (như Huỳnh anh, Tigôn, Hồng leo) với chiều cao 1,5m.

- Đoạn rào 4 (rào khu A, B công viên Trần Quốc Toản): trồng các bụi hoa Lài (2 màu) cao 1,7m xen kẻ với đoạn rào tùng búp dài 6,0m, cao 1,5m.

- Đoạn rào 5 (rào chùa Quan Thế Âm, khách sạn Du lịch Công Đoàn, Nhà văn hóa lao động Công đoàn): trồng các bụi hoa Dâm bụt (màu đỏ, vàng) cao 1,7m xen kẻ với đoạn rào Lài (2 màu) dài 6,0m, cao 1,5m.

- Ngoài ra, trên các taluy cỏ từ lộ giới đường đến hàng rào công trình trồng các bụi hoa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Đà Lạt (Hồng, Cẩm tú cầu, Ngũ sắc,...).

h) Vật kiến trúc và thiết bị đường phố:

- Tượng điêu khắc:

+ Hoa viên trước lối vào Thủy Tạ, trên đảo Thủy Tạ: đặt các tượng có kích thước nhỏ (chiều cao tối đa 2,0m và chiều rộng bệ tượng tối đa 3,0m) với số lượng tối đa 5 tượng trên mỗi hoa viên.

+ Các tượng điêu khắc có kích thước lớn đặt trong vườn tượng thuộc Vườn hoa thành phố, công viên Trần Quốc Toản, công viên Xuân Hương.

- Đá cảnh: không bố trí thêm đá cảnh quanh bờ hồ Xuân Hương; dỡ bỏ các khối đá màu trắng trước quảng trường Lâm Viên và các khối đá trước khu C công viên Trần Quốc Toản. Các khu vực còn lại giữ nguyên theo hiện trạng.

- Ghế ngồi: bố trí dọc theo các tuyến đường dạo ven hồ và dưới tán cây; kích thước dài 1,5m x cao 0,5m x rộng 0,5m; vật liệu gỗ, đá tự nhiên hoặc bê tông giả gỗ.

- Thùng rác: sử dụng thùng rác hình trụ tròn (gồm 2 loại thùng có nắp và không có nắp đậy), đường kính 0,6m, cao 0,9m - 1m, mặt ngoài giả gốc cây thông bố trí theo các tuyến đường dạo ven hồ và những chỗ tập trung đông người.

- Khung để xe đạp: bố trí tập trung cạnh các điểm dừng chân.

- Bảng chỉ dẫn (tuyến đi bộ, đi xe đạp, chỉ hướng về các thiết bị sử dụng công cộng): vật liệu tôn, mica với hai màu cơ bản là xanh, trắng, riêng ký hiệu có tính chất nguy hiểm dùng màu đỏ, gắn trên ống thép chôn chân dưới đất và trên thân cây; một số vị trí các chỉ dẫn được khắc trên đá đặt trên các thảm cỏ.

- Bảng sơ đồ hướng dẫn và bản đồ du lịch thành phố Đà Lạt: bố trí tại các bãi đậu xe có nhà vệ sinh công cộng; kích thước bảng cao 1,2m x rộng 1,6m, đặt cách mặt đất 0,6m.

- Bảng quảng cáo: Không bố trí các bảng quảng cáo trên phần đất ven hồ. Quảng cáo thương mại hoặc áp phích về chính trị hay lễ hội bố trí dạng băng rôn gắn trên các trụ đèn chiếu sáng hoặc các bảng quảng cáo nhỏ đặt ở lề đường ngoài khu vực 1 bảo vệ di tích danh lam thắng cảnh. Đối với 2 bảng quảng cáo điện tử hiện trạng tại nút giao Đinh Tiên Hoàng - Trần Quốc Toản và công viên Xuân Hương cần được đánh giá, xem xét để có giải pháp và lộ trình xử lý phù hợp.

i) Chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc:

Đối với các khu vực công viên mở Xuân Hương, Quảng trường Lâm Viên, công viên Yersin, khách sạn Du lịch Công Đoàn, Nhà văn hóa lao động Công đoàn, Vườn hoa thành phố: quản lý theo đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.

Đối với các khu vực còn lại chưa có đồ án quy hoạch được duyệt thì quản lý theo các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc sau:

- Từ nút giao thông đường Đinh Tiên Hoàng - Trần Quốc Toản đến cầu ông Đạo:

+ Trong phạm vi khoảng lùi < 20m: không cho phép xây dựng công trình;

+ Trong phạm vi khoảng lùi từ 20 đến dưới 30m: cho phép xây dựng công trình với chiều cao tối đa 02 tầng;

+ Trong phạm vi khoảng lùi từ 30 đến dưới 40m: cho phép xây dựng công trình với chiều cao tối đa 03 tầng;

+ Khoảng lùi ≥ 40m: cho phép xây dựng công trình với chiều cao tối đa 05 tầng.

+ Mật độ xây dựng: ≤ 40%.

- Khu vực A thuộc công viên Trần Quốc Toản:

+ Trong phạm vi khoảng lùi < 20m: không cho phép xây dựng công trình;

+ Trong phạm vi khoảng lùi từ 20m đến dưới 60m: cho phép xây dựng công trình 01 tầng;

+ Khoảng lùi ≥ 60m: cho phép xây dựng công trình với chiều cao tối đa 02 tầng.

+ Mật độ xây dựng: ≤ 35%.

- Khu vực B và C thuộc công viên Trần Quốc Toản:

+ Trong phạm vi khoảng lùi < 20m: không cho phép xây dựng công trình;

+ Khoảng lùi ≥ 20m: cho phép xây dựng công trình với chiều cao tối đa 02 tầng.

+ Mật độ xây dựng: ≤ 10%.

- Đảo Bích Câu:

+ Trong phạm vi khoảng lùi ≤ 15m so với mép nước lúc cao nhất: không cho phép xây dựng công trình;

+ Trong phạm vi khoảng lùi > 15m so với mép nước lúc cao nhất: cho phép xây dựng công trình 01 tầng.

+ Mật độ xây dựng: ≤ 5%.

(Đính kèm hồ sơ thiết kế đô thị khu vực cảnh quan hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt do công ty cổ phần tư vấn và đầu tư bất động sản Việt Tín lập, Sở Xây dựng thẩm định tại Văn bản số 216/SXD-QHKT ngày 28/10/2016).

Điều 2.

1. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt có trách nhiệm:

- Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày thiết kế đô thị được phê duyệt, phải tổ chức công bố đồ án thiết kế đô thị được duyệt bằng nhiều hình thức (tổ chức hội nghị công bố; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; trưng bày công khai, thường xuyên bản vẽ tại nơi công cộng, tại cơ quan quản lý quy hoạch, Ủy ban nhân dân phường 01, 02, 3, 9, 10) để các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện.

- Lập kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện và quản lý xây dựng theo thiết kế đô thị được duyệt và các quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt và Sở Xây dựng có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, trình bổ sung Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch được duyệt đảm bảo theo quy định.

3. Các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt, với chức năng, nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp và quản lý, thực hiện theo đúng thiết kế đô thị được duyệt.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông Vận tải; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt và Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt, Thủ trưởng các ngành, đơn vị và các cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đoàn Văn Việt