Quyết định 2571/QĐ-UB năm 2001 phê duyệt qui hoạch phát triển mạng lưới đường thủy và cảng bến khu vực thành phố Hồ Chí Minh
Số hiệu: | 2571/QĐ-UB | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh | Người ký: | Vũ Hùng Việt |
Ngày ban hành: | 03/05/2001 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2571/QĐ-UB |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 5 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUI HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI ĐƯỜNG THỦY VÀ CẢNG BẾN KHU VỰC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
- Căn cứ Quyết định số 532/TTg ngày 12 tháng 7 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 1996-2010 ;
- Căn cứ Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh qui hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 ;
- Căn cứ Quyết định số 16/2000/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt qui hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sông Việt Nam đến năm 2020 ;
- Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 18 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ quản lý qui hoạch đô thị ;
- Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ;
- Xét đề nghị của Kiến trúc sư trưởng thành phố (tờ trình số 523/KTS.T-QH ngày 21 tháng 02 năm 2001) và của Sở Giao thông công chánh thành phố (tờ trình số 747/TT-GT-KH ngày 28 tháng 9 năm 2000) ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Phê duyệt dự án qui hoạch phát triển mạng lưới đường thủy và cảng bến khu vực thành phố Hồ Chí Minh với những nội dung chính sau đây :
- Chủ đầu tư : Sở Giao thông công chánh thành phố.
- Cơ quan thực hiện : Trung tâm Nghiên cứu phát triển giao thông vận tải phía Nam (Bộ Giao thông vận tải).
1. Mục tiêu dự án :
Qui hoạch phát triển đường sông gắn liền với việc phát huy các chức năng : tiêu thoát nước, cải thiện môi trường sinh thái, phối hợp với hệ thống giao thông đường bộ và các phương thức giao thông khác để đảm bảo yêu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách, đảm bảo các nhu cầu có liên quan đến cải tạo và phát triển đô thị của thành phố.
2. Phạm vi và qui mô nghiên cứu :
2.1- Qui hoạch mạng lưới các tuyến đường thủy :
2.1.1- Xác định tuyến và cấp đường thủy nội địa đối với các tuyến liên tỉnh, bao gồm :
- Các tuyến đối ngoại : Thành phố Hồ Chí Minh – Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh – Hà Tiên, thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Tháp Mười – Tứ giác Long Xuyên, Thành phố Hồ Chí Minh – Sông Bé – Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh – Biên Hòa - Đồng Nai.
- Các tuyến nối tắt thành phố với vùng phụ cận, có 2 tuyến : Rạch Chiếc – sông Sài Gòn - Đồng Nai, đồng bằng sông Cửu Long – Vũng Tàu, Thị Vải.
- Các tuyến trục vành đai trong và ngoài thành phố.
2.1.2- Qui hoạch các tuyến giao lưu nội, ngoại ô.
2.1.3- Qui hoạch các tuyến riêng lẻ khu vực tại các quận-huyện.
Chi tiết danh mục các tuyến và cấp đường thủy nội địa khu vực thành phố Hồ Chí Minh trong phụ lục đính kèm quyết định này.
2.2- Qui hoạch mạng lưới các cảng và bến bãi :
2.2.1- Cải tạo 3 cảng hàng hóa hiện hữu : Cảng Bình Đông, cảng sông Tôn Thất Thuyết và cảng Thủ Đức.
2.2.2- Xây dựng các cảng mới : Cảng Phú Định, cảng Rạch Ông, cảng khách du lịch, cảng hàng hóa liên tỉnh.
2.2.3- Cải tạo và qui hoạch lại các bến xếp dỡ chuyên dùng.
2.2.4- Thiết lập các bến “canô-bus”, “ghe-bus” trên kênh Tàu Hủ.
2.2.5- Chỉnh trang bến tàu khách du lịch Bạch Đằng.
2.2.6- Lập các bến bãi mới trên một số tuyến theo nội dung dự án.
3. Nhiệm vụ và các giải pháp chính :
3.1- Khôi phục hệ thống đường thủy nội thành và vùng phụ cận đạt tiêu chuẩn sông kênh cấp 6 trở lên.
3.2- Tăng cường vận tải hành khách bằng đường sông để góp phần giải tỏa ách tắc giao thông đường bộ.
3.3- Vận chuyển hàng hóa bằng đường sông đạt khoảng 12 triệu tấn vào năm 2005 và 20 triệu tấn vào năm 2010.
3.4- Khai thông các tuyến đường thủy nối tắt sông Đồng Nai với sông
Sài Gòn, sông Sài Gòn với sông Vàm Cỏ.
3.5- Hình thành các cụm công nghiệp cảng sông ở cửa ngỏ phía Tây và phía Nam thành phố, phát triển hệ thống cảng bến sông phía Bắc thành phố dọc theo tuyến kênh vành đai ngoài.
4. Nhiệm vụ từ nay đến năm 2005 :
4.1- Hoàn thành di dời, giải tỏa dân cư ven kênh rạch Văn Thánh, Rạch Xuyên Tâm quận Bình Thạnh, rạch Bến Nghé, Kênh Tẻ, Kênh Đôi, Kênh Tàu Hủ và rạch Lò Gốm.
4.2- Xây dựng hai tuyến kênh vành đai trong và ngoài thành phố :
4.2.1- Tuyến kênh vành đai trong nối sông Sài Gòn và sông Chợ Đệm qua ngõ sông Vàm Thuật – Trường Đai – kênh Tham Lương – rạch Nước Lên, có nhiệm vụ chính là tiêu thoát nước, cải thiện cảnh quan môi trường kết hợp với giao thông thủy và du lịch trên sông…
4.2.2- Tuyến kênh vành đai ngoài nối sông Sài Gòn, sông Chợ Đệm qua ngõ Rạch Tra – kênh An Hạ - kênh Xáng Bình Chánh, có nhiệm vụ chính là phục vụ tưới tiêu nông nghiệp kết hợp giao thông thủy.
4.2.3- Khai thông tuyến đường thủy nối tắt sông Sài Gòn với sông Đồng Nai qua ngõ Rạch Chiếc. Mở tuyến đường thủy nối Ngã ba Đèn Đỏ đến Nhà máy xi măng Hà Tiên 1 qua ngõ rạch Giồng Ông Tố.
4.2.4- Mở tuyến đường thủy nối cụm cảng Thị Vải với miền Tây qua ngõ sông Dần Xây và sông Vàm Cỏ.
4.2.5- Di dời các bến bãi dọc đường Trần Xuân Soạn (quận 7) về bến sông Rạch Ông, xây dựng cụm công nghiệp cảng Phú Định, qui hoạch chi tiết cụm cảng trung chuyển sông-biển thuộc khu vực huyện Nhà Bè như cảng Cây Khô, Hiệp Phước và cảng trung chuyển Tôn Thất Thuyết (quận 4). Qui hoạch chi tiết các cảng bến sông đầu mối tại các cửa ngõ phía Đông, phía Tây và phía Bắc thành phố. Lựa chọn một địa điểm thích hợp trong khu vực bến Bạch Đằng (quận 1) để cải tạo thành bến đón và trả khách du lịch trong giai đoạn quá độ. Qui hoạch địa điểm để xây dựng một bến tàu khách thành phố.
Điều 2.-
1. Giao cho Sở Giao thông công chánh thành phố phối hợp với các sở- ngành có liên quan lập các kế hoạch cụ thể để cải tạo và phát triển mạng lưới giao thông đường thủy trên địa bàn thành phố phù hợp với qui hoạch và tốc độ phát triển chung của thành phố.
Khi nghiên cứu các dự án cải tạo luồng tuyến hoặc bến bãi cụ thể cần chú ý bảo đảm những yêu cầu đồng bộ khác của đô thị (về kinh tế-kỹ thuật, cảnh quan, môi trường sinh thái…).
2. Giao cho Kiến trúc sư trưởng thành phố thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt các qui hoạch chi tiết hành lang bảo vệ luồng tuyến và bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố, bảo đảm phù hợp với qui hoạch chung.
Điều 3.- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, Sở Giao thông công chánh thành phố, Sở Xây dựng thành phố, Sở Địa chính-Nhà đất thành phố, Sở Tài chánh-Vật giá thành phố, Sở Công nghiệp thành phố, Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường thành phố, Kiến trúc sư trưởng thành phố, Viện trưởng Viện Qui hoạch xây dựng thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận : |
KT. CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ |