Quyết định 2546/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện “Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017-2020”
Số hiệu: 2546/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình Người ký: Nguyễn Tiến Hoàng
Ngày ban hành: 14/07/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tổ chức chính trị - xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2546 /QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 14 tháng 7 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN “ĐỀ ÁN NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2017 - 2020”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020; Quyết định số 2687/QĐ-UBND ngày 30/10/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai "Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2013 - 2020";

Theo đề nghị của Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh tại tờ trình số 04/TTr-NCT ngày 15 tháng 6 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện “Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017 - 2020” với những nội dung sau:

I. THỰC TRẠNG VỀ NGƯỜI CAO TUỔI VÀ CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU TỈNH QUẢNG BÌNH

Toàn tỉnh có 104.305 người cao tuổi, chiếm tỷ lệ trên 11 % dân số, trong đó có 147 người từ 100 tuổi trở lên. Có 103.395 hội viên NCT hoạt động trong 159 tổ chức Hội cơ sở, 1.226 chi Hội. Người cao tuổi tỉnh ta là lớp người đã trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giàu lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị vững vàng, có bề dày kinh nghiệm trong các lĩnh vực của cuộc sống, có uy tín trong cộng đồng, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người cao tuổi, nhất là từ khi Luật Người cao tuổi ban hành năm 2009 và chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2020. Công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi từng bước được xã hội hóa. Đời sống người cao tuổi trong tỉnh được cải thiện. Tuy vậy một bộ phận người cao tuổi, nhất là người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, người cao tuổi vùng sâu, vùng xa đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ người cao tuổi nghèo còn cao.

Được sự quan tâm hỗ trợ của tổ chức HAI (Help Age International) từ năm 2010 đến năm 2014 tỉnh Quảng Bình triển khai Dự án VIE 022: “Thúc đẩy quyền của người cao tuổi thiệt thòi ở Việt Nam” thành lập mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, do Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện tại 5 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. Đến nay toàn tỉnh có 93 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, thuộc 39 xã, phường (trong đó có 08 câu lạc bộ tự nhân rộng). Thu hút 5.177 thành viên tham gia (có 3.908 phụ nữ, 3.400 người cao tuổi, 70% là người nghèo và cận nghèo). Thông qua hoạt động của mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã có tác động tích cực đến các thành viên câu lạc bộ, gia đình và cộng đồng tại các địa phương có dự án. Đời sống vật chất, tinh thần của thành viên câu lạc bộ nhất là người cao tuổi nghèo và cận nghèo được nâng cao.

Để tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thiết thực chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020, việc nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh già hóa dân số.

II. MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu:

- Nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thông qua cách tiếp cận liên thế hệ, tự giúp nhau dựa vào cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, góp phần thực hiện các chỉ tiêu Kế hoạch triển khai "Chương trình hành động Quốc gia về Người cao tuổi tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2013 - 2020" (Ban hành kèm theo Quyết định số 2687/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Bình).

- Nâng cao vai trò của Hội Người cao tuổi và huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, cộng đồng và xã hội trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là người cao tuổi nghèo, cận nghèo, đặc biệt khó khăn góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

2. Chỉ tiêu:

- Thành lập từ 90 câu lạc bộ trở lên, tại 60 xã, phường, thị trấn, thuộc 8 huyện/thị/thành phố (các xã, phường, thị trấn chưa có câu lạc bộ từ Dự án VIE 022).    - Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của 93 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thuộc 39 xã, phường (đã được thành lập từ dự án VIE 022). Phát triển thành viên và chia tách câu lạc bộ khi đủ điều kiện.

Trong đó:

2.1. Giai đoạn 2017 - 2018:

- Thành lập 30 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trở lên, thuộc 30 xã/phường/thị trấn của 8 huyện/thị/thành phố trong tỉnh (thuộc các xã, phường, thị trấn chưa có câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau), thu hút tối thiểu 1.500 thành viên tham gia, trong đó có ít nhất 1.050 người cao tuổi.

- Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của 93 câu lạc bộ đã có từ Dự án VIE 022. Phát triển thành viên, chia tách 40 câu lạc bộ được thành lập giai đoạn I thuộc dự án VIE 022 khi đủ điều kiện.

2.2. Giai đoạn 2019 - 2020:

- Thành lập 60 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trở lên, tại 30 xã/phường/thị trấn của 8 huyện/thị/thành phố trong tỉnh (thuộc các xã, phường, thị trấn chưa có câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau), thu hút tối thiểu 3.000 thành viên tham gia, trong đó có ít nhất 2.100 người cao tuổi.

- Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của 123 câu lạc bộ đã có (Từ dự án VIE 022 và giai đoạn I của Đề án nhân rộng câu lạc bộ). Phát triển thành viên và chia tách 40 câu lạc bộ được thành lập giai đoạn II thuộc Dự án VIE 022 khi đủ điều kiện.

Các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau bảo đảm chất lượng, theo chỉ tiêu theo quy định như: 70% là người cao tuổi (từ 55 tuổi trở lên), 60-70% là phụ nữ, 60%-70% là người nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn; có ít nhất 50% thành viên được vay vốn bằng tiền hoặc hiện vật và cải thiện thu nhập; 100% câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được tập huấn và giám sát theo quy chế.

III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi: Kế hoạch thực hiện Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được triển khai thực hiện tại các địa phương trong toàn tỉnh.

2. Đối tượng: Người cao tuổi và gia đình của họ, phụ nữ và các thành viên khác trong cộng đồng, đặc biệt là người cao tuổi là phụ nữ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

IV. NỘI DUNG CÁC HOẠT ĐỘNG

1. Triển khai Kế hoạch, xây dựng tài liệu hướng dẫn:

1.1. Thành lập Ban điều hành thực hiện Đề án. Xây dựng kế hoạch hoạt động. Phối hợp với Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hội và Sở Tài chính lập kế hoạch cụ thể về tiến độ xây dựng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, ngân sách, hoạt động (theo 2 giai đoạn).

1.2. Huy động nguồn lực của địa phương, lồng ghép với các chương trình, dự án và các quỹ tại địa phương để hỗ trợ thêm nguồn quỹ ban đầu cho các câu lạc bộ.

1.3. Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn xây dựng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau: sổ tay hướng dẫn thành lập câu lạc bộ, hướng dẫn các tiêu chí, quy định về cơ cấu tổ chức; xây dựng điều lệ; cơ chế huy động nguồn lực và quản lý tài chính; hướng dẫn các hoạt động tăng thu nhập, chăm sóc sức khỏe, dưỡng sinh, các chế độ,chính sách đối với người cao tuổi.

1.4. Tuyên truyền về Đề án và Kế hoạch thực hiện Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau: Tổ chức hội thảo; phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền rộng rãi về hiệu quả của 93 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thuộc Dự án VIE 022; Kế hoạch nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; tuyên truyền, biểu dương các câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả.....

1.5. Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch nhân rông mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại địa phương.

2. Tập huấn kỹ thuật nhân rộng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau:

2.1. Tổ chức tập huấn cho cán bộ triển khai thực hiện Đề án, cán bộ Hội người cao tuổi các huyện, thị xã, thành phố, các xã/ phường/ thị trấn, các thành viên Ban chủ nhiệm câu lạc bộ (dự kiến) về phương pháp thành lập, quản lý, triển khai các hoạt động của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; Tổ chức chỉ đạo điểm thành lập câu lạc bộ; Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm thành lập và hoạt động của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại các câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả.

2.2. Thành lập các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau

- Lựa chọn các địa bàn phù hợp, chuẩn bị các nguồn lực để hỗ trợ thành lập câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, chuẩn bị nhân sự.

- Phối hợp với chính quyền và Hội Người cao tuổi cơ sở thành lập các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (theo kế hoạch). Tổ chức lễ ra mắt câu lạc bộ.

2.3. Hướng dẫn triển khai các hoạt động tại các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau: lập kế hoạch; hoạt động tăng thu nhập, huy động và giải ngân vốn vay, tiết kiệm; văn nghệ, luyện tập dưỡng sinh; chăm sóc sức khỏe, thành lập nhóm tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi tại nhà.......

3. Giám sát, hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau

3.1. Tổ chức giám sát và hướng dẫn kỹ thuật cho các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (giám sát mẫu, giám sát điểm...).

3.2. Tiến hành sơ, tổng kết rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch.

V. GIẢI PHÁP

1. Truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và về người cao tuổi

- Phối hợp các cơ quan truyền thông địa phương để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác động và hiệu quả của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và về chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

- Tổ chức thăm quan mô hình, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để phổ biến, xây dựng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

2. Huy động nguồn lực, vận động các tổ chức, xã hội, doanh nghiệp tham gia các hoạt động nhân rộng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau

- Ngân sách hỗ trợ ban đầu và thường xuyên từ ngân sách địa phương tỉnh, các huyện và xã dự định thành lập câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

- Xây dựng Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò Người cao tuổi và các quỹ liên quan (quỹ vì người nghèo, quỹ hỗ trợ phụ nữ, nông dân, quỹ giải quyết việc làm v.v.)

- Vận động nguồn lực từ các tổ chức chính trị, xã hội, các hội đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và cá nhân trong và ngoài tỉnh.

- Tranh thủ sự hỗ trợ của TW Hội Người cao tuổi Việt Nam và các đơn vị khác tổ chức tìm kiếm nguồn lực, dự án.

3. Phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các Hội tạo điều kiện hỗ trợ thành lập và hoạt động của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lập dự toán ngân sách, lập kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch; lồng ghép với chính sách phát triển kinh tế- xã hội; huy động sự tham gia của chính quyền (theo Điều 24, Luật Người cao tuổi và Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi) để các thành viên câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được vay vốn sản xuất giảm nghèo.

- Phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân để truyền thông, hướng dẫn câu lạc bộ về kiến thức sản xuất và lồng ghép nguồn lực từ chương trình nông nghiệp, nông thôn mới, khuyến nông, khuyến lâm.

- Phối hợp với ngành Y tế, Thông tin và Truyền thông và Văn hóa - Thể thao để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền, thể dục thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ… của các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

- Phối hợp Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh...các cấp tham gia huy động nguồn lực để thành lập, quản lý và giúp đỡ các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau hoạt động.

VI. KINH PHÍ

1. Ngân sách tỉnh hỗ trợ:

- Công tác chỉ đạo, quản lý, tuyên truyền, sơ kết, tổng kết về câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau;

- Tập huấn ban đầu cho các địa phương, xây dựng tài liệu hướng dẫn;

- Giám sát nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau;

2. Mức hỗ trợ: Tuỳ theo khả năng ngân sách tỉnh để hỗ trợ.

3. Huy động đóng góp xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân; Huy động đóng góp của hội viên và các nguồn quỹ của địa phương; Vận động nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật:

- Hỗ trợ thực hiện đề án

- Hỗ trợ nguồn quỹ ban đầu, trang thiết bị cho các câu lạc bộ;

- Hỗ trợ cho các hoạt động, thành lập và quản lý câu lạc bộ

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh:

1.1. Chủ trì, phối hợp với sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban công tác Người cao tuổi tỉnh, sở Tài chính và các sở, ngành liên quan và các tổ chức, đoàn thể trong việc xây dựng kế hoạch; triển khai thực hiện các hoạt động của Kế hoạch thực hiện Đề án; giám sát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch thực hiện Đề án; huy động nguồn tài chính hợp pháp khác; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện và các vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai; kiến nghị những điều chỉnh cần thiết, phù hợp với thực tế của từng giai đoạn;

1.2. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Hội Người cao tuổi và các đoàn thể ở địa phương xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án, tổ chức huy động nguồn lực và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch;

1.3. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ các cấp vận động nguồn lực cho việc nhân rộng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, sử dụng nguồn quỹ vì người nghèo và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ thực hiện Kế hoạch.

2. Ban Công tác Người cao tuổi tỉnh:

2.1. Chỉ đạo Hội Người cao tuổi tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tuyên truyền, lập kế hoạch, triển khai và huy động nguồn lực thực hiện Kế hoạch.

2.2. Chỉ đạo Ban công tác Người cao tuổi cấp huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương lồng ghép các nội dung tập huấn, triển khai xây dựng và thực hiện Kế hoạch.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Phối hợp xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện; lồng ghép vào các chương trình quốc gia và các dự án, đề án khác có liên quan để thực hiện Kế hoạch; phối hợp với Hội Người cao tuổi tỉnh và Ban công tác về Người cao tuổi tỉnh giám sát, đánh giá việc triển khai, thực hiện Kế hoạch;

4. Sở Tài chính: Tham mưu hỗ trợ kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách địa phương để triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án; hướng dẫn thanh tra, kiểm tra sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch.

5. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí về tuyên truyền và nâng cao nhận thức về câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, về huy động nguồn lực để nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo các cấp phối hợp tạo điều kiện hỗ trợ nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; tạo điều kiện cho các câu lạc bộ tham gia các chương trình giảm nghèo bền vững, khuyến lâm, khuyến nông, xây dựng nông thôn mới...

7. Sở Y tế: Chỉ đạo các cấp tạo điều kiện cho các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được khám sức khỏe định kỳ, tuyên truyền, phổ biến về chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi cô đơn, khó khăn. Hỗ trợ kỹ thuật để thành lập đội ngũ tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

8. Sở Văn hóa, Thể thao: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hoạt động thể dục thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ... của các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

9. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội... vận động các nguồn hỗ trợ phát triển ODA, lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch thực hiện đề án vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.

10. Sở Ngoại vụ: Là đầu mối, hỗ trợ Hội Người cao tuổi tỉnh và các địa phương tìm nguồn hỗ trợ kỹ thuật hoặc tài chính từ các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các nhà tài trợ v.v. và hợp tác quốc tế để nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

11. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh:

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch. Các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo tổ chức Hội các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân vận động nguồn lực để nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau. Phối hợp, hỗ trợ thực hiện và giám sát việc thực hiện Kế hoạch.

12. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh:

+ Phối hợp hỗ trợ Hội Người cao tuổi tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai, soạn thảo các tài liệu tập huấn cho giảng viên, thành viên ban chủ nhiệm câu lạc bộ, thành viên câu lạc bộ; hỗ trợ công tác tập huấn, kiểm tra, giám sát các hoạt động của câu lạc bộ.

+ Chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thị phát triển thành viên và chia tách các câu lạc bộ LTHTGN từ dự án VIE 022 khi đủ điều kiện.

13. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

13.1. Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch thực hiện đề án và tổ chức triển khai tại địa phương mình trên cơ sở đề án chung và Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi, lồng ghép với các đề án khác đang triển khai ở địa phương.

13.2. Chỉ đạo các cơ quan chức năng căn cứ tình hình cụ thể của địa phương xem xét hỗ trợ kinh phí và phối hợp với các nguồn lực từ các chương trình, dự án khác và tạo điều kiện thực hiện và giám sát thực hiện đề án.

13.3. Xem xét, chỉ đạo sử dụng nguồn Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi và huy động các nguồn lực xã hội hóa ở địa phương (huyện, xã...) để thực hiện Kế hoạch.

13.4. Phối hợp với Hội Người cao tuổi tuyên truyền, quảng bá về câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi tại địa phương.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Văn hóa và thể thao, Ngoại vụ, Ủy ban Mặt trận và các đoàn thể cấp tỉnh, Hội Người cao tuổi tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- UBQG NCT;
-
Bộ LĐTB-XH;
- Hội NCT Việt Nam;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Ban công tác NCT tỉnh;
- Lưu: VT, VX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Hoàng