Quyết định 2519/QĐ-UBND năm 2018 về Quy chế phối hợp thực hiện thông báo khi có sự thay đổi hộ tịch trên địa bàn tỉnh Bình Phước
Số hiệu: | 2519/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bình Phước | Người ký: | Nguyễn Văn Trăm |
Ngày ban hành: | 02/11/2018 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Hành chính tư pháp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2519/QĐ-UBND |
Bình Phước, ngày 02 tháng 11 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN THÔNG BÁO KHI CÓ SỰ THAY ĐỔI HỘ TỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật Hộ tịch năm 2014;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 96/TTr-STP ngày 15/10/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp thực hiện thông báo khi có sự thay đổi hộ tịch trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp; Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; Chánh án Tòa án nhân dân các huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
|
CHỦ TỊCH |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP THỰC HIỆN THÔNG BÁO KHI CÓ SỰ THAY ĐỔI HỘ TỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2519/QĐ-UBND ngày 02 tháng 10 năm 2018 của Chủ tịch UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định trách nhiệm thông báo và xử lý thông báo của Tòa án nhân dân, các cơ quan nhà nước khi có sự thay đổi hộ tịch của cá nhân theo Bản án, Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này được áp dụng đối với các cơ quan nhà nước bao gồm: Sở Tư pháp; Tòa án nhân dân tỉnh; Tòa án nhân dân các huyện, thị xã; UBND các huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn; cá nhân và tổ chức có liên quan.
Điều 3. Thông tin thay đổi hộ tịch cần thực hiện thông báo
1. Bản án, Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật liên quan đến thay đổi hộ tịch của cá nhân về: Xác định cha, mẹ, con; xác định lại giới tính; nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi; ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn; công nhận giám hộ; tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
2. Hình thức thông báo: Tòa án nhân dân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục Bản án, bản sao Quyết định đến UBND nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân.
3. Tiếp nhận và xử lý thông báo: UBND nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân có trách nhiệm ghi vào sổ hộ tịch theo đúng nội dung thay đổi hộ tịch của Bản án, Quyết định.
Điều 4. Nguyên tắc phối hợp cung cấp thông tin thay đổi hộ tịch
1. Mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức phải chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhằm đảm bảo trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có việc thay đổi hộ tịch, bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật liên quan đến thay đổi hộ tịch của cá nhân phải gửi cho UBND nơi đã đăng ký hộ tịch và xác định trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan.
2. Việc phối hợp hoạt động trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức và quy định của pháp luật, không làm cản trở đến hoạt động của cơ quan, tổ chức và ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân.
3. Việc phối hợp thông báo và xử lý thông báo liên quan đến thay đổi hộ tịch không vi phạm các quyền nhân thân theo quy định của pháp luật.
Chương II
TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN PHỐI HỢP CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC
Điều 5. Trách nhiệm thông báo khi có sự thay đổi hộ tịch
1. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân tỉnh; Tòa án nhân dân các huyện, thị xã
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật về ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn; chấm dứt việc nuôi con nuôi; tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; xác định cha, mẹ, con thì Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục bản án, bản sao quyết định đến UBND nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân để UBND ghi vào sổ hộ tịch việc đã thay đổi theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo đến UBND nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân để UBND ghi vào sổ hộ tịch theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký nuôi con nuôi; đăng ký giám hộ UBND các huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thông báo đến UBND nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân để UBND ghi vào sổ hộ tịch theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Trách nhiệm tiếp nhận và xử lý thông báo
1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
a) Ngay sau khi nhận được thông báo của Bộ Tư pháp về việc thay đổi quốc tịch của cá nhân thì Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo đến UBND nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân để ghi vào sổ hộ tịch theo quy định của pháp luật.
b) Khi nhận được văn bản của UBND nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân về việc xử lý thông báo về sự thay đổi hộ tịch của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Sở Tư pháp có trách nhiệm xem xét, giải quyết và báo cáo Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.
2. Trách nhiệm của UBND nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân
a) Ngay sau khi nhận được thông báo của Tòa án nhân dân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thay đổi hộ tịch thì UBND nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân có trách nhiệm thực hiện ghi vào sổ hộ tịch theo quy định của pháp luật.
b) Đối với tiếp nhận thông báo về thay đổi quốc tịch thì UBND thực hiện theo nội dung Công văn của Sở Tư pháp.
c) Trường hợp sổ hộ tịch bị thất lạc hoặc sổ hộ tịch không còn lưu trữ, thì UBND báo cáo cơ quan quản lý hộ tịch cấp trên trực tiếp để được giải quyết.
Chương III
QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 7. Mối quan hệ phối hợp
Mối quan hệ công tác giữa các cơ quan, đơn vị quy định tại Điều 2 Quy chế này là quan hệ phối hợp, dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Phối hợp rà soát việc cung cấp thông tin thay đổi hộ tịch giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan
Định kỳ một (01) năm, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh; Tòa án nhân dân các huyện, thị xã; UBND các huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn để thực hiện rà soát về số lượng thông tin thay đổi hộ tịch đã cung cấp theo quy định.
Điều 9. Chế độ giao nhận thông tin, báo cáo
1. Việc giao nhận thông tin thay đổi hộ tịch giữa các cơ quan, đơn vị được thực hiện trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
2. Các cơ quan, đơn vị thực hiện thống kê, báo cáo định kỳ sáu (06) tháng, hàng năm về Sở Tư pháp để Sở Tư pháp tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tư pháp theo quy định.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Trách nhiệm thi hành
1. Các cơ quan, đơn vị theo trách nhiệm được phân công, tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này và các văn bản pháp luật có liên quan đến cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị biết và thực hiện.
2. Sở Tư pháp tham mưu, giúp UBND tỉnh theo dõi việc thực hiện Quy chế này; kịp thời có chỉ đạo công chức Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện đúng việc thông báo và ghi nội dung thay đổi vào sổ hộ tịch theo quy định của pháp luật.
3. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh thì các cơ quan, đơn vị, cá nhân kịp thời phản ánh, kiến nghị bằng văn bản về Sở Tư pháp để tổng hợp trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời./.