Quyết định 2493/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn 2017-2020
Số hiệu: | 2493/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Vũ Đức Đam |
Ngày ban hành: | 22/12/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Văn hóa , thể thao, du lịch, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2493/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, BẢO QUẢN, TRƯNG BÀY, TUYÊN TRUYỀN DI SẢN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG ĐIỂN HÌNH CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;
Căn cứ Nghị định số 05/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc;
Căn cứ Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn 2017 - 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án), với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Đối tượng và phạm vi
a) Đối tượng thực hiện của Đề án
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đơn vị trực tiếp thực hiện hoặc có liên quan đến công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam ở trung ương và địa phương.
b) Phạm vi đề án: 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (không thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng).
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của toàn xã hội, các chủ thể văn hóa và tổ chức, cá nhân có liên quan. Có các giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam một cách lâu dài, bền vững; giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam; thu hút sự quan tâm, trải nghiệm của công chúng, nhất là các đối tượng học sinh, sinh viên.
b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
- 70% cán bộ của các bảo tàng, ban quản lý di tích, cơ quan, đơn vị có liên quan trực tiếp đến công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam được tập huấn chuyên sâu về kỹ năng tác nghiệp.
- 100% bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành về văn hóa dân tộc và 50% các bảo tàng cấp tỉnh sưu tầm bổ sung các tài liệu, hiện vật quý hiếm là di sản văn hóa truyền thống điển hình các dân tộc thiểu số ở Việt Nam; bảo quản cấp thiết đối với các tài liệu, hiện vật quý hiếm (đã có hoặc mới được sưu tầm).
- Hoàn thành việc lập tổng danh mục di sản văn hóa truyền thống điển hình các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đang tồn tại trong cộng đồng các dân tộc.
- Thiết lập cơ sở dữ liệu di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam để quản lý thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
3. Nhiệm vụ trọng tâm
a) Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam.
b) Tiến hành kiểm kê theo 03 nhóm đối tượng (di vật, cổ vật; di tích; di sản văn hóa phi vật thể) nhằm nhận diện, xác định giá trị bảo đảm các tiêu chí về tính truyền thống, điển hình của di sản văn hóa; triển khai các hoạt động sưu tầm và bảo quản theo quy trình khoa học.
c) Đánh giá thực trạng trưng bày về di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam tại các bảo tàng trên toàn quốc, làm căn cứ để tiến hành chỉnh lý, nâng cấp nhằm tăng cường tính, hấp dẫn của nội dung trưng bày.
d) Đổi mới về nội dung, đa dạng hóa về hình thức giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam.
đ) Tập hợp, xử lý thông tin về di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam.
4. Dự án thành phần của Đề án
a) Dự án 1: Nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân lực trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam.
b) Dự án 2: Kiểm kê di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam.
c) Dự án 3: Sưu tầm, bảo quản, trưng bày di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam.
d) Dự án 4: Giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam.
đ) Dự án 5: Xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam.
5. Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2017 đến năm 2020.
6. Kinh phí thực hiện Đề án
a) Nguồn kinh phí thực hiện Đề án bao gồm: Ngân sách nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác.
b) Kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Đề án được giao trong dự toán ngân sách hằng năm của các Bộ, ngành, đơn vị, địa phương; lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế xã hội, chương trình mục tiêu phát triển văn hóa. Trong đó:
- Ngân sách trung ương chi cho các nhiệm vụ: Tập huấn nâng cao kỹ năng tác nghiệp; bảo quản cấp thiết và chỉnh lý, nâng cấp trưng bày tại các bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành về văn hóa dân tộc; giới thiệu, quảng bá; xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số.
- Ngân sách địa phương chi cho các nhiệm vụ: Kiểm kê; sưu tầm di vật, cổ vật quý hiếm; bảo quản cấp thiết và chỉnh lý, nâng cấp trưng bày về di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số tại các bảo tàng cấp tỉnh.
c) Huy động các nguồn vốn hợp pháp khác (đóng góp, hiến tặng…) để thực hiện các nhiệm vụ: Sưu tầm di vật, cổ vật quý hiếm; giới thiệu, quảng bá về di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm
a) Thành lập Ban điều hành Đề án, gồm: đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc và các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ;
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả Đề án.
c) Hoàn thiện nội dung, khối lượng công việc, dự toán kinh phí thực hiện Đề án bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thẩm định, phê duyệt dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính làm căn cứ bố trí kinh phí thực hiện.
d) Kiểm tra, giám sát, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc triển khai thực hiện, tổng hợp kết quả thực hiện các dự án thành phần, đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện Đề án; định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn vốn, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện Đề án.
3. Bộ Tài chính bố trí ngân sách thực hiện hằng năm, bảo đảm theo kế hoạch, mục tiêu và tiến độ các dự án thành phần đã được duyệt; hướng dẫn quản lý tài chính, kinh phí của Đề án.
4. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các nội dung được phân công trong Đề án.
5. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo và phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự hiểu biết của xã hội về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, xây dựng các chương trình, chuyên mục về bảo tồn và phát triển di sản văn hóa các dân tộc thiểu số.
6. Các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện thống nhất và lồng ghép các nội dung hoạt động của Đề án với các các chương trình, dự án liên quan.
7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Bố trí ngân sách địa phương bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Đề án được giao trên cơ sở Đề án được duyệt và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
b) Chỉ đạo các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo địa phương có chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam.
c) Chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh, thành phố theo đúng nội dung Đề án đã được phê duyệt và các quy định hiện hành của pháp luật.
d) Định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện và Kế hoạch thực hiện các nội dung dự án thành phần của Đề án trên địa bàn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
đ) Các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp
- Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam; tư vấn miễn phí về kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam; tham gia giám sát tình hình thực hiện Đề án ở địa phương;
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội nghề nghiệp khác tham gia vào các hoạt động phù hợp của Đề án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ trường, Thủ trưởng cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |
Quyết định 2356/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025 Ban hành: 06/12/2016 | Cập nhật: 09/12/2016
Quyết định 2356/QĐ-TTg năm 2013 về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 Ban hành: 04/12/2013 | Cập nhật: 05/12/2013
Nghị định 98/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật di sản văn hóa và Luật di sản văn hóa sửa đổi Ban hành: 21/09/2010 | Cập nhật: 23/09/2010