Quyết định 2490/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Số hiệu: | 2490/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Nghệ An | Người ký: | Huỳnh Thanh Điền |
Ngày ban hành: | 01/06/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2490/QĐ-UBND |
Nghệ An, ngày 01 tháng 6 năm 2016 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 28/11/2008;
Căn cứ Quyết định số 1586/QĐ-TTg ngày 24/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 4251/QĐ-BGTVT ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Bộ Giao thông Vận tải về phê duyệt Đề án "tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn đến năm 2020";
Căn cứ Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 09/01/2013 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông;
Xét đề nghị của Thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh tại Công văn số 112/ATGT ngày 06/5/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Đề án tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020”
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký;
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
TĂNG CƯỜNG ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2490/QĐ-UBND-NC ngày 01/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An)
1. Tình hình địa bàn tỉnh Nghệ An có liên quan công tác đảm bảo an toàn giao thông
Nghệ An là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, có diện tích tự nhiên lớn nhất trong cả nước với 16.490,25 km2, dân số: 3.020.407 người, hiện nay có 1 thành phố, 3 thị xã, 17 huyện; có 32 phường, 431 xã, 17 thị trấn. Mạng lưới giao thông đường bộ hiện có 13 tuyến Quốc lộ với tổng chiều dài 1.666,45 km. Có 15 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 232,3km, các tuyến đường tỉnh kết nối ngang trục Đông - Tây; các tuyến đường tỉnh được xây dựng đã lâu quy mô nhỏ, chủ yếu là mặt đường láng nhựa nên chưa đáp ứng được khối lượng vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở vùng các khu công nghiệp trong khu vực. Các tuyến đường huyện có tổng chiều dài: 378,4km; đường xã hiện có 11.882,5km; đường đô thị có 633,1km; đường chuyên dùng: 372km; 25 bến đò; có 1.325 cầu lớn, nhỏ trên các tuyến đường huyện, đường xã.
Hệ thống giao thông nông thôn ở Nghệ An hiện có gồm 2.920 tuyến với tổng chiều dài 14.296,3 km trong đó: Bê tông nhựa 42,6km chiếm 0,3%; BTXM 2.112,4 km chiếm 14,77%; Đá dăm nhựa 3.083,4km chiếm 21,56%; Đá dăm 210,5km chiếm 1,47%; đường cấp phối và đất 8.847,5km chiếm 61,66%. Các tuyến giao thông nông thôn hầu hết đều được đầu tư xây dựng đã lâu với quy mô nhỏ, chủ yếu là cấp V, cấp VI và chưa đạt cấp nên khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải lớn để kết nối giữa các cụm công nghiệp với các khu công nghiệp chưa cao. Giao thông nông thôn là một trong những mắt xích thiết yếu kết nối các vùng nông thôn với hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, khu đô thị, khu kinh tế; thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Mạng lưới đường bộ giao thông nông thôn hiện nay chiếm trên 70% tổng chiều dài mạng lưới đường bộ cả tỉnh.
2. Thực trạng giao thông nông thôn ở Nghệ An và sự cần thiết xây dựng Đề án
2.1. Mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT) của tỉnh Nghệ An vẫn trong tình trạng yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhất là đối với các xã, thị trấn vùng sâu, vùng xa. Địa bàn các xã khu vực miền núi có diện tích khá rộng, dân cư thưa thớt, các tuyến giao thông dài. Quy mô đường GTNT còn nhỏ hẹp, hệ thống cầu, cống thiếu về số lượng, chất lượng và tải trọng còn hạn chế, đặc biệt là ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tỷ lệ mặt đường bê tông, nhựa còn thấp, chủ yếu mặt đường vẫn là cấp phối và đường đất. Bên cạnh đó, do nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hạn chế, vừa thiếu hoặc không có, dẫn đến tình trạng đường xuống cấp ngày càng nghiêm trọng; nhiều tuyến tải trọng bị hạn chế do cầu yếu hoặc thiếu các công trình thoát nước. Hiện trạng hệ thống GTNT của tỉnh so với chỉ tiêu giao thông của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thì khối lượng cần nhựa hóa hay bê tông hóa là rất lớn.
2.2. Tình hình xây dựng và phát triển GTNT đã đạt được kết quả vượt bậc so với thời kỳ trước năm 2010. Từ năm 2010 đến nay, chiều dài đường GTNT đã tăng 3.172 km; 242 cầu lớn, nhỏ trên đường huyện, đường xã được xây mới; 58 cầu được cải tạo sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông. Hạ tầng GTNT ngày càng phát triển từng bước hiện đại theo hướng bền vững.
2.3. Tình hình TNGT khu vực nông thôn ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, trong đó, TNGT đường bộ chiếm trên 80%. Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông, năm 2015 TNGT xảy ra tại các tuyến đường nông thôn (từ đường huyện trở xuống) chiếm 10,93% tổng số vụ, 12,67% số người chết và chiếm 11,63%) tổng số người bị thương TNGT đường bộ, trong đó TNGT liên quan đến xe mô tô chiếm tới 80%. Nếu tính cả tuyến đường tỉnh lộ thì số vụ TNGT chiếm trên 28% tổng số vụ TNGT đường bộ và có khoảng 70% tổng số vụ TNGT đường bộ xảy ra trên các tuyến đường bộ ở khu vực nông thôn. Ba tháng đầu năm 2016, TNGT nông thôn chiếm 12,1%, nếu tính cả đường tỉnh chiếm 28,1% tổng số vụ TNGT đường bộ.
2.4. Phương tiện giao thông: Trong những năm gần đây, do điều kiện sống được cải thiện, số lượng phương tiện giao thông ở nông thôn đã gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là xe gắn máy và xe tải loại nhỏ, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn mặc dù có được đầu tư nhưng vẫn chưa đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện đi lại. Số vụ tai nạn và số điểm giao cắt với đường sắt và các nút giao với quốc lộ, tỉnh lộ đang có xu hướng gia tăng rõ rệt.
2.5 Công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông tại các vùng nông thôn còn hạn chế. Đối với giao thông đường bộ, người dân khi tham gia giao thông thường vi phạm một số lỗi điển hình như: Đi không đúng phần đường quy định; chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy; lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ cho phép, điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia; không có giấy phép lái xe hoặc GPLX không hợp lệ. Bên cạnh đó, phần lớn người dân sống bám dọc theo các tuyến giao thông nhưng ý thức chấp hành luật giao thông còn kém vì vậy số vụ tai nạn không ngừng gia tăng...
2.6. Công tác quản lý, bảo trì đường giao thông nông thôn còn hạn chế, chưa được triển khai thường xuyên, hàng năm chưa được quan tâm bố trí nguồn kinh phí phục vụ cho công tác duy tu, bão dưỡng các tuyến giao thông nông thôn; hầu hết các tuyến giao thông nông thôn còn thiếu thiết bị phụ trợ an toàn giao thông. Công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra kiểm soát tuy đã được chỉ đạo thực hiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, việc huy động lực lượng Công an cấp xã phối hợp kiểm tra xử lý vi phạm chưa được triển khai thường xuyên, vi phạm còn xẩy ra ở nhiều nơi.
2.7. So với các hệ thống đường bộ khác (đường tỉnh, quốc lộ, đô thị), vấn đề an toàn giao thông nông thôn có một số đặc điểm khác biệt như sau:
- Về Kết cấu hạ tầng giao thông: Đường GTNT có cấp hạng kỹ thuật đường thấp nhất; đường có bề rộng hẹp chạy hai chiều và không có phân cách giữa hai chiều; tốc độ cho phép thấp; lưu lượng giao thông thấp; hệ thống báo hiệu không đầy đủ, tầm nhìn nhiều đoạn hạn chế; chất lượng mặt đường kém.
- Về phương tiện: Xe cơ giới chủ yếu là xe máy, xe tải nhỏ, xe tự chế phục vụ sản xuất nông nghiệp; xe khách thường là xe nhỏ; chất lượng phương tiện kém và đã sử dụng nhiều năm.
- Về người tham gia giao thông: Khu vực nông thôn người tham gia giao thông có ý thức chấp hành luật giao thông thấp hơn; trình độ dân trí chưa cao; chịu ảnh hưởng bởi văn hóa, phong tục, tập quán, làng bản thôn xóm.
2.8. Nhận định chung: Hệ thống đường GTNT đã lan tỏa đến mọi vùng, miền và các khu vực nông thôn đồng bằng, trung du miền núi và đến cả các điểm dân cư tại vùng sâu, vùng xa trong cả tỉnh, trực tiếp phục vụ sinh hoạt, sản xuất, giao lưu văn hóa xã hội, trao đổi, mua bán hàng hóa của đồng bào ở các vùng nông thôn từ đồng bằng đến trung du, miền núi, từ ven biển đến biên giới hải đảo. Đồng thời là bộ phận tiếp cận của giao thông nội vùng với mạng lưới đường trục chính và hệ thống đường quốc gia. GTNT với đặc điểm là quy mô nhỏ, cấp kỹ thuật thấp, vốn đầu tư ít, lưu lượng vận tải không lớn như hệ thống đường khác, nhưng có chiều dài (theo km và theo %) lớn nhất so với tất cả các hệ thống đường khác. Tuy đã có bước phát triển vượt bậc so với giai đoạn trước năm 2010, nhưng kết cấu hạ tầng GTNT còn nhiều tồn tại vẫn còn 02 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm; nhiều xã ở miền núi có đường ô tô đến trung tâm nhưng vào mùa mưa lũ thường bị ngập, chia cắt tạm thời khi lũ về; nhiều tuyến đường huyện, đường xã chưa được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; nhiều đường thôn xóm, đường trục nội đồng còn lầy lội khi mưa, lũ; công trình biển báo hiệu ATGT thiếu; nhiều địa phương còn thiếu bến, bãi đỗ xe; các công trình vượt sông thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng và tải trọng khai thác.
Từ thực trạng trên, việc nghiên cứu xây dựng đề án “Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn đến năm 2020” là rất cần thiết nhằm cụ thể hóa các mục tiêu và các giải pháp của Chiến lược quốc gia bảo đảm an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012 và Kế hoạch số 337/KH-UBND ngày 19/7/2013 về thực hiện Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
3. Căn cứ xây dựng đề án
- Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;
- Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/06/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
- Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện Quyết định số 1586/QĐ-TTg ngày 24/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
- Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 08/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Quyết định số 4251/QĐ-BGTVT ngày 01/12/2015 của Bộ Giao thông Vận tải về Phê duyệt Đề án “Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nông thôn đến năm 2020”
- Quyết định số 3875/QĐ.UBND-NN ngày 31/8/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010-2020;
- Kế hoạch số 337/KH-UBND ngày 19/7/2013 về thực hiện Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
- Kế hoạch số 822/KH-UBND ngày 21/12/2015 về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2016.
1. Mục tiêu
1.1. Mục tiêu chung
- Mục đích của Đề án là đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông nông thôn đến năm 2020.
- Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn nhằm giảm tai nạn giao thông khu vực nông thôn một cách bền vững; bảo đảm an toàn giao thông thông suốt từ mạng lưới giao thông toàn tỉnh đến đường tỉnh, đường huyện, đường thôn, xã nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế của cả tỉnh và nhu cầu đi lại của nhân dân; nâng cao điều kiện sống, giảm ảnh hưởng về kinh tế và xã hội do tai nạn giao thông gây ra cho người dân sống ở khu vực nông thôn.
1.2. Mục tiêu cụ thể
- Giảm thiểu tai nạn giao thông khu vực nông thôn trên cả ba tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương.
- 100% đường huyện, đường xã đi lại thông suốt quanh năm; tỷ lệ mặt đường được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa và có đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ đối với đường huyện đạt 100%, đường xã tối thiểu 70%; đưa dần hệ thống đường giao thông nông thôn vào cấp kỹ thuật và bảo đảm các yêu cầu về an toàn theo quy định; hoàn thành giai đoạn II xây dựng các cầu dân sinh thuộc Đề án xây dựng cầu dân sinh tại các huyện; xóa bỏ 100% các điểm đen tai nạn giao thông trên hệ thống đường huyện, đường liên xã.
- Từng bước bố trí các nguồn vốn để bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn: 100% đường huyện và tối thiểu 45% đường xã được bảo trì. Loại bỏ 100% các phương tiện quá niên hạn sử dụng, các phương tiện không bảo đảm an toàn bị cấm theo quy định của pháp luật.
- 100% các tuyến đường huyện, đường liên xã được tuần tra, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông thường xuyên, đặc biệt vào các thời điểm như trước, trong và sau tết nguyên đán, các dịp lễ hội.v.v.
- 100% các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn, đặc biệt là chính quyền các cấp từ cấp huyện trở xuống được nâng cao năng lực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
2. Yêu cầu:
2.1. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trước hết là của các cơ quan nhà nước có chức năng và đặc biệt là chính quyền, người đứng đầu chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, trưởng các bản, làng, thôn, xóm.
2.2. Các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là phù hợp với các điều kiện đặc thù về giao thông, kinh tế, văn hóa, xã hội của các vùng, miền trong toàn tỉnh.
2.3. Tăng cường sử dụng hiệu quả và nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn hiện có với việc chú trọng trong công tác bảo trì, lắp đặt biển báo và xây dựng các công trình bảo đảm an toàn giao thông.
2.4. Các giải pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông khu vực nông thôn phải đồng bộ, phù hợp, có hiệu quả cao với phương thức tiếp cận mới theo hướng trực quan sinh động.
2.5. Tăng cường nâng cao năng lực cho các tổ chức, đơn vị thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông, đặc biệt là từ cấp huyện trở xuống.
2.6. Huy động tối đa nguồn lực xã hội, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc bảo đảm an toàn giao thông nông thôn; phát triển bền vững công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn.
III. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN
1. Đối tượng: Người tham gia giao thông, người dân sống ở khu vực nông thôn. Các cơ quan, đoàn thể, đơn vị thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại địa phương.
2. Phạm vi: Đảm bảo trật tự an toàn giao thông nông thôn trên các tuyến đường huyện, đường xã và đường thôn, xóm.
IV. CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN NGHỆ AN
1. Nâng cao điều kiện an toàn cho kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn
1.1. Về xây mới, nâng cấp, cải tạo mạng lưới đường giao thông nông thôn
- Tập trung đẩy mạnh xây dựng và phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn phù hợp với Chiến lược phát triển giao thông nông thôn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 gắn với việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng, phát triển giao thông nông thôn gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 26/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nghị quyết 24/2008/NQ-CP của Chính phủ, các Quyết định số 491/QĐ-TTg và Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phát triển giao thông nông thôn bền vững, tạo sự gắn kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến hệ thống giao thông địa phương.
- Các huyện, thành, thị xây dựng đề án phát triển giao thông nông thôn cho giai đoạn 2016 - 2020; hướng dẫn và yêu cầu các huyện, xã xây dựng đề án hoặc kế hoạch phát triển giao thông nông thôn cho giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, Ban An toàn giao thông các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông nông thôn trên cơ sở Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 11/4/2014 của UBND tỉnh về tăng cường giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn nông thôn và các giải pháp đề xuất trong đề án này.
- Ưu tiên đầu tư, xây dựng đường ô tô đến trung tâm các xã; hiện nay mới có 429/431 xã (đạt 99,54%) có đường ô tô đến trung tâm xã, còn 2 xã là Nhôn Mai, Mai Sơn, huyện Tương Dương chưa có đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã.
- Nâng cao chất lượng mặt đường cho đường đến trung tâm xã đã có đường nối với trung tâm huyện và các vùng khác, nhưng chưa được cứng hóa hoặc thường bị chia cắt khi có lũ trong mùa mưa, tập trung chủ yếu ở các huyện miền Tây Nghệ An.
- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch xây dựng cầu dân sinh thay thế bến đò (bao gồm cầu treo và cầu cứng) để bảo đảm an toàn giao thông cho vùng có đồng bào các dân tộc ít người sinh sống.
- Kiểm tra, nâng cấp sửa chữa và thay thế hệ thống cầu giao thông nông thôn đang khai thác, lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo trên cầu.
- Xây dựng bến xe khách cho các huyện còn lại. Các địa phương cần huy động nguồn kinh phí, trong đó có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp vận tải đầu tư xã hội hóa xây dựng các bến xe khách.
- Các tuyến đường được xây dựng mới hoặc nâng cấp cải tạo phải bảo đảm tầm nhìn và có đầy đủ hệ thống báo hiệu theo quy định. Khi tiến hành phê duyệt các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống đường giao thông nông thôn, các cơ quan chức năng phải xem xét đầy đủ các yếu tố an toàn trước khi phê duyệt trên quan điểm đã đầu tư thì phải hoàn chỉnh, không chỉ có duy nhất là cứng hóa mặt đường.
1.2. Về công trình và trang thiết bị bảo đảm an toàn giao thông nông thôn
- Tiến hành rà soát và xây dựng dự án nâng cao điều kiện an toàn tại các giao cắt tập trung ở các giải pháp: cải tạo tầm nhìn, lắp đặt biển báo, xây dựng gờ giảm tốc giữa đường phụ ra đường chính, cắm biển hạn chế tải trọng. Các điểm giao cắt giữa các tuyến đường phụ với đường tỉnh và quốc lộ do Sở Giao thông vận tải thực hiện; các điểm giao cắt với đường huyện, đường liên xã do UBND cấp huyện thực hiện; các điểm giao cắt với đường xã do UBND cấp xã thực hiện.
- Đối với các tuyến đường bộ giao cắt với đường sắt, đường ngang dân sinh, phải triển khai ngay việc cải tạo tầm nhìn, lắp đặt biển báo, xây dựng gờ giảm tốc tại các đường ngang giữa các tuyến đường bộ giao cắt với đường sắt.
- Các địa phương khi xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các tuyến đường phải bố trí kinh phí lắp đặt hệ thống biển báo, gờ giảm tốc trên tuyến đường giao thông nông thôn tại vị trí đấu nối vào đường chính.
1.3. Về hành lang an toàn giao thông:
- Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giải tỏa hành lang an toàn đường bộ theo nội dung Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 572/KH-UBND ngày 25/10/2014 của UBND tỉnh về lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ đến năm 2020.
- Đối với các tuyến đường giao thông nông thôn đang khai thác: Chính quyền địa phương tiến hành rà soát, phân tích đánh giá hiện trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông để có những kiến nghị đề xuất giải tỏa kịp thời trên hệ thống đường huyện, đường liên xã. Áp dụng các biện pháp cưỡng chế kết hợp với tuyên truyền, thuyết phục để giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn giao thông (xây dựng lều quán, tập kết hàng hóa, vật liệu vào lòng, lề đường; xâm phạm rãnh thoát nước...). Việc tái lấn chiếm nhằm mục đích khác cần phải được xử lý nghiêm theo quy định, buộc phải di dời.
- Đối với các tuyến đường giao thông nông thôn xây dựng mới: Cơ quan quản lý đường bộ tại địa phương chủ trì phối hợp với cơ quan địa chính và Ủy ban nhân dân huyện, xã có đường giao thông nông thôn dự kiến xây dựng mới qua tiến hành việc đo đạc, cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ, làm cơ sở để quản lý và sử dụng đất hành lang bảo vệ đường giao thông nông thôn.
- UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã, chủ trì phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ tại địa phương tổ chức bảo vệ hành lang bảo vệ công trình giao thông nông thôn theo dự án, đề án quy hoạch đã được phê duyệt.
- Chính quyền địa phương đầu tư xây dựng hệ thống đường gom tại các khu vực đông dân cư có quốc lộ, đường tỉnh, đường sắt đi qua. Tăng cường quản lý và ngăn ngừa đấu nối đường ngang vào quốc lộ, đường tỉnh và đường sắt.
1.4. Về công tác quản lý, bảo trì hệ thống giao thông nông thôn
- Tăng cường xã hội hóa công tác bảo trì đường giao thông nông thôn, kêu gọi các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp địa phương tham gia bảo trì đường bộ (xã hội hóa thông qua góp tiền, góp đất, vật tư, công lao động… của các tổ chức và cá nhân).
- Xác định và phân công trách nhiệm quản lý, bảo trì giao thông nông thôn giữa các cấp (huyện, xã) trong đó gắn trách nhiệm thuộc về người đứng đầu chính quyền địa phương; nâng cao nhận thức, tạo lập thói quen bảo trì giao thông nông thôn. Xây dựng các quy định, quy chế cụ thể về quản lý, bảo trì giao thông nông thôn.
- Tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ địa phương, đặc biệt cấp xã thôn… về kiến thức, kinh nghiệm và cách thức tổ chức thực hiện công tác bảo trì đường bộ.
1.5. Về công tác thẩm định ATGT và xử lý điểm đen tai nạn giao thông
Để công tác thẩm định an toàn giao thông và cải tạo điểm đen tai nạn giao thông được thực hiện cần có sự hỗ trợ từ cấp tỉnh (Sở Giao thông vận tải). Theo đó, hàng quý hoặc 6 tháng, Sở Giao thông vận tải cử cán bộ tiến hành thẩm tra an toàn giao thông giúp UBND cấp huyện và UBND cấp xã cải tạo các điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Đồng thời, qua đó hướng dẫn cán bộ cấp huyện và cấp xã có kiến thức chủ động triển khai công tác thẩm định an toàn giao thông và cải tạo điểm đen tai nạn giao thông ở địa phương mình quản lý.
1.6. Về tổ chức vận tải giao thông nông thôn
- Tại các huyện chưa có bến xe hiện chỉ có điểm dừng đỗ đón trả khách, bốc dỡ và thu mua hàng hóa, đến năm 2020 cần phải xây dựng tối thiểu 01 bến xe tại các trung tâm huyện này phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa cho người dân nông thôn.
- Đến 2020, các địa phương phải có quy hoạch xây dựng các điểm đón trả khách trên mạng lưới đường địa phương (đường tỉnh, đường huyện) phục vụ người dân. Xây dựng quy hoạch các điểm dừng đỗ, đón trả khách trên đường giao thông nông thôn đảm bảo an toàn giao thông trong đó tập trung tại hệ thống đường huyện.
- Thực hiện công tác phân làn phương tiện trên các tuyến đường huyện từ cấp V trở lên.
- Tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý phương thức vận tải hiện có trên các vùng nông thôn. Ngoài phương thức vận tải phổ biến như ô tô, xe máy thì phát triển thêm nhiều hình thức vận tải hành khách theo hướng văn minh hiện đại, phục vụ tốt như xe buýt, taxi tại khu vực nông thôn có mạng lưới đường giao thông nông thôn phát triển đúng theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng giao thông nông thôn mới.
2. Quản lý phương tiện giao thông và công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe
2.1. Về quản lý phương tiện
- Tăng cường công tác kiểm định phương tiện cơ giới ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Phát triển các trung tâm đăng kiểm ở khu vực nông thôn theo Quy hoạch (Quyết định số 3771/QĐ-BGTVT ngày 06/10/2014 của Bộ Giao thông Vận tải) đảm bảo phân bố đồng đều, phù hợp với nhu cầu phát triển của khu vực, giúp cho người dân giảm được cự ly đến trung tâm đăng kiểm đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa.
- Kiểm tra và loại bỏ 100% phương tiện quá niên hạn sử dụng theo quy định.
- Các địa phương phối hợp với các hãng sản xuất xe máy có chính sách hỗ trợ cho người dân vùng nông thôn thay thế dần các loại xe máy kém chất lượng bằng phương tiện tốt hơn.
2.2. Về công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe
- Tăng cường các cơ sở đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa theo Quy hoạch (Quyết định số 966/QĐ- BGTVT ngày 31/3/2014 của Bộ Giao thông Vận tải).
+ Việc tiến hành sát hạch về lý thuyết gặp nhiều khó khăn do đồng bào không quen sử dụng máy tính hay không biết chữ để thi. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể và thống nhất theo hướng tinh giảm bớt nội dung và hình thức sát hạch phù hợp.
+ Trên thực tế, việc sát hạch gặp khó khăn do các trung tâm sát hạch mới chỉ có tại các trung tâm huyện do yêu cầu về điều kiện sa hình. Vì vậy, cần xem xét nghiên cứu các công tác sát hạch lưu động như: sử dụng sân vận động, khu vực đất trống .v.v. làm sa hình thi thực hành.
3. Giải pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về An toàn giao thông khu vực nông thôn.
3.1. Về giáo dục an toàn giao thông trong trường học
- Tiến hành phát động và lấy chủ đề năm an toàn giao thông cho học sinh trên toàn tỉnh. Tạo một cột mốc để toàn xã hội nhìn nhận đúng về an toàn giao thông và thông qua đó nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân khu vực nông thôn đối với vấn đề an toàn giao thông.
- Tăng cường sự kết hợp giữa nhà trường với gia đình học sinh, nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc nhắc nhở, giáo dục các em tự giác chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
- Xây dựng các trường mẫu, trường điểm về an toàn giao thông, duy trì và nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy về trật tự an toàn giao thông trong đội ngũ giáo viên, trang bị giáo cụ, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật an toàn giao thông cho học sinh.
- Thành lập các đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông khu vực quanh trường học, đặc biệt là giờ lên lớp và giờ tan trường.
- Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa nhà trường với các cơ quan chức năng trong việc thông báo, xử lý và phản hồi thông tin xử lý đối với những học sinh vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
- Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy pháp luật về giao thông. Tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy nội dung giáo dục an toàn giao thông. Cải tiến phương pháp giảng dạy, xây dựng và sử dụng các bộ tranh ảnh và các tài liệu trực quan, sinh động để duy trì sự tham gia của các trường trong các chiến dịch tại địa phương.
- Tiến hành giáo dục tuyên truyền cho học sinh vào buổi chào cờ đầu tuần, phát loa giờ ra chơi, cuối buổi trước khi tan học giáo viên giành 2-3 phút nhắc nhở các em học sinh về an toàn giao thông; tiến hành ký cam kết chấp hành luật giao thông của học sinh.
- Cung cấp trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy an toàn giao thông cho các trường như máy chiếu, bộ đèn tín hiệu giao thông,… đặc biệt là sa bàn trên sân trường.
- Đào tạo các giáo viên chuyên trách giảng dạy về an toàn giao thông. Kết hợp với các chuyên gia về an toàn giao thông, cảnh sát giao thông tham gia cùng tuyên truyền kiến thức và giảng dạy về an toàn giao thông trong nhà trường.
- Tăng cường sự tham gia của các tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, vai trò của Đoàn, Hội, Đội trong việc giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông.
- Biên tập lại chương trình giáo dục trật tự an toàn giao thông trong nhà trường, tăng thời lượng giảng dạy chính khóa, tăng các hoạt động ngoại khóa về trật tự an toàn giao thông.
- Tổ chức phát động phong trào cổng trường xanh, sạch, đẹp và an toàn giao thông ở các cấp học.
- Đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên.
- Xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về an toàn giao thông tại các nhà trường, gắn kết giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường với gia đình và cộng đồng xã hội.
- Đối với các vùng sâu, vùng xa, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban an toàn giao thông tỉnh cần ưu tiên các chương trình, dự án an toàn giao thông tại các vùng sâu, vùng xa.
- Các nội dung giáo dục, tuyên truyền tập trung vào việc cung cấp kiến thức, kỹ năng và nhận thức cho học sinh về các chủ đề: đi bộ an toàn, đi xe đạp an toàn, ngồi trên xe máy an toàn, an toàn giao thông ban đêm, an toàn khi đi xe buýt, tàu hỏa, thuyền, ô tô...
- Tăng cường giáo dục, tuyên truyền học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe không điều khiển xe môtô, xe gắn máy.
- Ban An toàn giao thông phối hợp và hỗ trợ các cơ sở in ấn sách, vở học sinh để in thêm các nội dung tuyên truyền về an toàn giao thông vào sách vở.
3.2. Về công tác tuyên truyền tại cộng đồng khu dân cư
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông nông thôn tại các lễ hội truyền thống, các phiên họp chợ bằng các hình ảnh trực quan.
- Tuyên truyền về an toàn giao thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Xem xét điều chỉnh giờ phát hình tiếng dân tộc chương trình an toàn giao thông hiện nay.
- Xây dựng tài liệu tuyên truyền cho người dân tộc thiểu số bằng tiếng dân tộc, có hình ảnh minh họa rõ ràng, dễ hiểu.
- Huy động các cơ quan thông tin, báo chí, tuyên truyền nêu cao vai trò, trách nhiệm, tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông cho mọi tầng lớp nhân dân.
- Xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về an toàn giao thông tại các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp cơ sở, vùng có người dân tộc thiểu số sinh sống.
- Tuyên truyền an toàn giao thông tại các khu vực dân cư, trên các tuyến phường, panô, áp phích, các biểu ngữ, băng rôn...; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu an toàn giao thông trong khu dân cư, phát tờ rơi, diễn kịch,…
- Tăng cường phát huy vai trò của đảng uỷ các cấp, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn huyện, xã, phường.
- Phối hợp giữa địa phương và cảnh sát giao thông trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân tại cộng đồng. Tăng cường hơn nữa vai trò của cảnh sát giao thông trong công tác tuyên truyền.
- Phát huy vai trò tích cực của các tổ chức tôn giáo, trưởng bản trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục về an toàn giao thông.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông thông qua việc mở các diễn đàn, tạo dư luận xã hội lên án các hành vi vi phạm, sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân với các giải pháp của Chính phủ.
- Phổ biến, tuyên truyền về những hậu quả sức khoẻ, gánh nặng bệnh tật, di chứng do tai nạn giao thông trong cộng đồng, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa.
- Tăng cường các chiến dịch tuyên truyền theo chủ đề và đối tượng.
- Đẩy mạnh tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện.
- Phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng chất có cồn, đặc biệt là vùng cao, người dân tộc thiểu số.
- Xây dựng các tiêu chí, hành vi văn hóa cho người tham gia giao thông nông thôn và đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các tiêu chí văn hóa giao thông.
- Đưa tiêu chí văn hóa giao thông vào tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
- Xây dựng các quy tắc về hành vi văn minh đi lại cho người tham gia giao thông nông thôn. Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật; xây dựng nếp sống văn hoá của tất cả mọi người trong xã hội khi tham gia giao thông.
- Các cấp, các ngành, từ tỉnh đến địa phương phối hợp tuyên truyền, phổ biến về hành vi văn hóa giao thông. Thông tin các trường hợp vi phạm luật giao thông và phát trên hệ thống loa đài của xã, phường.
- Ban An toàn giao thông phối hợp và hỗ trợ cùng các cơ sở in lịch hàng năm để đưa các nội dung tuyên truyền theo chủ đề, theo thời gian vào trong lịch.
4. Giải pháp về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm
- Thành lập các đội tuần tra, xử phạt chéo tại các xã trong huyện: Tăng cường vai trò của lực lượng công an xã trong việc tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Công an huyện tiến hành thành lập các tổ tuần tra kiểm soát giao thông với sự tham gia của công an xã và tiến hành kiểm tra.
- Công khai tên tuổi người vi phạm trật tự an toàn giao thông: Gửi danh sách về cho xã, phường, thị trấn qua hộp thư điện tử của mỗi đơn vị để giáo dục tại cộng đồng; phát thông tin cảnh báo, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã và công bố danh sách, nêu đích danh tên tuổi những người vi phạm luật giao thông tại địa phương.
- Các địa phương huy động lực lượng Công an xã phối hợp cùng lực lượng thanh niên, tổ tự quản an toàn giao thông tăng cường tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông. Đồng thời, phải thường xuyên tuần tra kiểm soát các điểm thường xảy ra tai nạn ở các tuyến đường giao thông nông thôn và lập danh sách những đối tượng thanh niên thường xuyên vi phạm Luật giao thông đường bộ để giáo dục, ngăn ngừa tai nạn xảy ra.
- Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thành phố huy động các lực lượng, trong đó có lực lượng công an xã phối hợp cùng lực lượng cảnh sát giao thông của Công an huyện tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm ở các tuyến đường giao thông nông thôn thường xảy ra tai nạn. Duy trì tập huấn công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho lực lượng Công an xã, đồng thời phân công mỗi cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông huyện phụ trách 1 xã, thị trấn để nắm tình hình, hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ Công an xã tham gia giữ gìn trật tự ATGT.
- Tăng cường chế độ chính sách bồi dưỡng cho lực lượng công an xã, cảnh sát giao thông khi tham gia tuần tra, xử lý vi phạm (kiến nghị chi phí như đối với dân quân, quân dự bị tham gia diễn tập).
- Thành lập tổ “Tự quản về an toàn giao thông” thường xuyên tuần tra, nhắc nhở, tuyên truyền và vận động người dân chấp hành tốt pháp luật về trật tự ATGT.
5. Giải pháp về sơ cấp cứu sau tai nạn
- Tăng cường hệ thống y tế hiện đại từ cấp huyện xuống cấp xã. Nâng cao năng lực về sơ cấp cứu cho các bệnh viện huyện và các trạm y tế xã.
- Tiến hành tập huấn các kỹ năng sơ cứu ban đầu cho các cán bộ y tế, công an xã..v.v… và người dân sống ven đường khu vực các điểm nóng về tai nạn giao thông như các nút giao.v.v.
- Xây dựng các đội mô tô cấp cứu ứng trực trên các địa bàn trọng điểm thường xảy ra tai nạn.
- Phát tài liệu hướng dẫn sơ cấp cứu tai nạn giao thông cho người dân.
- Thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập về cấp cứu tai nạn giao thông, đặc biệt các tai nạn nghiêm trọng có nhiều nạn nhân;
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy định rõ trách nhiệm của các tổ. Có các văn bản quy định rõ trách nhiệm phối hợp trong cấp cứu giữa các thành phần của hệ thống cấp cứu: cấp cứu trước bệnh viện, khoa cấp cứu, giữa các bệnh viện.
- Tiếp tục trang bị thêm các dụng cụ, trang thiết bị cấp cứu cho toàn hệ thống cấp cứu và cho cấp cứu trước bệnh viện.
- Tiếp tục có các giải pháp để nghiên cứu, thí điểm, sử dụng các phương tiện cấp cứu, vận chuyển cấp cứu hiệu quả, giá thành thấp, có thể sản xuất trong nước như: mô tô cấp cứu, xe lam cấp cứu, xe buýt cấp cứu….
- Có các chương trình giáo dục cộng đồng để người dân phối hợp với lực lượng cấp cứu tại giao thông tại hiện trường.
- Xây dựng các chương trình dạy các biện pháp sơ cứu trên truyền hình, trong trường học, công sở, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng như đoàn Thanh niên, Công đoàn, hội phụ nữ… tham gia công tác này.
6. Giải pháp về nguồn nhân lực
- Huy động các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông khu vực nông thôn, nòng cốt là lực lượng công an huyện, công an xã, thị trấn.
- Huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông nông thôn bảo đảm an toàn, đồng thời huy động người dân, các đoàn viên, hội viên là lực lượng chủ chốt trong công tác bảo trì đường giao thông nông thôn và gác trực bảo đảm an toàn giao thông tại các đường ngang đường sắt.
- Đào tạo, tập huấn về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn cho các lực lượng chức năng từ cấp huyện xuống cấp xã, thôn bản, bao gồm: các cán bộ phụ trách phát triển kết cấu hạ tầng, cảnh sát giao thông, Công an xã, dân phòng, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ, Hội nông dân, các già làng, trưởng bản, trưởng thôn, các chức sắc tôn giáo ở địa phương.v.v.
- Xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông nông thôn đến từng hộ gia đình, từng đối tượng; giám sát theo dõi và phát hiện kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
7. Giải pháp về nguồn vốn
- Huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau như: Ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ; từ các dự án, chương trình đầu tư phát triển xây dựng nông thôn; đóng góp của nhân dân, cộng đồng xã hội bằng tiền, vật tư, lao động... để đầu tư phát triển giao thông nông thôn.
- Nguồn vốn huy động đầu tư phát triển giao thông nông thôn chủ yếu tập trung vào các nguồn sau: Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương (bao gồm cả nguồn vốn vay của các tổ chức nước ngoài); nguồn vốn từ ngân sách địa phương (Ngân sách tỉnh, huyện và xã); nguồn vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất; nguồn đóng góp của nhân dân; các nguồn khác (đóng góp hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân)
8. Các giải pháp đột phá. Nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông nông thôn và nâng cao điều kiện an toàn giao thông ở khu vực nông thôn trong giai đoạn ngắn hạn. Căn cứ vào tình hình thực tế, các giải pháp trước mắt mang tính đột phá cần thực hiện được đề xuất như sau:
(1) Tiến hành rà soát và cải tạo điều kiện an toàn giao thông tại các giao cắt của giao thông nông thôn với các giải pháp cơ bản: Cải tạo tầm nhìn, lắp đặt biển báo, gương cầu lồi, làm gờ giảm tốc.
Các Ban An toàn giao thông huyện, thành, thị tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Triển khai đồng loạt việc xử lý đảm bảo an toàn tại các giao cắt. Tùy theo nguồn lực của địa phương để tiến hành thực hiện, về cơ bản có thể phân cấp nguồn vốn như sau:
- Đối với các giao cắt với quốc lộ và đường tỉnh sẽ được thực hiện bằng ngân sách của tỉnh;
- Giao cắt với đường huyện và các trục đường liên xã sẽ được thực hiện bằng ngân sách của huyện;
- Giao cắt với đường xã sẽ do ngân sách của xã thực hiện.
Tùy từng địa phương, cần tăng cường kêu gọi xã hội hóa, đặc biệt kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn xã tham gia.
Giải pháp cần ưu tiên trước hết là xây dựng các gờ giảm tốc tại các giao cắt, nên dùng bằng bê tông nhựa hoặc đá trộn nhựa và có sơn phản quang cho gờ giảm tốc.
(2) Yêu cầu bắt buộc đối với các dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo đường giao thông nông thôn phải có đầy đủ hệ thống báo hiệu và cảnh báo. Bảo đảm 100% các tuyến đưa vào sử dụng có đầy đủ các trang thiết bị bảo đảm an toàn giao thông.
(3) Tăng cường bố trí các nguồn lực bảo đảm công tác bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn hiện có, đặc biệt kêu gọi xã hội hóa trong công tác bảo trì và nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác bảo trì giao thông nông thôn ở địa phương. Ưu tiên cải tạo các điểm đen tai nạn giao thông và các điểm nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
(4) Loại bỏ hoàn toàn các phương tiện quá niên hạn sử dụng, các phương tiện tự chế không bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông theo quy định.
(5) Hỗ trợ người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn trong việc bảo dưỡng xe máy và thay thế một số phụ tùng, đặc biệt là phanh xe. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị dành một phần kinh phí đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xe máy cùng tham gia.
(6) Chỉnh sửa lại quy định về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe hạng A1. Soạn thảo và ban hành thống nhất trong cả nước giáo trình đào tạo lái xe hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số.
(7) Tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức và nhận thức của người dân khu vực nông thôn thông qua các hình thức: Loa phát thanh xã; tuyên truyền lưu động; xây dựng hòm thư công bố các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông ở địa phương; đưa nội dung tuyên truyền an toàn giao thông vào các sinh hoạt tôn giáo, tại các lễ hội, các phiên chợ; các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… tham gia tuyên truyền đến từng gia đình, từng đối tượng; xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên cơ sở.
Hình thức tuyên truyền chủ yếu thông quan các hình ảnh. Các nội dung tuyên truyền, phổ biến tập trung vào quy tắc giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ và các kỹ năng tham gia giao thông an toàn (đi bộ, đi xe đạp, xe máy).
(8) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trong đó đặc biệt phát huy vai trò của cảnh sát giao thông huyện và lực lượng công an xã; thành lập các đội kiểm tra xử lý chéo giữa các xã trong huyện; thành lập các đội “Tự quản về an toàn giao thông” ở địa phương; bố trí kinh phí hỗ trợ cho lực lượng công an xã tham gia tuần tra, kiểm soát.
(9) Thành lập các đội xe máy cấp cứu y tế tại các khu vực hay xảy ra tai nạn giao thông trên hệ thống đường huyện, đường liên xã.
1. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh
1.1. Sở Giao thông Vận tải
- Là đơn vị đầu mối quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh; là đơn vị thường trực chỉ đạo hướng dẫn thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông nông thôn đến năm 2020;
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn để triển khai hàng năm;
- Phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác kêu gọi, thu hút các nguồn vốn phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn;
- Phối hợp với UBND các huyện, thành, thị huy động tối đa các nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau như: Vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, từ các dự án, chương trình đầu tư phát triển xây dựng nông thôn; huy động đóng góp của nhân dân, cộng đồng xã hội bằng tiền, vật tư, lao động để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ hành lang đường bộ;
- Phối hợp với Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh và các sở, ngành liên quan tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ xi măng để xây dựng giao thông nông thôn;
- Triển khai việc lắp đặt hệ thống biển báo và thiết bị đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông nông thôn, làm gờ giảm tốc từ đường phụ ra đường chính, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến giao thông nông thôn;
- Phối hợp với các huyện, thành, thị tăng cường quản lý phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp về điều kiện an toàn của phương tiện và người điều khiển; kiểm tra việc thực hiện cấm xe công nông, xe cơ giới tự chế hoạt động trên các tuyến giao thông.
- Tiếp tục đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe hạng A1, A4 cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
1.2. Công an tỉnh
- Chỉ đạo Công an các huyện, thành, thị huy động tối đa các lực lượng do Cảnh sát giao thông chủ trì, phối hợp với Cảnh sát khác, Công an xã, phường, thị trấn tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ở các tuyến giao thông nông thôn, các tuyến đường liên xã, liên huyện, nhất là các tuyến đường, địa bàn thường xẩy ra tai nạn giao thông. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho Công an cấp xã trong đó có nghiệp vụ về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phân công mỗi cán bộ, chiến sỹ, Cảnh sát giao thông huyện phụ trách một hoặc một số xã, thị trấn để nắm tình hình, hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ Công an xã tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông;
- Chỉ đạo Công an xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, tổ tự quản An toàn giao thông tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đến các làng, bản, thôn xóm; tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đường thường xẩy ra tai nạn giao thông ở các tuyến giao thông nông thôn, nắm bắt những đối tượng thanh, thiếu niên điều khiển mô tô, xe gắn máy... thường xuyên vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông như: Phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng, không đội mũ bảo hiểm... để tuyên truyền, giáo dục và các biện pháp xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
1.3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh Truyền hình tỉnh và các cơ quan báo chí
- Tích cực tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, các nguy cơ và tai nạn giao thông khu vực nông thôn đến các xã, phường, thôn bản; phát huy hiệu quả các đội tuyên truyền lưu động và hệ thống truyền thanh xã, phường để tuyên truyền an toàn giao thông. Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, tránh tai nạn mô tô, xe gắn máy; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; tuân thủ tốc độ quy định; giảm tốc độ quan sát an toàn từ đường phụ ra đường chính, khi đi qua đường sắt, tại các điểm giao cắt đồng mức; đã uống rượu bia không lái xe; chấp hành các quy tắc giao thông, quy định an toàn khi đi đò, khi đi qua cầu treo...
- Hàng tháng Sở Thông tin Truyền thông căn cứ nội dung của Bộ Thông tin Truyền thông để xây dựng chuyên đề an toàn giao thông khu vực nông thôn để phát trên hệ thống phát thanh cấp huyện và hệ thống loa phát thanh xã, phường;
1.4. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo yêu cầu các trường học tăng cường giáo dục kiến thức an toàn giao thông cho học sinh, thường xuyên nhắc nhở học sinh tự giác chấp hành pháp luật, tạo thói quen chấp hành các quy tắc giao thông;
- Phối hợp với Thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh, các ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2014 - 2018 ban hành theo Quyết định số 482/QĐ-UBND ngày 27/01/2014 của UBND tỉnh, nhất là các trường học vùng nông thôn, miền núi.
1.5. Thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh.
- Chủ trì kiểm tra, theo dõi và đôn đốc quá trình thực hiện và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Đề án; định kỳ 6 tháng tổng hợp, báo cáo và đề xuất với UBND tỉnh để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án.
- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho khu vực nông thôn, tập trung vào giới trẻ thông qua công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học và hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã hội. Kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phối hợp đã ký kết với các tổ chức chính trị - xã hội. Phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát hành các tài liệu tuyên truyền cho người điều khiển phương tiện ở vùng nông thôn, nhất là người điều khiển mô tô, xe máy.
- Phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông xây dựng nội dung tuyên truyền trọng tâm về Quy tắc giao thông đường bộ và Văn hoá giao thông thu đĩa CD, cấp phát đến xã, phường, thị trấn phát trên loa truyền thanh mỗi tuần một chuyên đề.
- Căn cứ tình hình trật tự an toàn giao thông trên các địa bàn để tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tập trung kiểm tra tại địa bàn nông thôn, nhất là các tuyến đường, địa bàn có tai nạn giao thông tăng cao.
- Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp có hiệu quả kiềm chế tai nạn giao thông tại khu vực nông thôn, miền núi.
1.6. Sở Kế hoạch Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải và UBND các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch huy động nguồn vốn và bố trí nguồn vốn trong kế hoạch hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án thuộc thẩm quyền.
1.7. Hội Nông dân tỉnh
- Đẩy mạnh cuộc vận động “Nông dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông” với 3 nội dung trọng tâm: Tuyên truyền, vận động người dân ở nông thôn thực hiện các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tham gia xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn an toàn; phổ biến, hướng dẫn và vận động người dân về kỹ năng điều khiển các phương tiện giao thông an toàn.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông, nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy tắc giao thông, tuân thủ quy định về tốc độ, đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện, đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện; giảm tốc độ chú ý quan sát khi qua đường sắt, đi từ đường phụ ra đường chính, tại các điểm giao cắt; chấp hành quy định an toàn khi đi đò, đi qua cầu treo...
1.8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Tỉnh đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh
- Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”; cuộc vận động “Phụ nữ tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông vì hạnh phúc của mỗi gia đình”; Cuộc vận động “Cựu chiến binh tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông” và tuyên truyền các quy tắc giao thông, tiêu chí Văn hóa giao thông đến với các hội viên, đoàn viên.
- Thành lập các câu lạc bộ an toàn giao thông, tổ tự quản an toàn giao thông, đội thanh niên tình nguyện tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông để phối hợp với Công an xã tổ chức tuyên truyền vận động, ký cam kết đến từng hộ gia đình về nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông giải tỏa các bờ rào, cây cối, chướng ngại vật cản trở, che khuất tầm nhìn dễ gây tai nạn giao thông tại địa bàn nông thôn; không phơi rơm rạ, nông sản trên mặt đường, không chăn thả gia súc trên đường gây cản trở, ùn tắc giao thông.
1.9. Các Sở, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan: Phối hợp triển khai các nhiệm vụ của Đề án nhằm tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn đến năm 2020.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị
- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành tổ chức thực hiện những nội dung của Đề án có liên quan đến địa phương; có trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện và hàng quý gửi thông tin tình hình thực hiện đến UBND tỉnh (qua Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh);
- Tăng cường công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực nông thôn; chỉ đạo việc kiện toàn Ban an toàn giao thông cấp xã, phân công, phân cấp tuyến đường, địa bàn cho các thành viên Ban an toàn giao thông đảm nhiệm, đồng thời bảo đảm nguồn kinh phí cho Ban an toàn giao thông cấp xã hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông;
- Rà soát lại hệ thống đường giao thông nông thôn để kịp thời phát hiện các vấn đề bất cập và có các giải pháp khắc phục trên các tuyến giao thông thuộc thẩm quyền quản lý.
- Thực hiện việc gắn trách nhiệm quản lý từng tuyến đường, địa bàn cụ thể đến từng thôn, xóm, làng bản để quản lý, sửa chữa khắc phục bất cập về hạ tầng giao thông.
- Huy động tối đa các nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau, huy động đóng góp của nhân dân, cộng đồng xã hội bằng tiền, vật tư, lao động,... để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn đảm bảo an toàn giao thông;
- Phối hợp triển khai việc lắp đặt hệ thống biển báo và thiết bị phụ trợ an toàn giao thông trên các tuyến giao thông nông thôn, làm gờ giảm tốc từ đường phụ ra đường chính; đồng thời vận động người dân hiến đất xây dựng giao thông nông thôn, phát quang cây cối, chỉnh sửa tường rào để đảm bảo tầm nhìn tại các điểm giao cắt trên đường liên xã, liên thôn;
- Tăng cường quản lý phương tiện nông cụ về điều kiện an toàn của phương tiện và người điều khiển, triển khai nghiêm túc việc cấm xe công nông, xe cơ giới tự chế, xe lôi máy hoạt động trên các tuyến giao thông.
- Tổ chức ký cam kết với Trưởng Ban an toàn giao thông cấp xã về bảo đảm an toàn giao thông. Yêu cầu các xã, phường mỗi tuần phải tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh ít nhất 02 lần nội dung về an toàn giao thông (Bộ Thông tin Truyền thông cấp) và cẩm nang an toàn giao thông (Ban an toàn giao thông tỉnh phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cấp); Tổ chức các nội dung tuyên truyền lưu động về an toàn giao thông.
- Phát huy vai trò của các tổ tự quản an toàn giao thông để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện pháp luật về trật tự an toàn giao thông, giải tỏa các chướng ngại vật, đảm bảo hành lang an toàn các tuyến giao thông nông thôn khu vực chợ ở địa phương.
- Chỉ đạo huy động lực lượng Công an xã phối hợp với lực lượng Công an huyện tăng cường tuần tra kiểm soát trên địa bàn phức tạp; Tăng cường công tác kiểm tra liên ngành về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tập trung kiểm tra tại địa bàn nông thôn, nhất là các tuyến đường, địa bàn có tai nạn giao thông tăng cao.
3. Lộ trình thực hiện Đề án
Lộ trình thực hiện các giải pháp nêu trong Đề án được thực hiện từ năm 2016 đến hết năm 2020, cụ thể tại Phụ lục (kèm theo).
4. Kinh phí thực hiện Đề án
Kinh phí thực hiện các giải pháp nêu trong Đề án được cấp từ ngân sách tỉnh trên cơ sở dự toán của các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện các công việc trong Đề án. Kinh phí thực hiện các giải pháp nêu trong Đề án thuộc trách nhiệm của các huyện, thành, thị sẽ do Ủy ban nhân dân cấp huyện cân đối bố trí.
Quyết định 800/QĐ-TTg năm 2018 điều chỉnh nội dung Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 Ban hành: 02/07/2018 | Cập nhật: 05/07/2018
Quyết định 491/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 Ban hành: 07/05/2018 | Cập nhật: 10/05/2018
Quyết định 491/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình Ban hành: 15/04/2017 | Cập nhật: 18/04/2017
Quyết định 4251/QĐ-BGTVT năm 2015 phê duyệt Đề án “Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn đến năm 2020” do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Ban hành: 01/12/2015 | Cập nhật: 12/12/2015
Quyết định 3771/QĐ-BGTVT năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể Trung tâm đăng kiểm và dây chuyền kiểm định xe cơ giới đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Ban hành: 06/10/2014 | Cập nhật: 04/11/2014
Quyết định 994/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 Ban hành: 19/06/2014 | Cập nhật: 20/06/2014
Quyết định 1586/QĐ-TTg năm 2013 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016 Ban hành: 11/09/2013 | Cập nhật: 18/09/2013
Nghị quyết 88/NQ-CP năm 2013 thành lập phường Thanh Vinh thuộc thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ Ban hành: 23/07/2013 | Cập nhật: 24/07/2013
Quyết định 491/QĐ-TTg năm 2013 hỗ trợ gạo cứu đói cho tỉnh Lạng Sơn Ban hành: 20/03/2013 | Cập nhật: 22/03/2013
Quyết định 1586/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 Ban hành: 24/10/2012 | Cập nhật: 30/10/2012
Nghị quyết 88/NQ-CP năm 2011 về tăng cường thực hiện giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông Ban hành: 24/08/2011 | Cập nhật: 27/08/2011
Quyết định 1509/QĐ-BGTVT năm 2011 phê duyệt chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Ban hành: 08/07/2011 | Cập nhật: 16/07/2011
Quyết định 800/QĐ-TTg năm 2011 về xuất thuốc sát trùng dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Quảng Trị Ban hành: 26/05/2011 | Cập nhật: 27/05/2011
Quyết định 491/QĐ-TTg năm 2011 phê chuẩn miễn nhiệm thành viên của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2004 - 2011 Ban hành: 05/04/2011 | Cập nhật: 07/04/2011
Quyết định 1586/QĐ-TTg năm 2010 phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 của Quốc hội Ban hành: 24/08/2010 | Cập nhật: 30/08/2010
Quyết định 800/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 Ban hành: 04/06/2010 | Cập nhật: 11/06/2010
Quyết định 1586/QĐ-TTg năm 2009 thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh Ban hành: 09/10/2009 | Cập nhật: 16/10/2009
Quyết định 491/QĐ-TTg năm 2009 về Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới Ban hành: 16/04/2009 | Cập nhật: 25/04/2009
Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Ban hành: 28/10/2008 | Cập nhật: 31/10/2008
Quyết định 800/QĐ-TTg năm 2008 về việc phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc Ban hành: 24/06/2008 | Cập nhật: 27/06/2008
Quyết định 491/QĐ-TTg năm 2008 phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2008-2010 Ban hành: 05/05/2008 | Cập nhật: 10/05/2008
Quyết định 1586/QĐ-TTg năm 2007 Tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 02 tập thể và 04 cá nhân thuộc tỉnh Cao Bằng Ban hành: 21/11/2007 | Cập nhật: 22/11/2007
Quyết định 1586/QĐ-TTg bổ sung thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng Ban hành: 04/12/2006 | Cập nhật: 16/12/2006
Quyết định 994/QĐ-TTg về bổ sung số lượng bộ linh kiện xe hai bánh gắn máy nhập khẩu cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Ban hành: 31/10/2002 | Cập nhật: 08/04/2013
Quyết định 994/QĐ-TTg năm 1999 về việc thay đổi và bổ sung thành viên Ban chỉ đạo chống buôn lậu và gian lận thương mại Ban hành: 29/10/1999 | Cập nhật: 19/12/2009