Quyết định 2471/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020
Số hiệu: 2471/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh Người ký: Lê Đình Sơn
Ngày ban hành: 25/08/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2471/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 25 tháng 08 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG ĐẶC DỤNG TỈNH HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng;

Căn cứ Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT ngày 11/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 100/2013/TTLT-BTC-BNNPTNT ngày 26/7/2013 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định 24/QĐ-TTg ngày 1/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Văn bản số 1062/TCLN-BTBT ngày 16/7/2014 Tổng cục Lâm nghiệp về việc góp ý quy hoạch rừng đặc dụng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 3342/SNN-LN ngày 14/8/2014 về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 (kèm theo Báo cáo thẩm định số 03/BC-HĐTĐ ngày 22/5/2014 của Hội đồng thẩm định quy hoạch),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020.

1. Tên quy hoạch: Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020.

2. Mục tiêu:

Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Hà Tĩnh nhằm sử dụng hợp lý giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan, dịch vụ môi trường, sinh thái và các công trình; trên cơ sở đó rà soát lại quy hoạch không gian, khẳng định diện tích rừng đặc dụng hợp lý để bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật quý hiếm; xác định ranh giới các phân khu chức năng trên bản đồ và thực địa làm cơ sở cho việc xây dựng các hạng mục đầu tư phát triển, đóng mốc bổ sung rừng đặc dụng.

Xây dựng các chương trình hoạt động và các giải pháp đồng bộ cho quản lý bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu khoa học, đào tạo phát triển nguồn nhân lực... góp phần phát triển kinh tế xã hội trong vùng.

Quy hoạch vùng đệm hợp lý tạo hành lang an toàn để giảm áp lực xấu đến rừng đặc dụng.

Nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia của chính quyền các địa phương và cộng đồng dân cư vào các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch.

Tính toán khối lượng và mức đầu tư trên cơ sở các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật làm cơ sở thực hiện quy hoạch.

3. Phạm vi ranh giới, diện tích rừng và đất rừng:

- Phân theo quản lý hành chính:

Vùng quy hoạch khu rừng đặc dụng nằm trong ranh giới của 05 huyện, 11 xã và thị trấn, 63 tiểu khu, bao gồm: Các tiểu khu: 74, 76, 77, 80, 82, 84 xã Sơn Kim 2; tiểu khu 75 xã Sơn Tây, thuộc huyện Hương Sơn; các tiểu khu: 142, 165, 166, 170, 176, 177, 182, 189, 197, 198, 202, 203, 219, 223, 224, 155A, 155B, 180A, 180B, 85B xã Hương Quang; tiểu khu 158 xã Hương Minh; tiểu khu 157 thị trấn Vũ Quang, thuộc huyện Vũ Quang; các tiểu khu: 171, 178, 181, 190, 204, 205, 191A, 191B, 206A xã Hòa Hải; các tiểu khu: 242, 246, 252, 254, 255, 259 xã Hương Trạch, thuộc huyện Hương Khê; các tiểu khu: 333, 337, 338, 365, 360A, 324, 327, 325B, 325C, 335C, 328B xã Cẩm Mỹ; tiểu khu 339 xã Cẩm Sơn; các tiểu khu: 363, 336B, 360A xã Cẩm Thịnh, thuộc huyện Cẩm Xuyên; các tiểu khu: 351, 366, 367B, 373A xã Kỳ Thượng, thuộc huyện Kỳ Anh.

Tổng diện tích rừng đặc dụng tỉnh Hà Tĩnh 74.510,3ha, trong đó:

+ Đất có rừng 74.047,4ha;

+ Đất chưa có rừng 462,9ha,

- Phân theo hệ thống rừng đặc dụng gồm:

+ Vườn Quốc gia: 52.741,5ha, chiếm 70,78% diện tích rừng đặc dụng, bao gồm 38 tiểu khu, nằm trên địa bàn 5 xã, 01 thị trấn thuộc 3 huyện (Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang), trong đó đất có rừng 52.612,3ha, đất chưa có rừng 129,2ha.

+ Khu Bảo tồn thiên nhiên: 21.768,8ha, chiếm 29,22% diện tích rừng đặc dụng, bao gồm 25 tiểu khu, nằm trên địa bàn 05 xã thuộc 03 huyện (Hương Khê, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh) trong đó đất có rừng 21.435,1ha, đất chưa có rừng 333,7ha.

4. Nội dung quy hoạch:

4.1. Quy hoạch các phân khu chức năng rừng đặc dụng:

- Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (BVNN):

Phân khu BVNN có diện tích 49.925ha, chiếm 67% diện tích rừng đặc dụng, bao gồm 35 tiểu khu thuộc địa bàn các xã: Sơn Kim II (huyện Hương Sơn), Hương Quang (huyện Vũ Quang), Hòa Hải, Hương Trạch (huyện Hương Khê), Cẩm Mỹ, Cẩm Sơn, Cẩm Thịnh (huyện Cẩm Xuyên) và Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh); trong đó:

+ Đất có rừng: 49.805,6ha.

+ Đất không có rừng: 119,4ha.

- Phân khu phục hồi sinh thái (PHST).

Phân khu PHST có diện tích 23.434,8ha, chiếm 31,45% diện tích rừng đặc dụng, phân bố trên 15 tiểu khu thuộc địa bàn các xã: Sơn Kim II, Sơn Tây (huyện Hương Sơn); Hương Minh, Hương Quang và Thị trấn Vũ Quang (huyện Vũ Quang); Hòa Hải (huyện Hương Khê); Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên).

+ Đất có rừng: 23.165,4ha;

+ Đất không có rừng: 269,4ha.

- Phân khu Dịch vụ - Hành chính (DVHC):

Phân khu DVHC có diện tích 1.150,5ha, chiếm 1,55% diện tích rừng đặc dụng, phân bố tại 03 tiểu khu thuộc địa bàn các xã: Hương Quang (huyện Vũ Quang); Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên), trong đó:

+ Đất có rừng: 1.076,4ha;

+ Đất chưa có rừng: 74,1ha.

4.2. Quy hoạch các chương trình bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng đến năm 2020.

a) Quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học:

- Bảo vệ rừng: diện tích 74.007,3ha, trong đó rừng tự nhiên 73.392,4ha, rừng trồng 614,9ha; cụ thể như sau:

+ Vườn Quốc gia 52.572,2ha, gồm rừng tự nhiên 52.387,5ha, rừng trồng 184,7ha;

+ Khu Bảo tồn thiên nhiên 21.435,1ha, gồm rừng tự nhiên 21.004,9ha, rừng trồng 430,2ha.

- Tăng cường công tác bảo vệ rừng có sự tham gia của cộng đồng.

- Thực hiện theo dõi diễn biến tài nguyên rừng.

- Hỗ trợ 104 thôn vùng đệm có ảnh hưởng trực tiếp rừng đặc dụng theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Phát triển rừng

- Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên: 242ha, trong đó:

+ Tại Vườn Quốc gia Vũ Quang: 124,4ha;

+ Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ: 117,6ha.

- Trồng rừng mới: 261,1ha, thực hiện tại Khu BTTN Kẻ Gỗ.

- Nâng cao chất lượng rừng: 81,5ha, thực hiện tại Khu BTTN Kẻ Gỗ.

- Trồng cây cảnh quan: 1.000 cây.

c) Nghiên cứu khoa học

- Thực hiện 9 đề tài nghiên cứu khoa học trên diện tích rừng đặc dụng.

- Xây dựng vườn thực vật 190,8ha (tại Vườn Quốc gia Vũ Quang 40ha, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ: 150,8ha).

- Lập các ô định vị nghiên cứu, mỗi trạng thái rừng tại các khu rừng đặc dụng lập 02 ô định vị nghiên cứu.

- Điều tra lâm sản ngoài gỗ trên toàn bộ diện tích rừng tự nhiên của các khu rừng đặc dụng.

- Xây dựng 02 phần mềm quản lý cơ sở để theo dõi và đánh giá diễn biến các loại động - thực vật.

- Xây dựng 1.400 bộ tiêu bản về động vật, thực vật và côn trùng phục vụ nghiên cứu, tham quan (Vườn Quốc gia Vũ Quang 900 bộ tiêu bản; Khu BTTN Kẻ Gỗ 500 tiêu bản).

- Trồng 10.000 cây bổ sung cho vườn thực vật (tại Vườn quốc gia 4.000 cây; tại Khu BTTN Kẻ Gỗ 6.000 cây).

- Xây dựng 02 Vườn ươm; 1 ở Vườn Quốc gia Vũ Quang, 1 ở Khu BTTN Kẻ Gỗ).

- Hợp tác quốc tế: Xây dựng mối quan hệ với các tổ chức bảo tồn trên thế giới, trước mắt là các tổ chức bảo tồn quốc tế đã có mặt ở Việt Nam để hợp tác triển khai các chương trình nghiên cứu ở các khu rừng đặc dụng, thông qua đó thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm có ở Hà Tĩnh, về giảm thiểu biến đổi khí hậu, về nâng cao sinh kế và ý thức cho người dân vùng đệm, nâng cao năng lực cán bộ trong công tác bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng.

d) Quy hoạch cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật:

- Khu cứu hộ Gấu.

- Khu cứu hộ Linh trưởng.

- Khu cứu hộ nhóm thú ăn thịt.

- Khu cứu hộ Bò sát.

- Khu cứu hộ Chim.

- Khu quản lý, điều hành, thú y, chế biến thức ăn, lưu trữ hồ sơ, tài liệu.

đ) Phát triển Du lịch sinh thái:

- Quy hoạch phát triển các khu du lịch nằm ngoài khu vực quy hoạch rừng đặc dụng, tập trung tại vùng đệm của Vườn Quốc gia Vũ Quang, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, bao gồm:

+ Khu trung tâm dịch vụ đầu mối 115ha: Quy hoạch tại vùng đệm Vườn Quốc gia Vũ Quang 40ha, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ 75ha.

+ Khu du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần 388ha: Quy hoạch 200 ha tại vùng ven hồ và các đảo thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Vũ Quang; 188ha vùng ven hồ Kẻ Gỗ thuộc vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.

+ Khu vui chơi giải trí đặc biệt và công viên: 172ha, trong đó: Quy hoạch 50ha trên các ốc đảo và ven hồ thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Vũ Quang và 122ha tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.

- Quy hoạch khu du lịch thuộc phân khu dịch vụ hành chính của các khu rừng đặc dụng:

+ Khu du lịch tâm linh - sinh thái: 10ha tại tiểu khu 180B Vườn Quốc gia Vũ Quang.

+ Khu du lịch nghỉ dưỡng: Diện tích 5ha, phân bố tại tiểu khu 180B và 170, Vườn Quốc gia Vũ Quang.

+ Khu xây dựng cây xanh cảnh quan: 2ha, tại tiểu khu 180B, thuộc Vườn Quốc gia Vũ Quang.

+ Quy hoạch hệ thống nhà nghỉ Homstay (nhà nghỉ mà khách du lịch ngủ cùng với người dân để khám phá thiên nhiên).

e) Xây dựng cơ sở hạ tầng:

- Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ bảo tồn và phát triển rừng.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu khoa học.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch sinh thái.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển khu DVHC.

h) Tổ chức và phát triển nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy:

Tổng số người tham gia bộ máy rừng đặc dụng 217 người, cụ thể:

- Bộ máy tại Vườn Quốc gia Vũ Quang, gồm: Ban Giám đốc, 4 phòng chức năng, 01 Hạt Kiểm lâm vườn và 3 bộ phận trực thuộc Hạt Kiểm lâm (Văn phòng Hạt, Đội Kiểm lâm cơ động và các Trạm kiểm lâm).

Quy hoạch nhân sự: 134 người.

- Bộ máy tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, gồm Ban Giám đốc, 4 phòng chức năng và 01 Hạt Kiểm lâm với 3 đơn vị trực thuộc (Văn phòng hạt, Đội Kiểm lâm cơ động và các Trạm Kiểm lâm).

Quy hoạch nhân sự: 83 người.

g) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:

Đào tạo trung cấp, đại học hoặc sau đại học gồm các chuyên ngành sau:

- Đào tạo chuẩn hóa ngạch công chức.

- Đào tạo cán bộ quản lý du lịch và hướng dẫn viên du lịch.

- Đào tạo chuyên gia sâu công tác bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học về động, thực vật rừng và phát triển rừng.

- Đào tạo nhân viên giáo dục cộng đồng.

- Đào tạo chuyên môn về bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển rừng.

- Tập huấn sử dụng phương tiện kỹ thuật, công nghệ GIS, công nghệ bảo tồn gen động vật, thực vật.

- Tập huấn theo dõi diễn biến tài nguyên rừng.

k) Tổ chức hoạt động giám sát:

- Giám sát về diễn biến tài nguyên rừng, đa dạng sinh học.

- Giám sát về sử dụng tài nguyên.

- Giám sát các dịch vụ môi trường rừng.

- Tổ chức giám sát hoạt động du lịch sinh thái.

4.3. Quy hoạch phát triển vùng đệm:

- Vùng đệm theo đơn vị hành chính:

Vùng đệm của rừng đặc dụng tỉnh Hà Tĩnh có tổng diện tích là 53.641,2ha, thuộc phạm vi 2 tỉnh, 7 huyện, 28 xã, trong đó: Đất có rừng 46.234,8ha, chưa có rừng 4.192,7ha, đất khác 3.213,7ha.

+ Diện tích quy hoạch vùng đệm Vườn Quốc gia: 23.174,5ha, phân bố trên địa bàn 13 xã, thị trấn, thuộc địa bàn 3 huyện (Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang), trong đó đất có rừng 20.253ha, chiếm 87,4%; đất chưa có rừng 2.589,4ha, chiếm 11,2%; đất khác 332,1ha, chiếm 1,4%.

+ Diện tích quy hoạch vùng đệm Khu Bảo tồn 30.466,7ha trên địa bàn 12 xã của 4 huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê và Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và 3 xã thuộc huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, trong đó đất có rừng 25.981,8ha, chiếm 85,3%, đất chưa có rừng 1.603,3ha, chiếm 5,2%, đất khác 2.881,6ha, chiếm 9,5%.

5. Xác định các chương trình dự án ưu tiên.

- Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Nghiên cứu khoa học.

- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

- Quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng.

- Thông tin truyền thông và phát triển cộng đồng.

6. Nhu cầu vốn đầu tư:

Nhu cầu vốn đầu tư cho rừng đặc dụng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 là 336.854 triệu đồng; cụ thể như sau:

6.1. Về nguồn vốn:

- Vốn ngân sách: 104.807 triệu đồng, chiếm khoảng 31,1% tổng nhu cầu vốn;

- Vốn khác: 232.047 triệu đồng, chiếm 68,9 % tổng nhu cầu vốn.

6.2. Về cơ cấu vốn:

- Vốn đầu tư phát triển: 172.104 triệu đồng chiếm 51,10%, bao gồm:

+ Vốn ngân sách: 11.314 triệu đồng, chiếm 3,36 % tổng nhu cầu vốn.

+ Vốn khác: 160.790 triệu đồng, chiếm 47,73 % tổng nhu cầu vốn.

- Vốn sự nghiệp: 164.750 triệu đồng, chiếm 48,90%, bao gồm:

+ Vốn ngân sách: 93.493 triệu đồng, chiếm 27,75% tổng nhu cầu vốn.

+ Vốn khác: 71.257 triệu đồng, chiếm 21,15 % tổng nhu cầu vốn.

6.3. Về tiến độ đầu tư:

- Giai đoạn 2014 - 2015: 112.641 triệu đồng chiếm 33,44% tổng số vốn, bình quân mỗi năm: 56.320,5 triệu đồng.

- Giai đoạn 2016 - 2020: 224.213 triệu đồng, chiếm 66,56% tổng số vốn, bình quân mỗi năm: 44.842,8 triệu đồng.

7. Tổ chức thực hiện:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị công bố và tổ chức quản lý quy hoạch theo đúng quy định;

+ Chỉ đạo các chủ rừng cắm mốc quy hoạch, tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch chặt chẽ, có hiệu quả, đúng quy định;

+ Chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng; xây dựng, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra và xử lý việc thực hiện quy trình kỹ thuật về bảo vệ và phát triển rừng; khoanh nuôi phục hồi rừng, bảo tồn các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên; nguồn gốc, xuất xứ giống cây trồng và thực hiện công tác bảo tồn của các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh;

+ Định kỳ báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế và đề xuất các giải pháp để tổ chức quản lý, thực hiện quy hoạch có hiệu quả, đúng quy định.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, hàng năm rà soát, cân đối, tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn từ ngân sách và các nguồn vốn khác để thực hiện có hiệu quả quy hoạch.

- Sở Tài nguyên Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong quá trình quản lý, sử dụng đất tại các khu rừng đặc dụng; tăng cường quản lý môi trường và các tác động đến môi trường trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư trong vùng quy hoạch rừng đặc dụng; kịp thời xử lý hoặc đề xuất UBND tỉnh xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định.

- Sở Khoa học và công nghệ: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện các hoạt động có liên quan đến khoa học và công nghệ tại các khu rừng đặc dụng.

- Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, văn hóa tại khu vực quy hoạch rừng đặc dụng theo đúng quy định

- UBND các huyện: Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh:

+ Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan, các chủ rừng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng đặc dụng theo quy hoạch và đúng quy định;

+ Chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND các xã nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng, vùng đệm của rừng đặc dụng thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; có trách nhiệm tham gia thực hiện quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tại địa phương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND các huyện: Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh; Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang, Trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; (để b/c)
- Tổng cục Lâm nghiệp; (để b/c)
- TTr: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; (để b/c)
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh;
- Phó VP HĐND tỉnh (theo dõi nông lâm);
-Trung tâm CB-TH tỉnh;
- Lưu: VT, NL.
Gửi: VB giấy và ĐT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Đình Sơn