Quyết định 247/QĐ-TTg năm 2009 ban hành quy chế hoạt động của các thành viên Uỷ ban Dân tộc
Số hiệu: 247/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 24/02/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 04/03/2009 Số công báo: Từ số 139 đến số 140
Lĩnh vực: Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 247/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC THÀNH VIÊN UỶ BAN DÂN TỘC

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 60/2008/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Dân tộc,
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt dộng của các thành viên Uỷ ban Dân tộc.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, các thành viên Uỷ ban Dân tộc, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC THÀNH VIÊN UỶ BAN DÂN TỘC

(Ban hành kèm theo Quyết định số 247/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định nguyên tắc, phạm vi, trách nhiệm, mối quan hệ công tác, phiên họp Uỷ ban và chế độ thông tin, báo cáo của các thành viên Uỷ ban Dân tộc.

2. Quy chế này áp dụng đối với các thành viên Uỷ ban Dân tộc được quy định tại Điều 4 Nghị định số 60/2008/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Dân tộc và các cơ quan có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc làm việc

1. Các thành viên Uỷ ban Dân tộc làm việc theo nguyên tắc tập thể, xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền, phạm vi giải quyết của Uỷ ban Dân tộc.

2. Đề cao quyền hạn và trách nhiệm cá nhân của các thành viên theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc.

3. Các thành viên Uỷ ban Dân tộc giải quyết công việc theo thẩm quyền và trách nhiệm được phân công phù hợp với các quy định của pháp luật.

4. Bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc của từng thành viên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc phân công và Chính phủ quy định.

Chương II

PHẠM VI, TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 3. Phạm vi giải quyết công việc

Các thành viên Uỷ ban Dân tộc (gọi tắt là Thành viên) tham gia giải quyết công việc của Uỷ ban Dân tộc trong phạm vi sau đây:

1. Tham gia thảo luận, xem xét cho ý kiến về các vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ có thành viên đối với công việc do Uỷ ban Dân tộc chủ trì xây dựng:

a) Các dự án luật, pháp lệnh, nghị định, nghị quyết, đề án, chính sách lớn về lĩnh vực công tác dân tộc trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hoặc trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo uỷ quyền của Chính phủ;

b) Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hằng năm, chương trình hành động nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực công tác dân tộc trong phạm vi cả nước.

2. Đề xuất với Bộ trưởng, Bộ của mình xây dựng, bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ ban hành theo thẩm quyền và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đồng thời theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách sau khi ban hành.

3. Tổng kết, đánh giá các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ trong thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Điều 4. Trách nhiệm của các Thành viên

1. Chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc.

2. Trực tiếp chủ trì hoặc tham gia các đoàn kiểm tra, đánh giá việc thực hiện pháp luật, các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc thuộc phạm vi Bộ, ngành, địa phương theo sự phân công của Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành, địa phương và của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc.

3. Tham gia xây dựng các chương trình công tác 6 tháng, 1 năm và nhiệm kỳ của Uỷ ban Dân tộc.

4. Ngoài trách nhiệm chung đã nêu từ khoản 1 đến khoản 3 Điều này, đối với từng thành viên cụ thể còn có trách nhiệm sau:

a) Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc có trách nhiệm:

Chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về mọi hoạt động của Uỷ ban được quy định tại Quy chế này và các văn bản pháp luật khác có liên quan;

Kết luận hoặc quyết định cuối cùng các vấn đề mà các thành viên đã thảo luận và ký các văn bản của Uỷ ban Dân tộc với tư cách là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc;

Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, để đảm bảo thành viên là người thuộc Bộ, ngành nào thì là người được giao chịu trách nhiệm về các công việc thuộc trách nhiệm của Bộ trước Uỷ ban;

Căn cứ tính chất, nội dung công việc cụ thể, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc có thể uỷ quyền hoặc giao cho một thành viên trực tiếp chủ trì giải quyết công việc liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc;

Hằng năm tổ chức kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng thành viên, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo để Bộ trưởng các Bộ có thành viên biết.

b) Các thành viên có trách nhiệm:

Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc phân công.

Báo cáo Bộ trưởng Bộ của mình về kế hoạch, chương trình công tác và các nhiệm vụ được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc phân công cho thành viên; xin ý kiến về các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ để chuẩn bị ý kiến tại các Phiên họp Uỷ ban Dân tộc hoặc trả lời Phiếu lấy ý kiến các Thành viên.

Trường hợp Thành viên đi công tác vắng, không thể dự Phiên họp Uỷ ban hoặc trả lời Phiếu lấy ý kiến các Thành viên thì báo cáo Bộ trưởng cử người dự thay và phát biểu ý kiến của Bộ tại Phiên họp Uỷ ban hoặc Bộ trưởng trực tiếp trả lời Phiếu lấy ý kiến các Thành viên.

Chủ động giải quyết các công việc đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc phân công và uỷ quyền giải quyết, báo cáo tiến độ và kết quả các công việc đó trong quá trình triển khai thực hiện về Uỷ ban Dân tộc để tổng hợp chung.                        

Trực tiếp chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ thành viên triển khai hoặc phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Uỷ ban Dân tộc nghiên cứu xây dựng bổ sung, sửa đổi, kiểm tra, giám sát thực hiện cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ để thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước;

Đề xuất các chương trình, nội dung công tác thuộc lĩnh vực công tác dân tộc của Uỷ ban Dân tộc;

Định kỳ 6 tháng và năm gửi Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện chính sách dân tộc thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (bằng văn bản) cho Uỷ ban Dân tộc để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Điều 5. Mối quan hệ công tác

1. Quan hệ giữa các Bộ có thành viên với Uỷ ban Dân tộc là mối quan hệ phối hợp để giải quyết những vấn đề quản lý nhà nước do Bộ phụ trách có liên quan đến chức năng của Uỷ ban Dân tộc được quy định tại Điều 25 Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

2. Mối quan hệ giữa Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc với các thành viên là mối quan hệ chỉ đạo, phân công nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc phù hợp với chức năng của Bộ có thành viên.

3. Mối quan hệ giữa các thành viên là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc với các thành viên khác là Thứ trưởng thuộc các Bộ là mối quan hệ ngang cấp, bình đẳng trong công tác phối hợp giải quyết, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Uỷ ban Dân tộc theo sự phân công của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc.

4. Mối quan hệ giữa thành viên với các đơn vị chức năng thuộc Uỷ ban Dân tộc và cơ quan công tác dân tộc các địa phương là mối quan hệ chỉ đạo thực hiện các nội dung nhiệm vụ được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc phân công liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ của các đơn vị.

Chương III

PHIÊN HỌP ỦY BAN DÂN TỘC VÀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO

Điều 6. Phiên họp Uỷ ban Dân tộc (gọi tắt là phiên họp Uỷ ban)

1. Phiên họp Uỷ ban được tổ chức theo chế độ định kỳ và không định kỳ:

a) Phiên họp định kỳ được tổ chức một năm 2 lần (giữa năm và cuối năm) để kiểm điểm, đánh giá các mặt hoạt động, kết quả thực hiện nhiệm vụ, nội dung chương trình công tác của từng thành viên và Uỷ ban; bàn nhiệm vụ, chương trình công tác và giải pháp thực hiện cho thời gian tiếp theo.

b) Phiên họp không định kỳ được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc triệu tập một số hoặc tất cả các thành viên để giải quyết các nhiệm vụ của Uỷ ban được quy định tại Điều 3 Quy chế này hoặc các nhiệm vụ khác được cấp thẩm quyền giao.

2. Tổ chức Phiên họp Uỷ ban:

a) Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc quyết định nội dung, thành phần, thời gian và chương trình phiên họp Uỷ ban. Phiên họp toàn thể Uỷ ban được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số thành viên được triệu tập tham dự. Tuỳ theo nội dung phiên họp. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc có thể mời Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Uỷ ban Dân tộc và các Bộ có thành viên liên quan dự họp để báo cáo, tiếp thu, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, quyết định của Uỷ ban sau phiên họp;

b) Tài liệu phiên họp phải được gửi đến các thành viên thời gian ít nhất là 5 ngày trước ngày họp, trừ trường hợp đặc biệt;

c) Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc chủ trì các phiên họp Uỷ ban; trường hợp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc vắng mặt thì ủy nhiệm cho một thành viên chủ trì;

d) Các phiên họp Uỷ ban đều được ghi biên bản, đồng thời căn cứ nội dung, tính chất và yêu cầu của từng công việc có thể ra thông báo kết luận hoặc nghị quyết của Uỷ ban. Những nội dung cần thiết được trích sao từ biên bản gửi cho các thành viên và thông báo đến các Bộ có thành viên để phối hợp thực hiện. Biên bản và các văn bản có liên quan đều được lưu hồ sơ do Uỷ ban Dân tộc quản lý.

Điều 7. Chế độ thông tin báo cáo

1. Các thành viên có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Điều 4, Điều 5 Quy chế này tại các phiên họp của Uỷ ban.

2. Uỷ ban Dân tộc có trách nhiệm gửi báo cáo, chương trình công tác 6 tháng, 1 năm, các tài liệu theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 của Quy chế này và các tài liệu cần thiết khác cho các thành viên liên quan đến các nội dung Uỷ ban sẽ bàn và quyết định.

3. Hằng năm các thành viên phải xây dựng chương trình công tác của mình gửi Uỷ ban Dân tộc để tổng hợp xây dựng chương trình công tác chung của Uỷ ban báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi các Bộ, ngành có liên quan.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của Uỷ ban Dân tộc

1. Theo dõi, đôn đốc các Bộ, cá nhân có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Quy chế, định kỳ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Tạo điều kiện thuận lợi để các thành viên Uỷ ban Dân tộc thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Quy chế này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề phát sinh, vướng mắc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Quy chế, Uỷ ban Dân tộc tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 9. Trách nhiệm của các Bộ trưởng có thành viên

1. Phân công một Thứ trưởng làm thành viên, việc phân công phải đảm bảo tính ổn định trong cả nhiệm kỳ và trực tiếp phụ trách việc chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ ở vùng, địa bàn dân tộc thiểu số để thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

2. Các thành viên là Thứ trưởng các Bộ được hưởng mức phụ cấp kiêm nhiệm là 10% của tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) do Bộ có thành viên đó chi trả. Phụ cấp này không làm căn cứ tính Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, phí công đoàn.

3. Tạo điều kiện thuận lợi để các thành viên Uỷ ban Dân tộc hoàn thành nhiệm vụ được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc phân công và theo quy định tại Quy chế này./.